Hơn hai tháng sau, Mao Trạch Đông thực hiện chuyến “Nam tuần” (công du miền Nam). Từ khi kết thúc chiến dịch “phê Trần (Bá Đạt) chỉnh phong” vào tháng 4/1971 đến chuyến công du miền Nam vào tháng 8, có thời gian bốn tháng. Lý do của sự thay đổi đột ngột này là gì?
Việc Lâm Bưu bỏ đi mà không chào tạm biệt Mao Trạch Đông trên lầu thành Thiên An Môn, chỉ là một trong những lý do, điều này không phải nguyên nhân khiến Mao cuối cùng hạ quyết tâm loại bỏ Lâm. Điều đáng chú ý là Khưu Hội Tác đã tiết lộ một sự thực lịch sử quan trọng trong hồi ký của mình. Bản thân Khưu Hội Tác không nói rõ thêm về việc này, tuy nhiên, sự kiện này có lẽ là một bước ngoặt khiến Mao Trạch Đông quyết định ra tay thanh toán Lâm Bưu.
Đầu tháng 8/1971, trước khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa IV được triệu tập, Thủ tướng Chu Ân Lai đã đệ trình lên Mao Trạch Đông bản danh sách dự kiến các người lãnh đạo mới của Quốc vụ viện và chính phủ khóa mới. Trong danh sách đó vẫn có 4 người đã bị Mao phê phán là Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Khưu Hội Tác và Lý Tác Bằng. Trong danh sách dự kiến do Chu Ân Lai đệ trình, Hoàng Vĩnh Thắng sẽ trở thành Phó thủ tướng thứ nhất của Quốc vụ viện, Khưu Hội Tác sẽ phụ trách xử lý các công việc hàng ngày của Quốc vụ viện, Ngô Pháp Hiến sẽ giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội). Lâm Bưu sẽ tiếp tục là người đọc Báo cáo chính trị trước dân chúng cả nước tại cuộc họp. Điều này có nghĩa là thế lực của phái Lâm Bưu đã tăng lên thay vì giảm đi.
Mao Trạch Đông và Lâm Bưu gặp các tướng lĩnh quân đội năm 1969 (Ảnh: Sohu). |
Trước hết, về nguyên tắc, bản danh sách dự thảo do Thủ tướng Chu Ân Lai đệ trình là không sai và mọi thứ đều phù hợp nguyên tắc tổ chức và logic chính trị. Điều này trước hết là bởi vì vấn đề của 4 viên tướng ở Văn phòng Quân ủy đã được xử lý và họ không bị trừng phạt thêm. Bản kiểm điểm của họ đã được Mao Trạch Đông thông qua, họ có thể “nhẹ nhàng ra trận” và làm việc bình thường. Xem xét từ địa vị hiện tại của 4 người, việc để họ đảm nhận các công việc của chính phủ là điều hợp lý, chưa kể Mao Trạch Đông đã đích thân triệu tập Hoàng Vĩnh Thắng tới nhà riêng cách đấy không lâu để thảo luận về một vấn đề lớn là chuẩn bị chiến tranh với Liên Xô.
Thứ hai, cuộc Cách mạng Văn hóa đã đánh đổ gần như tất cả các cán bộ kỳ cựu trong hệ thống dân sự có thể làm việc, chẳng hạn như các ông Bành Chân, Bạc Nhất Ba... và những người khác. Những người có thể làm việc bây giờ chỉ có thể là những thuộc hạ cũ trẻ khỏe của Lâm Bưu trong Văn phòng Quân ủy. Chu Ân Lai cũng đã lớn tuổi, phải lo muôn việc hàng ngày, ông quả thực rất cần có người trợ giúp và cả người kế nhiệm.
Tuy nhiên, bản danh sách do Chu Ân Lai gửi lên đã kích thích Mao Trạch Đông rất mạnh. Mao nhận ra rằng đằng sau ông sẽ là sự thống trị thiên hạ của phe Lâm Bưu, tuy đây vốn là một khuôn mẫu chính trị khách quan được tạo ra bằng cách chính ông cho phép quân đội ủng hộ phái tả trong Cách mạng Văn hóa, nhưng đó lại chính là điều mà Mao Trạch Đông hoàn toàn không muốn nhìn thấy vào lúc này.
