Sự kiện Lâm Bưu (Kỳ 3): Mối quan hệ Mao Trạch Đông – Lâm Bưu tan vỡ như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bất đồng sớm nhất giữa Lâm Bưu và Mao Trạch Đông là việc nhóm Cách mạng Văn hóa Trung ương gây áp lực lên ông vào đầu năm 1967 và muốn phát động Cách mạng Văn hóa trong quân đội, điều Lâm Bưu phản đối.

Tại Đại hội IX, Lâm Bưu được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc là "người kế thừa" Mao Trạch Đông (Ảnh: VCG).
Tại Đại hội IX, Lâm Bưu được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc là "người kế thừa" Mao Trạch Đông (Ảnh: VCG).

Phe tạo phản cấp tiến trong quân đội đã tiến hành phê đấu tàn khốc đối với số lớn các cán bộ cũ, cấp dưới của Lâm Bưu là Khưu Hội Tác đã bị đánh cho đến chết đi sống lại phải viết một bức thư để nhờ ông cứu giúp. Khi nhận được bức thư, Lâm Bưu đã run lên vì tức giận.

Khi “Làn gió ngược tháng Hai” (tức nhóm các tướng lĩnh trong Bộ Chính trị chống lại Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, tháng 2/1967-ND) xảy ra, trong lòng Lâm Bưu hoàn toàn ủng hộ các tướng soái cũ. Mao Trạch Đông khôn khéo gắn kết mình với Lâm Bưu. Mao nói: “Lâm Bưu, vị trí của ông cũng không ổn đâu”. Ông ta còn nói sẽ lại lên núi để đánh du kích và mang Lâm Bưu đi cùng, như một gợi ý để Lâm Bưu không nên tham gia cùng các tướng soái. Một khi Nhà lãnh đạo nổi giận, Lâm Bưu lập tức thay đổi thái độ và vạch rõ ranh giới với các tướng soái cũ. Tuy nhiên, những nghi ngờ của ông về Cách mạng Văn hóa từ đó ngày càng sâu sắc hơn.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tư cách người kế nhiệm của ông đã được đưa vào Điều lệ đảng, đây là phần thưởng của Nhà lãnh đạo dành cho ông. Nhưng trong bản dự thảo đầu tiên của Báo cáo Chính trị Đại hội IX mà Lâm Bưu ủy nhiệm cho Trần Bá Đạt chuẩn bị cho ông, Lâm Bưu đã đi ngược lại ý muốn của ông Mao và nhấn mạnh phải phát triển các lực lượng sản xuất. Sự biến đổi này cần được hiểu là sự kêu gọi của lý trí thực dụng bên trong Lâm Bưu. Nhưng điều này khiến Mao Trạch Đông bắt đầu cảm thấy không hài lòng với ông. Nhưng sự không hài lòng này rất mờ nhạt. Mao Trạch Đông chỉ nói một cách dửng dưng tại cuộc họp: “Có rất nhiều quân nhân tại hội nghị, chả trách các hãng thông tấn nước ngoài nói chúng ta là một chế độ quân sự chuyên quyền quan liêu”.

Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trên lầu thành Thiên An Môn năm 1966 (Ảnh: Kanlishi).

Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trên lầu thành Thiên An Môn năm 1966 (Ảnh: Kanlishi).

