Được biết đã có không ít ý kiến phản đối việc phát triển, xây mới thêm các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam. Xin ông cho biết quan điểm của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong vấn đề này.
- Nói về quá khứ, nhiệt điện than đã xuất hiện trên thế giới từ rất nhiều thế kỷ qua. Riêng Việt Nam thì nhiệt điện than (NĐT) xuất hiện từ 1925 dưới thời kỳ Thực dân Pháp. Đó là nhà máy điện Yên Phụ, sau đó phát triển thêm các nhà máy Phố Cấm, Hải Phòng, Hòn Gai, Lào Cai, Hàm Rồng, Vinh, Việt Trì, Uông Bí... tổng công suất điện khoảng 100 MW (lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ).
Tiếp đó, vào đầu những năm 1970 Việt Nam phát triển thêm các dự án NĐT Ninh Bình (100 MW); năm 1975 và 1976 mở rộng NĐT Uông Bí (153 MW); đầu những năm 1980: NĐT Phả Lại 1: (440 MW), v.v...
NĐT trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ là nguồn điện cùng nhân dân Việt Nam, đánh thắng giặc Pháp, thắng giặc Mỹ, làm hậu phương vững chắc cho kháng chiến ở miền Nam. Lần lượt từ năm 1971 đến 1994, miền Bắc xây dựng các thủy điện Thác Bà (1971), Hòa Bình (1986); miền Nam có thủy điện Trị An (1991) bổ sung cho hệ thống điện quốc gia.
Hơn 30 năm đổi mới hàng năm NĐT đóng góp hàng trăm tỷ kWh cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mới có thành quả như ngày nay.
Cho đến nay, tổng kết năm 2019, tổng công suất điện cả nước đạt 54.880 MW, trong đó NĐT: 20.200 MW, chiếm 36,1%, nhưng có giá trị rất cao về sản xuất ra điện lượng. Sản lượng do NĐT phát ra chiếm 150 tỷ kWh trong tổng số 231 tỷ kWh điện cả năm của Việt Nam. Bởi lẽ, NĐT là nguồn điện ổn định quanh năm, số giờ lên tới 7.000 giờ/năm, do thiếu điện nên gần đây thường xuyên vận hành tới 8.000 giờ/năm, hiện chưa có nguồn điện nào đạt được điều kỷ lục như vậy.
Như vậy, NĐT đóng góp vai trò rất lớn trong các thời kỳ cách mạng của chúng ta và hiện vẫn đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế Việt Nam.
Còn hiện nay, tại sao trên thế giới lại có chuyện phản đối NĐT? Thế giới cũng như Việt Nam chúng ta. Trong thời kỳ tiền công nghiệp, trong thời kỳ bắt đầu phát triển thì đương nhiên phải dùng công nghệ lạc hậu. Nhiên liệu đầu vào toàn sử dụng than cám 6, than cám 7 với nhiệt trị thấp và xỉ than nhiều, khói bụi nhiều cùng các khí thải chứa nhiều CO2, SO2, NOx… Tuy nhiên, ở Việt Nam thì các nhà máy NĐT không nằm tập trung một chỗ mà được phân bố nhiều nơi. NĐT cũng mới xuất hiện ở phía Nam trong những năm gần đây.
Các nước phát triển có nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Cụ thể như Mỹ là trên 400.000 MW, Đức là trên 370.000 MW… Còn nhu cầu về điện của Việt Nam hiện vẫn chưa bằng Philippines, Thái Lan. Và những người không hiểu biết về công nghệ năng lượng hiện đại cứ đấu tranh, bài bác NĐT.
Vậy xin ông cho biết, công nghệ sản xuất điện than ngày nay đã và sẽ như thế nào để giảm thiểu ô nhiễm môi trường?
- Nếu như công nghệ lạc hậu mà lại bố trí tập trung thì đương nhiên sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nhưng càng ngày thì công nghệ sản xuất điện than càng tiên tiến lên. Với công nghệ ngày nay, người ta không còn dùng lò hơi là lò tầng sôi nữa mà chuyển sang lò hơi siêu tới hạn. Và hiện đại hơn bây giờ là công nghệ siêu siêu tới hạn. Tức là lò đốt đó có nhiệt trị rất cao và dùng loại than cám đặc biệt.
