Từ bỏ kế hoạch đảo chính, Lâm Lập Quả quay về Bắc Đới Hà
Từ khi bay tới Bắc Kinh ngày 8/9, cho đến tối ngày 11/9, Lâm Lập Quả cùng Chu Vũ Trì và những thành viên chính khác của nhóm đã ở lì trong một phòng họp đầy khói ở Sân bay Không quân Bắc Kinh suốt ba ngày để bàn kế hoạch hành thích Mao Trạch Đông. Các phương án cụ thể xem chừng đều không thể thực hiện được. Giữa lúc cả nhóm đang rầu rĩ thì tối ngày 11/9, qua cuộc điện thoại bí mật của Vương Duy Quốc, thành viên của nhóm ở Thượng Hải đột nhiên gọi đến, họ mới biết rằng Mao Trạch Đông chỉ ở Thượng Hải một ngày, sau đó đi chuyến tàu đặc biệt rời Thượng Hải đi về phía bắc. Điều này khiến họ nhận ra rằng không thể tiếp tục thực hiện kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông ở phía nam được nữa. Khi ông về Bắc Kinh vào Trung Nam Hải, làm chuyện đó còn khó hơn. Vấn đề lớn nhất mà họ gặp phải là uy tín của Mao Trạch Đông đang ở đỉnh điểm, mà việc ám sát lại không được phép để cho “sát thủ” biết được tường tận. Đây là một mâu thuẫn không thể tháo gỡ. Không ai dám làm điều đó khi việc đã đến nơi, và không có giải pháp nào được thống nhất cho đến ngày 11/9.
Vẻ hung hăng kiêu ngạo ban đầu đã được thay thế bằng sự ngỡ ngàng, hoảng hốt. Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Lưu Bái Phong (Trưởng Phòng 1 của Văn phòng Bộ Tư lệnh Không quân, chịu trách nhiệm bảo đảm hậu cần cho Lâm Lập Quả) và Vu Tân Dã đờ đẫn, cúi đầu im lặng. Khoảng 5 giờ chiều ngày 12/9, Lâm Lập Quả họp, đưa ra quyết định. Anh ta tuyên bố từ bỏ Phương án ám sát thứ nhất, thực hiện Phương án thứ hai là về Quảng Châu thành lập trung ương khác.
Chu Vũ Trì, "phó tướng" của Lâm Lập Quả (Ảnh: kanlishi). |
Phương án thứ hai này cũng nực cười không kém. Vào chiều ngày 12/9, Lâm Lập Quả nói tại Phòng cấp tướng của Học viện Không quân rằng khi đến Quảng Châu, anh ta yêu cầu Lý Duy Tín đi Hồng Kông, sau đó đi đường vòng qua Nhật Bản để tới Liên Xô yêu cầu Liên Xô phóng tên lửa từ tàu ngầm Polaris để họ nếm thử mùi vị của "Chú Sam". Lâm Lập Quả lúc này còn nháy mắt, nói: "Dù sao thì nó cũng được phóng từ vùng biển quốc tế, không thể biết được ai đã làm điều đó". (Sách “Sự kiện Lâm Bưu: lời chứng của người trong cuộc”, trang 250).
Lúc này, Lâm Lập Quả đã ở vào trạng thái điên loạn. Anh ta thậm chí tin rằng Bắc Kinh có thể bị tấn công từ cả hai phía Quảng Châu và Liên Xô. Sau đó anh ta nhìn đồng hồ, nói xong liền bước vào phòng trong, thu dọn hành lý, chỉ thị nhóm người ở Bắc Kinh do Chu Vũ Trì chỉ đạo, Chu sẽ sắp xếp cho nhóm người này bay từ Bắc Kinh đến Quảng Châu để “khởi nghĩa”. Lâm Lập Quả nói xong liền bay về Bắc Đới Hà.
Sau khi Lâm Lập Quả vội vã rời đi, Chu Vũ Trì đã triệu tập một cuộc họp và nói về Quảng Châu rồi đề xuất các điều kiện để đàm phán với Bắc Kinh, nhưng ước tính khả năng thành công không lớn. Đồng thời, một cuộc họp khẩn cấp có sự tham dự của các cán bộ cấp sư đoàn trở lên phải được tổ chức ngay để vận động và tuyên bố thành lập một Trung ương khác. Muốn dùng vũ lực thì phải liên kết với Liên Xô, để Nam Bắc giáp công.
