Sở Nội vụ Đà Nẵng: Đa số học viên rút khỏi đề án là do không đạt kết quả học tập

VietTimes -- "Hiện có 93 học viên xin và được TP cho rút ra khỏi đề án. Trong đó, đa số các trường hợp ra khỏi đề án là do không đạt kết quả học tập theo yêu cầu (23 trường hợp); vi phạm quy chế của đề án 19 trường hợp; bị cơ quan sử dụng lao động sa thải 05 trường hợp"- đó là thông tin lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng trả lời VietTimes tại cuộc họp báo chiều 25/5/2018  
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng trả lời báo chí tại buổi cung cấp thông tin
Tại buổi cung cấp thông tin cho báo giới về việc các học viên của "Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao" xin rút khỏi đề án, hoặc nghỉ việc, chiều 25/5/2018, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết: “Trong mấy ngày qua, chuyện này đã được cơ quan chủ quản thông tin đến báo chí. Chúng tôi xin chia sẻ đây là sự việc không mới vì trước đây, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có các hội thảo đánh giá hiệu quả của công tác đào tạo theo Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao này”.

“Đề án được triển khai từ năm 1998, nhưng chính thức bắt đầu thực hiện từ năm 2004. Và trong quá trình thực hiện có nhiều việc được và chưa được. Việc chưa được đã được báo chí thông tin và trong đó có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, trước khi trao đổi về vấn đề này, chúng tôi xin được gọi những cá nhân này là những học viên Đề án, chứ gọi là nhân tài thì cũng cần cân nhắc, bởi vì nếu gọi như vậy thì những người còn lại có phải là nhân tài không. Thậm chí những người không tham gia Đề án, nhưng học tập và làm việc rất tốt thì sẽ như thế nào”, ông Nguyễn Ngọc Đồng nói.
Sau lãnh đạo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đã trả lời các câu hỏi của báo giới đặt ra.

Việc hợp đồng đào tạo như thế nào giữa Trung tâm và các học viên. Và việc 40 học viên xin bỏ, nghỉ việc đã bồi hoàn ra sao? (Đại Đoàn Kết)

-Tính đến nay, với chủ trương thu hút nguồn nhân lực, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 1.000 người có trình độ, năng lực về làm việc. Trong đó có hơn 600 người được cử đi học theo diện đào tạo của đề án. 

Đối với Đề án này, khi các học viên có nguyện vọng tham gia Đề án thì sẽ ký cam kết, được xem xét và được nhận học bổng để đào tạo. Các học viên tham gia Đề án sẽ được xem xét bố trí việc làm và được xem xét thi tuyển công chức.Tuy nhiên học viên tham gia đề án này cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình như trong đề án đã yêu cầu.

Các học viên tham gia đề án có quyền lợi và nghĩa vụ như: sau khi được đào tạo về được xem xét bố trí công việc phù hợp với năng lực và chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, các học viên phải đảm bảo kết quả học tập từ loại khá trở lên. Nghĩa vụ của các học viên phải về phục vụ lại cho thành phố trong thời gian 5 năm đối với học trong nước và 7 năm đối với đào tạo nước ngoài.

Đối với các bạn ra khỏi chương trình thì phải bồi hoàn lại chi phí. Tính đến nay, Đà Nẵng đã thu hồi được 89 tỷ đồng tiền bồi hoàn của các học viên rời khỏi đề án. Tuy nhiên còn một số trường hợp buộc phải đưa ra tòa án để phân xử. Đây là cách ứng xử rất văn minh khi các cam kết thực hiện bị phá vỡ và không thể đàm phán được.

Giải pháp của Đà Nẵng như thế nào khi các học viên này hết hạn cam kết hợp đồng, họ sẽ rời cơ quan nhà nước, Đà Nẵng sẽ làm gì để tránh chảy máu chất xám đối với lực lượng học viên dược đào tạo này? (Đài VTC)

-Trong vài ngày vừa qua, chúng tôi đã trả lời báo chí về việc này. Theo tôi, việc chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư là chuyện bình thường. Nếu các bạn có năng lực tốt, có phẩm chất tốt mà ra khỏi đề án thì rất tiếc, vì chúng ta rất cần những người có tố chất, có năng lực và có tâm huyết xây dựng TP.

