Sự kiện Lâm Bưu (Kỳ 6): Diệp Quần ra tay can dự, Lâm Đậu Đậu không dám báo cha

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Diệp Quần với tham vọng làm Đệ nhất phu nhân đã tham gia âm mưu đảo chính cùng con trai; còn Lâm Đậu Đậu khi biết chuyện, can ngăn Lâm Lập Quả không được cũng không dám báo âm mưu đảo chính của mẹ và em cho cha.

Vợ chồng Lâm Bưu và Diệp Quần đều tử nạn trong vụ rơi máy bay ngày 13/9/1971 (Ảnh: kanlishi).
Vợ chồng Lâm Bưu và Diệp Quần đều tử nạn trong vụ rơi máy bay ngày 13/9/1971 (Ảnh: kanlishi).

Cần phải chỉ ra rằng Diệp Quần đã tham gia sâu vào các hoạt động bí mật của nhóm Lâm Lập Quả và bà đã cùng con trai dựng lên âm mưu này. Sự tham gia của Diệp Quần khiến nhóm này càng bị bao phủ bởi vầng hào quang lớn của Lâm Bưu, bởi vì Diệp Quần có nhiều không gian và năng lượng hơn để tác động trực tiếp đến Lâm Bưu.

Sự cuồng nhiệt và hoang đường của Diệp Quần cũng nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Vì Diệp Quần đã trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm trong thể chế, tại sao bà lại tham gia vào âm mưu đảo chính gần như là thiểu năng trí tuệ của Lâm Lập Quả có vẻ khó hiểu. Tuy nhiên, mọi người có thể biết từ lịch sử cổ đại và hiện đại của Trung Quốc và nước ngoài rằng ham muốn quyền lực mạnh mẽ có thể khiến con người ta trở nên điên cuồng, và ảnh hưởng của ham muốn lợi ích có thể khiến một người bình thường rơi vào trạng thái thiểu năng trí tuệ.

Diệp Quần là một trong hai nhân vật chính trong cuộc đảo chính. Bà trực tiếp nghe điện thoại của Chu Ân Lai, do kinh hoàng thất sắc phán đoán sai đã quyết định chạy sang Liên Xô ngay trong đêm. Đây là mấu chốt lớn nhất của toàn bộ sự kiện. Diệp Quần quan trọng như vậy, nên cần phải phân tích mối quan hệ giữa Lâm Bưu và Diệp Quần và tại sao bà có thể đóng một vai trò đặc biệt.

Lâm Bưu và Diệp Quần thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa (Ảnh: VCG).

Lâm Bưu và Diệp Quần thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa (Ảnh: VCG).

Như mọi người đều biết, tính cách Lâm Bưu thu mình và kỳ quặc, Ông không đọc sách, không xem báo, thường ngồi bất động trong phòng, không nói, sợ gió sợ nước, sợ ánh nắng và bị bệnh kinh niên. Lâm Bưu mất kiểm soát khi nóng nảy, đã có lần xé vụn giấy ủy nhiệm do Mao Trạch Đông cấp cho ông tại nhà riêng. Có một lần Giang Thanh đích thân đến nhà Lâm Bưu để chào hỏi, vì bất đồng quan điểm, Lâm Bưu đã tức giận đuổi Giang Thanh “bà cút ngay". Một người như vậy không thể xử lý các vấn đề nhạy cảm về chính trị, cũng không thể thích ứng với tình hình phức tạp của Cách mạng Văn hóa.

Diệp Quần liên tục đóng vai trò bảo vệ và sửa chữa ở bên cạnh Lâm Bưu, không ngừng uốn nắn Lâm Bưu và tránh để ông phạm những sai lầm chính trị nghiêm trọng. Bà ta cũng quen dùng cách lừa dối và che giấu để kiềm chế sự kích động quá mức của Lâm Bưu, tránh gây nên xung đột trực tiếp giữa Lâm và Mao. Lâm Bưu bị bệnh không thể kiểm soát được hành động của Diệp Quần, sau khi bình tĩnh lại, ông biết hành động của Diệp Quần vẫn có lợi cho mình nên đã bao dung và chấp nhận hành động của bà.