Còn Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác thì sao? Biện pháp của họ là Chu Vũ Trì sẽ gọi điện cho Hoàng Vĩnh Thắng và lừa ông đến sân bay Bắc Kinh, nói rằng Lâm Bưu tổ chức cuộc họp ở một nơi nào đó. Khi Hoàng Vĩnh Thắng đến sân bay sẽ yêu cầu ông ta thông báo cho ba người kia. Phải đảm bảo rằng họ lên máy bay an toàn, nếu không được, phải gọi điện thoại đường dài và để "Phó Chủ tịch Lâm" nói chuyện trực tiếp với họ. Nếu ai đó không muốn đi, thì cứ hai người “mời” (ép) một, cùng cất cánh từ sân bay Tây Giao bay đến sân bay Sa Đê Quảng Châu. ("Sự kiện Lâm Bưu: Lời chứng của người trong cuộc", trang 252, "Biên bản phỏng vấn Vương Phi"). Đây chỉ là một phương án mà họ tưởng tượng ra, thực tế không thể thực hiện được.
"Tứ đại kim cương" hay 4 ái tướng của Lâm Bưu: Khưu Hội Tác, Lý Tác Bằng, Ngô Pháp Hiến, Hoàng Vĩnh Thắng (Ảnh: VCG). |
Lúc 19 giờ 40 phút tối 12/9, Lâm Lập Quả đáp chiếc chuyên cơ 256 do Phan Cảnh Dần lái cất cánh từ sân bay Tây Giao Bắc Kinh, 40 phút sau, tức 20 giờ 20 phút, anh ta đến sân bay Sơn Hải Quan. Lâm Lập Quả đi xe của sân bay về nhà. Khi về đến dinh thự của Lâm Bưu, chắc là khoảng 21 giờ tối. 3 giờ 22 phút sau đó sẽ là thời khắc “kinh thiên động địa” trong lịch sử của Trung Quốc.
Lâm Lập Quả về đến nhà ở Bắc Đới Hà từ sân bay Sơn Hải Quan chuẩn bị sẽ bay đến Quảng Châu cùng gia đình vào sáng sớm hôm sau. Căn cứ từ nhiều tài liệu khác nhau suy đoán, lúc này Lâm Lập Quả và Diệp Quần cùng báo cáo với Lâm Bưu. Mức độ mà hai người đã báo cáo sự thật về cuộc đảo chính với Lâm Bưu đến đâu, chúng ta không thể đưa ra phán đoán chính xác dựa trên thông tin có được. Lâm Lập Quả và Diệp Quần muốn đến Quảng Châu để "thành lập trung ương khác" với danh nghĩa Lâm Bưu. Vậy, liệu Lâm Bưu có biết rằng Lâm Lập Quả dự định "thành lập trung ương lâm thời khác" ở đó để đối kháng chính phủ trung ương ở Bắc Kinh?
Một khả năng là họ tiết lộ toàn bộ câu chuyện, bao gồm việc Lâm Lập Quả phát động một cuộc đảo chính ở Bắc Kinh không thành, có kế hoạch đi "thành lập một chính phủ trung ương khác" ở Quảng Châu vào ngày mai. Nhưng làm như vậy, nhất định không thể nhận được sự đồng ý của Lâm Bưu, bởi theo lẽ thường ông biết rằng khả năng chiến thắng gần như không có.
Một khả năng khác là Diệp Quần và Lâm Lập Quả chỉ nói với Lâm Bưu rằng Mao Trạch Đông không còn tin tưởng Lâm Bưu, Bắc Đới Hà không an toàn như Quảng Châu và nên rời đi vào sáng mai. Mục đích ra đi vẫn là để Lâm Bưu dưỡng bệnh. Quảng Châu là căn cứ của Dã chiến quân 4, an toàn hơn Bắc Đới Hà và Đại Liên. Sau khi đi sẽ tính kế lâu dài tiếp. Suy luận này hợp tình hợp lý hơn.
Lâm Bưu và Diệp Quần (Ảnh: kanlishi). |
Hỗ trợ cho phán đoán đầu tiên là tiết lộ của Lâm Đậu Đậu trong hồi ký của cô. Cô yêu cầu người phục vụ nghe trộm các cuộc trò chuyện bí mật của Diệp Quần, Lâm Lập Quả và Lâm Bưu trong phòng của Lâm Bưu. Người phục vụ đã nhân cơ hội vào phòng để rót trà và nghe lỏm. Người này nghe thấy câu "Tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc" thỉnh thoảng được thốt ra khi Lâm Bưu đang chảy nước mắt. Sau khi nghe được tin như vậy, Lâm Đậu Đậu cuối cùng đã quyết định báo cáo trực tiếp cho Đơn vị 8341.
