Căng thẳng Mỹ-Trung: hai máy bay đối đầu nhau gần Đài Loan, tàu sân bay Mỹ tiếp cận bãi Scaborough

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tin tức cho thấy ngày 26/1, máy bay quân sự của Trung Quốc và Mỹ cùng lúc xuất hiện trên vùng trời phía tây nam Đài Loan, trong khi tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông ngày 23/1, đã đến vùng phụ cận bãi Scarborough.
Tình hình đối đầu quân sự Mỹ - Trung nóng lên với việc hai máy bay quân sự của hai nước bay ngược chiều gần nhau hôm 26/1 (Ảnh: Dongfang).
Tình hình đối đầu quân sự Mỹ - Trung nóng lên với việc hai máy bay quân sự của hai nước bay ngược chiều gần nhau hôm 26/1 (Ảnh: Dongfang).

Tài khoản Twitter Aircraft Spots chuyên theo dõi hoạt động của máy bay, ngày 26/1 đã thông báo nói một máy bay trinh sát điện tử EP-3E của Hải quân Mỹ và một máy bay máy gây nhiễu điện tử Y-8G của không quân PLA đã cùng lúc xuất hiện trong không phận phía Tây Nam của Đài Loan, thậm chí bay về phía nhau.

Bài đăng trên Aircraft Spots cho thấy sau khi bay qua eo biển Bashi, chiếc máy bay trinh sát điện tử EP-3E của quân đội Mỹ đã bay về phía lục địa Trung Quốc qua vùng trời phía tây nam của Đài Loan; cùng lúc đó, một chiếc máy bay gây nhiễu điện tử Y-8G của PLA cũng xuất hiện trên vùng trời này và hai máy bay quân sự của cả hai bên đã bay đối đầu với nhau. Cơ quan Quốc phòng Đài Loan tối 26/1 đã xác nhận rằng cùng ngày còn có thêm một máy bay chống ngầm Y-8 và 2 máy bay chiến đấu J-10, tổng cộng 4 máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay vào vùng trời phía Tây Nam. Không quân Đài Loan đã cho máy bay cất cánh tuần tra để phát thanh xua đuổi.

Sơ đồ đường bay hai máy bay quân sự Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).

Sơ đồ đường bay hai máy bay quân sự Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 26/1, truyền thông nước ngoài gần đây đưa tin, những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy quân đội Trung Quốc (PLA) tiếp tục tăng cường xây dựng lực lượng không quân và hải quân tại tỉnh Hải Nam ở cực bắc Biển Đông. Ngoài việc thiết lập các căn cứ quân sự, họ còn xây dựng một ụ tàu mới tại Căn cứ Hải quân Du Lâm có thể tiếp nhận tàu sân bay. Hiện tại, có 8 và 6 máy bay cỡ lớn đang đậu trên sân đỗ của các căn cứ không quân Lăng Thủy và Quỳnh Hải trên bờ biển phía đông tỉnh Hải Nam.

Tin cho biết, Hải quân PLA đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và các máy bay trinh sát khác tại Căn cứ Không quân Lăng Thủy. Hiện tại, hai tàu sân bay trực thăng đổ bộ tấn công đã được triển khai tới Căn cứ Hải quân Du Lâm. Một tàu tấn công đổ bộ Type 075 khác hiện đang trong quá trình thử nghiệm trên biển và chưa được đưa vào sử dụng chính thức.

Trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) ngày 25/1 đưa tin, từ ngày 23 đến ngày 24/1, PLA đã cho 28 lượt chiếc máy bay quân sự bay vào vùng trời Tây Nam Đài Loan, chúng chủ yếu là các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, trong đó có máy bay ném bom H-6K.

Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

H-6K là mẫu cải tiến sâu của H-6, lần đầu lộ diện vào năm 2007. Toàn bộ thân máy bay được thiết kế lại, mũi được trang bị radar lớn, buồng lái là loại "buồng lái kính", được cập nhật thiết bị điện tử, đã được lắp đặt hệ thống thoát hiểm và động cơ D30-KP-2 của Nga, có 6 điểm treo dưới cánh. Vũ khí đường không chính của nó bao gồm tên lửa không đối đất và tên lửa hành trình với bán kính chiến đấu hơn 3.500 km.

