Lời Ban biên tập trang Đa Chiều: Bài viết này là bài báo nghiên cứu mới nhất về sự kiện Lâm Bưu của Tiến sĩ Tiêu Công Tần, một nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc, Giáo sư Khoa Lịch sử của Viện Nhân văn, Đại học Sư phạm Thượng Hải.
Bài viết này tác giả phân tích sâu sắc và toàn diện về nguyên nhân và hậu quả, quá trình cụ thể và ảnh hưởng lịch sử của Sự kiện Lâm Bưu (tức vụ Lâm Bưu, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, người được Mao Trạch Đông lựa chọn làm “người thừa kế vĩ đại”, bị tử nạn cùng vợ con do rơi máy bay tại Mông Cổ ngày 13/9/1971 trong nghi án “phản bội và chạy trốn”) dựa trên những dữ liệu lịch sử mà tác giả đã nắm được trong nhiều năm về Lâm Bưu và đưa ra nhận xét và giải thích của riêng ông đối với một số tin đồn về sự việc Lâm Bưu trong xã hội.
Trong bài viết này, tác giả đã tạo nên một phác thảo tương đối rõ ràng về chuỗi chứng cứ của toàn bộ Sự kiện Lâm Bưu; sau khi phân tích toàn diện, đã phục dựng lại sự thật cơ bản của sự kiện. Bài viết được tác giả ủy quyền cho Đa Chiều xuất bản để phục vụ bạn đọc. Bài viết có nhan đề "Khảo sát về Sự kiện Lâm Bưu" dài hơn 40.000 từ được chia thành nhiều phần và đăng tải theo trình tự.
Ông Lâm Bưu được phong hàm Nguyên soái Trung Quốc (Ảnh: Wiki). |
Bí ẩn lớn nhất trong một thế kỷ lịch sử Trung Quốc
Vào 12 giờ 20 phút nửa đêm ngày 13/9/1971, trong gió lạnh ở sân bay Sơn Hải Quan (Shanhaiguan), Lâm Bưu đầu trọc lốc, thở hổn hển, leo lên chiếc thang tạm được chiếc chuyên cơ Trident số 256 của ông thả xuống. Hai giờ sau khi cất cánh, chiếc máy bay bị rơi ở Öndörhaan, Mông Cổ. Đây chính là “Sự kiện ngày 13 tháng 9", sắp được kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra.
Sự kiện trọng đại này trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa đã gây chấn động Trung Quốc và thế giới. Lịch sử, nguyên nhân và hậu quả của nó đến nay vẫn còn kì bí khó hiểu trong mắt thế giới với đầy rẫy tin đồn liên quan có thể được tìm thấy trên mạng. Một trong những tin ly kỳ nhất được lan truyền rộng rãi là Thư viện Đông Á của Đại học Berkeley, California được cho là đã thu được "đoạn ghi âm" trực tiếp của chiếc máy bay chuyên cơ số 256, trong đó tiết lộ: phi công Phan Cảnh Dần đã nhận được "sứ mạng bí mật" của cấp trên, để máy bay cố tình bay đến Mông Cổ và gây ra vụ nổ. Đoạn ghi âm này có ảnh hưởng rất lớn trên xã hội.
Do thông tin rất không cân xứng, phần lớn độc giả là nhóm người thiệt thòi trước lịch sử phức tạp, nên một số kẻ bịa đặt tin đồn dễ dàng lừa gạt họ còn dễ hơn trẻ em. Cũng có người còn viết mô tả Lâm Bưu là "anh hùng thất thế" của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Ngoài ra, theo hồi ký của Lâm Đậu Đậu (tức Lâm Lập Hằng), con gái của Lâm Bưu (sách “Lời kể của Lâm Đậu Đậu”, do Thư Vân chỉnh lý, được Nhà xuất bản Minh Kính ấn hành năm 2012, sau đây gọi là "Hồi ức của Lâm Lập Hằng"), Thủ tướng Chu Ân Lai đã nhận được báo cáo của Lâm Đậu Đậu vào tối ngày 12/9 và biết rằng Lâm Lập Quả (con trai Lâm Bưu) sẽ cưỡng ép Lâm Bưu lên máy bay và tẩu thoát, Chu Ân Lai qua điện thoại yêu cầu Lâm Đậu Đậu cũng lên máy bay. Do máy bay của Lâm Bưu bị rơi hai giờ sau khi cất cánh, nhiều người suy luận rằng đây là "bằng chứng thép" cho thấy Chu Ân Lai cố tình diệt khẩu Lâm Đậu Đậu cùng Lâm Bưu, để chứng minh rằng đây là một âm mưu kinh hoàng đặt bom hẹn giờ được sử dụng để ám sát Lâm Bưu trên máy bay. Cái gọi là "hộp đen ghi âm " nói trên của Đại học California dường như cũng xác nhận cho phán đoán này.