Thời gian qua, việc nhân lực công ra ngoài thì rất nhiều, không chỉ đối với học viên đề án. Tuy nhiên đối với Đà Nẵng thì không nhiều so với các địa phương khác vì Đà Nẵng chưa có thị trường lao động mạnh như các nơi khác, vì thế đây là điều rất đáng tiếc.

Vậy để giữ chân các học viên cũng như các cán bộ công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất tốt, cống hiến lâu dài cho TP thì Thành ủy Đà Nẵng có chủ trương tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ công chức, học viên đề án có thể đóng góp nhiều nhất cho thành phố bằng cách bố trí công việc phù hợp, giao cho những  nhiệm vụ quan trọng  để họ có thể cống hiến và giúp ích cho TP.

Tuy nhiên, việc giữ chân các CBCC nói chug và CBCC trưởng thành từ đề an nói riêng, không thể giải quyết riêng biệt được, mà phải nằm trong bài toán tổng thể của Thành phố từ chuyện biên chế,tổ chức bộ máy, chế độ tiền lương. Trước đây Đà Nẵng từng có chính sách hỗ trợ thêm cho CBCC trưởng thành từ đề án mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Việc này sau đó phải dừng lại vì không nằm trong quy định.
Bên cạnh đó, để giữ chân nguồn nhân lực, Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng năng lực tại chỗ, giao nhiệm vụ quan trọng để kích thích và giữ chân cán bộ công chức này.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng trả lời câu hỏi của báo giới trong buổi cung cấp thông tin
Với những gì diễn ra, sắp tới Đà Nẵng sẽ có những động thái như thế nào? -Từ năm 2013, chúng tôi đã không cử học viên đào tạo thêm ở cấp đại học nữa, mà đào tạo sau đại học tương ứng với công việc, vị trí mà học viên đang làm, theo đúng chuyên ngành các học viên đang làm. Như vậy là tương đối phù hợp. Với cách thay đổi đào tạo như vậy, hầu hết các học viên đi học về đã tiếp cận được công việc. Bên cạnh các chính sách giữ chân, chúng tôi còn có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” hài hòa giữa nhiều đối tượng. Cụ thể là chính sách hỗ trợ một lần chứ không phải từng tháng. Ngoài ra, sau khi khảo sát và liên quan đến kiến nghị của học viên, chúng tôi đã sắp xếp để Chủ tịch UBND TP gặp mặt học viên, nghe tâm tư của các học viên để giải quyết các ý kiến của các học viên.Việc tiếp nhận số lượng lớn học viên đề án có gây dôi dư, trong khi đang có chủ trương tinh giản biên chế?(VNEpress) -Trước đây, đã có sự tuyển chọn đào tạo từ trường Lê Quý Đôn, nhưng nay, do tinh giản biên chế, nên rà soát lại chặt hơn công tác đào tạo theo đề án. Với chủ trương này, chương trình tập trung đào tạo chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu đào công việc phát triển của TP. Việc bố trí học viên là trên cơ sở báo cáo yêu cầu của các đơn vị. Sau khi các học viên hoàn thành chương trình đào tạo thì có thông báo cho trung tâm để chuẩn bị quay trở về làm việc và bố trí công việc phù hợp với các vị trí để phát huy trình độ chuyên môn của mình. Cũng có tình trạng nhiều sở cùng có nhu cầu, nhưng với biên chế công chức được giao là 1.965 biên chế, hơn 18.000 viên chức thì số lượng người làm việc hay bố trí đào tạo theo đề án cũng dựa trên cơ sở đó. Liên quan đến việc tuyển công chức các học viên được xem xét đặc cách hoặc thi tuyển. Việc đặc cách hay thi tuyển đều qua sát hạch xem xét của cơ quan chức năng theo đúng trịnh tự thủ tục. Nên việc đào tạo và xem xét tinh giản biên chế theo yêu cầu của trung ương cũng được chúng tôi xem xét để vừa đảm bảo theo chủ trương, vừa đảm bảo nhu cầu đào tạo.
Với những gì đang diễn ra, Sở Nội vụ cho biết hiệu quả của chương trình đào tạo nguồn nhân lực này?
-Theo đánh giá của Thành ủy, Đề án đã bổ sung kịp thời nhân lực cho khu vực công; nhân lực của đề án đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cho TP; đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho một số ngành mũi nhọn của TP; bước đầu tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho TP.  Đặc biệt, nguồn nhân lực được đào tạo và đào tạo trong và ngoài nước tạo hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng văn hóa công sở hiện đại và thân thiện…Ngoài những nguyên nhân Sở nêu thì còn có nguyên nhân sâu xa nào khác của sự việc này không, khi trước đây không có hiện tượng học viên đề án xin rút khỏi chương trình đào tạo này? (VietTimes) -Đề án phát triển nguồn nhân lực của Đà Nẵng được gộp từ 2 đề án và người đi học sau khi hoàn thành trở về công tác phải thực hiện đầy đủ các cam kết làm việc. Thật sự là số lượng xin rút ra khỏi đề án chủ yếu là sau năm 2013. Trước 2013 chỉ có 29 người và các cá nhân xin rút đều thực hiện các nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí.  Hiện có 93 học viên xin và được TP cho rút ra khỏi đề án. Trong đó, đa số các trường hợp ra khỏi đề án là do không đạt kết quả học tập theo yêu cầu (23 trường hợp); vi phạm quy chế của đề án 19 trường hợp; bị cơ quan sử dụng lao động sa thải 05 trường hợp.  Việc loại các học viên này ra khỏi đề án là việc rất tốt vì phải bảo đảm bằng cấp học tập và phẩm chất đạo đức. Nên loại số học viên này ra khỏi đề án là điều cần thiết. Liên quan đến 40 học viên xin được rút ra khỏi đề án, thì có 15 trường hợp giải quyết việc gia đình, đoàn tụ gia đình là đúng; 06 trường hợp lý do cá nhân; 03 trường hợp vì lý do sức khỏe; 16 trường hợp muốn thay đổi công việc.  Số nguyên nhân hợp thức hóa gia đình là có thật, vì các học viên được cử đi học ở 9 nước vùng lãnh thổ đào tạo, cùng nhiều cơ sở đào tạo, nên một số bạn có gia đình lấy vợ chồng ở nước ngoài, ở các địa phương khác nên muốn đoàn tụ gia đình và đây là nhu cầu chính đáng. Nguyên nhân thứ 2 là muốn tìm một công việc mới nên xin được rút khỏi đề án. Khi họ đề đạt nguyện vọng thì phải tôn trọng và họ đã thực hiện bồi hoàn, đền bù.

