Một mảnh vỡ từ khoang lái tàu ngầm nguyên tử Kursk được đặt tại đài tưởng niệm ở Murmansk (Ảnh: Sputnik) |
Tàu ngầm Kursk bị chìm vào ngày 12/8/2000 ở độ sâu 108 m, cướp đi sinh mạng của tất cả 118 thủy thủ trong khoang và làm dấy lên cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Một cuộc điều tra chính thức của chính phủ Nga 2 năm sau ra kết luận rằng, nguyên nhân của vụ tai nạn là một vụ nổ ngư lôi, sau đó làm đạn dược trong tàu phát nổ.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, phát sóng hôm đầu tuần này, cựu tướng lĩnh Hạm đội phương Bắc, ông Vyacheslav Popov, đã đưa ra một giả thuyết khác về sự kiện đó.
Theo ông, một tàu ngầm của NATO đã tiến đến quá sát tàu ngầm của Nga, phần đầu của con tàu này đâm vào tàu của Nga và gây thiệt hại cho ống phóng ngư lôi, sau đó còn kéo theo một vụ nổ. Bên trong tàu ngầm của Nga bị nước tràn vào, khiến toàn bộ con tàu bị chìm xuống đáy biển.
“Con tàu ngầm đã đâm vào tàu Kursk rõ ràng là trước đó đang theo dõi nó, nhưng không thể đảm bảo được an toàn trong môi trường biển cùng với những điều kiện khác. Nó tiếp cận quá gần” – ông nói.
Ông Popov còn nói rằng ông biết tên lửa con tàu ngầm của NATO, với độ chính xác “khoảng 90%”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng bản thân mình không có đủ bằng chứng để công khai vụ việc vào thời điểm hiện tại.
Theo vị cựu tướng lĩnh hải quân từng phục vụ trong quân ngũ đến hết năm 2001, tàu ngầm của NATO đã ở trong khu vực, nơi mà nó va chạm với tàu Kursk. Ông cũng nhấn mạnh rằng những tín hiệu cầu cứu đã được gửi đi từ một thiết bị đặc biệt mà các tàu của Nga không được trang bị, điều này có nghĩa rằng một con tàu ngầm khác đã hiện diện ở đó vào thời điểm Kursk gặp nạn.
Viktor Kravchenko, cựu sĩ quan chỉ huy Hải quân Nga, cũng nhất trí với giả thuyết của ông Popov, nói rằng ông “thiên về việc tin vào phiên bản này” của giả thuyết liên quan tới Kursk, nếu dựa trên bằng chứng thực tế.
Tàu tối tân Nga chặn được thảm kịch tàu ngầm Kursk?
3 tàu của NATO, bao gồm tàu “Splendid” của Anh và các tàu ngầm “Tolledo”, “Memphis” của Mỹ, được cho là đã ở vị trí rất sát với nơi mà quân đội Nga tổ chức tập trận trên biển Barents vào thời điểm đó. Cả Washington và London đều không cung cấp những tài liệu liên quan tới tình trạng của những con tàu nêu trên của họ sau khi Moscow yêu cầu.
Tuy nhiên, chính phủ Nga vẫn giữ vững quan điểm rằng kết luận của cuộc điều tra mà họ thực hiện là đúng nhất. Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng đó là giai đoạn thách thức đối với quân đội Nga, khi mà các yếu tố như nguồn ngân sách nghèo nàn, trang thiết bị cũ kỹ và sĩ khí giảm đều có thể dẫn tới vụ tai nạn tàu ngầm Kursk.
Tổng thống Putin, lúc bấy giờ mới chỉ ở trên cương vị lãnh đạo Nga được vài tháng, đã phải nhận hết gánh nặng và cả những lời chỉ trích do thảm kịch Kursk, khi mà sự mất mát nhiều thủy thủ trẻ tuổi đã tạo nên làn sóng phẫn nộ và tang thương. Những nỗ lực cứu hộ không thành cũng gây nên sự giận dữ và đau buồn cả ở trong nước Nga và trên thế giới.
Giả thuyết của ông Popov xuất hiện ngay trong bối cảnh có nhiều quan ngại sâu sắc về những hoạt động của NATO xung quanh biên giới của Nga. Thứ Sáu tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất lắp đặt các đầu đạn hạt nhân của Mỹ xung quanh Đông Âu để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa từ Moscow.
Đáp trả, Điện Kremlin nói rằng tuyên bố như vậy sẽ đồng nghĩa với việc Đạo luật sáng lập về quan hệ Nga-NATO “không còn tồn tại”. Theo đạo luật được ký kết từ năm 1997, hai bên sẽ không coi nhau như kẻ địch, ngoài ra cũng đảm bảo không có vũ khí hạt nhân nào được triển khai tới các nước thành viên mới của NATO.
Theo RT