Điều hỗ trợ cho phán đoán thứ hai là những hồi ức sau này của Vệ sĩ trưởng Lý Văn Phổ. Lý phủ nhận việc Lâm Bưu biết những chuyện như vậy vì ông luôn ở bên cạnh Lâm Bưu. Ông cho rằng Lâm Bưu cơ bản không biết ngày mai ông ta sẽ đến Quảng Châu để thực hiện cuộc phản biến lập “chính quyền trung ương khác”. Khi đó, Lâm Bưu đồng ý sáng mai sẽ đi Quảng Châu, chỉ là đổi nơi khác để tĩnh dưỡng.
Lâm Đậu Đậu đã kể lại quan điểm của Lý Văn Phổ trong hồi ký của mình:
"Tôi đã nhờ Lưu Cát Thuần dẫn Lý Văn Phổ đến một nơi yên tĩnh trong tòa nhà 96. Tôi hỏi Lý rằng liệu Thủ trưởng có biết chuyện Lâm Lập Quả nói với tôi không. Lý nói rằng Thủ trưởng không biết chuyện này. Thủ trưởng chắc chắn không thể biết. Tôi luôn ở bên cạnh Thủ trưởng nên chắc chắn điều này”.
"Lý Văn Phổ cũng nói với tôi rằng lúc đầu Lâm Bưu không muốn đi Quảng Châu. Ông ấy cảm thấy Quảng Châu quá nóng, không có lợi cho việc điều trị của mình, vì vậy ông nhất quyết quay về Đại Liên. Sau khi Diệp Quần thuyết phục rằng Quảng Châu có thiết bị điều hòa nhiệt độ, Lâm Bưu mới đồng ý”.
"Thủ trưởng gọi Lý Văn Phổ và nói với ông rằng đi Quảng Châu cũng được. Thủ trưởng chỉ biết là thay đổi môi trường, đến Quảng Châu để phục hồi sức khỏe". ("Lời khai Lâm Đậu Đậu")
Lý Văn Phổ nói, Lâm Bưu nghĩ ông sẽ bay đến Quảng Châu vào sáng mai để dưỡng bệnh, nhưng Tiểu Trần, một nhân viên cần vụ, đã nghe thấy Lâm Bưu nói "Tôi là một người theo chủ nghĩa dân tộc" và rơi nước mắt. Những gì Lý Văn Phổ nói mâu thuẫn với những gì Tiểu Trần nghe được. Vậy phải hiểu điều này như thế nào?
Vệ sĩ trưởng Lý Văn Phổ (Ảnh: kanlishi). |
Một khả năng giải thích là, những gì Lý Văn Phổ nói là đúng, những gì Tiểu Trần nghe được là Lâm Bưu đột nhiên bị Diệp Quần đánh thức và nói lúc trước khi lên máy bay, tức là sau khi Lâm Đậu Đậu báo cáo cho đơn vị 8341 trở về mới xảy ra chuyện Diệp Quần và Lâm Lập Quả tiết lộ thêm về sự thật.
Một khả năng khác là chính Lý Văn Phổ đã lầm, Lâm Bưu đã biết chuyện. Lâm Bưu giấu Lý Văn Phổ, nhưng Lý không biết Lâm Bưu đã biết, Lâm Bưu cố ý nói với Lý Văn Phổ rằng ông không muốn đi Quảng Châu dưỡng bệnh.
Những nghi ngờ như thế chỉ có thể để cho thế hệ mai sau nghiên cứu.
Nhưng bất kể thế nào, Lâm Bưu cũng đã đồng ý đến Quảng Châu vào ngày hôm sau, đó là điều chắc chắn. Lâm Bưu cho rằng mình là người theo chủ nghĩa dân tộc, không muốn đi Hồng Kông mà chỉ muốn đến Quảng Châu, điều này cũng phù hợp với logic của một kẻ đào tẩu. Xét cho cùng, Bắc Đới Hà quá gần với Bắc Kinh. Nói một cách tương đối thì Quảng Châu xa Bắc Kinh hơn Bắc Đới Hà, cảm giác an toàn hơn, tự do đi lại và di chuyển hơn. Ngoài ra, Quân khu Quảng Châu là cơ sở của Dã chiến quân 4, những thuộc hạ cũ của Lâm Bưu đều ở Quảng Châu, trong tình hình hiện tại, trước tiên phải chạy sang Quảng Châu lánh nạn rồi tính tiếp. Lúc này, chỉ có thể đi bước nào tính bước đó.
