Tản mạn Sài gòn: Sài Gòn Tiếp thị – một thời để nhớ

VietTimes – Tôi làm ở báo Sài Gòn Tiếp Thị được 2 năm 9 tháng, một quãng thời gian không nhiều, nếu so với Nikkei 13 năm 9 tháng, hay Vietnamnet là 10 năm. Thế nhưng, đây là quãng thời gian để lại cảm xúc nhiều nhất, lẫn lộn nhất, và đã định hình tôi với tư cách một phóng viên đa di năng, cái gì cũng viết, tuy không nổi bật, nhưng đọc được và có cái riêng biệt.
SGTT: một thời đáng nhớ
SGTT: một thời đáng nhớ

Sau khi rời Sài Gòn Tiếp thị (SGTT) sang Vietnamnet vào đầu tháng 7 năm 2010, mỗi khi vào Sài Gòn tôi vẫn ghé thăm trụ sở SGTT ở 25 Ngô Thời Nhiệm, Phường 6, Quận 3, và ngồi nhậu với anh chị em SGTT ở căng tin. Và tôi cũng không ngần ngại phỏng vấn TBT Tâm Chánh, người là một trong những nguyên nhân khiến tôi phải ra đi khỏi SGTT, về hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn.

Bởi vì với chúng tôi, SGTT không chỉ là nơi làm việc, mà là nơi chứa đựng những ước mơ, hoài bão, rất tiếc là hơi ngắn, và là nơi chúng tôi trút hết những hỉ-nộ-ái-ố trong đời. Hồi đó, chúng tôi đi viết báo với tinh thần của SGTT, kiểu gì cũng phải quyết cạnh tranh với Tuổi Trẻ, dù cũng có những lần thua do hệ thống của họ quá đông và quá mạnh, tôi nghĩ vậy. Và cũng vì báo SGTT ra ba số một tuần, không đọ được với Tuổi Trẻ ngày nào cũng ra.

Trong số những lần thắng của SGTT, có hai kỷ niệm đáng nhớ, nhà văn Nguyễn Trọng Tín của SGTT đã chia sẻ với tôi.

Thứ nhất, đó là vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ cuối tháng 9/2007. SGTT đem cả Tổng Thư ký Tòa soạn Trần Công Khanh vào cuộc ở hiện trường, và phóng viên ảnh Trần Việt Đức đã mượn cả ống nhòm quân đội để tác chiến, và thắng lợi dòn dã. Các bài viết và phóng sự ảnh thuyết phục.

Thứ hai là vụ hội thảo Nhà Nguyễn, nửa sau của tháng 10/2008. SGTT có tôi và Xuân Thi, cộng với Tổng Biên tập Đặng Tâm Chánh, đi dự hội thảo vì quan tâm đến lịch sử, và để gây sức ép cho phóng viên. Trong mấy ngày hội thảo, tôi hầu như ngủ rất ít, vì lo nghĩ cách triển khai, bởi mỗi sáng ra, TBT Tâm Chánh lại phát ra một gợi ý. Sát đến ngày viết bài, tức là Chủ Nhật (báo chúng tôi ra vào Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu) cũng là ngày cuối cùng của hội thảo, Xuân Thi lại phải về Hà Nội đưa vợ đi đẻ, và tôi “sợ quá hóa liều”, đã lấy tứ là nhà sử học lão làng Đinh Xuân Lâm trong suốt cả cuộc đời dạy học của mình, bất cứ giảng gì, nhưng khi kết luận phải nói một câu “nói chung, Nhà Nguyễn là phản động toàn diện”, dựa trên kết luận của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Trần Công Khanh (CK)- Ảnh nhân vật cung cấp
Trần Công Khanh (CK)- Ảnh nhân vật cung cấp

Người đầu tiên biện minh cho Nhà Nguyễn trước kết luận trên không phải là các sử gia Việt Nam, mà là một người Nhật Bản, GS Yoshinaru Tsuboi, người đã nghiên cứu các tài liệu ở Pháp để hoàn thành luận án tiến sĩ đệ tam cấp của mình vê Nhà Nguyễn năm 1982. Sau đó, ông dùng một phần luận án của mình để viết cuốn sách “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”, được dịch ra tiếng Việt năm 2011, 3 năm sau Hội thảo Nhà Nguyễn. Trong đó, GS Tsuboi đã nhận xét rằng “Nhà Nguyễn đã thất bại trong việc tổ chức phòng thủ trong cuộc chiến chống Pháp”, chứ không phải bán nước, như sách sử cho đến thời điểm tổ chức hội thảo vẫn công nhận.

