Sự kiện Lâm Bưu (Kỳ 5): Hiểm họa đến từ ngay trong nhà – Lâm Lập Quả "ngựa non háu đá"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Phát biểu trong chuyến công du phía Nam của Mao Trạch Đông, tạo thanh thế lớn như vậy, về mặt khách quan đã có tác dụng “rung chà cá nhảy” đối với nhóm Lâm Lập Quả - con trai Lâm Bưu, vốn đã có âm mưu phản loạn.

Gia đình Lâm Bưu: Lâm Lập Quả, Lâm Bưu, Diệp Quần, Lâm Đậu Đậu (phải qua trái), 3 người tử nạn trong Sự kiện 13/9, trừ Lâm Đậu Đậu (Ảnh: kanlishi).
Gia đình Lâm Bưu: Lâm Lập Quả, Lâm Bưu, Diệp Quần, Lâm Đậu Đậu (phải qua trái), 3 người tử nạn trong Sự kiện 13/9, trừ Lâm Đậu Đậu (Ảnh: kanlishi).

5 năm trước, Lâm Lập Quả vẫn còn là một thanh niên rất nhút nhát. Trong “Tháng 8 Đỏ” hồi đầu cuộc Cách mạng Văn hóa (tức tháng 8/1966, hàng chục ngàn người bị giết chết ở Bắc Kinh-ND) Lâm Bưu nghiêm khắc ra lệnh cho Lâm Lập Quả không được tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào ở Bắc Kinh. Chính vì vậy, ông đã đặc biệt cử Lâm Lập Quả đến Thượng Hải, cách xa Bắc Kinh, để cấp dưới cũ trông chừng hộ.

Nhưng sau khi Lâm Lập Quả trở về Bắc Kinh, dù sao anh ta cũng là con trai của "phó Thống soái", thân phận thực sự đặc biệt. Năm 1967, Lâm Lập Quả nhập ngũ và vào lực lượng Không quân khi chưa đầy 22 tuổi. Để lấy lòng Lâm Bưu, Tư lệnh Không quân Ngô Pháp Hiến chỉ ít lâu sau đã bổ nhiệm Lâm Lập Quả làm cục phó Cục Tác chiến Không quân và trao cho anh ta quyền hành lớn. Vào ngày 31/7/1970, Lâm Lập Quả đã soạn một "Báo cáo dùng làm bài giảng" trong Lực lượng Không quân. Vào ngày 4/8, Ngô Pháp Hiến mang băng ghi âm này tới phát tại “Hội nghị ba thế hệ” của Không quân và tâng bốc rằng một "vệ tinh chính trị" đã xuất hiện trên bầu trời. Báo cáo của Lâm Lập Quả là "cột mốc thứ tư"; tâng bốc rằng Lâm Lập Quả "đã phát triển chủ nghĩa Mác", là “thế hệ kế thừa thứ ba", “toàn diện, đẹp trai và xuất chúng"...

Lâm Bưu và con trai Lâm Lập Quả, người đeo kính đen phía sau là Ngô Pháp Hiến, Tư lệnh Không quân (Ảnh: VCG).

Lâm Bưu và con trai Lâm Lập Quả, người đeo kính đen phía sau là Ngô Pháp Hiến, Tư lệnh Không quân (Ảnh: VCG).

Chánh văn phòng Trung ương Uông Đông Hưng sau đó kể lại rằng Mao Trạch Đông đã rất buồn bực khi biết chuyện này. Ông nói: “Thổi phồng một người mới hai mươi mấy tuổi quá mức như thế là không tốt, thực sự là đang làm hại cậu ta”. Bị lây nhiễm trong môi trường quyền lực, Lâm Lập Quả, theo lời của người chị gái Lâm Đậu Đậu, chỉ trong vòng vài năm, dường như đã trở thành con người khác so với trước đây.