Mao Trạch Đông trên đoàn tàu đặc biệt của ông trong chuyến công du phía Nam (Ảnh: kanlishi). |
Theo quan điểm của Mao Trạch Đông, nếu điều này tiếp diễn, cuộc Cách mạng Văn hóa sẽ bị vứt bỏ mọi thành tựu trước đó, bởi vì những người lính phái Lâm Bưu từng bị ông phê phán này rõ ràng là không tương hợp với cánh Giang Thanh và Trương Xuân Kiều, tình thế như nước với lửa. Địa vị của những người hận thù Cách mạng Văn hóa sẽ tăng lên thay vì giảm xuống và sẽ nắm giữ đại quyền về đảng, chính quyền và quân đội trong tay. Mao Trạch Đông trong lòng suy nghĩ, làm sao để những người này không được phủ nhận thành quả của cuộc Cách mạng Văn hóa sau khi ông qua đời? Theo quan điểm của Mao Trạch Đông, đây là hậu quả tất yếu của việc không thanh trừng Lâm Bưu. Mao phát hiện ra rằng Lâm Bưu cuối cùng vẫn là người chiến thắng.
Đúng vào thời điểm này, Mao biết được từ Hùng Hướng Huy, một người phụ trách trong Bộ Tổng tham mưu một thông tin rằng, bản báo cáo kiểm điểm của Hoàng Vĩnh Thắng trong cuộc "phê Trần chỉnh phong" đã không được gửi truyền đạt trong các cán bộ. Tài liệu cuộc họp báo cáo “phê Trần chỉnh phong” năm 1970, trung ương phát hành hơn 60 bản báo cáo kiểm điểm của 4 viên tướng trong toàn quân. Tuy nhiên, Hoàng Vĩnh Thắng ở Văn phòng Quân ủy và những người khác đã giữ lại, chỉ phát hành 7 bản, phạm vi truyền đạt bản kiểm điểm rất hẹp. Qua đây có thể thấy rằng sự kiểm điểm của họ là giả dối - (Sách "Sự kiện Lâm Bưu: Lời chứng từ người trong cuộc", Tiên Duy Nguyệt biên soạn, Nhà xuất bản Nhân dân Hồng Kông, xuất bản năm 2006, trang 159). Điều này cho phép Mao Trạch Đông tìm ra bằng chứng chính xác về sự “ngoan cố đến cùng” của Hoàng Vĩnh Thắng, đã tạo ra lý do trực tiếp tốt nhất để Mao Trạch Đông đánh đổ phe phái Lâm Bưu. Sự việc này có thể nói là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Lâm Bưu cùng 4 "ái tướng" trong Văn phòng Quân ủy. Từ trái qua phải: Lý Tác Bằng, Ngô Pháp Hiến, Lâm Bưu, Hoàng Vĩnh Thắng, Khưu Hội Tác (Ảnh: kanlishi). |
Mao Trạch Đông là một nhà cách mạng và chính trị gia không bao giờ chịu thất bại. Vài ngày sau đó, ông đã đưa ra một quyết định trọng đại, đó là “trừ gian tận gốc, lập tức Nam tuần”. Ông sẽ đích thân đi về phía Nam gặp các quan chức quân sự và chính trị quan trọng ở nhiều tỉnh thành khác nhau để chuẩn bị dư luận cho việc thanh trừng Lâm Bưu. Chuyến công du phương Nam của Mao Trạch Đông đột ngột được quyết định, điều này khiến Uông Đông Hưng, chủ quản Trung Nam Hải, người quen thuộc với thói quen hàng ngày của Mao Trạch Đông, trong hồi ký sau này cho biết ngay cả ông cũng cảm thấy rất không bình thường.
Trong chuyến công du phía Nam, Mao Trạch Đông lần lượt đến Vũ Xương, Trường Sa, Nam Xương, Hàng Châu và Thượng Hải. Đến nơi nào ông cũng nói chuyện riêng với các quan chức lãnh đạo giới chính trị và quân sự địa phương. Nội dung của các cuộc trò chuyện đại khái giống nhau. Đó là, "Sự kiện Lư Sơn vẫn chưa kết thúc và vẫn chưa được giải quyết căn bản"; “Trong số họ (phe Lâm Bưu chủ trương phê phán Trương Xuân Kiều tại hội nghị-ND) chắc chắn phải có những ‘con quỷ” và vẫn còn chỗ dựa phía sau”; “Hội nghị Lư Sơn năm 1970 là một cuộc đấu tranh giữa hai Bộ Tư lệnh”; “Có người nóng lòng muốn trở thành Chủ tịch nước, muốn chia rẽ đảng và muốn cướp chính quyền”... Mọi cuộc trò chuyện khi kết thúc, mọi người đều cùng nhau hát các bài “Quốc tế ca” và “Tám điểm kỷ luật, ba điều chú ý”, rồi Mao Trạch Đông yêu cầu những người được ông tiếp kiến thảo luận ngay sau cuộc gặp, đồng thời gửi ngay biên bản thảo luận của họ cho ông xem. Sau đó ông mới lên đoàn tàu đặc biệt đến điểm dừng tiếp theo.