Theo TS Khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, việc sửa đổi theo tinh thần kết luận của hội thảo đã được những học trò của cố GS Đinh Xuân Lâm đưa vào trong bài giảng của mình. Tuy nhiên, việc sửa đổi giáo trình đại học vẫn còn xa mới đáp ứng mong ước của ông tại hội thảo. Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng nhu cầu khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà Nhà Nguyễn chính là chính quyền đầu tiên thể hiện điều đó, là một trong những nguyên nhân chủ chốt.

Quay lại chủ đề chính, ba bài của chúng tôi trên trang “Góc nhìn” cũng đã thắng Tuổi Trẻ, họ mang đi dự hội thảo đến 6-7 người, toàn phóng viên văn hóa gạo cội, kể cả phóng viên ảnh quốc tế Na Sơn, và mang cả xe ô tô đến Thành phố Thanh Hóa. Đó chính là câu nhắc nhở đau nhất và hữu ích nhất là TBT Tâm Chánh nói với tôi và Xuân Thi.

Phải công bằng mà nói rằng, sự tồn tại của SGTT trong ít năm ấy đã thổi một luồng gió mới vào làng báo Sài Gòn. Khi Tuổi Trẻ, hay Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đã chững lại, sau thời khá dài đã phủ phê với chiến thắng.

Dù có thể ngồi nhậu với bất kỳ ai trong SGTT, và nói chuyện về SGTT đến tận khuya, chẳng hạn từ Binh Nguyên, Quốc Khánh… đến Mai Hương, hay Hồng Sương, tôi thường tìm đến 3 người bạn nhậu hợp cạ nhất – Trần Công Khanh (Trần Việt Đức thường gọi cho thời thượng là xi cây – CK), Nguyễn Duy Thông và Đỗ Trung Quân. Trong bài này, tôi sẽ viết về hai người, bởi người thứ ba, tôi đã viết về anh ta rồi, cách đây 8 năm – Đỗ Trung Quân trong “Chuyện nữ doanh nhân trẻ và chàng thi sĩ già” và “Chuyện gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm”.

Trần Công Khanh (bìa trái) trong một lần giao lưu cùng bạn đọc- Ảnh NVCC.
Trần Công Khanh (bìa trái) trong một lần giao lưu cùng bạn đọc- Ảnh NVCC.

Nói như vậy có hơi “xấc láo” với CK (tôi xin phép được viết như vậy cho tiết kiệm từ ngữ), bởi anh chính là Tổng Thư ký Tòa soạn của SGTT. Nhưng tôi với CK là bạn, hai ông bạn già ở SGTT, mặc dù SGTT có Đỗ Trung Quân và Đoàn Khắc Xuyên còn già hơn.

Tôi quen CK qua nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức (tôi sẽ viết riêng cho Trần Việt Đức một bài sau), khoảng đầu năm 2006. Lúc đó, tôi vẫn làm ở Nikkei, nhưng đã đánh lẻ bên ngoài với Nhịp cầu Đầu tư và Vietnamnet. Quen qua cuộc nhậu, duy trì và củng cố mối thân quen cũng bằng các cuộc nhậu. Hồi đó, tôi hay vào Sài Gòn lắm, có khi một tháng vào 2 lần. Tôi vốn ít nói, CK càng ít nói hơn. May có Trần Việt Đức nói bù cho cả hai chúng tôi.

Đến một hôm, tôi nhớ là Thứ Ba (sau đó mới biết là ngày tuần báo SGTT duyệt bài để Thứ Năm đi in) chúng tôi nhậu vào buổi trưa, tự nhiên CK mở miệng bảo tôi: “Anh biết nhiều thông tin thế, hay viết cho SGTT đi?” Viết thì viết, sợ gì. Thế là bài đầu tiên tôi viết cho SGTT báo tuần, khoảng 800 chữ, về nội dung cuộc họp báo do Phạm Sanh Châu, được thực hiện ngay phòng ông Bảy Câu (TBT về danh nghĩa Võ Ngọc An).