Con trai của Phó Thống soái trở thành Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Không quân, vầng hào quang lớn lao như vậy đã thu hút một nhóm người đi theo. Kể từ đó, Lâm Lập Quả đã sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ có quyền điều động. Trong đó, nhân vật cốt lõi là Chu Vũ Trì (Phó Văn phòng Bộ Tư lệnh Không quân-ND) và Vu Tân Dã (Trưởng phòng thuộc Văn phòng Bộ Tư lệnh Không quân-ND). Những người này đều không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Có thể nói họ là những trí thức nhỏ không bằng lòng với Cách mạng Văn hóa trong cơ quan quân đội. Trong mắt những người vây quanh Lâm Lập Quả này, chỉ cần Lâm Bưu thuận lợi kế vị Mao Trạch Đông, Lâm Lập Quả có thể trở thành người kế thừa tự nhiên của Lâm Bưu với sự hỗ trợ của thế lực phái Lâm Bưu. Lâm Lập Quả chính là quyền lực tối cao của Trung Quốc trong tương lai. Động lực quan tâm của nhóm người này là vô cùng mạnh mẽ.

Sau Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, họ cho rằng “phái cũ không làm được”. Nói theo cách riêng tư của họ, “những ông già này (tức nhóm Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác) có trình độ chính trị thấp; lúc thường không học, khi cờ đến tay không phất được. Họ có thể thể chỉ huy các chiến dịch quân sự trước đây, nhưng không thể chỉ huy các chiến dịch chính trị; không thể dựa vào sự lãnh đạo của họ trong các cuộc đấu tranh chính trị trong tương lai. Quyền lãnh đạo thực sự phải nằm trong tay chúng ta" (sách “Sự kiện Lâm Bưu: Lời khai của người trong cuộc”, trang 147).

Lâm Lập Quả - người được cho là gây nên đại họa cho gia tộc họ Lâm và phái Lâm Bưu (Ảnh: toutiao),

Lâm Lập Quả - người được cho là gây nên đại họa cho gia tộc họ Lâm và phái Lâm Bưu (Ảnh: toutiao),

Họ còn tự nhận được ảnh hưởng bởi Che Guevara. Trước khi cuộc đảo chính thất bại và trốn thoát, trong số những món đồ mà họ chưa kịp tiêu hủy có một cuốn "Che Guevara". Họ tự nhận mình là "nhà hoạt động cách mạng". Họ tin vào thuyết duy ý chí và cho rằng “Trời sẽ phó thác trách nhiệm lớn lao” cho mình.

Trương Ninh, vợ chưa cưới của Lâm Lập Quả sau này kể lại rằng, một lần ở Bắc Đới Hà, Lâm Lập Quả đã cho cô nghe nhạc cùng. Đó là loại nhạc rock rất sôi động mà cô chưa từng nghe trước đó. Lâm Lập Quả ngồi trên ghế sofa ngửa mặt lên, nói: "Loại nhạc hay của thế giới như thế này mà người Trung Quốc không thể nghe, những người cầm cờ luôn bắt mọi người nghe những thứ í a í éo. Sẽ có ngày nào đó ta sẽ cho mọi người Trung Quốc nghe những bản nhạc hay như thế này". Chu Vũ Trì với kinh nghiệm chính trị dày dạn vội ngắt lời, nói: “Đừng nói về chính trị. Đừng nói về chính trị!".

Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Vu Tân Dã và những người khác ảnh hưởng lẫn nhau, hình thành nên tính cách hành động của “phái vũ dũng”, tự cho mình là “thế hệ kế thừa thứ ba của Trung Quốc”, dục vọng quyền lực bốc cao, không hài lòng với các chính sách tả khuynh của Cách mạng Văn hóa và hâm mộ lối sống phương Tây, tự ý thức về sứ mệnh “Trời sẽ phó thác trách nhiệm lớn lao” để làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Tất cả những thứ này đan xen vào nhau rất phức tạp.

