Tàu ngầm Kilo Việt Nam- Cơn đau đầu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông

Các nhà phân tích cho rằng việc trang bị các tên lửa tấn công mặt đất là quyết tâm của Việt Nam đối phó với sự mở rộng quân sự Trung Quốc trong xu hướng các nước châu Á tăng cường trang bị khi gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền.
Tên lửa hành trình Club
Tên lửa hành trình Club

Việt Nam quyết định trang bị cho hạm đội tàu ngầm các tên lửa tấn công mặt đất có khả năng bao phủ các thành phố ven biển của Trung Quốc, sự lựa chọn loại vũ khí này có khả năng được coi là đối phó với các động thái hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Viện nghiên cứu độc lập Stockholm International Peace Research (SIPRI) cập nhật dữ liệu trên trang thông tin của mình, đề cập đến việc Việt Nam đặt mua các tên lửa tấn công mặt đất và trên biển Club - S để trang bị cho các tàu ngầm hiện đại lớp Kilo, được đặt đóng tại Nga.

Nhà nghiên cứu vũ khí của SIPRI Siemon Wezeman đưa ra nội dung trên dựa trên một bản công báo đăng ký loại vũ khí thông thường ít được chú ý, đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái.

Tùy viên quân sự các nước trong khu vực và các nhà phân tích có quan điểm cho rằng việc đặt mua tên lửa Club như là một dấu hiệu về quyết tâm của Việt Nam đối phó với tiến trình mở rộng sự hiển diện quân sự của PLA trên biển và nằm trong xu hướng chung của các nước châu Á gia tăng vũ khí trang bị khi Trung Quốc phát triển mạnh sức mạnh hải quân trong bối cảnh thực hiện các động thái làm căng thẳng tranh chấp lãnh thổ tăng cao.

Sự lựa chọn loại vũ khí tấn công đất liền là hành động quyết đoán hơn các tên lửa chống tàu Việt Nam đã dự kiến sở hữu theo biên chế trang bị của tàu ngầm tiên tiến Kilo dự án 636.1 (có nguồn tin nói đây là phiên bản Kilo 636.3 hiện đại hơn).

Tình huống căng thẳng, thay vì các mục tiêu có thể là các chiến hạm nổi và tàu ngầm của Trung Quốc, tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ tàu ngầm có khả năng đánh chính xác các mục tiêu mặt đất trên khoảng cách đến 300 km. Điều này đã khiến các thành phố, căn cứ quân sự và các trung tâm đầu não quan trọng của kẻ địch một khi gây chiến sẽ là mục tiêu tiềm năng trong bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Học viện Quân sự Quốc phòng Úc, cho biết động thái này là một "sự thay đổi lớn" vượt ra ngoài tư duy chiến thuật phòng ngự chống tàu thông thường.

"Họ đã dành cho mình một khả năng có tính răn đe mạnh mẽ hơn nhiều, gây khó khăn phức tạp hơn trong những tính toán chiến lược của Trung Quốc," ông nói và bình luận rằng ông đã rất ngạc nhiên bởi nước đi chiến lược này.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sở hữu hạm đội tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất tiên tiến nhất.

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời những câu hỏi của giới truyền thông. Các quan chức quân sự khẳng định Việt Nam tăng cường sức mạnh quân đội, bao gồm cả việc nhập khẩu tàu ngầm hiện đại nhằm mục đích then chốt là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của quốc gia - dân tộc.

Tập đoàn Almaz-Antey có trụ sở tại Moscow, công ty mẹ của cơ sở sản xuất tên lửa Novator, từ chối bình luận về bất kỳ loại vũ khí nào bán cho Việt Nam. Theo nhận xét của các chuyên gia quân sự nước ngoài, thay vì khả năng tấn công vào các thành phố lớn như Thượng Hải, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ quan tâm đến các quân cảng và căn cứ không quân, ví dụ căn cứ hải quân tại Tam Á trên đảo Hải Nam hoặc căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp ở phía Nam Biển Đông như các mục tiêu tiềm năng, ông Thayer nói.

Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, nhưng Hà Nội luôn luôn cảnh giác với mọi động thái từ phía đại lục, đặc biệt khi Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền” phi pháp trên hầu hết vùng nước giàu tài nguyên dầu khí Biển Đông.

Việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng nước đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng Năm năm 2014 đã gây lên một làn sóng giận dữ trên toàn bộ Việt Nam và lan rộng ra toàn thế giới. Những tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá của Việt Nam liên tục bị tấn công, xua đuổi trong thời gian hạ đặt giàn khoan Trung Quốc.

Hải quân hai nước theo dõi chặt chẽ mọi động thái của nhau trong vùng nước quần đảo Trường Sa , nơi có nhưng tuyến vận tải đường biển đông đúc và nhộn nhịp nhất của thế giới.

Trước khi có được những vũ khí tiên tiến hơn, khả năng tấn công đất liền của quân đội Việt Nam có những hạn chế nhất định do hệ thống tên lửa Scud đã lão hóa và các tên lửa hành trình, được trang bị cho các máy bay Su – 30 của Nga.

Hải quân Việt Nam đã sở hữu 4 tàu ngầm lớp Kilo dự án 636.1 do Nga chế tạo và đang chờ đợi tiếp nhận những chiếc còn lại theo một hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD được ký với Moscow năm 2009, theo báo chí Việt Nam. Chiếc thứ năm đang trải qua thử nghiệm trên biển ở St Petersburg, chiếc tàu ngầm thứ sáu và là chiếc cuối cùng sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Theo công bố của SIPRI, Việt Nam đã đặt mua khoảng 50 tên lửa chống tàu và tấn công mặt đất Club-S cho các tàu ngầm, 28 tên lửa trong số đó đã được chuyển về Việt Nam trong 2 năm qua. Số lượng tên lửa tấn công mặt đất không được nêu rõ.

Nhà phân tích chiến lược Moscow Vasily Kashin cho rằng, các tàu ngầm Kilo mà Nga sản xuất cho Việt Nam có những tính năng kỹ chiến thuật cao hơn hẳn so với các tàu ngầm Trung Quốc cùng lớp 636 một phần do những thành tựu khoa học kỹ thuật đạt được gần đây. Moscow cũng chưa bao giờ bán cho Bắc Kinh các tên lửa hành trình lớp Club-S tấn công mặt đất do Trung Quốc đang phát triển thế hệ tên lửa tương đương YJ-18.

Zha Daojiong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh Bắc nói: động thái này là “bình thường”, một phần trong xu hướng tái vũ trang khu vực và Hà Nội nhận thức được cái giá phải trả nếu sử dụng chúng chống lại Trung Quốc. "Điều đó giống như khẩu súng lục nạp, nhưng [họ] có đủ khả năng để bắn nó không?," ông này nói theo kiểu tự trấn an.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận về vấn đề này.

Trevor Hollingsbee, cựu chuyên gia phân tích thuộc Tình báo hải quân Bộ Quốc phòng Anh, cho rằng động thái của Việt Nam đã gây ra cơn đau đầu chiến lược lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Tất cả cho thấy rằng họ (Việt Nam) đang vượt qua tiến trình học tập khai thác sử dụng tàu ngầm khá nhanh chóng ... Đây là một vấn đề thực sự rất đau đầu đối với Trung Quốc," ông nói.

Thực tế ngay từ năm 2013, truyền thông Nga và Việt Nam đã nhiều lần công bố về việc tàu ngầm lớp Kilo dự án 636.1, đóng cùng với tàu ngầm diesel lớp Varshavyanka dự án 636.3 trang bị cho hạm đội Biển Đen đều cùng một thiết kế kỹ thuật, trong đó có khả năng phóng tên lửa Club-S chống tàu hoặc tấn công mặt đất, bản thân các tên lửa Club-S đã có được những tính năng hỗn hợp như chống tàu hoặc tấn công các mục tiêu kiên cố, do đó ngay cả với Trung Quốc cũng không mới, điều này giải thích một phần những sự kiện gần đây diễn ra trong các quan hệ quốc tế.

Đối với Việt Nam, trong một mực độ nhất định nào đó, Bastion và Club-S có thể được coi là vũ khí kiềm chế thông thường trong các nguy cơ xung đột nóng bỏng tại biển Đông.

Video những tính năng kỹ chiến thuật của lớp tên lửa hành trình Club:

1- Hệ thống tên lửa bờ biển Club - M

2- Hệ thống tên lửa Club-K containers

Trịnh Thái Bằng, theo QPAN