Cơn sốt “chia tay” TikTok
Vào hôm 10/3, Amazon đã gửi mail yêu cầu nhân viên xóa TikTok trên thiết bị di động, tin tức đã nhanh chóng được lan truyền trên các phương tiền truyền thông. Tuy nhiên, ngay sau đó, hãng đã nhanh chóng rút lại yêu cầu và giải thích email được gửi cho nhân viên do lỗi kỹ thuật. Mặc dù vậy, email của Amazon vẫn như một cơn gió mạnh thổi vào trận bão vốn đã tấn công TikTok trong thời gian gần đây.
Trong khi Amazon dỡ bỏ lệnh cấm, Wells Fargo – ngân hàng lớn thứ tư thế giới đã yêu cầu một số nhân viên xóa ứng dụng này với lý do lo ngại vấn đề bảo mật và quyền riêng tư. Trước đó, quân đội Mỹ cũng cấm các binh sĩ sử dụng TikTok trên các thiết bị di động do chính phủ cấp. Tuy nhiên, tất cả lệnh cấm đều trở thành nhỏ bé khi chính phủ Ấn Độ tuyên bố chặn TikTok trên quy mô quốc gia.
Ảnh: Adweek
|
Các báo cáo về những lo ngại bảo mật liên quan đến TikTok đã xuất hiện hơn một năm nay. Bên cạnh đó, chung số phận với Huawei, TikTok cũng đang phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ phía Hoa Kỳ trong cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc. Một câu hỏi phổ biến hiện nay liên quan đến ứng dụng Trung Quốc là liệu rằng nó có thực sự nguy hiểm hay không và người dùng có nên xóa TikTok không?
Mẫu số chung của các nền tảng mạng truyền thông xã hội
Một số lỗ hổng bảo mật trên TikTok cũng được phát hiện trên các nền tảng khác. Ảnh: Yahoo Finance
|
Thời gian gần đây, nhiều báo cáo xuất hiện cho rằng TikTok là phần mềm gián điệp của Trung Quốc, rằng app này đã đánh cắp dữ liệu từ các thiết bị của người dùng và gửi nó về Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể về cáo buộc này. Nhưng hiện tại, TikTok đang có hai thất bại nghiêm trọng, đủ để khiến hàng trăm triệu người dùng của nền tảng lo lắng.
Thứ nhất, cũng như các nền tảng tương tự khác, các phiên bản phần mềm của TikTok đôi khi xuất hiện các lỗ hổng bảo mật yêu cầu cần được "vá" khẩn cấp. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu bảo mật tại Check Point Research đã tìm thấy một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên TikTok.
Cụ thể, họ có thể giả mạo TikTok để gửi tin nhắn văn bản cho người dùng, qua đó dễ dàng chiếm quyền kiểm soát tài khoản của họ. Tuy nhiên, điều này không thực sự gây ngạc nhiên bởi nó đã được Check Point phát hiện trên các dịch vụ từ Microsoft, WhatsApp và thậm chí cả bóng đèn Philips Hue.
Vào tháng 6, TikTok bị phát hiện lấy dữ liệu clipboard (bộ nhớ tạm) trên iPhone. TikTok đã giải thích đây là tính năng chống spam, về cơ bản là tìm cách gắn cờ những người dùng sao chép cùng một bình luận vào các tài khoản khác nhau trêm cùng một thiết bị. TikTok đã thừa nhận vấn đề và gỡ bỏ tính năng trên.
“Tôi vẫn chưa thấy một mối đe dọa thực tế nào. Ứng dụng này không khác gì một trò chơi thông thường được thiết kế để giúp mọi người kết nối. Và đương nhiên, nó sẽ đi kèm với những rủi ro tương tự như bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào khác” - chuyên gia bảo mật Mike Thompson cho biết.
Các nền tảng truyền thông xã hội thường thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ cho mục đích quảng cáo. Ảnh: Entrackr
|
Thứ hai, TikTok là một nền tảng truyền thông xã hội. Một vấn đề quá quen thuộc mà chúng ta đã biết là có sự mâu thuẫn không nhỏ giữa các phương tiên truyền thông xã hội và quyền riêng tư dữ liệu. TikTok thu thập dữ liệu khi bạn sử dụng ứng dụng, từ đó, nó hiểu được bạn thích và không thích điều gì, bạn bè, thói quen thậm chí là cuộc sống của chính bạn. Facebook, Google và vô vàn những ứng dụng khác cũng đang làm những điều tương tự.
Chúng ta hẳn còn nhớ vụ Facebook bán dữ liệu người dùng cho Cambridge Analytica vào năm 2016. Thậm chí nó còn được đánh giá ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng, tác động đến các hoạt động bầu cử của chính phủ Mỹ.