Do mơ hồ cảm thấy sự bất đồng của Lâm Bưu với mình, Mao Trạch Đông bắt đầu có sự nghi kị về Lâm Bưu. Khoảng nửa năm sau Đại hội IX, sau Sự kiện đảo Trân Bảo (tức vụ xung đột quân sự Trung-Xô, ND), Lâm Bưu đã ban hành "Mệnh lệnh số 1" chuẩn bị chiến tranh với Liên Xô. Văn bản lưu hành này được gửi cho Mao Trạch Đông. Mao nghi ngờ đây là kịch bản diễn tập trước của việc Lâm Bưu cướp quyền. Ông ta vô cùng tức giận và thậm chí đốt bản lưu hành bằng một que diêm trước mặt Uông Đông Hưng (sách “Hồi ký của Uông Đông Hưng: cuộc đấu tranh của Mao Trạch Đông với Tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu”, Nhà xuất bản Trung Quốc đương đại, xuất bản năm 1997, trang 14). Sau đó người ta mới phát hiện ra rằng cái gọi là "Mệnh lệnh số 1" là tên tạm thời do những người quản lý cụ thể lúc đó đặt theo nhu cầu đánh số mà Lâm Bưu không hề biết. Lúc này sự rạn nứt Mao-Lâm đã hình thành sâu sắc.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX năm 1970 ở Lư Sơn, Lâm Bưu đã tính toán sai tình thế. Do ảnh hưởng bởi Trần Bá Đạt và Uông Đông Hưng, ông ta đã lầm tưởng rằng Giang Thanh và Trương Xuân Kiều không còn được Mao Trạch Đông tin tưởng nữa. Lâm Bưu cho rằng thời cơ để ông phát động một cuộc tấn công chống lại kẻ thù chính trị Giang Thanh đã chín muồi. Vì vậy ông đã có một bài phát biểu dài phê phán Trương Xuân Kiều tại hội nghị. Dù không nêu rõ tên nhưng bài nói đã thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của hầu hết các Ủy viên Trung ương tham dự. Tại cuộc họp, khí thế các ủy viên Ủy ban Trung ương nôn nóng đòi lôi cổ Trương Xuân Kiều ra mạnh đến mức Mao Trạch Đông thấy rằng cuộc Cách mạng Văn hóa có nguy cơ bị phủ nhận sau lưng ông. Do đó, Mao quyết định phản công Lâm Bưu bằng phong trào "Phê Trần (Bá Đạt) chỉnh phong".

Sau Hội nghị Lư Sơn này, Mao Trạch Đông thông qua nhiều cách khác nhau yêu cầu Lâm Bưu kiểm điểm, nhưng Lâm Bưu không chịu kiểm điểm. Ai thuyết phục ông cũng vô ích. Theo quan điểm của Lâm Bưu, Mao Trạch Đông không còn tin tưởng mình nữa, Mao chỉ muốn ông viết kiểm điểm để gạt ông sang một bên. Ông quyết không cho Mao Trạch Đông cơ hội như vậy, xem ông ta sẽ làm gì.

Hình ảnh Lâm Bưu đọc "Sách đỏ" của Mao Trạch Đông được tuyên truyền về việc ông là "người kế thừa xứng đáng" (Ảnh: AFP).

Hình ảnh Lâm Bưu đọc "Sách đỏ" của Mao Trạch Đông được tuyên truyền về việc ông là "người kế thừa xứng đáng" (Ảnh: AFP).

Mao Trạch Đông ngày càng mất kiên nhẫn trước việc Lâm Bưu không chịu kiểm điểm nên đã áp dụng các biện pháp “ném đá”, “trộn cát”, “đào chân tường” để gây sức ép với Lâm Bưu, nhưng Lâm Bưu vẫn án binh bất động. Mâu thuẫn giữa hai người ngày càng sâu sắc.

Cuối tháng 10/1970, Mao bị ốm, bệnh tình ngày càng trầm trọng, rồi chuyển sang viêm phổi. Do bác sĩ chăm sóc sức khỏe của Mao Trạch Đông đang ở bên ngoài Bắc Kinh, Chu Ân Lai đã cử ba bác sĩ chuyên môn khác đến để chẩn trị cho ông. Mao Trạch Đông nổi giận, ông ta nói họ “được Lâm Bưu cử tới”, và “chữa bệnh theo lệnh của Lâm Bưu". Mao hai tay đấm vào ngực và nói: "Lâm Bưu có lẽ hy vọng phổi của ta bị thối rữa".

Lâm Bưu càng không chịu kiểm điểm, Mao Trạch Đông càng bất bình. Mao có linh cảm rằng một người kế vị hợp pháp như Lâm Bưu sẽ không chỉ ngăn cản lý tưởng Cách mạng Văn hóa của ông tiến xa hơn mà còn có thể phủ định hoàn toàn nó. Trong một thời gian khá dài sau đó, trong lòng Mao Trạch Đông đầy bồn chồn và lo lắng, thường cả đêm không ngủ được.