Lúc đó, bạn thân tôi là Vũ Bình (hiện đang là Tổng Lãnh sự tại Fukuoka, Nhật Bản) làm thành viên Ban Lãnh đạo Hội Việt – Mỹ, vừa giúp tôi viết 4 bài về các chuyến đi với sử gia Stanley Karnow (tác giả của Việt Nam - Thiên Lịch sử viết trước đó); Henry Kamm (cựu phóng viên chiến trường Mỹ - người phanh phui ra vụ thảm sát Mỹ Lai trên hiện trường); bộ phim tài liệu của hãng ABC News (Mỹ), về cái bắt tay trên chiến trường xưa của Thượng tướng Nguyễn Hữu An và Tướng Ba sao Harold Moore, hai người ở hai bên chiến tuyến trong trận Ia Drang năm 1965, “trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến ở Việt Nam”, được coi là cú hích cuối cùng về truyền thông cho quyết định dỡ bỏ cấm vận Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton; và “Our Man in Hanoi” kể về thời gian người được đề cử làm đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, sau bình thường hóa, bị giam giữ tại Hỏa Lò, và là cú hích truyền thông cho việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu cho ông làm đại sứ tại Việt Nam.

Chúng tôi đã quyết định dấn thêm bước nữa trong sự hợp tác bằng cách viết chung, dưới bút danh Vũ Hoàng (Vũ Bình – Hoàng Ngọc), chủ yếu về chiến dịch vận động cho được qui chế PNTR (quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn). Vũ Bình có nguồn ở Bộ Ngoại giao, Hội Việt – Mỹ, hoặc những người như cựu đại sứ Mỹ Pete Peterson, và nguồn tin từ phía báo Mỹ “Inside Trade” do anh bỏ tiền ra mua, tôi thì có nguồn từ Phó đoàn đàm phán WTO của Việt Nam Hà Huy Tuấn, hay Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote, hay Chủ tịch Amcham tại Hà Nội Thomas O’Dore… Khoảng hơn chục bài viết khá thành công, trong đó có một bài chúng tôi còn ra trước Los Angeles Times khoảng hơn một tháng, mà nội dung bài của chúng tôi lại đầy đủ hơn. Cả Tâm Chánh, khi được chúng tôi thông báo, và CK, và hai người viết chúng tôi đều rất vui.

CK có cách bình luận rất khác người, mỗi khi nhận bài của chúng tôi. Bài mà OK, nhận mỗi chữ “Được”, còn bài không OK (chúng tôi bị một bài như vậy) cũng một chữ “Nhạt” mà thôi.

Nhưng khi làm chính thức cho SGTT, có một giai đoạn tôi chưa kịp bắt nhịp với SGTT, bởi 2 trang “Góc Nhìn” ngoài Hà Nội đã có Mạnh Quân và Tư Giang viết rất tốt và đều, và tôi rơi vào khủng hoảng, không biết viết gì. CK lại chủ động nhắn tin cho tôi, nói cứ gửi bất cứ bài nào, về bất cứ chủ đề gì, anh cho đăng tất.

Tất nhiên là tôi không chấp nhận lòng tốt của anh. Tôi âm thầm khai thác tất cả những chủ đề còn lại của báo, từ kinh tế vi mô, y tế, giáo dục, đến văn hóa, chân dung nhân vật, và đặc biệt là đối ngoại, để đến khi tôi rời khỏi báo mục này bị hẫng đi một thời gian. Đến cả phóng sự ảnh tôi cũng tham gia, riêng mục này tôi chắc chắn là nhận được sự ưu ái của CK. Anh rất khó tính trong chọn ảnh. Vả lại,mục “Phóng sự ảnh” là đất dụng võ riêng của Trần Việt Đức, cha đẻ của mục này, Lê Quang Nhật, Phan Quang, hay những người chuyên viết phóng sự như Nguyễn Đình hay Doãn Khởi.

Trần Công Khanh cùng các đồng nghiệp- Ảnh NVCC.
Trần Công Khanh cùng các đồng nghiệp- Ảnh NVCC.

Có một lần, một lần duy nhất, trên báo SGTT tôi có tới 4 bài, trong 4 mục của báo là “Góc nhìn”, “Văn hóa”, “Đối ngoại” và “Phóng sự ảnh”. Nhận xét trong phần “Giao ban trực tuyến” hôm sau, CK phán một câu “Huỳnh Phan viết kiểu này thì đổi Sài Gòn Tiếp Thị thành Huỳnh Phan Tiếp Thị cho rồi”. Bạn bè mà nói “đểu” kiểu đó, tôi bị Xuân Thi trêu cho cả suốt buổi, đi uống bia vẫn bị trêu.