Lò đốt siêu tới hạn và siêu siêu tới hạn có một số ưu điểm như: tro xỉ gần như không còn, các chất độc như CO2, SO2, NOx… thải ra cũng không còn bao nhiêu nữa vì bản thân lò hơi đó đã triệt tiêu những loại khí này rồi. Hiện nay, thế giới vẫn đang phát triển các công nghệ này trong NĐT. Và chính các nước phát triển vẫn đang sử dụng NĐT. Chỉ có điện nguyên tử là hạn chế phát triển và thậm chí loại bỏ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển thì chưa mấy ai hiểu về các thuật ngữ “siêu tới hạn” và "siêu siêu tới hạn". Công nghệ siêu tới hạn đã có khoảng 10 năm nay, còn công nghệ siêu siêu tới hạn thì mới có vài năm nay. Công nghệ siêu siêu tới hạn hiện mới có ở Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc. Và ở các nhà máy ứng dụng công nghệ này thì dường như không thấy khói và tro xỉ. Rất nhiều chuyên gia của chúng ta đã tham quan các nhà máy điện than ứng dụng công nghệ siêu siêu tới hạn ở Trung Quốc và đều thấy đáng mê, nên triển khai xây dựng ở Việt Nam.
Thực tế trên thế giới, không nước nào có thể bỏ NĐT mà chỉ giảm NĐT đi. Cụ thể là loại bỏ các công nghệ lạc hậu, tăng cường các công nghệ hiện đại. Và với các công nghệ hiện đại, chúng ta vẫn giữ ổn định được nguồn NĐT.
Trong năng lượng, chỉ có NĐT là đảm bảo tính hiệu quả cao nhất, khả năng tốt nhất. Trong khi đó, thủy điện hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của nguồn nước và cũng không thể phát điện với cường độ cao như NĐT. Còn các loại năng lượng điện khác thì cũng cần phát triển nhưng không thể là chủ đạo được. Chúng tôi đã kiến nghị với quy hoạch điện 8 sau năm 2030 là nên cho thử nghiệm xây dựng một số nhà máy điện than với công nghệ siêu siêu tới hạn.
Còn hiện nay, Việt Nam chúng ta cũng đã có một số nhà máy điện than với công nghệ siêu tới hạn rồi. Cụ thể như Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3… Nhưng tại sao tro xỉ của các nhà máy này vẫn nhiều và dân vẫn kêu? Bởi lẽ, siêu tới hạn thì dùng than cám 5. Còn siêu siêu tới hạn thì dùng than cám 3 và 4. Đây là loại than có nhiệt trị rất cao khoảng 7.000 K Calo, còn than cám 5 mới có 5000 - 6.000 K Calo thôi. Tuy nhiên, các loại than cám này Việt Nam không có mà phải nhập khẩu cám 3, cám 4. Sau đó lại trộn với than Antracid của Quảng Ninh vào thành than cám 5 nhưng quá trình trộn lại lẫn cả đất cát. Vì thế khi đốt lên đã cháy không hết nên tro xỉ và khói bụi vẫn nhiều. Đây là bài toán mà chúng tôi đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải sớm khắc phục. Và ngành than phải cung cấp than sạch, không được để lẫn đất cát vào.
Lại nói thêm về công nghệ siêu siêu tới hạn thì bản thân công nghệ này đã khắc phục được phần lớn về nguy cơ ô nhiễm môi trường. Còn trong trường hợp khi đo kiểm chưa đạt tới con số cho phép thì chỉ cần lắp thêm một thiết bị phụ bên ngoài là khử hết hoàn toàn.
Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ là nên bỏ các nhà máy điện than dùng công nghệ lò tự sôi đã cũ và lạc hậu với tuổi thọ 50 – 60 năm. Thay vào đó là phát triển các nhà máy với công nghệ siêu tới hạn. Còn nếu đủ tiền thì phát triển công nghệ siêu siêu tới hạn.
Với công nghệ siêu siêu tới hạn, suất đầu tư là 3.500 USD/KW (công nghệ Nhật Bản). Còn với công nghệ của Mỹ thì là 4.500 USD/KW. Trong khi đó, công nghệ siêu tới hạn chỉ khoảng 3.000 USD/KW. Chính vì vậy, chúng ta nên đầu tư thẳng vào công nghệ siêu siêu tới hạn với nhiệt điện than hơn là điện khí (LNG). Và với điện khí thì cũng khá phức tạp vì còn phải có cảng, có kho và phải bơm khí để đưa vào vận hành.
