Tại sao dự án “Nord Stream-2” mang tầm quan trọng đặc biệt với Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 6/9/2021 là thời khắc lịch sử quan trọng trong hợp tác kinh tế Nga-Đức khi ống dẫn cuối cùng trong Dự án “Nord Stream-2” được hạ thủy.
Dự án Nord Stream 2 bị đình trệ khá lâu do hứng đòn trừng phạt của Mỹ (Ảnh: KP.ru)
Dự án Nord Stream 2 bị đình trệ khá lâu do hứng đòn trừng phạt của Mỹ (Ảnh: KP.ru)

Công ty điều hành “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2) cho biết: công việc trong những ngày tới là hàn điểm kết nối, thời điểm cuối năm 2021 dự án sẽ được đưa vào vận hành.

Thực chất của Nord Stream-2 là gì? Là công cụ để Nga nắm bắt châu Âu? Là phương tiện để Nga trừng phạt Ukraine? Hay đơn thuần chỉ là một hoạt động kinh doanh kiếm lời của Nga?

Theo kế hoạch, dự án Nord Stream-2 được hoàn tất nào năm 2019. Khi đường ống cách bờ 100 km, Mỹ quyết định áp đặt lệnh trừng phạt đối với tất cả các công ty tham gia dự án này. Nhà thầu chính trong khâu lắp đặt đường ống của dự án này là công ty Allseas của Thụy Sĩ đã ngừng thi công công trình, tiếp theo là các công ty bảo hiểm.

Công trình đã hoàn thành được 93,5% bỗng nhiên bị đình trệ.

Công ty năng lượng Gazprom của Nga phải mất 1 năm để tìm nhà thầu thay thế cho công ty Allseas. Một năm tiếp theo, dự án tiếp tục được thực hiện trong điều kiện bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tại sao Mỹ cản trở Nord Stream-2?

Mỹ muốn cung cấp khí hóa lỏng tự nhiên của mình cho châu Âu. Khí hóa lỏng của Nga cung cấp cho châu Âu qua Nord Stream-2 có giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của Mỹ, như vậy Mỹ có thể tuột khỏi tầm tay cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ khí hóa lỏng của mình.

Điều duy nhất Mỹ có thể làm lúc này là: gây sức ép chính trị đối với tất cả đối tác châu Âu của mình, để họ không mua khí đốt của Nga. Những nỗ lực của Nga làm cho Mỹ rất không bằng lòng, hơn nữa “người thua cuộc” chính khi Nord Stream-2 được vận hành lại chính là Ukraine.

Nỗi lo của Ukraine

Khi chưa có Nord Stream-2, Nga cung cấp khí đốt của mình cho châu Âu chủ yếu qua Ukraine, nhờ đó mà mỗi năm, Ukraine thu được khoảng 3 tỉ USD.

Tổng giám đốc quỹ an ninh năng lượng quốc gia Nga, giáo sư tại Đại học Tài chính thuộc chính phủ Liên bang Nga Konstatin Simonov cho biết: “Hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine sẽ hết hiệu lực vào 31/12/2024, sau thời điểm đó, tuyến đường ống qua Ukraine sẽ không còn nhiều ý nghĩa nữa, nó có thể được sử dụng như một đường ống dự bị, không bị ràng buộc bởi bất cứ một cam kết gì”.

Trong cuộc gặp mới đây với các thượng nghị sĩ Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã rung chuông cảnh báo: “Nord Stream-2 sẽ cuỗm của Ukraine một số tiền, bằng đúng số tiền mà Ukraine có thể dùng để duy trì quân đội… bây giờ, quân đội của chúng tôi sẽ tồn tại bằng cái gì đây? Và một việc không kém phần quan trọng nữa là: trong suốt 20 năm qua, đường ống dẫn khí của Nga - một công cụ chính trị được chúng tôi tích cực lợi dụng trong các cuộc chiến khí đốt với nước này, từ nay đâu có còn”.

Đức sẽ được lợi từ Nord Stream-2

Giáo sư Konstatin Simonov nhấn mạnh thêm: “Đức sẽ được cung cấp nguồn khí đốt giá rẻ. Theo dự báo của các nhà phân tích, trong những năm tới đây, nhu cầu khí đốt của châu Âu chỉ có thể tăng lên. Khi “Dòng chảy phương Bắc-2” hoàn thành, Đức sẽ là điểm trung chuyển chính, cung cấp khí đốt cho các nước còn lại của châu Âu. Đức sẽ không chỉ được nhận phí trung chuyển, mà vị thế chính trị của họ từ đó cũng tăng dần lên”.

Với Nga thì sao?

Giới chuyên gia nhận định, đối với Nga, Nord Stream-2 là con đường ngắn nhất để vận chuyển khí đốt từ bán đảo Yamal (Nga) tới Đức. Ngắn hơn tuyến đường ống qua Ukraine dài 1.900km. Như vậy, tiền vận chuyển dĩ nhiên sẽ rẻ hơn.

Hàng năm, Nga sẽ không phải trả Ukraine một khoản tiền trung chuyển khí đốt của mình sang châu Âu. Mọi nguy cơ chính trị với Ukraine từ nay chấm dứt, cuộc chiến khí đốt với Ukraine vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng. Nord Stream-2 đạt được các yêu cầu cao hơn nhiều, về môi trường sinh thái so với đường ống cũ qua Ukraine, và cả yếu tố thẩm mỹ nữa - điều này cũng rất quan trọng đối với châu Âu.