Do phải bay đến Quảng Châu vào sáng sớm hôm sau, Lâm Bưu đã ngủ thiếp đi sau khi uống liều lớn thuốc ngủ vào khoảng 10 giờ tối.
Lâm Đậu Đậu gặp Mao Trạch Đông (Ảnh: kanlishi). |
Lâm Đậu Đậu quyết định báo cáo cho đơn vị 8341
Trong bốn ngày, Lâm Đậu Đậu đã ảo tưởng rằng Lâm Lập Quả sẽ thay đổi kế hoạch đảo chính. Tuy nhiên, ngay khi Lâm Lập Quả trở về dinh thự của Lâm Bưu ở Bắc Đới Hà, anh ta lập tức bí mật nói chuyện với Diệp Quần, từ những cử chỉ và bàn luận nghe được từ Lâm Lập Quả và Diệp Quần, Lâm Đậu Đậu hẳn đã biết rằng tình hình không ổn.
Sau đó Diệp Quần thông báo với cô rằng cả gia đình sẽ đến Quảng Châu vào sáng mai và yêu cầu cô chuẩn bị trước. Lúc này có lẽ sau 9 giờ 30 phút tối. Lâm Đậu Đậu đã nhờ nhân viên vệ sinh của Lâm Bưu là Trương Hằng Xương nhân cơ hội mang trà đến phòng của Lâm Bưu để do thám tình hình. Anh ta nói với Lâm Đậu Đậu về những từ xuất hiện trong cuộc trò chuyện của ba người trong phòng: "Đi Quảng Châu không được, Hồng Kông cũng vậy”. Lâm Đậu Đậu đã có thể từ đó phán đoán, ngày mai họ sẽ ép Lâm Bưu đến Quảng Châu để âm mưu gây chuyện sai trái. Kế hoạch của Lâm Lập Quả đến Quảng Châu để đảo chính xem ra nhất định sẽ thực hiện.
Trong gia đình đặc biệt này, người bình thường duy nhất là Lâm Đậu Đậu, một bên là Lâm Bưu, một bên là liên minh giữa Diệp Quần và Lâm Lập Quả. Cô không bị ô nhiễm quá nhiều bởi môi trường quyền lực và giữ được khả năng tư duy của người bình thường. Khi Lâm Lập Quả trở nên ngông cuồng trong lĩnh vực quyền lực, cô sử dụng lý trí thông thường để đánh giá sự phi lý trong kế hoạch của em trai. Cô phát hiện ra rằng em trai mình đã thay đổi rất nhiều so với trước đây và gần như không còn nhận ra được. Cô không có khả năng thuyết phục người em trai quá khích, manh động của mình, cũng như không thể hiểu được người mẹ đạo đức giả và đầy tham vọng, người đã đứng ở đỉnh cao quyền lực trong nhiều năm. Diệp Quần đã bị biến thái bởi sự hư vinh và ham muốn quyền lực. Lâm Đậu Đậu biết rằng Lâm Bưu ngày hôm sau sẽ bị họ vừa lừa vừa ép đưa đến Quảng Châu.
Theo kế hoạch "lập trung ương khác" của Lâm Lập Quả, với lý trí bình thường, Lâm Đậu Đậu biết hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào: Uy tín của Chủ tịch Mao rất lớn, sau khi mấy người chạy đến Quảng Châu, liệu bao nhiêu người sẽ nghe lời họ? Họ sẽ không bị bắt trong vòng vài giờ sao? Để Lâm Bưu công khai đối đầu với Mao Trạch Đông, chẳng phải lấy trứng chọi đá sao? Các cán bộ chiến sĩ của Quân khu Quảng Châu nghe họ hay Mao Chủ tịch, điều này không cần phải nói cũng biết. Hậu quả của sự thất bại sẽ rất nghiêm trọng! Để tránh cho cha là Lâm Bưu bị chính người em trai điên cuồng và vô lý của mình dẫn đến ngõ cụt, cô đã chọn trình báo vụ việc với đơn vị 8341.