Các ông Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trên lầu thành Thiên An Môn ngày 1/10/1967 (Ảnh: VCG). |
Có thể nói, kể từ thời Trung Quốc cận đại đến nay, Sự kiện Lâm Bưu là một bí ẩn lịch sử lớn nhất và được bàn luận nhiều nhất. Gần nửa thế kỷ sau khi Sự kiện Lâm Bưu xảy ra, mọi người đều hy vọng sẽ biết được sự thật của sự kiện này.
Cần phải thừa nhận rằng, nếu 10 năm trước, việc làm sáng tỏ những bí ẩn xung quanh sự kiện này là vô cùng khó khăn, ngay cả các học giả và chuyên gia có thẩm quyền của Trung Quốc cũng không thể làm rõ nguồn cơn. Điều này là do cả các học giả và người dân thường đều khó có thể biết được những bí mật của giới chính trị cấp cao trong Cách mạng Văn hóa. Dù là lời nói và phán đoán của các đương sự sau sự kiện cũng thường mâu thuẫn và rời rạc do hạn chế về góc độ quan sát của mỗi người, không cho phép mọi người nhìn rõ sự thật tổng thể của sự kiện.
Ngay cả giới nghiên cứu uy tín quốc tế về lịch sử Cách mạng Văn hóa, chẳng hạn như Giáo sư Roderick MacFarquhar, Giám đốc Trung tâm Fairbank về Nghiên cứu Trung Quốc (Fairbank Center for Chinese Studies) tại Đại học Harvard, trong công trình cuối cùng của ông về lịch sử Cách mạng Văn hóa cũng chỉ nhắc đến Sự kiện Lâm Bưu qua loa, lời lẽ không rõ ràng. Một số nhận định quan trọng của ông cũng rõ ràng là sai lệch. Ví dụ, ông suy luận Mao Trạch Đông cố tình đưa Lâm Bưu lên làm chủ tịch nước để Lâm Bưu bị đánh đổ như Lưu Thiếu Kỳ. (Macfarquhar, "Cuộc cách mạng cuối cùng của Mao Trạch Đông", Hong Kong Starkell Publishing Co., Ltd., xuất bản năm 2009, tr.329, dịch từ bản tiếng Anh năm 2006),
Tuy nhiên, may mắn thay, kể từ sau năm 2009, một số lượng lớn các hồi ký liên quan trực tiếp đến Sự kiện Lâm Bưu, bao gồm cả hồi ký của bốn vị ái tướng của Lâm Bưu trong Văn phòng Quân ủy thời kỳ Cách mạng Văn hóa là Khưu Hội Tác, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Hoàng Vĩnh Thắng, đã được xuất bản ở nước ngoài. Một loạt bản ghi chép các cuộc phỏng vấn miệng nhiều cá nhân và nhân vật cấp cao cũng đã được xuất bản ở Trung Quốc và nước ngoài. Bản thân tác giả (Tiêu Công Tần) cũng đã may mắn đọc được một cuốn hồ sơ phỏng vấn hơn một trăm người liên quan đến Sự kiện Lâm Bưu, cuốn sách cũng nêu chi tiết thời gian và địa điểm của cuộc phỏng vấn giữa người phỏng vấn và đương sự.