Tuy nhiên, bản thân Diệp Quần là một người không an phận, không bằng lòng với việc chỉ làm phụ tá và nội trợ của Lâm Bưu. Tham vọng của bà ngày càng gia tăng khi quyền thế của Lâm Bưu lên cao. Diệp Quần cũng nhân cơ hội và điều kiện này, dùng danh nghĩa Lâm Bưu chiếm đoạt riêng cho mình để thỏa mãn tham vọng ngày càng gia tăng. Quan Quang Liệt, cựu thư ký của Lâm Bưu, sau này kể lại rằng người phụ nữ này rất tham vọng và có thủ đoạn. Lâm Bưu không tích cực "xuất sơn", thậm chí là bất đắc dĩ. Nhưng Diệp Quần lại thích. Nếu Lâm Bưu không "xuất sơn", bà ta sẽ không thể vượt lên. Nói cho cùng, Diệp Quần muốn trở thành Đệ nhất phu nhân.

Gia đình Lâm Bưu (Ảnh: kanlishi).

Gia đình Lâm Bưu (Ảnh: kanlishi).

Theo thời gian, do sự nhất trí về lợi ích chính trị, Lâm Bưu và vợ hình thành mô hình phụ thuộc lẫn nhau: địa vị của Lâm Bưu càng cao và tình trạng vô năng do bệnh tật ngày càng gia tăng, Diệp Quần càng có nhiều cơ hội theo đuổi lợi ích cá nhân của mình theo cách này. Lâm Bưu là một người bị bệnh, không thể không dựa vào Diệp Quần để chăm sóc và xử lý các vấn đề. Mặt khác, người phụ nữ hư vinh, mạnh mẽ và có khả năng kiểm soát mạnh mẽ này ngày càng trở nên manh động, táo bạo hơn trong quá trình này.

Lâm Bưu vừa tức giận vừa buộc phải dung túng cho hành vi khống chế ông và lừa dối của Diệp Quần trái với ý muốn, đi ngược lại ý chí của ông. Còn Diệp Quần thì tiếp tục lừa ông bằng cách nói dối với danh nghĩa "tất cả những điều này là tốt cho Lâm Bưu". Điều này đã trở thành một phần cuộc sống thường ngày của bà ta. Một lần, Lâm Bưu muốn du ngoạn vùng căn cứ cũ Nam Xương. Để tránh việc Giang Thanh nắm được lịch trình, Diệp Quần vì không để Lâm Bưu đến Nam Xương, đã lừa ông trên suốt quá trình trên máy bay. Đến khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Đại Liên, Lâm Bưu mới biết nơi ông tới không phải là Nam Xương, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Bề ngoài, Diệp Quần vẫn sợ Lâm Bưu, phục tùng Lâm Bưu, lấy lòng ông, nhưng bà ta có cách đối phó với Lâm Bưu hiệu quả. Rất nhiều việc Diệp Quần đã làm nhưng Lâm Bưu không hề hay biết.

Trong lĩnh vực quyền lực kì dị thời kì Cách mạng Văn hóa, dưới đôi cánh của Phó Thống soái Lâm Bưu, không có gì ngạc nhiên khi dần dần hình thành nên những nhân vật dị tật như Lâm Lập Quả và Diệp Quần. Số phận của Trung Quốc trong thời đại Cách mạng Văn hóa đã phải chịu ảnh hưởng của mô hình bất thường này. Hiểu rõ được điều này thì sẽ dễ dàng giải thích các vấn đề khác nhau xảy ra trong Sự kiện ngày 13 tháng 9.

Lâm Đậu Đậu (Lâm Lập Hằng) thời trẻ (Ảnh: kanlishi).

Lâm Đậu Đậu (Lâm Lập Hằng) thời trẻ (Ảnh: kanlishi).

Lâm Lập Quả yêu cầu chị gái nói cho cha biết kế hoạch bí mật, nhưng bị từ chối

Ngày 7/9/1971 là một ngày quan trọng trong cuộc đảo chính của Lâm Lập Quả. Hai ngày trước đó, tức ngày 5 và 6/9, anh ta biết được từ hai kênh rằng Mao Trạch Đông đã điểm tên Lâm Bưu trong chuyến công du phía nam. Khi Lâm Lập Quả ở trong dinh thự của Lâm Bưu tại Bắc Đới Hà, anh ta quyết định tiến hành cuộc đảo chính. Để tiến hành đảo chính, trước tiên anh ta gọi cho Lâm Đậu Đậu ở Bắc Kinh và yêu cầu chị gái bay về Bắc Đới Hà với danh nghĩa ăn mừng lễ đính hôn của cô.