Kể từ sau Hội nghị Lư Sơn (Hội nghị toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX) và cuộc “phê Trần chỉnh phong”, họ nhận định Mao Trạch Đông đã tin tưởng phe cánh tả Giang Thanh và kế hoạch kế thừa một cách hòa bình sẽ kéo dài ít nhất ​​5 đến 6 năm sau. Vì địa vị của Lâm Bưu rõ ràng là không chắc chắn, tình hình lúc đó càng trở nên khó nói hơn. “Phái trẻ khỏe” như Lâm Lập Quả cảm thấy không thể bị động như vậy và phải có những hành động tích cực và tự chủ để bảo vệ địa vị và quyền lực của Lâm Bưu. Sự vội vã hành động đã hình thành sự kích động chính trị mạnh mẽ cho nhóm người này.

Trương Ninh, vị hôn thê của Lâm Lập Quả thời trẻ và hiện nay (Ảnh: kanlishi).

Trương Ninh, vị hôn thê của Lâm Lập Quả thời trẻ và hiện nay (Ảnh: kanlishi).

Vào tháng 3 năm 1971, họ soạn ra một đề cương hành động đảo chính dựa trên các cuộc thảo luận bí mật tại Thượng Hải, do Vu Tân Dã viết và Lâm Lập Quả đặt tên là "Kỉ yếu Dự án ngày 1 tháng 5". Thông qua một kênh bí mật, Lâm Lập Quả biết được rằng Lâm Bưu đã bị điểm tên trong bài phát biểu công du phía Nam của Mao Trạch Đông, vì vậy anh ta muốn sử dụng "hạm đội nhỏ" của mình để chơi một cú “cá phá lưới”.

Một mặt, Lâm Lập Quả là một thanh niên khỏe mạnh và giàu trí tưởng tượng; mặt khác anh ta có một điểm yếu chết người, đó là quá ham muốn quyền lực, muốn nhanh chóng vươn lên vị trí cao. Điều này khiến anh ta mất đi kinh nghiệm chính trị cụ thể và kiến ​​thức mà người bình thường phải tích lũy dần dần mới có được. Anh ta gần như không biết gì về những kiến ​​thức quân sự cơ bản. Anh ta cũng không có kinh nghiệm vận hành hệ thống, dẫn đến khả năng phán đoán thực tế rất kém, thiếu kiến ​​thức quân sự và đầu óc lại đầy ảo tưởng phi thực tế. Dưới cái bóng của quyền lực Lâm Bưu trong thời kỳ cực tả, không ai có thể chỉ ra những điểm yếu chết người này.

Sau hai năm bành trướng ham muốn quyền lực theo kiểu thúc chín, tâm trí không chín chắn nhưng đầy tham vọng, tự cho rằng mình có "sứ mệnh từ trên trời", lại thiếu kinh nghiệm thực tế tối thiểu trong quân đội, kinh nghiệm và khả năng kiến ​​thức cực kỳ không phù hợp với tham vọng của bản thân. Tập đoàn Lâm Lập Quả chính là một loại quái thai chính trị bị thúc cho chín trong lĩnh vực quyền lực quân đội thời Cách mạng Văn hóa.

Vợ chồng Lâm Bưu - Diệp Quần và con trai Lâm Lập Quả, cả ba đã tử nạn trong vụ rơi máy bay tại Mông Cổ ngày 13/9/1971 (Ảnh: dayu).

Vợ chồng Lâm Bưu - Diệp Quần và con trai Lâm Lập Quả, cả ba đã tử nạn trong vụ rơi máy bay tại Mông Cổ ngày 13/9/1971 (Ảnh: dayu).

Ví dụ, ngày 8/9/1971, sau khi trở về Bắc Kinh từ Bắc Đới Hà, tại một cuộc họp bí mật lập kế hoạch cho cuộc đảo chính, Lâm Lập Quả trong lúc nôn nóng đã buột miệng hỏi những người rằng để ám sát Mao Trạch Đông, có thể nhập một quả bom nguyên tử mini hay không? Hoặc đốt cháy kho dầu, cho dù tất cả công nhân dọc đường sắt đều bị thiêu chết, miễn là có thể giết chết Mao Trạch Đông thành công.