Vì vậy Mao Trạch Đông đã chỉ thị Mao Viễn Tân (con Mao Trạch Dân, em trai Mao Trạch Đông -ND) đưa ra tuyên bố quan trọng "Sự kiện Lư Sơn là một cuộc đảo chính không thành" tại Hội nghị Công tác Kế hoạch toàn quốc vào tháng 2 năm 1971.

Tại sao Lâm Bưu bất thường chống lại ý chí của Mao Trạch Đông, cứng rắn như vậy? Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, tình hình các cán bộ cấp cao từ chối kiểm điểm sau khi bị Mao phê bình chưa từng xảy ra trước đây. Điều này có thể được giải thích từ cá tính và tâm lý của Lâm Bưu.

Trước hết, Lâm Bưu tin rằng Mao nhất định sẽ không tiếp tục để ông kế nhiệm nữa, việc kiểm điểm chỉ là cái cớ và lý do để Nhà lãnh đạo đánh đổ ông. Lâm Bưu sức khỏe yếu, sau Hội nghị Lư Sơn Trung ương 2 khóa IX, ông tin rằng Mao Trạch Đông sẽ không bao giờ tha cho ông. Đã thế, ông quyết không kiểm điểm, xem Nhà lãnh đạo có thể làm gì với mình. Cá tính của Lâm Bưu vốn cực kỳ bướng bỉnh, ông là ái tướng được Mao Trạch Đông ngưỡng mộ và bảo vệ đặc biệt trong các phong trào chính trị trước đây. Ông chưa trải qua cuộc chỉnh phong Diên An và các phong trào khác, cũng như chưa trải qua chịu nhục chịu khổ lần nào. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa ông và các cán bộ cấp cao khác.

Tranh tuyên truyền Lâm Bưu trung thành với Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: Kanlishi).

Tranh tuyên truyền Lâm Bưu trung thành với Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: Kanlishi).

Lâm Bưu mất cơ hội hòa giải tốt nhất với Mao Trạch Đông

Tuy nhiên, đối với Lâm Bưu, cục diện đã xoay chuyển tốt đẹp ngay sau đó.

Gần đến tháng 4/1971, sau khi bốn Đại tướng Hoàng Vĩnh Thắng, Khưu Hội Tác, Ngô Pháp Hiến và Lý Tác Bằng ở Văn phòng Quân ủy nộp bản kiểm điểm của họ cho Mao Trạch Đông, Mao đã tiếp họ tại nhà của ông trong Trung Nam Hải, vui vẻ chấp nhận kiểm điểm của họ và nói: "Vấn đề này đối với tôi, coi như đã kết thúc. Các đồng chí có thể trút bỏ gánh nặng, thoải mái mà công tác, đừng suy nghĩ gì nữa".

Khưu Hội Tác đã kể lại trong hồi ký của mình rằng, vào cuối tháng 7/1971, tức hơn một tháng trước khi xảy ra “Sự kiện ngày 13/9", và hai tuần trước chuyến công du phía Nam, Mao Trạch Đông gọi Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng đến nhà riêng của mình chuyên tâm trao đổi về vấn đề chuẩn bị chiến tranh chống Liên Xô. Điều này cho thấy chiến dịch "Phê Trần (Bá Đạt) chỉnh phong” được phát động chống lại Lâm Bưu đã trôi qua. Lâm Bưu và các tướng lĩnh của ông ta trong Văn phòng Quân ủy quả thực thấy nhẹ nhõm. Bốn tướng trong Quân ủy nhóm Hoàng Vĩnh Thắng cũng vui vẻ tổ chức tiệc mừng riêng.

Tại sao Mao Trạch Đông lại từ bỏ cuộc điều tra Lâm Bưu vào đầu tháng 4/1971? Sự nhượng bộ của ông Mao lần này cũng khiến cho mọi người khó hiểu. Bởi vì trong hai tháng trước đó, Mao Viễn Tân vẫn còn phát biểu ở Hội nghị Công tác Kế hoạch toàn quốc với giọng điệu và phong cách của Mao Trạch Đông, công khai tuyên bố: "Chuyện xảy ra tại Hội nghị Lư Sơn là một cuộc đảo chính không thành. Lý do tại sao cuộc đảo chính này không thành công là do nội bộ các người phối hợp không tốt”. Như mọi người đều biết, Mao Viễn Tân vẫn là một nhân vật nhỏ trong đảng, nếu không được Mao Trạch Đông chỉ thị, ông ta sẽ không bao giờ dám công khai đánh giá hoạt động của Phó Thống soái Lâm Bưu tại Lư Sơn là mang tính chất mâu thuẫn địch - ta tại một cuộc họp quan trọng như vậy của đảng. Tuy nhiên, bản thân Mao Trạch Đông khi đó đã xoay chuyển một trăm tám mươi độ vào lúc này, thực sự đã làm yên mọi người. Tại sao lại như thế?