Vợ chồng Lâm Đậu Đậu và Trương Ninh, vợ chưa cưới của Lâm Lập Quả (phải). (Ảnh: VCG) |
Trước đó, Lâm Đậu Đậu đã cố gắng biến chuyện lớn thành nhỏ mà không cho trung ương biết. Cô đã cố gắng thuyết phục Vệ sĩ trưởng Lý Văn Phổ, Trợ lý bảo vệ Lý Cát Thuần ngăn Lâm Lập Quả cưỡng ép Lâm Bưu một cách riêng tư, không cho cấp trên biết. Trên thực tế, dựa vào việc Diệp Quần thông báo cho cô sáng mai cả gia đình sẽ bay đến Quảng Châu, Lâm Đậu Đậu đã nhận ra rằng nếu để điều đó xảy ra, Lâm Bưu sẽ đến Quảng Châu và hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Lâm Đậu Đậu biết rằng mình đã không thể ngăn cản Diệp Quần và Lâm Lập Quả hợp mưu triển khai kế hoạch, cô quyết định báo cáo với đơn vị 8341.
Vào khoảng 10 giờ tối, tức là khoảng một giờ sau khi Lâm Lập Quả về nhà, khi Lâm Đậu Đậu quyết định báo cáo trung ương, Lý Văn Phổ vẫn nói với cô rằng ông ta không thấy điều gì bất thường. Ông ta nói: “Vấn đề mấu chốt là chú vẫn không rõ. Đó đều là những gì cháu nghe từ Lâm Lập Quả”. Qua nghe Lâm Đậu Đậu nói nhiều lần, Lý Văn Phổ vẫn bán tín bán nghi. Lâm Đậu Đậu yêu cầu ông khống chế Lâm Lập Quả. Lý nói ông ta không có quyền làm như vậy.
Lâm Đậu Đậu lại yêu cầu Lý Văn Phổ báo cáo trực tiếp với Lâm Bưu. Tuy nhiên, với sự kiện trọng đại, ở thời điểm quan trọng và sự thật rõ ràng như vậy, Lâm Đậu Đậu không dám nói với cha mình, mà yêu cầu đội trưởng cảnh vệ làm. Qua đó có thể thấy tính cách mềm yếu của Lâm Đậu Đậu và nỗi sợ hãi người cha đã ăn sâu vào tiềm thức. Lý Văn Phổ nói đúng, để ông nói cho Lâm Bưu, ông biết nói thế nào về chuyện như vậy; nếu như muốn nói, cô đương nhiên phải tự mình nói. Muốn ông ngăn cản Thủ trưởng lên máy bay, ông chỉ là cảnh vệ cấp dưới, sao có thể ngăn cản hành động của Thủ trưởng?
Sau đây là những hồi ức của Trợ lý bảo vệ Lưu Cát Thuần:
Vào khoảng 22h30 ngày 12/9, Lâm Lập Hằng (tức Lâm Đậu Đậu) từ trong đi ra và muốn nhanh chóng báo cáo. Tôi rủ Lý Văn Phổ đi cùng. Lý không đi nhưng liên tục nhấn mạnh rằng ông không rõ vấn đề, mọi chuyện là do Lâm Đậu Đậu nghe thấy. Lý Văn Phổ còn nói: "Lâm Lập Quả, Diệp Quần và Lâm Bưu đều nói ngày mai chúng ta đi Quảng Châu, nếu thật sự không có chuyện gì xảy ra, đó không phải là vấn đề lớn. Nếu thật sự có chuyện, dù sao khi lên máy bay có thể vẫn có biện pháp, Chúng ta đông người và tôi có thể bố trí được nhân viên”. (“Sự kiện Lâm Bưu: Lời chứng từ người trong cuộc”, trang 326,“Bút lục phỏng vấn Lưu Gia Xuân”).
Khi Lâm Đậu Đậu nói rằng chỉ cô đến đơn vị 8341 một mình, Lý Văn Phổ ngay lập tức bày tỏ ủng hộ. Lâm Đậu Đậu được Lưu Cát Thuần dẫn, đi qua khu rừng nhỏ và báo cáo với Trung đoàn phó Trương Hồng, chỉ huy cao nhất Đơn vị 8341 ở Bắc Đới Hà. Nội dung chính là sáng sớm ngày mai, Diệp Quần và Lâm Lập Quả sẽ đưa Lâm Bưu chạy đến Quảng Châu, sau đó có thể trốn sang Hong Kong. Đây là lần báo cáo đầu tiên của Lâm Đậu Đậu.