Ông Lâm Bưu và bà Giang Thanh, phu nhân ông Mao Trạch Đông (Ảnh: Lishi). |
Trong những năm gần đây, hồi ký của Khang Đình Từ, phi công phụ không lên chiếc chuyên cơ 256 cũng đã được xuất bản. Là một nhân chứng sự kiện và chuyên gia về máy bay, ông đã khảo sát và suy nghĩ về Sự kiện Lâm Bưu trong suốt 40 năm. Cuốn sách này cung cấp cho chúng ta những thông tin chuyên môn rất quan trọng để hiểu về “Sự kiện ngày 13 tháng 9". Ngoài ra, hồi ký của Tạ Tĩnh Nghi, thư ký của Mao Trạch Đông vào thời điểm đó, gần đây cũng đã được xuất bản. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, người viết bài này (Tiêu Công Tần) tình cờ đọc được một chi tiết trong phát biểu của ông Chu Ân Lai khi tiếp Tạ Tĩnh Nghi mà bà đã vô tình tiết lộ trong cuốn sách. Nó có thể đóng vai trò then chốt trong việc tháo gỡ bí ẩn quan trọng nhất trong Sự kiện Lâm Bưu. Điều này cho phép tác giả có thể giải thích sự liên tục của sự kiện Lâm Bưu. Đây là lý do tại sao hiện nay tác giả viết ra bài này.
Đặc biệt cần phải chỉ ra rằng trong nửa thế kỷ qua, hầu hết nhân vật liên quan đến Sự kiện Lâm Bưu đều đã là người thiên cổ, số còn sống hiện không nhiều, hầu hết đều đã ở độ tuổi 80 - 90. Có thể nói, cơ hội lịch sử để lại cho các nhà sử học và các đương sự cùng nhau tìm hiểu, xác minh sự thật lịch sử không còn nhiều nữa. Mong họ đọc được bài viết của tác giả đăng tại đây, cũng mong các bạn đọc có liên hệ với họ, hoặc người thân, bạn bè của họ giới thiệu bài viết này cho họ, rất mong được họ phê bình, góp ý, sửa chữa và kiến nghị về những phân tích, nhận định của tác giả. Làm như vậy là có trách nhiệm với người Trung Quốc tương lai. Chúng ta không nên mãi mãi để lại những bí ẩn cho con cháu tương lai.
Tác giả xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người liên quan đã xuất bản hồi ký trong những năm qua, đặc biệt là sau năm 2009. Không có những thông tin quý báu và sự nỗ lực tích cực của họ với tinh thần trách nhiệm với xã hội, tác giả sẽ không thể viết được bài này.
Ông Lâm Bưu và phu nhân, bà Diệp Quần (Ảnh: Lishi). |
Phần thứ nhất: sự tan vỡ của quan hệ Mao Trạch Đông – Lâm Bưu
Lâm Bưu là người như thế nào
Lâm Bưu không phải là anh hùng thất bại của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa như một số người gọi, mà ông là người liên tục thúc đẩy mạnh mẽ trào lưu tư tưởng cực tả trong suốt thời gian dài.
Trước Cách mạng Văn hóa, trong thâm tâm, Lâm Bưu không phải là một người sùng bái Mao Trạch Đông, ông thực sự bất bình với một số cách làm của ông Mao. Tuy nhiên, chỉ cần ông Mao triệu tập ông vào Trung ương để họp, ông sẽ luôn xuất hiện trên bục hội nghị vứi thái độ cực tả hơn bất kỳ ai khác. Đó là trường hợp Bành Đức Hoài bị phê phán tại Hội nghị Lư Sơn năm 1959, điều tương tự cũng xảy ra tại Hội nghị 7.000 người năm 1962 và điều này cũng đúng khi Chu Đức bị chỉ trích là “người có dã tâm” tại cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng vào cuối tháng 5/1966. Trong nhiều năm, Lâm Bưu liên tục cổ súy sùng bái cá nhân lãnh tụ, đẩy Trung Quốc vào một thảm họa cực tả nghiêm trọng. Để hùa theo chính sách cực tả, ông đã tung ra rất nhiều nhận xét tàn nhẫn và gay gắt, đổ dầu vào lửa. Ông phải chịu trách nhiệm lớn lao trước lịch sử về chủ nghĩa cực tả của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.
