Tại sao Indonesia chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Indonesia từng nhiều lần tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường trong nước để buộc các công ty nước ngoài phải nhượng bộ.

Temu phát triển bùng nổ trên thị trường thương mại điện tử trong 2 năm qua (Ảnh: The Star)
Temu phát triển bùng nổ trên thị trường thương mại điện tử trong 2 năm qua (Ảnh: The Star)

Temu là một nhà bán lẻ mới của Trung Quốc đã bùng nổ trên thị trường thương mại điện tử trong 2 năm qua.

Sàn thương mại điện tử này cung cấp hàng tiêu dùng có giá rất phải chăng, thường được vận chuyển trực tiếp từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc, và đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi. Mặc dù không phải ai cũng đồng ý, nhưng có vẻ như nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng dư thừa sản xuất và đang cố gắng tái cân bằng bằng cách xuất khẩu đi phần thặng dư. Điều này giải thích tại sao Temu lại bất ngờ xuất hiện, đẩy hàng giảm giá mạnh ra thị trường nước ngoài.

Trong khi người tiêu dùng nhận thấy các sản phẩm giá rẻ của Temu đầy sức hấp dẫn, một số chính phủ lại tỏ ra thận trọng hơn – và Indonesia là một trong số đó. Chính phủ nước này đã kiên quyết từ chối cấp cho Temu giấy phép hoặc các phê chuẩn khác để hoạt động ở Indonesia, đồng thời tìm cách đóng cửa ứng dụng này và xóa nó khỏi các cửa hàng ứng dụng bất cứ khi nào nó xuất hiện.

Mối quan ngại chính là họ không muốn hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường và gây áp lực lên các nhà sản xuất và bán lẻ Indonesia, những bên gần như không có cơ hội cạnh tranh về giá với Temu.

Vì lợi thế của Temu được cho là xuất phát từ sự mất cân bằng cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc, Indonesia đã khẳng định rõ rằng họ không muốn hấp thụ sản lượng dư thừa của Trung Quốc với mức giá có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế trong nước. Đây cũng là lý do mà Indonesia chặn Temu.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng Temu không thể tiếp cận thị trường Indonesia. Họ có thể, nhưng với điều kiện là phải nhượng bộ một số lợi ích kinh tế để có được quyền tiếp cận.

Liên minh châu Âu đang cố gắng tận dụng quyền tiếp cận thị trường rộng lớn của họ để buộc các công ty đa quốc gia phải tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững trong sản xuất một số mặt hàng nhất định. Các quốc gia như Indonesia mặc dù đã bác bỏ ý tưởng này, nhưng thực tế đây là một chiến thuật mà chính họ đã sử dụng.

Một trường hợp rõ ràng là TikTok. Vào năm 2023, Indonesia đã cấm bán hàng trên ứng dụng TikTok, trong khi đây là cách mà nền tảng video thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc), kiếm được phần lớn doanh thu.

5.png
Temu gây sốt nhờ bán hàng hóa giá cực kỳ phải chăng (Ảnh: Technode)

Kể từ khi gia nhập thị trường Indonesia vào năm 2021, TikTok đã phát triển nhanh chóng và việc chặn các giao dịch mua như vậy đã khiến hoạt động của TikTok ở Indonesia bị đình trệ một cách nghiêm trọng.

Vài tháng sau, ByteDance mua cổ phần kiểm soát nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia.

Tokopedia, công ty đã sáp nhập với Go-Jek vài năm trước để thành lập một công ty công nghệ lớn có tên GoTo, lúc bấy giờ đang gặp khó khăn, và thua lỗ trên nền tảng thương mại điện tử này đã kéo theo cả thu nhập của GoTo giảm xuống. Bởi vậy, việc một công ty nước ngoài sở hữu mạng lưới phân phối, bán hàng sẵn có và hiệu quả đến mua Tokopedia vào thời điểm đó đã cứu cánh cho GoTo.

TikTok, ngay trong lúc doanh số bán hàng trên ứng dụng bị rút cạn hoàn toàn, đã xuất hiện và mong muốn mua lại Tokopedia.

Đây cũng không phải trường hợp đầu tiên. Trong nhiều năm, Netflix đã bị chặn trên các mạng do Telkom thuộc sở hữu nhà nước điều hành. Telkom và công ty con Telkomsel cho đến nay là nhà cung cấp Internet băng thông rộng và không dây lớn nhất ở Indonesia, vì vậy điều này có nghĩa là Netflix có rất ít lựa chọn để thâm nhập thị trường Indonesia.

Lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào năm 2020 và khi đó Netflix bắt đầu cung cấp nhiều nội dung của Indonesia và thực hiện các thỏa thuận phát triển quy mô lớn với các nhà sản xuất trong nước. Có vẻ như Indonesia một lần nữa tận dụng giấy phép tiếp cận thị trường của họ để có được các điều khoản đảm bảo từ Netflix theo hướng có lợi cho nền kinh tế địa phương.

Chính phủ Indonesia không muốn hấp thụ hoạt động sản xuất dư thừa của Trung Quốc hoặc trở thành đầu ra cho hàng hóa giảm giá sâu của Trung Quốc, bởi điều này sẽ khiến các nhà sản xuất và bán lẻ địa phương gặp bất lợi.

Do đó, quốc gia này đang ngăn chặn Temu tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, nếu Temu vẫn muốn thâm nhập vào thị trường này, họ có thể phải đưa ra một số nhượng bộ theo hướng có lợi hơn cho nền kinh tế của Indonesia.