Trước hết, xin bà cho biết vì sao 12 tổ chức xã hội lại cùng nhất trí một tuyên bố để kiến nghị không phát triển xây mới thêm các nhà máy NĐT?
- Trong những thập trước đây, nhất là khi đất nước ta còn nghèo thì NĐT cũng có những đóng góp rất đáng kể. Tuy nhiên, tình hình đất nước nay đã khác rồi và vấn đề bây giờ là chúng ta phải thực hiện những điều đã được ghi trong Hiến pháp.
Cụ thể, điều 43 của Hiến pháp quy định "Mọi người dân Việt Nam đều có quyền sống trong môi trường trong lành". Chính từ điểm mấu chốt đó thì chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương Đảng cùng Quốc hội, Chính phủ mà đặc biệt là tuyên bố của Thủ tướng là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân và lấy chất lượng cuộc sống làm mục tiêu phấn đấu cho tất cả các ngành. Vì thế, tất cả những gì gây ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường và làm hại cho sức khỏe nhân dân thì đương nhiên chúng ta phải phản bác.
Trở lại việc 12 tổ chức đã liên minh tuyên bố ủng hộ Thủ tướng và phản đối những ý kiến ngược lại vì đây là chỉ đạo vô cùng đúng của Thủ tướng vì điều này là hợp hiến, phù hợp lòng dân. Và chỉ có như thế thì Việt Nam chúng ta mới có thể phát triển bền vững trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng ta không thể nào bớt đi một trụ cột nào cả và đó là việc đầu tiên.
Còn về thực tế một số các đồng chí lãnh đạo các tỉnh phía Nam đã kiên quyết phản đối xây dựng NĐT thì tôi cho là hoàn toàn đúng. Các đồng chí chắc chắn đã cân nhắc kỹ càng (giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe của dân) và trên cơ sở từ quyền lợi chính đáng của nhân dân để đi đến những ý kiến mạnh mẽ đó. Họ hoàn toàn có quyền như vậy để bảo vệ sức khỏe cho người dân của địa phương mình. Việc đó là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp, hợp hiến và không ai có quyền bác bỏ. Tuy nhiên, đã có những ý kiến yêu cầu Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải chấp nhận cho xây dựng NĐT thì tôi cho là không phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam.
Thứ hai, chúng ta phải cũng phải đặt câu hỏi: vì sao các nước phát triển gần như không phát triển NĐT nữa? Chẳng lẽ họ lại không có kiến thức hay không có khoa học công nghệ? Hay như Trung Quốc (nước ở sát cạnh ta) cũng đã gần như loại bỏ NĐT khỏi hệ thống năng lượng? Nhưng chính Trung Quốc lại tập trung mang vốn sang Việt Nam để làm NĐT?
Thứ ba là về môi trường. Ô nhiễm không khí ở nước ta đang ở tình trạng báo động mà tác nhân gây ô nhiễm đó gồm hai tác nhân chính một là khí phát thải và thứ hai là bụi mịn. Thế thì NĐT “đóng góp” ra môi trường cả 2. Nhìn trong sơ đồ điện 7 của chúng ta đến 2030 thì NĐT vẫn chiếm tới 43 % thì đó là thảm họa.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, chúng tôi đã được tiếp những người dân đến từ Phú Yên. Họ cho biết là bị ảnh hưởng rất nhiều từ NĐT và mong muốn Nhà nước có phương án để giảm thiểu đến cùng NĐT.
Riêng về việc tính giá để so sánh, chúng tôi đề nghị Chính phủ yêu cầu tính một cách thật đầy đủ giá thành NĐT và cần lưu ý là chúng ta lại phải nhập khẩu than chứ không hoàn toàn chỉ sử dụng than trong nước. Trên cơ sở đó sẽ so sánh giá thành của các loại năng lượng khác như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối... để chúng ta sẽ thấy được bài toán đơn thuần về kinh tế cho ngành điện chứ chưa nói đến cái giá của sức khỏe, môi trường… An ninh năng lượng là vô cùng quan trọng nhưng việc chọn dạng năng lượng nào thì phải rất cân nhắc tính toán. Nước ta có bờ biển dài hơn 3.200 km cùng tiềm năng ánh nắng nhiệt đới… cho nên việc lựa chọn loại hình năng lượng nào thì Chính phủ phải thực hiện đúng với mục tiêu phát triển bền vững vì quyền lợi tối cao của dân tộc như Thủ tướng đã tuyên bố.
Chúng ta không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Sức khỏe của người dân là vô giá. Hiện tại, tỷ lệ ung thư ở Việt Nam là rất lớn với con số tới 100.000 bị phát hiện và 100.000 người chết vì ung thư mỗi năm. Vì thế, không thể phát triển NĐT vì sự ô nhiễm môi trường mà nó gây ra. Chính NĐT đang góp phần tăng tỷ lệ ung thư, bệnh tật với rất nhiều người dân. Chính phủ vì thế nên có nghiên cứu và dần dần giảm tối thiểu tới mức có thể về NĐT.
Thứ tư, Chính phủ cần yêu cầu các nhà máy NĐT công khai và minh bạch về công nghệ đang sử dụng để các cơ quan chức năng và người dân biết, giám sát... Chính phủ nên cho tổ chức các đoàn giám sát độc lập, và sau khi có kết luận thì công bố công khai với dân chúng xem từng nhà máy NĐT đang sử dụng.loại công nghệ nào. Và ngoài những trạm quan trắc do các nhà máy xây dựng thì bộ tài nguyên môi trường nên có những trạm quan trắc độc lập để đo đạc nồng độ khí phát thải cùng bụi mịn của từng nhà máy NĐT, từ các số liệu độc lập và thì sẽ kết luận về hậu quả gây ra (đương nhiên người chịu trách nhiệm trước hết là nhà máy).
Nhà máy Nhiệt điện Uông bí mới bị phát nổ đầu năm 2020. Ảnh:báo Lao Động
|
Chúng tôi mong rằng các đồng chí lãnh đạo ngành năng lượng trong đó có cả những đồng chí tham gia chính phủ, tham gia đại biểu Quốc hội sẽ cân nhắc giữa quyền lợi chính đáng của người dân, vấn đề sức khỏe của dân, vấn đề mội trường và cao hơn là mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, cân nhắc lợi lích trước mắt và lâu dài để lựa chọn các loại hình năng lượng, cho dân được nhờ!
Bởi vì nếu cứ tiếp tục phát triển NĐT mà gây ô nhiễm môi trường thì có thể sẽ hối không kịp. Đành rằng với doanh nghiệp lợi nhuận là cần thiết nhưng phải hài hòa với lợi ích của nhân dân, đất nước. An ninh năng lượng là rất quan trọng nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Theo bà, Việt Nam có nên xây dựng nhà máy điện nguyên tử như Chính phủ đã dự kiến ở miền Trung không?
- Với năng lượng nguyên tử thì quan trọng nhất là an toàn. Nếu như chúng ta có đầy đủ các điều kiện để đảm bảo an toàn cho điện nguyên tử thì cũng có thể xây dựng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho điện nguyên tử là rất lớn. Vì thế, chúng ta nên tận dụng các loại năng lượng khác như thủy điện, điện mặt trời, điện gió… Còn điện nguyên tử, nếu đảm bảo điều kiện an toàn cùng yếu tố tài chính thì cũng không loại trừ.
Hiện vẫn có những ý kiến cho rằng giá điện ở Việt Nam vẫn còn thấp, chưa đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước. Bà có nhìn nhận gì về thực tế này?
- Để bàn về giá điện, thì trước hết không nên cho độc quyền. Chỉ có cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.thì dân mới được hưởng lợi (như ngành bưu chính viễn thông). Nên thực hiện xã hội hóa ngành điện thì giá thành điện sẽ hợp lý hơn.
Mọi so sánh đều khập khiễng vì muốn so sánh phải phải trên cùng một điều kiện kinh tế như nhau.Chỉ có điều dân không hiểu lắm vì ngành điện thì cứ bảo là không có lãi mà phúc lợi của nhân viên vẫn cao?
Như ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã trả lời VietTimes thì “Nhiều người đang vận động loại bỏ NĐT là thuần túy về tâm lý do chưa hiểu biết về khoa học”. Xin bà cho biết quan điểm về ý kiến này!
- Nếu vậy, để có thể có kết luận thế nào là đúng, tôi xin đề nghị Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo khoa học bao gồm những người có chuyên môn, khách quan, công tâm tranh luận công khai các quan điểm và nhất định sẽ tìm ra chân lý.
Xin cám ơn bà!