Mao Trạch Đông và Lâm Bưu gặp gỡ triệu Hồng vệ binh trên Quảng trường Thiên An Môn trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: Kanlishi).

Mao Trạch Đông và Lâm Bưu gặp gỡ triệu Hồng vệ binh trên Quảng trường Thiên An Môn trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: Kanlishi).

Trên thực tế, Mao Trạch Đông quả thật đã lâm vào thế khó xử và tiến thoái lưỡng nan trong một thời gian dài. Một mặt, Mao nhìn thấy thái độ tiêu cực, thậm chí phản kháng của Lâm Bưu đối với Cách mạng Văn hóa, điều mà ông ta không thể dung thứ. Vì Lâm Bưu không chịu kiểm điểm bản thân, có nghĩa là nếu Lâm Bưu nắm quyền sau ông, chắc chắn Cách mạng Văn hóa sẽ bị phủ định.

Mặt khác, nếu Lâm Bưu phải bị đánh đổ vì phê phán không nêu đích danh Trương Xuân Kiều tại Hội nghị Lư Sơn, lý do thực sự không thỏa đáng, và cũng không thuyết phục được toàn đảng và nhân dân cả nước. Hơn nữa, tư cách người kế nhiệm của Lâm Bưu đã được đưa vào Điều lệ đảng. Giới tinh hoa quân đội phái Lâm Bưu đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Trung Quốc thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Phái Cách mạng Văn hóa Trung ương như Giang Thanh và Trương Xuân Kiều mà Mao tin tưởng, hoàn toàn không có lực lượng để thay thế họ. Suy theo lẽ thông thường, bản kiểm điểm do bốn tướng ở Văn phòng Quân ủy đệ trình Mao Trạch Đông cũng đủ thành khẩn. Đây cũng là lý do vì sao cuối tháng 3/1971, Mao quyết định “đẩy thuyền xuôi dòng” và ngừng truy cứu Lâm Bưu.

Về việc ông Mao tạm thời từ bỏ việc truy cứu và chờ đợi một cơ hội mới, hay dừng lại ở đó và quay trở lại thể chế Mao-Lâm đã được thiết lập trước đó, chúng ta không thể biết được từ các dữ liệu hiện có. Ít nhất là từ dữ liệu hiện có, từ tháng 4 đến tháng 8, trong gần bốn tháng, mọi thứ dường như đều ổn và đã trở lại trạng thái bình thường.

Bốn tháng này cũng là khoảng thời gian thư thái nhất của ông Chu Ân Lai kể từ khi bắt đầu Cách mạng Văn hóa. Chu Ân Lai thuộc phái thực dụng, hàng ngày có rất nhiều công việc cần người giúp đỡ, so với phái Cách mạng Văn hóa Trung ương Giang Thanh hiếu chiến, cấp tiến; quan hệ của ông ta với bốn tướng của Văn phòng Quân ủy khá tốt. Lâm Bưu luôn có mâu thuẫn với Giang Thanh và Trương Xuân Kiều – những người thuộc phái Cách mạng Văn hóa Trung ương. Giang Thanh không ngừng đàn áp Chu Ân Lai, những tướng lĩnh này trong Quân ủy luôn giúp Chu Ân Lai giải vây. Trong hơn ba tháng từ tháng 4 đến tháng 8, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Khưu Hội Tác thường mời Chu Ân Lai ăn tối và nghỉ ngơi, Chu Ân Lai cũng bớt căng thẳng. Vì lý do này, bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai – ND) cũng cảm ơn bốn tướng ở Văn phòng Quân ủy này.

"Lãnh tụ vĩ đại" và "người kế thừa xứng đáng" (Ảnh: Kanlishi).

