10 bí thư chưa là ủy viên Trung ương, 7X chiếm 59%
Sáng 30/6, các tỉnh, thành phố tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành; các quyết định của nhân sự bí thư, chủ tịch tỉnh, thành, mở ra một chương mới trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước.
Theo thống kê của VietTimes, trong số 34 Bí thư tỉnh, thành độ tuổi thế hệ 7X (sinh năm từ 1970-1979) có 20 người – chiếm 59%; độ tuổi 6X (sinh từ 1960-1969) có 13 người – chiếm 38%; độ tuổi 5X (sinh từ 1950-1959) có 1 người – chiếm 3%. Ông Lê Quốc Phong (SN 1978), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp là gương mặt trẻ nhất, 47 tuổi. Người lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư TPHCM, sinh năm 1957 (68 tuổi).
Việc bí thư thuộc thế hệ 7X chiếm 59% cho thấy sự đổi mới nhân sự, phù hợp với chủ trương "trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa" trong công tác cán bộ của Đảng.
Ngoài ra, trong 34 bí thư các tỉnh thành, có 31 nam và 3 nữ. Các nữ bí thư là bà Bùi Thị Minh Hoài (Bí thư thành uỷ Hà Nội, SN 1965), bà Giàng Páo Mỷ (Bí thư tỉnh Lai Châu, SN 1963) và bà Bùi Thị Quỳnh Vân (Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, SN 1974).
Bên cạnh xu hướng trẻ hóa đội ngũ, một điểm đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều Bí thư Tỉnh ủy chưa phải là Ủy viên Trung ương Đảng. Theo thống kê, trong danh sách 34 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, có 10 người chưa là Ủy viên Trung ương và một trường hợp là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.
Cụ thể gồm các ông: Nguyễn Đức Trung (Nghệ An), Vũ Hồng Văn (Đồng Nai), Nguyễn Văn Quyết (Tây Ninh), Nguyễn Hồ Hải (Cà Mau), Trương Quốc Huy (Ninh Bình), Trịnh Xuân Trường (Lào Cai), Quản Minh Cường (Cao Bằng), Nguyễn Duy Lâm (Hà Tĩnh), Hoàng Văn Nghiệm (Lạng Sơn), Hoàng Quốc Khánh (Sơn La). Riêng ông Trịnh Việt Hùng – Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên – là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.
Ở các nhiệm kỳ trước, đa phần Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy là Ủy viên Trung ương chính thức.
Việc phân công nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh lần này cho thấy sự đa dạng trong cơ cấu cán bộ, với nhiều gương mặt mới được giao trọng trách đứng đầu cấp ủy địa phương.
Bước đột phá trong xây dựng Đảng
Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng việc Bộ Chính trị chỉ định nhiều Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy chưa là Ủy viên Trung ương thể hiện sự đổi mới tư duy và mạnh dạn trong công tác cán bộ của Đảng.
"Phần lớn các đồng chí được Bộ Chính trị chỉ định làm bí thư các tỉnh sau hợp nhất đều đã trải qua quá trình cân nhắc rất kỹ lưỡng. Họ thuộc diện trẻ tuổi, có triển vọng phát triển và đã trải qua quá trình rèn luyện, thử thách tại địa phương, có đầy đủ điều kiện đảm đương trọng trách sau khi hợp nhất tỉnh”, ông Phúc nhấn mạnh.
Với việc sáp nhập từ 2 đến 3 tỉnh thành một đơn vị hành chính mới, việc lựa chọn bí thư được xem xét chặt chẽ về khả năng, năng lực lãnh đạo và triển vọng phát triển.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, dù hiện tại một số bí thư chưa phải là Ủy viên Trung ương, nhưng nhiều khả năng sẽ được đưa vào quy hoạch Trung ương khóa XIV sắp tới, nhằm bảo đảm nguồn cán bộ kế cận vững vàng và đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Ông Phúc cho hay ở 63 tỉnh, thành cũ trước đây cũng có những trường hợp bí thư chưa phải là Ủy viên Trung ương. Có thể do bí thư đương nhiệm luân chuyển công tác, các phó bí thư được giao quyền đảm nhiệm. Những cán bộ này đã trải qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được tín nhiệm, từ đó được lựa chọn cho các vị trí bí thư tại các tỉnh sáp nhập.
"Từ khi đổi mới đến nay, phần lớn các bí thư cấp tỉnh, thành phố đều là Ủy viên Trung ương. Tuy nhiên, nhìn lại những khóa trước đây, từ khóa VI, khóa V, khóa III đổ về trước, cũng có những đồng chí không phải là Ủy viên Trung ương nhưng vẫn hoàn thành trọng trách nhiệm vụ được giao", ông Phúc nói và nhấn mạnh việc có 10 bí thư mới chưa là Ủy viên Trung ương Đảng hiện tại không làm giảm đi niềm tin vào năng lực của họ.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, xu hướng trẻ hóa đội ngũ cán bộ là tất yếu trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. “Nếu không trẻ hóa thì rất khó đáp ứng yêu cầu phát triển. Cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, có tư duy đổi mới sẽ là nguồn lực quan trọng cho Trung ương".
Ông Phúc ví dụ như Singapore với phần lớn đại biểu quốc hội ở độ tuổi 30, và cho rằng trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương cần được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, hiểu biết công nghệ và khả năng tổ chức thực tiễn tốt sẽ đáp ứng được nhiệm vụ.
Về yếu tố quyết định thành công của các bí thư mới, ông nhấn mạnh 4 phẩm chất cốt lõi: trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và đạo đức.
“Trí tuệ phải được đào tạo bài bản, bản lĩnh để dám nghĩ dám làm, trách nhiệm với Đảng và nhân dân, đạo đức trong sáng để được quần chúng tín nhiệm. Nếu phát huy được cả 4 yếu tố này, các đồng chí ấy sẽ đưa địa phương phát triển mạnh mẽ,” ông khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá sự thay đổi lần này là một bước đột phá trong xây dựng Đảng nói chung và trong chính sách cán bộ nói riêng, vì "cán bộ vẫn là then chốt của then chốt." Ông bày tỏ mong muốn công tác trẻ hóa cán bộ sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, tạo nên sự lành mạnh và quyết tâm đổi mới của Đảng.

Chi tiết danh sách Bí thư, Chủ tịch 23 tỉnh, thành mới sau sáp nhập

Công bố nhân sự lãnh đạo chủ chốt của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập
