Sau khoảng thời gian 2 năm trì trệ do các vấn đề kỹ thuật, việc chế tạo hàng không mẫu hạm thứ tư của Trung Quốc đã nối lại từ đầu năm nay; theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
“Các công nhân đóng tàu và kỹ sư đang chuẩn bị đạt được một bước đột phá đáng kể trong việc chế tạo con tàu sân bay thứ tư” – SCMP dẫn một nguồn tin Hải quân Trung Quốc giấu tên, cho hay – “Nó sẽ là bước nhảy vọt về công nghệ đối với ngành công nghiệp đóng tàu…nhưng việc chế tạo có thể tốn thời gian hơn so với con tàu trước do có hệ thống động cơ khác”.
Trung Quốc hiện đã có 2 hàng không mẫu hạm đã đi vào hoạt động, trong khi chiếc thứ 3 – mà nguồn tin nhắc tới – dự kiến sẽ được triển khai trong năm nay. Không có chiếc nào trong số này chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Một nguồn tin thứ hai nói với SCMP rằng Quân ủy Trung ương Trung Quốc đang nghiên cứu một đề xuất mà Tổng công ty Đóng tàu nhà nước (CSSC) đưa ra, trong đó sử dụng năng lượng nguyên tử cho tàu sân bay thứ tư. Người này không nói quyết định cuối cùng đã được đưa ra hay chưa, nhưng thêm rằng đây sẽ là “quyết định đầy thách thức”.
Tháng 2/2018, CSSC cho hay họ đã bắt đầu phát triển hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử, giúp cho Hải quân Trung Quốc “tăng cường sự biến đổi về mặt chiến lược cùng khả năng sẵn sàng chiến đấu ở những vùng nước sâu và vùng biển lớn vào năm 2025”.
Năm 2019, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc đã mời thầu hợp đồng chế tạo một con tàu chặ bằng năng lượng hạt nhân có trọng tải 30.000 tấn, mà họ mô tả như một “nền tảng thử nghiệm”.
Nguồn tin đầu tiên cho hay “nền tảng thử nghiệm này” được lên kế hoạch chế tạo để làm mẫu thử nghiệm các lò phản ứng hạt nhân, để sau đó lắp đặt trên các hàng không mẫu hạm.
Nhiều thông báo mà PLA đưa ra năm ngoái cũng cho thấy họ đã mua hàng loạt báo cáo về cách chế tạo một hệ thống động cơ chạy bằng năng lượng nguyên tử.
PLA hiện sở hữu hơn một chục tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, bao gồm Type 091, Type 093 và Type 095.
Chuyên gia hải quân Li Jie của Trung Quốc nói rằng hệ thống năng lượng nguyên tử không chỉ cho phép các hệ thống phóng điện từ của tàu sân bay vận hành trơn tru hơn mà còn hỗ trợ các vũ khí cao năng lượng như laser và súng điện tử.
“Thêm vào đó, tháp kiểm soát trên tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử nhỏ hơn nhiều so với tàu chạy bằng năng lượng truyền thống, bởi vậy sẽ có thêm không gian để chứa máy bay” – ông Li Ji nói.
Hiện chưa rõ tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc sẽ lớn cỡ nào, nhưng chiếc thứ ba có độ choán nước khoảng 85.000 tấn.
Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hàng hải Đài Loan, nói rằng nếu PLA quyết định sử dụng năng lượng nguyên tử cho tàu sân bay thứ tư, có khả năng CSSC trong tương lai sẽ cải biến các turbine hơi nước trên các tàu sân bay trước đó thành các lò phản ứng hạt nhân.
PLA từng làm điều tương tự với tàu Liêu Ninh – hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ, dựa trên một con tàu chưa hoàn thiện của Liên Xô mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998 – sau khi nghiên cứu xem những công nghệ mới có được áp dụng thành công trên con tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước, tàu Sơn Đông, hay không.
Tàu Liêu Ninh vào biên chế Hải quân Trung Quốc năm 2012, trải qua một quá trình cải tiến kéo dài trong khoảng cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
Nhiều hình ảnh được CSSC công bố trên mạng cho thấy thiết kế và kích thước của tòa tháp kiểm soát trên tàu sân bay thứ ba tương tự như của tàu Liêu Ninh và Sơn Đông. “Các tàu san bay chạy năng lượng truyền thống cần có tháp kiểm soát lớn hơn bởi nó cần các ống khói để thải khí thải”, ông Li nói.
Một số báo cáo khác công bố trên mạng nói rằng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sẽ bắt đầu vận hành vào ngày 1/7/2021, đánh dấu 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, Zhou Chenming, nhà nghiên cứu thuộc hãng Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng rất khó có khả năng như vậy bởi “đảm bảo về chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu” của các dự án tàu sân bay.
“Các hệ thống vũ khí trên tàu được chế tạo để chiến đấu, chứ không phải để ăn mừng những ngày đặc biệt” – ông nói.
Trước đó, Hải quân Trung Quốc từng tuyên bố kế hoạch vận hành ít nhất 6 nhóm tác chiến hàng hông mẫu hạm vào năm 2035, nhằm bắt kịp sức mạnh hải quân với Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Theo SCMP