Ngày 7/9, Lâm Lập Quả tiết lộ tất cả kế hoạch bí mật của mình cho chị gái Lâm Đậu Đậu vừa đến Bắc Đới Hà. Anh ta nói rõ với chị gái rằng từ bài phát biểu trong chuyến công du phía Nam của Mao Trạch Đông, anh ta biết rằng cha họ sẽ bị đánh như Lưu Thiếu Kỳ và hậu quả sẽ bi thảm như Lưu Thiếu Kỳ và Hạ Long. Sức khỏe của cha họ không tốt và ông sẽ phải sống như một con khỉ bị bắt, chắc chắn không sống nổi. Tốt hơn là nên phát động một cuộc đảo chính thay vì chờ chết. Anh ta thực sự không thể chịu được cảnh này, dù cá chết cũng phá rách lưới. Anh ta đã chuẩn bị mọi thứ; Lâm Lập Quả cũng nói rằng mình sẽ được hỗ trợ bởi một số quân đoàn của Dã chiến quân của cha khi xưa.

Lâm Đậu Đậu hỏi Lâm Lập Quả, tình hình có tệ đến như vậy không? Thái độ của Thủ trưởng (Lâm Bưu) như thế nào? ông có biết không? Lâm Lập Quả nói Thủ trưởng chưa biết và không thể nói với ông trước khi sự việc được coi là chín muồi.

Lâm Đậu Đậu và ông Chu Ân Lai sau khi xảy ra Sự kiện Lâm Bưu (Ảnh: VCG).

Lâm Đậu Đậu và ông Chu Ân Lai sau khi xảy ra Sự kiện Lâm Bưu (Ảnh: VCG).

Lâm Lập Quả sau đó yêu cầu Lâm Đậu Đậu báo cáo kế hoạch tổng thể của mình cho Lâm Bưu, xin nhận được sự ủng hộ của cha. ("Sự kiện Lâm Bưu: Lời khai của những người trong cuộc", tr.227, "Bút lục phỏng vấn Lâm Lập Hằng").

Có thể thấy, trước ngày 7/9, Lâm Bưu không hề biết chuyện Lâm Lập Quả sẽ gây đảo chính. Tại sao vào thời điểm quan trọng như vậy Lâm Lập Quả không đi nói cho Lâm Bưu biết, mà lại nhờ chị gái vừa từ Bắc Kinh tới chuyển lời? Nguyên nhân là trong lòng anh ta vẫn có chút sợ hãi phụ thân, ở nhà chỉ có Lâm Đậu Đậu có thể nói chuyện được với cha, và Lâm Bưu cũng tin tưởng Lâm Đậu Đậu nhất.

Lâm Đậu Đậu ngay lập tức ý thức được tình hình nghiêm trọng và từ chối yêu cầu chuyển lời của Lâm Lập Quả. Là người tỉnh táo duy nhất trong gia tộc, Lâm Đậu Đậu biết theo lẽ thường kế hoạch này hoang đường đến mức nào. Lâm Lập Quả nói rằng anh ta nắm quyền chỉ huy một số quân đoàn, thoạt nghe Lâm Đậu Đậu đã thấy không đáng tin. Dựa vào một nhúm cán bộ nhỏ như vậy ở văn phòng Không quân, cuộc đảo chính của đám trẻ này chắc chắn sẽ thất bại; sau khi thất bại thì cả nhà đều khốn đốn, đương nhiên Lâm Đậu Đậu không đồng ý với hành động phiêu lưu của em trai.

Cô cảnh báo Lâm Lập Quả: "Em không được giúp Chủ nhiệm (Diệp Quần) lừa dối Thủ trưởng (Lâm Bưu)! Không được hành động hấp tấp nếu không được Thủ trưởng đồng ý. Đừng tin tưởng Chủ nhiệm. Nếu có chuyện gì xảy ra, em không thể chạy thoát. Thủ trưởng sẽ không tha thứ cho em!".

Lâm Lập Quả nói: "Chị nhìn lại mình đi! Thế chỉ biết ngồi chờ chết sao? Em không thể nuốt trôi cục tức này. Một nhóm (Mao Trạch Đông) hô mưa gọi gió. Muốn chỉnh ai thì sẽ chỉnh người đó. Không ai dám chống, em sẽ chống! Chị cứ ngồi mở mắt nhìn Thủ trưởng bị chỉnh sao?".

Bà Lâm Đậu Đậu hiện nay (Ảnh: toutiao).

Bà Lâm Đậu Đậu hiện nay (Ảnh: toutiao).

