Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm do lạm phát, lãi suất cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những dữ liệu mới nhất cho thấy thách thức còn ở phía trước, trong khi hoạt động kinh doanh ở Mỹ thu hẹp, giá năng lượng ở châu Âu tăng, và xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm.
Nga đã hạn chế nguồn cung năng lượng cho châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine (Ảnh: Zuma)
Nga đã hạn chế nguồn cung năng lượng cho châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine (Ảnh: Zuma)

Dữ liệu kinh tế mới cho thấy đà giảm tăng trưởng ở Mỹ và trên toàn cầu, trong lúc giá cả gia tăng cùng lãi suất cao gây tác động tới nhu cầu tiêu dùng, châu Âu bước vào giai đoạn nguy kịch trong cuộc xung đột kinh tế với Nga, trong khi Trung Quốc cũng đối diện nhiều thách thức.

Các hoạt động kinh doanh ở Mỹ và châu Âu đã suy giảm trong tháng 10, theo nghiên cứu mới được công bố hôm đầu tuần này. Đà giảm sâu trong các hoạt động dịch vụ, vốn được xem là động lực thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ đà giảm ở Mỹ.

Ở châu Âu, các hãng sản xuất của Đức đã áp dụng biện pháp cắt giảm sản lượng chưa từng có kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo nghiên cứu của S&P Global. Châu lục này đang chịu tác động hết sức tiêu cực từ quyết định giảm nguồn cung năng lượng của Nga, một biện pháp mà Moscow áp dụng để đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào cuộc chiến ở Ukraine.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có sức bật trở lại trong 3 tháng, kết thúc vào tháng 9, khi sản lượng sản xuất tăng lên nhờ việc gỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại có đà tăng trưởng xuất khẩu chậm, nhu cầu tiêu dùng giảm và đà giảm trong thị trường nhà ở.

“Có nhiều thách thức về đà tăng trưởng trên toàn cầu,” Ryan Wang, chuyên gia kinh tế Mỹ đến từ ngân hàng HSBC, nói.

S&P Global cho hay, chỉ số sản lượng mà họ đưa ra cho Mỹ - bao gồm các hoạt động sản xuất và dịch vụ - đã giảm từ 49,5 trong tháng 9 xuống còn 47,3 trong tháng 10, mức suy giảm lớn thứ hai kể từ năm 2009, chỉ sau giai đoạn đầu 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ số này tụt xuống dưới 50 cho thấy tín hiệu hoạt động kinh tế đang thu hẹp, trong khi trên 50 là tín hiệu tăng trưởng.

Nhiều công ty Mỹ báo cáo rằng đồng USD khỏe mạnh cùng với các điều kiện kinh tế thách thức trong thị trường xuất khẩu đã gây tác động tới nhu cầu của khách hàng nước ngoài, theo S&P Global.

“Đà suy giảm của nền kinh tế Mỹ càng tăng tốc hơn trong tháng 10, trong khi niềm tin vào viễn cảnh tươi sáng cũng giảm đáng kể,” Chris Williamson, trưởng kinh tế gia tại S&P Global, cho hay.

Những nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ và châu Âu cho thấy sức ép lạm phát vẫn cao. Nhiều công ty Mỹ báo cáo về mức tăng chi phí đầu vào trong tháng 10, nguyên nhân là lãi suất cao hơn, thiếu hụt nguồn cung và sức ép về lương.

Sự kết hợp giữa lạm phát cao và đà tăng trưởng thấp đã đẩy các nhà hoạch định chính sách vào vị trí khó đưa ra quyết định, nhưng các ngân hàng trung ương hiện tại đang tiếp tục lựa chọn con đường nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bằng cách giảm đà tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất từ 0,75% lên 1,50% trong cuộc họp hôm thứ Năm. Fed cũng sẽ có cuộc họp vào tuần tới và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Sức tiêu thụ khí đốt ở châu Âu thường tăng đột biến khi mùa Đông sắp tới, và chính quyền nhiều nước đã cảnh báo rằng nếu không cắt giảm đáng kể nhu cầu trong năm nay, họ có thể buộc phải hạn chế phân phối nhiên liệu. Ngay cả khi chưa thực hiện biện pháp này, bất cứ đợt tăng giá năng lượng nào trùng với thời điểm nhu cầu tăng cũng có thể làm suy yếu nền kinh tế khu vực.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của S&P Global đối với khu vực Eurozone – trong đó đo lường các hoạt động ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - là 47,1 trong tháng 10, giảm từ 48,1 trong tháng 9, đánh dấu mức giảm lần thứ tư liên tiếp.

Trên khắp khu vực Eurozone, ngành sản xuất phải hứng chịu mức suy giảm hoạt động lớn nhất từ trước đến nay, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất và nhựa.

Đức – trung tâm sản xuất chính của châu Âu và từng là một trong những bên nhập khẩu khí đốt nhiều nhất từ Nga – hứng chịu nặng nhất. Chỉ số PMI của họ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, thời điểm mà phần lớn nền kinh tế của họ bị phong tỏa. Pháp, ít phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga hơn, cũng ghi nhận tình trạng trì trệ hoạt động kinh tế.

Hoạt động của ngành sản xuất ở khu vực Eurozone suy giảm chưa từng thấy (Ảnh: Getty)
Hoạt động của ngành sản xuất ở khu vực Eurozone suy giảm chưa từng thấy (Ảnh: Getty)

Khởi đầu mùa Đông suôn sẻ cùng với lượng dự trữ năng lượng cao đã làm dấy lên hy vọng rằng châu Âu có thể vượt qua mùa Đông mà không cần áp dụng biện pháp cực đoan, và đã đẩy giá khí đốt xuống còn dưới 130 euro mỗi megawatt/giờ từ mức đỉnh là 350 euro vào cuối tháng 8.

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tuần trước cảnh báo rằng châu Âu vẫn có thể phải đối mặt với hậu quả mà chính phủ các nước thành viên cực kỳ muốn tránh.

“Rủi ro trong ngắn hạn chính là sự gián đoạn các nguồn cung năng lượng, mà nếu kết hợp với mùa Đông lạnh có thể gây ra tình trạng thiếu khí đốt, giảm phân phối và gây ra những đau đớn về kinh tế,” IMF cảnh báo.

Nền kinh tế Eurozone đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine, khi giá năng lượng và thực phẩm cao hơn làm suy yếu sức chi tiêu của các hộ gia đình và làm giảm lợi nhuận. Cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở lục địa này trong gần 8 thập kỷ cũng ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm nay được thúc đẩy nhờ việc mở cửa trở lại nhiều phần của nền kinh tế vốn đã bị hạn chế do đại dịch COVID-19. Nhưng các nghiên cứu mới về PMI cho thấy nền kinh tế Eurozone tăng trưởng chậm đáng kể trong quý 3, và thậm chí có thể bị thu hẹp.

IMF đã hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Eurozone trong năm 2023 xuống chỉ còn 0,5%, từ mức 2,5% mà họ đưa ra trong tháng 1, trước khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát. Tổ chức này cũng hạ mức dự báo đối với các nền kinh tế khác ở châu Âu.

“Trong năm tới, sản lượng và thu nhập của châu Âu sẽ giảm nửa nghìn tỉ euro nếu so với các dự báo của IMF ở thời điểm trước cuộc chiến, đây là sự phản ánh đáng buồn về tổn thất kinh tế do cuộc chiến gây ra đối với lục địa,” Alfred Kammer, người đứng đầu bộ phận châu Âu của IMF, nói.

Kết quả nghiên cứu cũng là tín hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm.

Ngày càng xuất hiện thêm tín hiệu cho thấy một số tác nhân đứng đằng sau sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu đang giảm, khi nền kinh tế hạ nhiệt. Giá một số kim loại và hàng hóa khác đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm năm nay, trong khi phí vận chuyển cũng giảm.

Đại dịch tiếp tục gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó nghiên cứu về PMI của Nhật Bản cho thấy đà tăng trưởng trở lại kể từ khi đất nước này mở cửa cho du khách nước ngoài lần đầu tiên sau 2 năm rưỡi.

Các doanh nghiệp phản ứng với viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế bằng cách giảm các khoản đầu tư ở nước ngoài. Hội thảo của LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) tuần trước nói rằng các khoản đầu tư đòi hỏi xây dựng cơ sở mới đã giảm 10% trong 9 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2021.

James Zhan, giám đốc đầu tư của UNCTAD, nói rằng sự suy giảm này phản ánh lại chi phí vay mượn cao hơn và sự bất trắc lớn hơn, một phần bắt nguồn từ cuộc chiến ở Ukraine.

“Viễn cảnh về đầu tư xuyên biên giới trên toàn cầu từ chỗ có đà phục hồi mạnh mẽ đã chuyển thành đà giảm,” ông Zhan nói. “Viễn cảnh ảm đạm chắc chắn sẽ còn tiếp nối đến năm 2023.”

Theo Wall Street Journal