Trong một ví dụ khác, Lâm Lập Quả hỏi Giang Đằng Giao (Chính ủy Không quân Quân khu Nam Kinh-ND) rằng, liệu có thể sử dụng súng phun lửa để tấn công đoàn tàu đặc biệt của Mao Trạch Đông không? Khi Giang nói súng phun lửa không có tác dụng gì đối với đoàn tàu bị bịt kín, anh ta mới nhận ra rằng do thiếu kiến ​​thức quân sự cơ bản nên không có phương án nào anh ta nghĩ ra là khả thi.

Những người tham gia cuộc đảo chính sau đó kể lại rằng, chiếc xe lội nước mà họ chế tạo thực chất là một chiếc xe jeep cũ được các kỹ sư công binh chế tạo vào những năm 1950. Nó đã cũ nát. Nhiều đường ống phải được quấn bằng băng dính và máy đã bị tắt ngay lần đầu tiên xuống nước. Cuối cùng các vệ sĩ phải xuống nước để đẩy xung quanh, đúng là một món đồ chơi lớn. ("Sự kiện Lâm Bưu: Lời khai của người trong cuộc", tr.148, “Bút lục phỏng vấn Ngô Tân Triều").

Sau khi nhóm Lâm Lập Quả lên kế hoạch cho cuộc đảo chính, phương án đầu tiên họ xác định là ám sát Mao Trạch Đông; phương án thứ hai là nếu đảo chính thất bại sẽ về Quảng Châu để tổ chức một "Ủy ban Trung ương lâm thời", nếu không được thì rút sang Hồng Kông để chỉ huy; phương án thứ ba là chạy trốn sang Liên Xô. Họ gọi những phương án này là ba sách lược "thượng, trung, hạ". “Tam sách” này vào thể chế Trung Quốc lúc đó thì không có bất cứ khả năng thực thi nào như Khưu Hội Tác và những người khác sau đó đã nhiều lần nhấn mạnh. Ở Trung Quốc, nếu không qua Văn phòng Quân ủy thì sẽ không thể điều động một binh sĩ nào.

Lâm Lập Quả và Lâm Đậu Đậu (Lâm Lập Hằng). Ảnh: Toutiao,

Lâm Lập Quả và Lâm Đậu Đậu (Lâm Lập Hằng). Ảnh: Toutiao,

Trước hết, muốn ám sát Mao Trạch Đông, phải đối mặt với một mâu thuẫn khó tránh khỏi: ông Mao có uy tín rất lớn trong quân đội và dân chúng cả nước, nếu ra một mệnh lệnh như vậy sẽ không một người lính “sát thủ” nào chịu tuân lệnh.

Thứ hai, cũng thật hoang đường khi lập ra một "trung ương lâm thời" ở Quảng Châu. Do uy tín to lớn của Mao, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, bất kỳ hành động nào chống lại ông sẽ ngay lập tức bị "cả thiên hạ trừng phạt" và không thể huy động được quân đội tham gia. Quân khu Quảng Châu sẽ lập tức phát lệnh, chỉ trong vòng vài giờ sẽ điều quân đến bao vây các nhóm nhỏ này và rất dễ dàng bắt giữ họ. Uy tín của Lâm Bưu lúc đó sẽ trở nên vô dụng.

Trong trường hợp khẩn cấp bất đắc dĩ, có thể đưa Lâm Bưu đến Hồng Kông để thành lập một “trung tâm chỉ huy quân sự” chống Mao ở Hồng Kông, phương án này càng ngớ ngẩn hơn. Kết quả có thể hình dung được là, một khi những người này tới Hồng Kông, chính quyền thuộc địa Hồng Kông sẽ ngay lập tức bắt giữ và trục xuất họ về Đại Lục để bảo vệ chính mình.