Thực tế là bất kỳ dịch vụ miễn phí nào cũng muốn kiếm tiền từ dữ liệu mà nó đang tích lũy, và đó là thứ mà cả các dịch vụ của Mỹ cũng áp dụng.
Luôn bị gắn "mác" Trung Quốc
Ảnh: Forbes
|
Có một sự khác biệt vô cùng quan trọng giữa TikTok và các nền tảng mạng truyền thông xã hội phổ biến khác: TikTok là ứng dụng của Trung Quốc. Đây là ứng dụng đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc có đủ lực để cạnh tranh các “ông lớn” công nghệ của Mỹ. Thực tế thì TikTok thậm chí còn có sức ảnh hưởng hơn cả Instagram và YouTube. Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng vô tình giúp cho app này thành công hơn nữa khi hàng nghìn người phải ở nhà và tìm đến nó như một công cụ giải trí hàng đầu.
Việc TikTok là một ứng dụng của Trung Quốc cũng đã phát sinh một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt, là trong suy nghĩ của Mỹ và phương Tây. Mặc dù dữ liệu được thu thập từ hàng trăm triệu thiết bị nhưng nó sẽ không được dùng để theo dõi chỉ một cá nhân mà nó sẽ có cách để nhắm vào nhiều mục tiêu được chọn. Từ đó, các nền tảng này có thể cung cấp một bộ dữ liệu quý giá của một số mục tiêu theo quốc gia, thành phố, nhân khẩu học.
Nếu những thông tin này nằm trong tay của một chính phủ nước ngoài thù địch, đây sẽ là một mối nguy hiểm thực sự bởi trong thế giới hiện nay, phương tiện truyền thông xã hội được người dùng sử dụng như một nguồn tin tức chính. Khi TikTok bị coi là rủi ro an ninh quốc gia, thực chất là các nhà chức trách đang lo lắng về một nguy cơ TikTok “dắt mũi” người dùng của quốc gia họ.
Dựa trên một quan điểm nặng nề hơn, ông Thompson còn cho rằng TikTok và các ứng dụng khác có khả năng thao túng và kiểm soát xã hội, gây nhiễu thông tin. Theo ông, các nền tảng truyền thông xã hội không những nguy hiểm đối với cá nhân mà rộng hơn, nó còn là vấn đề nghiêm trọng đối với xã hội và nền dân chủ.
Tuy nhiên, dù có nguy hiểm hay không thì đó là vấn đề chung của các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay không phải của riêng TikTok. Điều không may mắn của TikTok là nó nổi lên trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ác liệt trong lĩnh vực công nghệ. Cùng chung số phận như Huawei, suy xét lại, TikTok cũng chỉ là một "con tốt" trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ giữa “anh cả” và “anh hai” của thế giới.
TikTok đã giải quyết bài toán khó như thế nào?
TikTok vẫn luôn nhấn mạnh rằng họ không hề cung cấp dữ liệu người dùng cho Bắc Kinh và sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu. Để tạo niềm tin nơi người dùng và các nhà chức trách, các lãnh đạo cao cấp của công ty cũng được điều chỉnh với CEO là người Mỹ, người đứng đầu chính sách an toàn và an ninh sản phẩm, chính sách công của hãng cũng đều là người Mỹ.
Mới đây, TikTok tuyên bố hãng đã xóa hơn 49 triệu video vi phạm trên nền tảng chỉ trong nửa cuối năm 2019, một con số khá lớn so với 14,7 triệu video mà YouTube đã xóa trong cùng thời gian này.
Bên cạnh đó, TikTok cũng đang dự kiến mở thêm một số văn phòng tại nước ngoài. Thực tế thì các văn phòng lớn nhất của TikTok không nằm ở Trung Quốc và hệ thống máy chủ của hãng cũng vậy.
Chốt lại, chúng ta có nên xóa TikTok hay không?
Ảnh: The Independent
|
Câu trả lời không hề dễ dàng chút nào. Với tư cách cá nhân, nguy cơ rủi ro trên TikTok cũng tương tự như khi bạn sử dụng Facebook, Instagram hay Twitter. Nếu bạn quyết định gắn bó với chúng, hãy cẩn thận với những gì bạn chia sẻ và không nên tiết lộ bất kỳ thông tin bảo mật và riêng tư dữ liệu nào.
Tuy nhiên, với tư cách là một công dân và những gì chúng ta biết về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, bạn có tự tin khi sử dụng một ứng dụng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc? Hãy cân nhắc kỹ nhé! Quyết định vẫn nằm trong tay bạn.
Theo Forbes