Ngoài việc phát triển nhiệt điện khí, Việt Nam sẽ xây dựng một số nhà máy nhiệt điện than với công nghệ hiện đại nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long
|
Xét về giá thành, điện nguyên tử là đắt nhất, sau đó đến LNG. NĐT công nghệ siêu siêu tới hạn tuy cũng đắt nhưng an toàn, bền vững và tạo được nền tảng an ninh năng lượng rất lâu bền.
Việc nhiều người đang vận động loại bỏ NĐT là thuần túy về tâm lý do chưa hiểu biết về khoa học. Còn những người như chúng tôi thì phải dùng khoa học để chứng minh và thuyết phục xã hội.
Vây ông nghĩ gì về tương lai của các loại năng lượng tái tạo ở Việt Nam?
- Trong năng lượng tái tạo có năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt, thủy triều… Tuy nhiên, chúng ta nói cho vui thôi vì điện thủy triều thì không làm được vì chúng ta chưa đủ khả năng. Địa nhiệt thì chúng ta cũng có vài nơi có nguồn suối nước nóng nhưng cũng không khai thác được. Và dẫu có khai thác được thì công suất cũng không đủ lớn. Còn năng lượng sinh khối thì cũng là một nguồn vô tận vì đất nước chúng ta có ¾ là rừng. Riêng các phụ phẩm rừng nếu lấy ra làm điện thì cũng được khá nhiều. Và cũng phải kể đến rác thải sinh hoạt nữa. Tuy nhiên, thực tế cũng chưa làm được mấy.
Thực tế, chỉ có điện mặt trời và điện gió là có thể dễ phát triển. Tuy nhiên, điện mặt trời hoàn toàn phụ thuộc vào ánh nắng mặt trời. Nếu có nắng nhiều thì cường độ phát điện cao và ngược lại. Vì thế, đây là nguồn điện không ổn định và về đêm thì hoàn toàn không có. Mà đã là không ổn định thì không thể phục vụ tốt cho sản xuất công nghiệp được vì các loại động cơ điện chỉ chạy tốt khi tần số điện ổn định.
Còn với điện gió thì có 2 loại là điện gió trong bờ và điện gió ngoài khơi. Với gió trong bờ thì tốc độ tối đa chỉ 4 m/giây và chỉ dùng được với turbine 2 – 2,4MW/1 tubin. Với điện gió ngoài khơi thì có thể quay được turbine lớn hơn, có thể tới 9 – 10MW/1 tubin. Và gió ngoài khơi có thể là quanh năm với số giờ có thể lên tới trên 5.000 giờ/năm. Điện gió trong bờ chỉ không quá 2.000 giờ/năm. Điện mặt trời thì chỉ đạt 1.000 – 2.000 giờ/năm. Vì thế, chúng tôi đã khiến nghị là Việt Nam nên tích cực phát triển điện gió ngoài khơi vì lợi thế bờ biển dài trên 3.200 km.
Tuy nhiên, việc phát triển điện gió khá phức tạp vì trước hết phải thông qua nhiều bộ ngành như Quốc phòng, Thủy sản, Tài nguyên và Môi trường, Hàng không... Bên cạnh đó là vốn đầu tư cũng khá lớn cùng những sự phức tạp về truyền dẫn điện… Nếu như phát triển được điện gió ngoài khơi, các tỉnh duyên hải của chúng ta sẽ chủ động một phần đáng kể về nguồn điện cho mình.
Xin cám ơn ông!
Việt Nam nên thành lập lại Bộ Năng lượng Vẫn theo ông Trần Viết Ngãi, suốt nhiều năm qua Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ nên cho thành lập lại Bộ Năng lượng. Nguyên nhân vì năng lượng trong đó quan trọng nhất là điện năng chính là huyết mạch để nuôi sống nền công nghiệp nước nhà cùng nhu cầu dân dụng. Có rất nhiều vấn đề mà bản thân ngành năng lượng phải chủ động tự giải quyết. Việc đặt ngành năng lượng trong Bộ Công thương như hiện này là không mấy phù hợp và thiếu tính chủ động. |