"Lãnh tụ vĩ đại" và "người kế thừa xứng đáng" (Ảnh: Kanlishi).

Về lý mà nói, vấn đề này đến đây đã kết thúc. Tuy nhiên, có những điều không lường trước đã xảy ra.

Bữa dạ hội ngắm đèn lồng vào ngày lễ 1 tháng 5 trên lầu thành Thiên An Môn vốn là một cơ hội tuyệt hảo để Lâm Bưu và Mao Trạch Đông hàn gắn mối quan hệ. Điều bất ngờ là, Lâm Bưu từ chối tham dự buổi dạ hội ngắm đèn này. Do sự van xin khẩn cầu của Diệp Quần và cuộc điện thoại thúc giục của Chu Ân Lai mà ông phải miễn cưỡng đến dự. Lâm Bưu đến muộn hơn Mao Trạch Đông, lạnh lùng ngồi đối mặt với Mao ở phía đối diện, cúi đầu suốt không nói gì, chỉ sau mười phút liền rời đi mà không chào tạm biệt ông Mao. Ngay cả nhiếp ảnh gia cũng không có cơ hội chụp được bức ảnh chung giữa hai nhà lãnh đạo Mao - Lâm.

Mao Trạch Đông đã kết thúc xử lý những người trong phái quân ủy một tháng trước và cuộc "phê Trần chỉnh phong" cũng đã kết thúc. Đây lẽ ra là một điều tốt đẹp để làm cho Lâm Bưu vui mừng. Lâm Bưu nên bày tỏ lòng biết ơn đối với Mao Trạch Đông mới phải. Tại sao Lâm Bưu lại không bình thường như vậy?

Lời giải thích có thể là, sự oán hận của Lâm Bưu đối với Mao đã tích tụ quá sâu. Theo quan điểm của Lâm Bưu, ông vào sinh ra tử vì lãnh tụ, tại Hội nghị Lư Sơn và Hội nghị Bảy ngàn người, ông đã nhiều lần cứu vãn tình thế khó xử về chính trị của lãnh tụ và rất tích cực trong việc thúc đẩy việc sùng bái lãnh tụ; thế mà chỉ vì ông phê bình Trương Xuân Kiều không nêu tên, trước đó không xin ý kiến và được lãnh tụ cho phép, mà Mao Trạch Đông xác định vụ việc Lư Sơn là một "cuộc đảo chính không thành". Mặc dù sau đó ông Mao đã ngừng truy cứu và sự việc đã kết thúc, nhưng nó giống như một đứa trẻ khóc to hơn sau khi được dỗ dành. Những oán hận bị kìm nén bấy lâu của Lâm Bưu cuối cùng đã bùng phát và cá tính cố chấp của Lâm Bưu lại một lần nữa bộc lộ một cách bướng bỉnh.

Lâm Bưu ngang nhiên lạnh nhạt với Mao Trạch Đông trên lầu thành Thiên An Môn, chỉ để bày tỏ ý của mình với Mao: Tôi, Lâm Bưu, là một bệnh nhân và tôi xin nghỉ phép một thời gian dài, bất cần chính trị. Tôi đang dưỡng bệnh ở Bắc Đới Hà, không muốn trở thành người kế vị. Chính ông vào tháng 8 năm 1966 đã gọi điện kêu tôi đến Bắc Kinh, coi tôi là người kế nhiệm và đưa tôi vào Điều lệ đảng. Tôi chỉ như thế đấy, ông có thể làm gì với tôi? Đối với một người mắc bệnh hiểm nghèo như Lâm Bưu, một người không quan tâm đến bất cứ điều gì trong cuộc sống, người dễ dàng mất kiểm soát cảm xúc của mình, sự bất mãn bị kìm nén lâu dài của ông đã bùng phát theo cách này. Tác giả tin rằng ngay cả bản thân ông ta cũng không thể kiểm soát được. Có thể hình dung được rằng ông thậm chí có thể thấy khoái trá sau khi giải tỏa được những cảm xúc bị dồn nén lâu này.

