Tàu sân bay được triển khai rầm rộ: Phô diễn sức mạnh hay thông điệp chính trị?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một cuộc tập trận được tổ chức trong tháng 10 năm ngoái đã cho thấy một trường hợp điển hình về triển khai ồ ạt những con tàu cỡ lớn.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson, cùng tàu sân bay JS Ise của Nhật Bản và tàu HMS Queen Elizabeth của Anh tuần tra chung trên biển Philippines (Ảnh: SCMP)
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson, cùng tàu sân bay JS Ise của Nhật Bản và tàu HMS Queen Elizabeth của Anh tuần tra chung trên biển Philippines (Ảnh: SCMP)

Trong cuộc tập trận đó, cùng với tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, các tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson của Mỹ, đã cùng nhau đi tuần tra các vùng biển xung quanh Đài Loan.

Nhiệm vụ tuần tra có sự tham gia của nhiều hàng không mẫu hạm được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng đột biến giữa Trung Quốc và Mỹ, và có mục đích là thể hiện sự quyết tâm của các bên tham gia trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”.

Ngoài các cuộc tuần tra và tập trận có sự tham gia của tàu cỡ lớn, ngày càng có thêm nhiều quốc gia tham gia vào câu lạc bộ tàu sân bay.

Nhật Bản hiện đang chỉnh sửa tàu khu trục lớp Izumo để có thể mang theo chiến đấu cơ F-35B, trong khi Hàn Quốc cũng đã tái khởi động kế hoạch tàu sân bay của họ. Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho ra mắt tàu sân bay thứ ba.

Những con tàu cỡ lớn này thường được xem là biểu tượng của sức mạnh quân sự cũng như sự quyết tâm của một nước, và ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong khu vực. Nhưng các nhà quan sát nói rằng sự xuất hiện thường xuyên của các con tàu này sẽ tạo ra nhiều rủi ro, bởi vậy mà sẽ cần có thêm đường dây liên lạc giữa các nước.

Timothy Heath, chuyên gia phân tích quốc phòng quốc tế đến từ tổ chức Rand Corporation, nói rằng các tàu sân bay thường được triển khai để đưa ra các thông điệp chính trị.

“Việc sử dụng các tàu sân bay để gửi đi thông điệp và thể hiện sức mạnh là một triệu chứng của một thế giới đang trở nên căng thẳng và xuất hiện nhiều cuộc khủng hoảng quân sự” – ông Heath nói – “Chính phủ các nước trên thế giới hy vọng tránh khỏi chiến tranh, bởi vậy mà họ dựa vào các lực lượng quân sự để gửi đi các thông điệp cảnh báo và răn đe.”

“Các tàu sân bay là một trong những nền tảng quân sự sẵn có cao cấp nhất hiện nay và bởi vậy chúng rất phù hợp để đưa ra thông điệp. Tuy nhiên, xét về khả năng chiến đấu, các tàu sân bay ngày càng trở nên dễ bị hứng đòn hơn trong kỷ nguyên của các loại tên lửa hành trình chống hạm tầm xa, tên lửa đạn đạo”, ông Heath nói thêm.

Vị chuyên gia cho hay, ông kỳ vọng quân đội các nước sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận và huấn luyện để đảm bảo sự sẵn sàng, có thể đưa ra thông điệp răn đe vào mọi lúc. Nhưng thêm vào đó, cũng cần tới hoạt động ngoại giao tích cực nhằm giảm thang căng thẳng, để có thể thúc đẩy an ninh cho tất cả các bên.

James Bosbotinis, chuyên gia về quốc phòng và các vấn đề quốc tế, nói rằng chính phủ các nước nên tăng cường liên lạc và phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin để kiểm soát căng thẳng địa chính trị.

“Xét về điều này, Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore là điều đáng giá. Ngoài việc thể hiện sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy, các tàu sân bay cùng các nhóm tác chiến của chúng cũng có thể đóng góp quan trọng cho ngoại giao”, ông Bosbotinis cho hay, nhắc tới diễn đàn an ninh châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức ở Singapore cuối tuần qua.

“Bằng các hoạt động như thăm cảng và tập trận huấn luyện, các lực lượng hải quân đã đóng góp cho hoạt động ngoại giao. Thêm nữa, lực lượng hải quân của các phe đối lập có thể tham gia vào các hoạt động xây dựng lòng tin để giảm căng thẳng, ví dụ như các chuyến thăm cảng giúp tăng cường tiếp xúc ở nhiều cấp độ”, vị chuyên gia nói thêm.

Tuy nhiên, Drew Thompson, chuyên gia nghiên cứu đến từ Trường Chính sách công Lee Kuan Yew thuộc ĐH Quốc gia Singapore, cho rằng không nên dịch hiểu quá nhiều từ những cuộc triển khai tàu sân bay.

“Không gì so sánh bằng các tàu sân bay, và chúng phục vụ cho các mục đích đặc biệt, thường là để bơm sức mạnh tới các khu vực xa, chứ không nhằm vào các tàu sân bay khác”, ông Thompson nói.

Theo SCMP