Tối ngày 8/9, lâm lập quả lại nói chuyện lần thứ hai với Lâm Đậu Đậu. Ý tưởng của Lâm Lập Quả vẫn bị chị gái phản đối, Lâm Đậu Đậu vẫn muốn ngăn Lâm Lập Quả trở lại Bắc Kinh lần nữa. Đến lúc này, mặc kệ Lâm Đậu Đậu nói gì, Lâm Lập Quả cũng không nói nữa, nhưng vẻ mặt đã có chút do dự. Lâm Lập Quả mượn cớ đến Bắc Kinh để gặp nha sĩ, bay về Bắc Kinh ngay trong đêm đó để tổ chức cuộc đảo chính.

Tại sao Lâm Đậu Đậu không báo cáo với Lâm Bưu?

Trong 4 ngày sau khi Lâm Lập Quả rời Bắc Đới Hà trở về Bắc Kinh (từ ngày 8 đến 12/9), Lâm Đậu Đậu đang ở nhà của Lâm Bưu ở Bắc Đới Hà, có đủ thời gian và cơ hội để báo cáo tình hình nghiêm trọng này với Lâm Bưu. Nếu cô có thể kịp thời nói trực tiếp với Lâm Bưu về cuộc đảo chính của em trai, tình hình có thể đã hoàn toàn khác; giai đoạn lịch sử quan trọng này của Trung Quốc có thể đã được viết lại.

Nếu Lâm Đậu Đậu làm được điều này, và Lâm Bưu tin vào điều đó, thì khả năng cao nhất là ông sẽ để Vệ sĩ trưởng của mình là Lý Văn Phổ bí mật giam giữ Lâm Lập Quả và Diệp Quần lại, không để Lâm Lập Quả trở lại Bắc Kinh, chuyện lớn sẽ hóa nhỏ. Tất nhiên Lâm Bưu sẽ giấu trung ương tất cả những điều này. Ở vị trí Phó Thống soái cao như thế, cơ bản không có sự giám sát của tổ chức đảng và ràng buộc về tổ chức đối với Lâm Bưu, ông hoàn toàn có thể che giấu sự thật trong một khoảng thời gian đáng kể. Xem xét hồi ký của những người trong cuộc vào thời điểm đó, Trung đoàn Cảnh vệ trung ương ở Bắc Đới Hà, tức Đơn vị 8341, chủ yếu là những người làm việc tại hiện trường, không có quyền thám thính, không thể biết chuyện lớn gì đang xảy ra trong nhà của Lâm Bưu. Và những đồng đảng của cuộc đảo chính ở Bắc Kinh nếu mất đi sự chỉ huy của Lâm Lập Quả, như rắn mất đầu sẽ không dám hành động hấp tấp. Cho dù có để lộ manh mối hành động, ít nhất trong một khoảng thời gian, dưới quyền thế của Lâm Bưu, nhóm nhỏ này cũng sẽ không bị bại lộ ngay lập tức.

Ông Lý Văn Phổ (phải), Vệ sĩ trưởng của Lâm Bưu (Ảnh: VCG).

Ông Lý Văn Phổ (phải), Vệ sĩ trưởng của Lâm Bưu (Ảnh: VCG).

Thế nhưng, trong bốn ngày đó, Lâm Đậu Đậu nhìn trái nhìn phải, lo lắng bồn chồn, không có dũng khí và can đảm bước vào phòng của cha chỉ cách đó vài bước để trực tiếp báo cáo kế hoạch đảo chính đáng sợ của Lâm Lập Quả cho Lâm Bưu. Ở thời điểm then chốt, một người con gái yếu đuối trong gia đình quyền thế do không hành động dứt khoát, để rồi sau này phải nếm trái đắng trong suốt cuộc đời. Đây là điều đáng ân hận nhất trong cuộc đời Lâm Đậu Đậu và là cơ hội quan trọng nhất trong cuộc đời mà cô đã đánh mất.

Tại sao Lâm Đậu Đậu không tố giác em trai mình với cha vào thời điểm then chốt? Cô đã tiết lộ những cân nhắc của mình vào thời điểm đó trong hồi ký của mình.

Đầu tiên, điều Lâm Đậu Đậu sợ nhất là cuộc nói chuyện bí mật của Lâm Lập Quả với cô được thực hiện giữa hai người, khẩu thiệt vô bằng; khi đối chất với nhau, Lâm Lập Quả và Diệp Quần sẽ không thừa nhận và Lâm Bưu có thể không tin điều đó. Bản thân cô sẽ bị em trai và mẹ trả thù và bức hại, cô sẽ trở thành nạn nhân của việc “vì nghĩa hại người thân” là em trai. Trong quá khứ, cô đã từng bị mẹ giam giữ vì những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình. Trong lịch sử Trung Quốc chả đầy rẫy những chuyện cốt nhục tương tàn đó sao?