Một cuộc đảo chính được thực hiện bởi một nhóm người như vậy, bất kỳ người có lý trí nào cũng biết rằng nó chắc chắn không thể thành công. Chỉ có “hạ sách” chạy trốn sang Liên Xô là là có thể khả thi. Nó thực sự khả thi nếu máy bay có thể cất cánh, khống chế được phi công trên không và máy bay đủ nhiên liệu. Nhưng đó đã là một hành động đào thoát, khác xa mục tiêu ban đầu của những người đảo chính là làm chủ quyền lực quốc gia.

Điều đang gây tranh cãi hiện nay là cái gọi là “thủ lệnh” (Lệnh viết tay) của Lâm Bưu. Trong số những người quen thuộc với chữ viết tay của Lâm Bưu, một số cho rằng chữ trong “thủ lệnh” không giống chữ viết của Lâm Bưu. Chữ viết tay của Lâm Bưu “thảo” hơn, có vẻ là Lâm Lập Quả bắt chước chữ của cha, nom khá cứng nhắc. Trước “Sự kiện ngày 13/9”, Lâm Đậu Đậu từng nói: “Lão Hổ (Lâm Lập Quả) bắt chước bút tích của Thủ trưởng, chúng tôi đều rất lo” ("Sự kiện Lâm Bưu: Lời khai của người trong cuộc", trang 231, “Bút lục phỏng vấn Lâm Lập Hằng”).

Có học giả cho rằng cái gọi là "thủ lệnh” của Lâm Bưu không thể được sử dụng làm bằng chứng để nói Lâm Bưu lên kế hoạch đảo chính, bởi vì nếu nó là sự thật, nó sẽ giống với việc để cho Lâm Bưu, người từng thống lĩnh một đội quân hơn một triệu người, lại ủng hộ một cuộc đảo chính tương đương với chỉ số IQ của mẫu giáo. Đây là điều không thể tưởng tượng được.

Diệp Quần và Lâm Lập Quả (thứ hai, trái qua). Ảnh: kanlishi.

Diệp Quần và Lâm Lập Quả (thứ hai, trái qua). Ảnh: kanlishi.

Cái gọi là bức thư tay Lâm Bưu yêu cầu Hoàng Vĩnh Thắng “hữu sự đa dữ Vương Phi thương lượng” (bàn bạc nhiều với ​​Vương Phi khi có việc) cũng bị Lý Tác Bằng nhận định là giả mạo, bởi vì Lâm Bưu và Hoàng Vĩnh Thắng đã có đường dây điện thoại bí mật trực tiếp nên không cần thiết phải làm như vậy. Hơn nữa, bức thư này không được chuyển đến tay Hoàng Vĩnh Thắng, mà lại nằm trong tay các đương sự liên quan đến cuộc đảo chính. Qua đó có thể thấy, mục đích của việc giả mạo chỉ là Lâm Lập Quả mượn quyền uy của Lâm Bưu để ra lệnh cho nhóm của mình ra tay.

Lý Tác Bằng đã chỉ ra trong hồi ký của mình rằng các biện pháp cụ thể và phương pháp cụ thể của nhóm Lâm Lập Quả là rất kém cỏi, nằm mơ giữa ban ngày, tham vọng lớn nhưng bất tài và “quậy phá như lũ con nít, cơ bản không giống như hành động của Nguyên soái quốc gia và chiến tướng Lâm Bưu một nhà chiến lược quân sự từng chỉ huy thiên binh vạn mã”.. ("Hồi ký Lý Tác Bằng", Tập 2, Nhà xuất bản Sao Bắc Cực Hồng Kông xuất bản năm 2011, trang 886).

(Kỳ tới: Diệp Quần - Phu nhân Lâm Bưu ra tay can dự)