Mặc dù Lâm Bưu là một chiến tướng xuất sắc và đã đóng góp rất nhiều vào việc thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhưng ông không phải là một người lính có tấm lòng cởi mở. Tính cách u uất, hướng nội, lòng dạ không rộng mở, bệnh tật dày vò lâu ngày cũng khiến tâm lý của ông bị biến đổi. Ngày 18 tháng 5 năm 1966, ông phát biểu "Cuộc chính biến" tại cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị, nói về các kiểu đảo chính trong và ngoài nước. Thông qua màn trình diễn sáng tạo của ông, giới cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị ông biến một khu vực nguy hiểm đầy "mìn đảo chính".
Cũng chính vì Lâm Bưu đã thông qua Diệp Quần (vợ ông) báo cáo với Mao Trạch Đông mà Tổng Tham mưu trưởng La Thụy Khanh trở thành vị tướng đầu tiên bị đánh đổ sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ. Dưới sự xúi giục của ông, Khang Sinh đã bịa đặt Nguyên soái Hạ Long là người chủ trì "Cuộc binh biến tháng Hai" không hề có. Cần phải chỉ ra rằng vào thời kỳ đầu của Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu không hề thụ động, mà là chủ động trong việc cổ súy và hùa theo đường lối cực tả. Ông là người thừa kế lãnh tụ tối cao và là người đắc lợi lớn nhất trong thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa. Ông ngay từ đầu đã dễ dàng thực hiện lợi dụng các cơ hội để loại bỏ những người khác phe cánh.
Các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ tại hiện trường máy bay rơi (Ảnh: VCG). |
Khi "Sự kiện ngày 20 tháng 7" xảy ra ở Vũ Hán, Lâm Bưu cố tình phóng đại mức độ nghiêm trọng của sự kiện, nói rằng “có khả năng xảy ra đảo chính” và muốn ông Mao Trạch Đông rời khỏi Vũ Hán; đồng thời ông cùng với Giang Thanh chủ trì một hội nghị ở Bắc Kinh để gán cho Trần Tái Đạo là phản động. Ông muốn lợi dụng cơ hội này để đánh đổ các cán bộ của Phương diện quân đỏ số 4 không thuộc Dã chiến quân 4, để người thuộc Dã chiến quân 4 của mình thay thế. Giang Thanh cũng ủng hộ điều này. Lâm Bưu đã lợi dụng Giang Thanh để đạt được mục đích loại bỏ những người không thuộc phe cánh. Phái Cách mạng Văn hóa Trung ương của Giang Thanh thì lợi dụng cơ hội này để mở rộng ảnh hưởng của họ. Đây là thời kỳ mối quan hệ giữa Lâm Bưu và Giang Thanh tốt đẹp nhất.
Sau "Sự kiện ngày 20 tháng 7" ở Vũ Hán, Lâm Bưu ủng hộ và tích cực rêu rao "lôi cổ một nhúm người trong quân đội", điều này cũng thể hiện chủ nghĩa cơ hội của ông. Lâm Bưu thúc đẩy chủ nghĩa cực tả lên đến đỉnh điểm và thuyết “thành tựu của Cách mạng Văn hóa là vĩ đại, vĩ đại, vĩ đại nhất” đã ra đời vào thời điểm này.
Tuy nhiên, Lâm Bưu vẫn có một ưu điểm là lý trí bên trong ông vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn, ông cũng tiến hành suy nghĩ lại về những thảm họa cực tả gây ra bởi cuộc tạo phản và đấu tranh vũ trang trong các giai đoạn khác nhau của Cách mạng Văn hóa. Chẳng hạn, sau khi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Than Trương Lâm Chí bị lãnh tụ điểm danh là "kẻ theo con đường tư bản" và bị phe tạo phản đánh chết tươi, Lâm Bưu đã mời vợ Trương Lâm Chi đến nhà mình. Khi chụp ảnh lưu niệm, ông nhất quyết để vợ "kẻ đi con đường tư bản" còn sống sót này ngồi giữa, ông ngồi bên cạnh bà để thể hiện sự tôn trọng đối với người đã khuất. Điều này cho thấy ông cũng phản cảm và nghi ngờ về Cách mạng Văn hóa.
(Kỳ tới: Lâm Bưu một con người đa tính cách)