Thứ hai, Lâm Đậu Đậu cho rằng cha cô Lâm Bưu không còn là một người khỏe mạnh bình thường nữa. Bệnh thần kinh của ông đã khá nghiêm trọng và ông không còn có thể tư duy bình thường được nữa. Ông thường quên tất cả những gì ông vừa nghe, nhiều chuyện như vậy đã xảy ra trong quá khứ. Khả năng phán đoán của Lâm Bưu thực sự đáng lo ngại. Liệu một người cha như vậy có thể hợp tác với cô như một người bình thường?

Bà Lâm Đậu Đậu (trái) trong một sự kiện năm 2016 (Ảnh: Dwnews).

Bà Lâm Đậu Đậu (trái) trong một sự kiện năm 2016 (Ảnh: Dwnews).

Thứ ba, cô vẫn có một số kỳ vọng không thực tế đối với em trai của mình, bởi vì trong hai cuộc trò chuyện bí mật với Lin Liguo, cô nhận thấy rằng bản thân Lâm Lập Quả vẫn còn một chút do dự về việc thực hiện cuộc đảo chính, và dường như chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Cô nghĩ, có lẽ sau khi đến Bắc Kinh lần này, anh ta sẽ thay đổi quyết định nếu nhận ra rằng chuyện sẽ không thành. Nếu cô nói sự việc với Lâm Bưu trước và Lâm Lập Quả không làm gì sau đó, chả phải cô sẽ để em trai mình phải chịu những rắc rối không đáng có sao?

Tất cả những cân nhắc cá nhân phức tạp này đều là bản chất của con người và sẽ chi phối những lựa chọn quan trọng của cá nhân trong một giai đoạn cụ thể. Điều này đã khiến Lâm Đậu Đậu mất đi cơ hội cuối cùng để thay đổi số phận của gia tộc Lâm Bưu.

Sau nhiều cân nhắc, vào ngày 7/9, Lâm Đậu Đậu mới nói kế hoạch bí mật của Lâm Lập Quả cho Lý Văn Phổ, Vệ sĩ trưởng của Lâm Bưu và Lưu Cát Thuần, Trợ lý bảo vệ. Cô yêu cầu họ không báo cáo cho Lâm Bưu, cũng không báo cho cấp trên trực tiếp của họ là Uông Đông Hưng. Tất cả những cân nhắc này cho thấy Lâm Đậu Đậu muốn giải quyết vấn đề trong nội bộ. Cô yêu cầu Lý chỉ thị cho cấp dưới của ông giam giữ Diệp Quần và Lâm Lập Quả để ngăn họ chạy trốn. Cô ảo tưởng rằng sau khi dàn xếp nội bộ, địa vị của Lâm Bưu vẫn không bị ảnh hưởng, nghĩ rằng bí mật giải quyết sẽ không có hậu quả gì.

Tuy nhiên, Vệ sĩ trưởng của Lâm Bưu, đối mặt với tình huống nghiêm trọng như vậy, phản ứng của anh ta có ba điều. Đầu tiên, Lý Văn Phổ không tin chút nào, anh ta liên tục nói rằng không có bằng chứng cho những gì Lâm Đậu Đậu nói. “Cháu cũng chỉ nghe Lâm Đậu Đậu nói thôi, sao chú có thể biết đó là thật hay giả?”.

Thứ hai, anh ta tin rằng ngay cả khi điều đó là sự thật, thì làm sao anh ta có thể có đủ quyền lực để giam giữ các quan chức cấp cao như Diệp Quần và Lâm Lập Quả? Tổ chức không trao cho anh ta quyền hạn như vậy. Điều này là đúng, trên thực tế, trong một thể chế tổ chức tập quyền chặt chẽ, không thể có bất kỳ cấp dưới nào tự đưa ra củ trương để làm những việc lớn mà mình không được ủy quyền.

Thứ ba, Lý Văn Phổ cho rằng, trong tình hình hiện tại, chỉ có thể quan sát thêm, nếu bọn họ muốn bắt cóc Thủ trưởng, anh ta nhất định sẽ liều chết bảo vệ Thủ trưởng.