CK là người ham học, học không biết mệt mỏi. Có học một trường đại học, nhưng đến kỳ thi tốt nghiệp, cãi lại thầy giáo rất dữ dội về quan điểm, và trượt. Từ đó là quá trình tự học mà đi lên. Nhà văn Nguyễn Trong Tín, người chỉ nể thơ Trần Quang Đạo ngoài Bắc và Chim Trắng trong Nam, lại chỉ phục mỗi gương tự học của CK. Tôi đã có vài lần đến nhà CK ngủ, do nhậu khuya, thấy phòng của CK chỉ có tủ sách và tủ sách, ngủ dưới sàn lát gạch hoa.

Chính vì vậy, bao nhiêu năm làm Tổng Thư ký Toàn soạn của SGTT, tôi thấy ít ai dám cãi lại CK về kiến thức. Họa chăng chỉ là thái độ, tại sao chọn bài, hay ảnh của người này, mà không dùng của người kia….

Đặc biệt nhất là phóng viên ảnh Lê Quang Nhật, trên “Giao ban trực tuyến” viết liền mấy trang A4 về quan niệm ảnh của thế giới, của các hãng thông tấn mà anh đã có dịp hợp tác, ra so sánh với SGTT, và kết luận nguyên nhân tại sao không dùng ảnh của anh mà dùng của người khác. Những điều Lê Quang Nhật nói vượt quá hiểu biết của tôi, nên không bàn luận ở đây. Nhưng lúc đó tôi nói với CK, tại sao lại không thử giao cho Lê Quang Nhật viết “Góc nhìn”, tôi thấy cách viết khúc chiết, và đa chiều lắm, kém gì Mỹ Lệ, một trong “Tứ Đại Góc Nhìn” cùng với Huy Đức, Tư Giang và Mạnh Quân, đâu?

Hồi tháng 5 vừa rồi, tôi có hẹn với CK ở Quán Đất Phương Nam, sau buổi làm việc sáng với chị Vũ Kim Hạnh. Vào quán, CK bảo với tôi: “Mình ngồi ngoài hiên này, tuy nóng một chút. Chứ vào trong nhà có máy lạnh, nhiều nhân sĩ trí thức lắm, mất công cụng ly.”

Tôi chợt sững người, chưa bao giờ mình nghĩ CK là “nhân sĩ trí thức”. Ở mà phải, anh là “trí thức” cỡ như tôi vừa nhắc ở trên, lại vừa cho ra mắt tập “Kẻ ăn rong” tập 4 “Bún bò không bản quyền”, chắc nhiều người đến cụng ly, chúc tụng lắm? CK, hồi tôi chưa bị ốm, và đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để lên làm trưởng ban Tuanvietnam, tôi có mời CK viết các bài ẩm thực cho TVN, một tuần một lần. Vì nhuận bút TVN cũng không cao, chỉ đủ chi cho bữa ăn lấy tư liệu để viết, còn công viết bằng không, tôi hứa gửi cho CK mỗi bài một chai vodka Ba Lan “mác có in lá cỏ”, coi như đền bù. CK viết cho TVN khoảng hơn chục bài, thì tôi bị tai biến, tôi chỉ kịp gửi cho anh 5-6 chai vodka, coi như anh lỗ. Những bài đó sau này anh đưa vào “Kẻ ăn rong” tập 3, có nói rõ là viết cho TVN.

Nếu tôi không bị ốm, chắc hẳn đã có một cuộc “xâm thực” của ẩm thực trong Nam ra đất kinh kỳ, cũng nổi tiếng về văn hóa ẩm thực. Biên tập viên “Đại tít gia” Mỹ Hòa đầu tiên hơi khó chịu về những phương ngữ mà CK dùng, sau khi nghe giải thích lại rất khoái. Cô bảo “ẩm thực vùng nào phải được diễn tả bằng ngôn ngữ vùng đó mới thấy hết được cái hay”.

Trong những bài ẩm thực của anh, CK còn mang nét lịch sử, văn hóa vào đó, nên câu chuyện rất hay. Xuân Thi bảo với tôi, Vũ Bằng với “Thương Nhớ Mười Hai” đứng một khoảng cách xa, so với CK, về ẩm thực và văn hóa. Tôi lại nghĩ nếu so sánh thế khác nào so sánh “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, người được coi là viết tiểu thuyết tình yêu đầu tiên của Việt Nam, với “Bên kia bờ ảo vọng” của Dương Thu Hương. Ai cũng có giá trị của họ, nhất là về giá trị lịch sử.

