Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng) vừa cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 93 cán bộ tại các sở, ngành rút khỏi đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) với nhiều lý do. Hầu hết các lý do được đưa ra là do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe không đảm bảo nên xin rút khỏi đề án và nghỉ việc.
“Trường hợp học viên Đề án đã về công tác xin nghỉ việc và ra khỏi Đề án tính đến nay là 40 học viên. Các lý do được học viên đưa ra thường liên quan đến yếu tố gia đình (đoàn tụ với vợ/chồng), lý do sức khỏe hoặc muốn tìm công việc khác", bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho biết.
Được biết, các “nhân tài” xin nghỉ việc tập trung nhiều tại các sở ban ngành của TP Đà Nẵng. Trong đó, Sở KH-ĐT có 4/14 học viên đề án 922 xin nghỉ việc (3 học viên phải bồi hoàn kinh phí đào tạo); 4 người theo chính sách diện thu hút và 2 người hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế cũng xin nghỉ việc vì lý do cá nhân.
Theo lãnh đạo Trung tâm, tính đến nay đã có 32 trường hợp Trung tâm nộp đơn khởi kiện tại TAND các cấp để yêu cầu bồi hoàn kinh phí. Trong đó, 08 trường hợp đang trong quá trình xét xử tại TAND các cấp; 10 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn thi hành án; 03 trường hợp đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm; 11 trường hợp Trung tâm rút đơn khởi kiện do học viên hoàn thành việc bồi hoàn trước khi vụ án đưa ra xét xử.
Bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trực thuộc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho biết, khi học viên có nguyện vọng xin ra khỏi Đề án, cơ quan quản lý Đề án, trước khi tham mưu cấp có thẩm quyền, đều mời học viên và phụ huynh học viên (nếu có) đến để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, tìm cách giải quyết các vướng mắc (nếu có) cũng như động viên học viên tiếp tục công tác.
Đồng thời, cơ quan quản lý Đề án thông báo cụ thể đến học viên và phụ huynh thủ tục, quy định liên quan việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp học viên xin ra khỏi Đề án cũng như thông tin về quy trình xử lý trong trường hợp học viên không hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định.
Chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được Đà Nẵng thực hiện từ năm 1998 nhằm xây dựng nguồn nhân lực để phục vụ phát triển Đà Nẵng. Bằng chính sách đãi ngộ với người có thành tích học tập xuất sắc, có mong muốn làm việc lâu dài cho Thành phố, Đà Nẵng đã cử 647 lượt học viên đi học theo Đề án 922. Cụ thể: 398 học viên bậc đại học, 128 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú, 121 học viên bậc sau đại học (99 lượt học viên học thạc sĩ, 22 lượt học viên học tiến sĩ).
Trong đó, có 586 lượt học viên Đề án đã tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài với kết quả học tập 64,35% đạt loại giỏi và xuất sắc, 32,17% đạt loại khá (số còn lại hoàn thành chương trình tiến sĩ). Hiện có 31 học viên đang học theo Đề án, 27 lượt học viên đã tốt nghiệp theo Đề án và đang tiếp tục học ở bậc cao hơn.
Về việc bố trí công tác, đã có 485 lượt học viên đã được bố trí công tác. Trong quá trình công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc học cao hơn (bằng kinh phí tự túc hoặc bằng kinh phí Đề án) và một số đã thanh lý hợp đồng sau khi hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố.
Đến nay, số lượng đang thực công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 375 người (147 học viên được bố trí tại các cơ quan hành chính, 219 học viên được bố trí tại các đơn vị sự nghiệp, 09 học viên được bố trí tại các cơ quan khối đảng và đoàn thể).