|
Đài Loan đã bắt đầu sản xuất hàng loạt tàu tên lửa hộ tống lớp Tuo Jiang mà họ tự phát triển (Ảnh: SCMP) |
Được biết dự án này có tổng chi phí lên tới 31,6 tỉ Đài tệ (1,1 tỉ USD), và ngay cả việc hủy nó cũng sẽ hao tổn khoản chi phí khoảng 200 triệu Đài tệ.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần này, Hải quân Đài Loan nói cho biết dự án trên đã bị hủy bởi thiết kế tàu tên lửa tấn công không đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết để đối đầu với dịch thủ. Dự án này từng được cựu tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Lee His-ming đề xuất.
“Con tàu này đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm giả định vào năm 2020 và kết quả cho thấy rằng, do có kích thước nhỏ hơn nên độ ổn định của con tàu bị ảnh hưởng bởi thời tiết và môi trường biển khắc nghiệt, bởi vậy mà làm ảnh hưởng tới độ chính xác của tên lửa, và đó là lý do mà nó không đáp ứng được tiêu chuẩn chiến đấu” – tuyên bố của Hải quân Đài Loan nói.
“Để tránh gây hao tổn nguồn vốn đầu tư, hải quân đã báo cáo vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xem xét nguồn ngân sách và chấm dứt dự án với sự đồng thuận trong cơ quan quốc phòng” – tuyên bố nói thêm.
Cơ quan lập pháp của hòn đảo này ban đầu rất ủng hộ dự án chế tạo tàu tên lửa tấn công cỡ nhỏ vào năm 2018, nhưng yêu cầu phải được xem thiết kế nguyên mẫu trước khi cung cấp đủ nguồn vốn cho kế hoạch sản xuất 60 chiếc.
Nhưng con tàu này, môi chiếc có trọng lượng khoảng 40 – 50 tấn, để lại tín hiệu trên radar không khác gì một tàu đánh cá thông thường, với sức chứa chỉ khoảng 2 -3 binh sĩ. Các tàu này có vận tốc tối đa khoảng 35 knot/giờ và có thể ẩn náu dễ dàng ở các cảng cá.
Theo kế hoạch ban đầu, kích thước nhỏ và tính linh hoạt của tàu – mỗi chiếc được trang bị 2 tên lửa Hsiung Feng-2 (Hùng Phong-2) – cho phép nó dễ dàng ẩn nấp dọc bờ biển Đài Loan, cung cấp lớp lá chắn tên lửa di động cho hòn đảo này. Chúng có thể được triển khai tới các cảng cá, các vịnh hay thậm chí là các cửa sông.
Sau khi Lee nghỉ hưu vào năm 2019, dự án này bị tạm dừng, do bất đồng giữa các tướng lĩnh quân sự cấp cao và do kế hoạch mua hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon của Mỹ. Thương vụ này trị giá 2,4 tỉ USD và được phê duyệt bởi cựu Tổng thống My Donald Trump vào tháng 10/2020, trong đó bao gồm 400 tên lửa Harpoon phóng từ mặt đất – có thể lắp trên các ống phóng di động.
Hãng truyền thông địa phương hôm đầu tuần này nói rằng, việc hủy dự án trên gây hao tổn ít nhất 200 triệu Đài tệ, số tiền được chi để thiết kế và phát triển nguyên mẫu của tàu. Tuy nhiên, lực lượng hải quân cho rằng việc nghiên cứu và phát triển con tàu này không bị lãng phí, bởi có thể được tận dụng để tham khảo cho các dự án tàu trong tương lai.
Họ cũng nói rằng, cơ quan quốc phòng Đài Loan đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các tàu tên lửa hộ tống lớp Tuo Jiang tự phát triển để tăng cường sức mạnh chiến tranh không cân xứng.
Được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”, loại tàu này là mẫu chiến hạm tàng hình tối tân với khả năng gần như “không thể nhìn thấy” ở trên biển và thậm chí rất khó bị phát hiện khi hoạt động gần bờ biển.
Su Tzu-yun – chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia – nói rằng cả tàu tên lửa tấn công và tàu lớp Tuo Jiang đều có khả năng chiến tranh không cân xứng hiệu quả.
“Việc hủy dự án tàu tên lửa tấn công cỡ nhỏ chủ yếu là do hải quân chuyển hướng ưu tiên, chứ không phải do vấn đề về sự ổn định của con tàu” – ông Su nói, thêm rằng việc phóng tên lửa phụ thuộc vào hệ thống radar chứ không phải sự ổn định của tàu lúc hoạt động trên biển.
Hệ thống tên lửa Harpoon rẻ hơn nhiều so với các tàu tên lửa tấn công cỡ nhỏ và cung hiệu quả hơn trong việc chống lại các đòn tấn công lưỡng cư, trong trường hợp xảy ra xung đột với đại lục; ông Su nói.