Trong “Người ăn rong”, CK lấy bút danh là Ngữ Yên, anh bảo đầu tiên một cô biên tập viên nào đó, hình như Thủy Cúc, bảo anh viết về bảo vệ sức khỏe, và anh chọn bút danh Ngữ Yên cho nó hợp. Tôi lại nghĩ đến cái tên “Ngữ Yên” trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, người rất giỏi trong việc phát hiện ra thế võ riêng biệt của từng môn phái. Ẩm thực cũng vậy mà, người viết phải chỉ ra nét riêng biệt của từng món ăn.

Tôi có hỏi CK, vậy liệu anh chỉ biết thưởng thức món ăn, và tả lại, chứ có biết nấu không? CK trả lời: “Biết chứ, biết nhiều là khác!”

Tôi tin anh. Mặc dù, tôi chỉ được thưởng thức món nước chấm anh pha trong buổi nhậu tại căng tin SGTT.

Nghĩ lại thấy may, sáng nay đã gọi điện hẹn cả Huy Đức tới “Đất Phương Nam” ngồi nhậu cho vui, nhưng Huy Đức nói bận. Chứ Huy Đức mà tới, chắc chắn phải vào trong nhà ngồi, và tôi chắc ngồi trơ ra, vì các bàn còn lại trong nhà sẽ thay nhau đến cụng li với hai “nhân sĩ trí thức” bàn tôi. May ơi là may!

Trần Công Khanh - Ảnh NVCC.
Trần Công Khanh - Ảnh NVCC.

CK bây giờ toàn uống bia, chứ không xài rượu như xưa nữa. Cũng có thể về làm cho chị Vũ Kim Hạnh nên phải đổi gu. Nhưng tôi nghĩ, nguyên nhân chính có lẽ là sức ép công việc thời làm cho Tâm Chánh khiến CK phải lấy rượu là nguồn giải tỏa. CK đã từng nói với tôi anh chẳng có ngày nghỉ nào cho ra nghỉ. Hết làm báo cách ngày, đến Tết lại lo cho báo Tết, lại lo in lịch ẩm thực để tặng các cộng tác viên, đối tác.

“Huy Đức có viết về nghệ sĩ ca trù Kim Đức cho số Tết, anh ấy bảo lâu lắm không viết về đề tài văn hóa, nên lưu ý tôi đừng có cắt xén, vì anh ấy dồn rất nhiều tâm sức và tình cảm của bản thân vào bài này”, CK nói với tôi.

“Thế ông Tâm Chánh bảo cắt à?”, tôi biết ngay cái khó của CK, dù anh chưa nói.

“Không, không bảo cắt. Nhưng bảo chỉ được làm một trang thôi. Vậy có khác gì bảo cắt. Huy Đức suốt sáng nay cứ đi ra đi vào chỗ tôi, biết làm sao bây giờ?”, CK than.

Tôi nhớ về cuộc phỏng vấn với Tim Page, phóng viên ảnh huyền thoại trong Chiến tranh Việt Nam, người đã tổ chức các lớp đào tạo cho phóng viên ảnh Việt Nam sau chiến tranh, hồi 30/4/2010. Ông đã 4 lần bị thương, khi với chiếc máy ảnh và ống kính 50mm xông vào chụp các cuộc giáp lá cà.

“Mỗi lần bị thương, tôi lại quay về Paris, ăn chơi nhảy múa, uống rượu đã đời, cho quên đi cái khủng khiếp của chiến tranh. Khi đã nguôi nguôi, tôi quay lại chiến trường Việt Nam và chụp tiếp”, tôi nhớ mãi câu nói của Tim Page.

Chắc CK cũng phải tìm cách giảm áp lực. Không có tiền đi Paris, anh tìm đến rượu. CK có kiểu uống rượu không giống ai: sau chừng một – hai tiếng uống, anh lại nhắm mắt lại như thiền khoảng nửa tiếng, rồi lại mở mắt ra uống tiếp.

Ở SGTT, ngoài “thiền tửu” của CK, còn có “tiên tửu” của Tâm Chánh, khi uống xong nửa chai Chivas, đã cất tiếng hát ngọt như mía lùi bài “Tình anh bán chiếu”, hay “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà”... Huy Đức, khi vừa uống chai vang Chile, vừa viết bài “Mắm tôm đi kiện”, cũng được coi là “tiên tửu”.