Về trường hợp con trai cựu Chủ tịch Đà Nẵng đi học nước ngoai:

"Trường hợp anh Trần Văn Mẫn lúc đó Thường trực Thành ủy do trực tiếp đồng chí Bí thư Nguyễn Bá Thanh quyết định học viên Mẫn tham gia Đề án", ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, giải thích trong buổi cung cấp thông tin về một số vấn đề báo chí quan tâm thời gian qua diễn ra vào chiều 25-5 tại Đà Nẵng.

Theo ông Chiến, việc ông Trần Văn Mẫn, con ông Trần Văn Minh, tốt nghiệp loại khá đi học nước ngoài bằng ngân sách năm 2008, lúc ông Minh đang là chủ tịch UBND Đà Nẵng, là do điều khoản mềm của Đề án 922 về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Trường hợp anh Trần Văn Mẫn lúc đó Thường trực Thành ủy do trực tiếp đồng chí Bí thư Nguyễn Bá Thanh quyết định học viên Mẫn tham gia Đề án", ông Chiến nói.

Trước đó, sở Nội vụ Đà Nẵng đã báo cáo về trường hợp đi học thạc sĩ ở nước ngoài (Úc) bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định đối với ông Trần Văn Mẫn vì ông chỉ tốt nghiệp đại học loại khá.

Ông Mẫn hiện là trưởng phòng đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư Sở Kế hoạch - đầu tư Đà Nẵng.