Vệ sĩ trưởng của Lâm Bưu là người đã đi theo Lâm Bưu nhiều năm, rất thận trọng và trung thành, anh ta được Lâm Bưu yêu quý. Lý Văn Phổ đánh giá bản thân là người không có trình độ học vấn cao, đầu óc đơn giản, là một người quê kệch, không quan tâm và không hiểu về các cuộc đấu tranh ở cấp cao, chỉ muốn phục vụ tốt việc ăn ở và đi lại của Lâm Bưu. Lâm Bưu trong nhiều năm cũng đã nhìn thấy ở anh ta điều này và rất tín nhiệm.

Lý Văn Phổ quả là một người tốt bụng, không hiểu chuyện lớn, vừa rụt rè vừa sợ chuyện. Khi phải đối mặt với một tình huống khẩn cấp phức tạp và to lớn như vậy, anh ta thiếu khả năng phán đoán và quyết đoán lẽ ra phải có. Lý không báo cáo với tổ chức cấp trên của mình và Lâm Bưu, và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh càng không có cách nào để biết. Trong bốn ngày quý giá đó, mọi thứ cứ kéo dài như thế. Khủng hoảng và sự biến lớn ở nước Cộng hòa sắp xảy ra.

Do Lâm Đậu Đậu khẩn cầu mãi, Lý Văn Phổ chỉ đồng ý rằng nếu Lâm Lập Quả muốn bắt cóc Lâm Bưu, anh ta sẽ liều mình bảo vệ Thủ trưởng. Nhưng nếu Lâm Bưu chủ động thì sao? Câu trả lời của Lý Văn Phổ là: "Khi lên máy bay, nếu tôi phát hiện có điều gì đó không ổn, tôi sẽ đánh lại chúng! Chúng ta có nhiều cảnh vệ, nhất định sẽ thắng chúng". Chuyện nhỏ cẩn thận, chuyện lớn lại hồ đồ, không hiểu mọi chuyện, Lý Văn Phổ đã tham gia vào lịch sử Trung Quốc như thế.

Bà Lâm Đậu Đậu năm 2016 (Ảnh: Dwnews).

Bà Lâm Đậu Đậu năm 2016 (Ảnh: Dwnews).

Trong vài ngày tiếp theo, Lâm Đậu Đậu không báo cáo với Lâm Bưu và cũng không có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình, cô chỉ loanh quanh cùng một vài nhân viên xung quanh Lâm Bưu, yêu cầu họ “nâng cao cảnh giác” và “bảo vệ tốt Thủ trưởng”, phát hiện tình hình bất thường thì báo cho cô. Còn Lý Văn Phổ đã không báo cáo với cấp trên cũng như không dám hành động độc lập khi chưa có sự đồng ý của tổ chức. Trong bốn ngày then chốt đó, cả bản thân Lâm Bưu và Trung ương đều mất đi cơ hội giải quyết vấn đề theo ý mình.

Trong bốn ngày then chốt từ ngày 8 đến 12/9, trong bốn người trong gia tộc này, Lâm Bưu không hề hay biết gì, Diệp Quần và Lâm Lập Quả là đồng đảng đảo chính, Lâm Đậu Đậu biết sự thật, nhưng do hoang mang bối rối nên chỉ biết lo lắng.

Lâm Bưu là người duy nhất bị ở trong bóng tối, có cuộc sống bình yên trong 4 ngày. Cho đến sáng ngày 12 tháng 9, 10 giờ trước khi xảy ra sự kiện đào thoát "13 tháng 9", Lâm Lập Quả vẫn chưa quay trở lại Bắc Đới Hà, Lâm Bưu cũng rất quan tâm đến chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Ông cũng hỏi thư ký: “Khi nào Nixon đến Bắc Kinh?” Sau khi thư ký trả lời ông, Lâm Bưu còn nói rằng sau khi Nixon đến Bắc Kinh, ông sẽ chuẩn bị gặp Nixon. Đây nên là lời chứng then chốt cho việc Lâm Bưu không hay biết gì về cuộc chính biến.

Thật khó tưởng tượng rằng nếu Lâm Bưu đã biết trước rằng Lâm Lập Quả đang muốn ám sát lãnh tụ ở Bắc Kinh, chuyện này sẽ sớm ảnh hưởng đến vận mệnh của bản thân Lâm Bưu và gia tộc, mà ông vẫn có thể ung dung tự tại và tưởng tượng ra cảnh tượng huy hoàng của cuộc gặp mặt Nixon.

(Kỳ sau: Chạy trốn khỏi Bắc Đới Hà)