Mọi người trong SGTT nói mỗi bài “Góc nhìn” Huy Đức viết là kỳ công của cả một tập thể ban lãnh đạo, khi vạch ra đường hướng, và có công của một người chuyên sưu tập tư liệu Mỹ Xuân để Huy Đức viết. Anh có công trong việc dùng ngòi bút điêu luyện để chế tác thành một tuyệt phẩm. Chính vì vậy, những bài viết của Huy Đức thường gây được tiếng vang rất lớn.

Tôi, với tư cách người viết, lại thấy đó cũng là một nỗi khổ riêng của Huy Đức. Bởi viết cũng là sự sáng tạo, cả nội dung lẫn hình thức. SGTT đã duy trì và phát triển “Huy Đức”, vốn đã là một thương hiệu lớn, thành một thương hiệu còn lớn hơn nữa. Tôi thích “thương hiệu tự thân”, như trong bài trước tôi đã giải thích, của chị Vũ Kim Hạnh hơn.

Rất may là bây giờ, dù không viết cho báo chí chính thức nữa, Huy Đức vẫn duy trì tính chuyên nghiệp mà nhà báo Lê Thọ Bình bảo là số 1 của mình. Vẫn săn những tin hót nhất, vẫn phối kiểm để xác minh tính chính xác của chúng, và vẫn hưởng lượng like kinh khủng nhất trên FB. Tuy mục đích của anh thì tôi không rõ, xin phép không bàn.

Viết đến bây giờ, mới nhớ đã hứa với độc giả là kể về chuyện Tâm Chánh đã “dụ” CK phản ứng với cô giáo mình trong nghề báo – chị Vũ Kim Hạnh.

Tâm Chánh kể rằng anh muốn thay đổi cách xưng hô trong SGTT để lành mạnh hóa hoạt động báo chí, tức là trong cơ quan chỉ xưng hô anh – tôi, chị - tôi, chứ không chú – cháu, cô – cháu… như thời điểm lúc bấy giờ. Sau vài cuộc nhậu với mục đích thuyết phục CK phải gọi chị Vũ Kim Hạnh là chị, xưng tôi, cuối cùng Tâm Chánh cũng đạt được mục đích.

Chị Vũ Kim Hạnh (bìa trái)
Chị Vũ Kim Hạnh (bìa trái)

Đứng trước chị Vũ Kim Hạnh, CK hơi lí nhí nói: “Chị Hạnh nè…”

Rất nhanh, không hiểu vì sao, chị Vũ Kim Hạnh đáp lại, giọng nhẹ nhàng hơn mức bình thường: “Gì đấy Công Khanh, nói nhanh tôi còn đi có việc…”

CK chợt giật mình, nói trong thảng thốt: “Dạ, không có gì đâu. Cô cứ đi đi ạ, em nói sau cũng được.”

Thử thách thất bại. Cuộc thay đổi xưng hô cũng dừng ở đó, cũng dừng lại như nhiều sự thay đổi mà Tâm Chánh muốn làm ở SGTT.

Khi SGTT bản cũ chấm dứt, CK cùng một số người khác, như Ngân Hà, theo cô Vũ Kim Hạnh sang Thế giới Tiếp thị, và nay là Thế giới Hội nhập. Nghe nói Lê Anh Đủ, một thư ký tòa soạn khác của SGTT bản cũ cũng vừa gia nhập Thế giới Hội nhập.

Nhớ lần gặp chị Vũ Kim Hạnh ở ở trung tâm của TS Vương Quân Hoàng, hồi năm 2015 thì phải, tôi có hỏi chị: “Nghe nói Trần Công Khanh và một số người SGTT cũ làm chỗ chị à?”

Chị Vũ Kim Hạnh trả lời: “Ừ, Công Khanh và các em làm việc ngoan lắm, chịu khó lắm.”

Đúng là chỉ có cô với trò mới có thế nhận xét như vậy. Tôi nhớ những người như TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, hay khách thường xuyên của Cà Phê Thứ Bảy Trần Ngân Hà, giỏi thế, “gấu” nữa, nhưng với CK vẫn ngoan ngoãn lắng nghe và làm theo.

Với tôi, cả hai cô trò đều là những thương hiệu trong làng báo,vẫn kiên trì đóng góp cho một thứ báo chí đích thực. Rất may, tôi lại quen cả hai người…

(Còn tiếp)