Tuy nhiên, đây quả thực không phải là thời điểm thích hợp để Lâm Bưu bùng nổ cảm xúc. Mao Trạch Đông rất sốc trước hành động của Lâm Bưu trên lầu thành Thiên An Môn. Đối với Mao, kể từ năm 1943, ông ta chưa bao giờ nhận được sự đối xử lạnh nhạt như vậy của cấp dưới, đặc biệt là Lâm Bưu, người được ông đưa vào danh sách kế tục mình, lại tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt với ông ta trước mặt quảng đại công chúng trên lầu thành Thiên An Môn. Nó chẳng khác nào sự khinh miệt và sỉ nhục đối với ông. Mao Trạch Đông là người sáng lập ra nước Cộng hòa, một lãnh tụ và chính khách vĩ đại được nhân dân cả nước tôn sùng, ông cũng là một người rất tự tôn! Khi ông đã muốn lùi lại một bước cho yên chuyện, thì đối phương đột nhiên trở mặt và làm nhục ông. Mao Trạch Đông cảm thấy hố ngăn cách giữa ông và Lâm Bưu sâu đến mức nào. Không cần phải nói, phản ứng tâm lý đầu tiên của ông chắc chắn là sau khi ông qua đời, Lâm Bưu nhất định sẽ lật lại vụ án Cách mạng Văn hóa, chuyện này quyết không thể kết thúc.

Có thể nói, ba tháng từ ngày 1/5/1971 đến trước bài phát biểu Công du phương Nam vào đầu tháng 8, Mao Trạch Đông tuy cố nhẫn nhịn không phát nhưng trong lòng đầy mâu thuẫn. Theo hồi ức của những người thân cận với Mao Trạch Đông, đây là thời kỳ ông trong lòng chán nản nhất. Lâm Bưu hoàn toàn không phải là người kế vị lý tưởng của ông, nhưng không có lý do chính đáng để hủy bỏ ngay một lúc tư cách người thừa kế của Lâm Bưu.

Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trên lầu thành Thiên An Môn (Ảnh: VCG).

Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trên lầu thành Thiên An Môn (Ảnh: VCG).

Sau “Sự kiện thành lầu Thiên An Môn ngày 1/5”, Lâm Bưu bình tĩnh lại và thấy hối hận, ông lo lắng mình sẽ chịu chung số phận với Lưu Thiếu Kỳ. Giữa lúc căng thẳng và lo lắng, ngày 21/5, ông viết một bức thư cho Mao Trạch Đông mà ông chưa bao giờ gửi. Trong thư, ông đề nghị với Mao Trạch Đông rằng các cán bộ cấp cao của đảng, bao gồm cả người lãnh đạo thứ nhất và thứ hai các Quân khu hiện là Ủy viên và ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, đều sẽ “thực hiện không bắt, không giam, không giết, không cách chức". Nếu Chủ tịch đồng ý, các quy định trên sẽ được "truyền đạt tới mọi quân nhân đóng quân ở Bắc Kinh và các thành phố cần thiết khác và sẽ được định kỳ lặp lại trong khoảng thời gian nhất định" để đảm bảo an toàn cho các cán bộ cấp cao.

Bức thư không gửi này của Lâm Bưu thể hiện đầy đủ sự lo lắng và bất an nội tâm của ông. Tuy nhiên, đề nghị mà ông đưa ra trong bức thư này thực sự rất vô lý, đặc biệt là đề nghị cần định kỳ truyền đạt nhiều lần đến từng chiến sĩ bảo vệ ở cơ sở rằng “không xử phạt cán bộ cấp cao”, chẳng phải là muốn chiến sĩ từ chối “mệnh lệnh bừa bãi” sao? Bất cứ ai đọc được bức thư chưa gửi này cũng cảm thấy khả năng phán đoán chính trị yếu kém, trí tuệ và khả năng tư duy của Lâm Bưu đã sa sút đến mức nghiêm trọng.

Trên thực tế, Lâm Bưu đã mắc bệnh tâm thần trong những năm cuối đời. Có người đã giấu tên của Lâm Bưu và chỉ giới thiệu các triệu chứng của ông. Bác sĩ ở bệnh viện tâm thần sau khi xem xét đã nói người bệnh đã bị nặng như vậy sao không mau chóng đưa đến bệnh viện?

(Kỳ tới: Giọt nước làm tràn ly)