Liên quan đến việc máy bay quân sự của PLA bay vòng quanh Đài Loan, người phát ngôn của Chiến khu Miền Đông đã tuyên bố, Đài Loan và các đảo liên kết là một phần lãnh thổ thiêng liêng và không thể chia cắt của Trung Quốc. Các chuyến bay tuần tra sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc là hoàn toàn hợp pháp và là hành động cần thiết trước tình hình an ninh hiện nay trên eo biển Đài Loan và nhu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Lực lượng của Chiến khu Miền Đông quyết tâm và đủ khả năng đánh bại mọi hoạt động ly khai "Đài Loan độc lập", kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 23/1 ra thông cáo cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Roosevelt đã tiến vào Biển Đông vào cùng ngày.

Biên đội tàu sân bay USS Roosevelt tại vùng biển gần bãi Scarborough hôm 25/1 (Ảnh: Dwnews).

Biên đội tàu sân bay USS Roosevelt tại vùng biển gần bãi Scarborough hôm 25/1 (Ảnh: Dwnews).

Cơ quan tư vấn Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Viện nghiên cứu Hải dương thuộc Đại học Bắc Kinh đã công bố thông tin mới nhất rằng theo các hình ảnh vệ tinh vào ngày 25/1, tàu USS Roosevelt đã đi đến vùng biển gần bãi Scarborough Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines (Trung Quốc gọi là “Hoàng Nham”).

Liên quan đến việc máy bay và tàu quân sự của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc kêu gọi Mỹ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ, đồng thời xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan một cách thận trọng và đúng đắn để không làm tổn hại đến quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Trong thông tin liên quan, trang tin Dongfang cùng ngày 26/1 cho biết, việc các máy bay quân sự của PLA gần đây thường xuyên đi vào không phận Đài Loan, đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ của phía Đài Loan. Hôm 26/1, Liên đội I của Không quân Đài Loan ở Đài Nam đã công khai thông tin về cuộc diễn tập của máy bay chiến đấu Kinh Quốc (IDF) với tên lửa hành trình Vạn Kiếm. Theo báo chí Đài Loan, tên lửa Vạn Kiếm có tầm bắn 200 km, chỉ cần một quả có thể phá hủy một chiến hạm hoặc đường băng sân bay của đối phương để ngăn cản đối phương tấn công.

Các nhân viên mặt đất của căn cứ không quân Đài Nam đang lắp tên lửa hành trình Vạn Kiếm lên máy bay IDF (Ảnh: Dongfang).

Các nhân viên mặt đất của căn cứ không quân Đài Nam đang lắp tên lửa hành trình Vạn Kiếm lên máy bay IDF (Ảnh: Dongfang).

Cuộc tập trận được tiến hành tại căn cứ không quân Vân Gia, thành phố Đài Nam, quân đội Đài Loan cho biết sau khi quả tên lửa Vạn Kiếm tới khu vực mục tiêu, nó sẽ tung ra mấy trăm quả đạn con và rải xuống, có thể làm tê liệt ngay đường băng của sân bay. Một máy bay chiến đấu Kinh Quốc có thể mang tối đa 2 quả Vạn Kiếm. Căn cứ Tân Trúc và Bành Hồ nơi bố trí loại máy bay chiến đấu này nằm cách Hạ Môn và Phúc Châu của đại lục khoảng 180 km và 70 km. Các quả tên lửa Vạn Kiếm có tầm bắn từ 150 đến hơn 200 km. Viện Khoa học Trung Sơn của Đài Loan hiện thậm chí còn có kế hoạch tăng tầm của nó lên 400 km.

Đối với chiến đấu cơ Kinh Quốc, trong trường hợp có chiến tranh, nó không cần phải bay vào vùng trời đại lục mà chỉ cần tới gần đường trung tâm eo biển Đài Loan là có thể tấn công bờ biển phía đông nam của Trung Quốc lục địa từ xa trên không, phạm vi có thể bao phủ các sân bay quân sự ở Phúc Kiến, Chiết Giang và Quảng Đông. Nó có thể gây trì hoãn hiệu quả thời gian các máy bay chiến đấu của PLA tấn công Đài Loan, đồng thời có thể giảm đáng kể nguy cơ bị tấn công. Có thông tin cho rằng quân đội Đài Loan sẽ chi khoảng 7 tỉ đô la Đài Loan (tân Đài tệ) để sản xuất khoảng 100 quả Vạn Kiếm.