Trong tình hình không có bất kỳ sự cảnh báo nào, vị Phó Thống soái cao cả trong lòng nhân dân cả nước sẽ bỏ trốn và có thể trốn sang Hong Kong? Vào thời điểm đó, ai tin được điều này? Trương Hồng cũng bán tín bán nghi. Ông thậm chí còn nghi ngờ rằng tinh thần của Lâm Đậu Đậu có lẽ không bình thường (sau đó anh ta quả thực đã nói với Chu Ân Lai về nghi ngờ này qua điện thoại và đã ảnh hưởng đến Chu Ân Lai, xem chi tiết ở phần sau). Nhưng do vấn đề thực sự quan trọng và không có thời gian để xác minh lời Lâm Đậu Đậu nói có đúng hay không, Trương Hồng kiên quyết bày tỏ với Lâm Đậu Đậu rằng nếu ai muốn bắt cóc Phó Chủ tịch Lâm Bưu, họ sẽ kiên quyết ngăn chặn. Trương Hồng ngay lập tức nhấc điện thoại báo cáo với Trương Diệu Từ, cấp trên trực tiếp của anh ta trong đơn vị 8341 ở Bắc Kinh.
Sau khi Trương Diệu Từ nhận được cuộc gọi, phản ứng đầu tiên của ông ta là yêu cầu Trương Hồng báo cáo trực tiếp với Lâm Bưu. Có thể thấy rằng ngay cả người đứng đầu Trung đoàn Cận vệ Trung ương, cũng cho rằng Lâm Bưu trước tiên nên biết điều này và tự bảo vệ mình.
Cần phải nói rằng đây là một mấu chốt của toàn bộ sự việc. Trương Hồng đang định đến chỗ của Lâm Bưu, nhưng bị Khương Tác Thọ, đại đội trưởng đại đội 2 của đơn vị 8341, phản đối. Lý do của Khương là tình hình phức tạp và Lâm Lập Quả có súng, nếu anh không về thì sao? Thế là, Trương Hồng đã không thực hiện bước then chốt này.
Trương Diệu Từ, Trung đoàn trưởng Cảnh vệ trung ương và Mao Trạch Đông (Ảnh: VCG). |
Nếu Trương Hồng trực tiếp báo cáo với Lâm Bưu, kết quả sẽ như thế nào? Ở đây mọi người có thể thoải mái sử dụng trí tưởng tượng của mình. Nhưng nó chắc chắn sẽ rất khác so với những gì thực sự diễn ra sau này. Lịch sử thường bị chi phối bởi những điều ngẫu nhiên. Những lời của Khương Tác Thọ không có mấy ý nghĩa. Thực tế, nếu cử thêm vài người cùng đến báo cáo với Lâm Bưu, các cảnh vệ đều có vũ khí, người đông thế mạnh. Lâm Lập Quả có thể làm gì được?
Sau khi đặt điện thoại xuống, Trương Diệu Từ ở Bắc Kinh lập tức báo cáo với Uông Đông Hưng và Uông Đông Hưng liền báo cáo với Chu Ân Lai đang họp ở Đại lễ đường Nhân dân. Nội dung là: Trương Hồng (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương) gọi điện từ Bắc Đới Hà báo rằng con gái của Lâm Bưu là Lâm Đậu Đậu đến đơn vị để báo cáo rằng vào 6h sáng mai, Diệp Quần và Lâm Lập Quả sẽ “cưỡng ép” Lâm Bưu bỏ trốn. Họ đến Quảng Châu trước, sau đó tới Hong Kong. Chuyên cơ của Lâm Bưu đã được điều đến vào lúc 20 giờ tối nay.
Chu Ân Lai cảm thấy tin tức về báo cáo của Lâm Đậu Đậu do Uông Đông Hưng chuyển đến là quá đột ngột.
Chu Ân Lai nói: "Cái gì? Diệp Quần và Lâm Lập Quả định đưa Lâm Bưu đi trốn? Lại gây mâu thuẫn gì phải không? Tình hình có đáng tin không?". Vì Chu Ân Lai biết nhà họ Lâm có nhiều mâu thuẫn.
Uông Đông Hưng nói: "Đáng tin cậy!". Chu Ân Lai hỏi: "Họ sẽ đi đâu vậy? Các đồng chí nghĩ thế nào? Tôi vẫn chưa biết có đúng hay không. Hãy báo đồng chí Trương Hồng cử người theo dõi sát mọi động tĩnh".
Chu Ân Lai không yêu cầu đơn vị 8341 trước hết khống chế Lâm Lập Quả, vì bản thân ông không thể tin những gì con gái Lâm Bưu nói nếu không có các nguồn thông tin khác.
(Kỳ tới: Chu Ân Lai “đả thảo kinh xà”)