Ông Mao Trạch Đông và thư kí cơ yếu Tạ Tĩnh Nghi, một người tâm phúc của ông và Giang Thanh (Ảnh: china.com). |
Một trong những sự thực lịch sử đáng chú ý nhất trong chuyến công du phía Nam của Mao Trạch Đông là: sau khi Lưu Phong, Chính ủy Quân khu Vũ Hán, nghe Mao Trạch Đông chỉ trích Lâm Bưu, ông ta buột miệng hùa theo và nói rằng : “Khi Đại hội Đảng toàn quốc lần tới được tổ chức, nên đề nghị đồng chí Lâm Bưu công khai thừa nhận sai lầm của mình và viết tự kiểm điểm”. Mao Trạch Đông rất thích thú khi nghe Lưu Phong nói thế, ông vỗ đùi nói: “Đúng vậy! Phải làm như thế!”. Mao Trạch Đông yêu cầu Lưu Phong công khai đề xuất ý kiến này tại kỳ họp tiếp theo của Ban Chấp hành Trung ương. Theo quan điểm của Mao, bằng cách làm này, ông sẽ có thể thấy Lâm Bưu phải kiểm điểm công khai trước toàn đảng và ông có thể nhân cơ hội này để “đẩy thuyền xuôi dòng”, gạt bỏ Lâm Bưu. Đây chính là mục đích mà Mao Trạch Đông muốn đạt được thông qua các phát biểu trong chuyến công du phía Nam của mình.
Nhiều năm sau, khi Lưu Phong nhìn thấy Khưu Hội Tác được ra tù, ông ta nói với người đồng đội cũ rằng ông hối hận suốt đời về sự "lỡ lời" mà ông đã làm trước mặt Mao Trạch Đông khi đó. Bởi vì ông ta đã chủ động để mình bị kẹt giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu. Nếu Lưu Phong không phát biểu để Lâm Bưu kiểm điểm tại Đại hội Đảng, Mao Trạch Đông sẽ không để ông yên; còn nếu ông phát biểu như vậy, Lâm Bưu cũng sẽ không để ông yên trong tương lai. Lưu Phong cho rằng, một “nhân vật nhỏ bé” như ông bị kẹt giữa hai người khổng lồ là định mệnh không có kết quả tốt đẹp.
Ông Mao Trạch Đông khiêu vũ cùng nữ thư kí cơ yếu Tạ Tĩnh Nghi (Ảnh:china.com) |
Trong quá trình công du, Mao nghe báo cáo từ Trình Thế Thanh, quan chức chủ chốt quân sự và chính trị tỉnh Giang Tây và biết được một số hoạt động đáng ngờ của Diệp Quần (vợ Lâm Bưu). Theo Hồi ký của Trương Diệu Từ, Trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh vệ trung ương và là Vệ sĩ trưởng của Mao Trạch Đông thì Mao đã có một chút suy nghĩ sau khi nghe điều này. Ông nheo mắt nhìn ra ngoài cửa sổ mà không nói lời nào. Ngoài ra, tin từ chồng của Tạ Tĩnh Nghi (nữ Thư kí cơ yếu bên cạnh Mao Trạch Đông-ND) là Tô Đình Huân ở trong Cục Cơ yếu Không quân, cho Mao Trạch Đông biết qua Tạ Tĩnh Nghi rằng Lâm Lập Quả (con trai Lâm Bưu-ND) - đã tham gia vào các hoạt động bất thường trong Không quân. Điều này khiến Mao Trạch Đông một lần nữa khẳng định phán đoán của mình là chính xác.
Vì vậy, ông thay đổi quyết định, từ Hàng Châu đến Thượng Hải ngay lập tức và chỉ dừng ở Thượng Hải trong thời gian ngắn nhất. Đoàn tàu đặc biệt của Mao Trạch Đông đã bất ngờ trở về Phong Đài, Bắc Kinh vào trưa ngày 12/9/1971.
Chính vào thời điểm lịch sử này, "chiếc hộp Pandora" mà Lâm Bưu trân quý nhất đã được mở ra. Bản thân Lâm Bưu cũng không thể kiểm soát được. Làm thế nào mà "chiếc hộp Pandora" này lại trở thành nội dung trung tâm của Sự kiện Lâm Bưu và quyết định số phận của chính Lâm Bưu sẽ là nội dung của phần tiếp theo.
(Kỳ tới: Hiểm họa đến từ ngay trong nhà)