“Đánh lận con đen”
“Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng mình tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa với tư cách người làm chuyên môn là cách nói mập mờ, đánh lận con đen. Tại sao Sở GD&ĐT TP.HCM không trả lời với tư cách là người quản lý thì có được quyền làm cố vấn chuyên môn cho một doanh nghiệp đang chịu sự quản lý của mình hay không?” – Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Luật Hiến pháp - Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học quốc gia TP. HCM nhận định.
Nội dung Quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN ngày 29/9/2015 về việc Chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ Sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM của NXB GD đã nêu chức danh của từng người và mức thù lao tương ứng. Cụ thể, danh sách nhận thù lao gồm ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (Trưởng Ban), ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc (Phó Trưởng ban) và các phó, chánh văn phòng, trưởng phó phòng chuyên môn là ủy viên. Mức thù lao mỗi tháng cho Trưởng Ban là 6 triệu đồng, Phó Trưởng ban là 5 triệu, ủy viên thường trực 4 triệu và ủy viên 3 triệu đồng.
Quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN ngày 29/9/2015 về việc Chi thù lao Ban chỉ đạo biên soạn bộ Sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM của NXB GD
|
Trả lời các đại biểu tại phiên thảo luận của kỳ họp 17 HĐND TP.HCM xoay quanh vấn đề Sở GD&ĐT TP.HCM nhận thù lao của NXB GD, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM - cho rằng Sở GD&ĐT TP.HCM tham gia biên soạn sách với vai trò là người làm chuyên môn. Điều này giúp xây dựng chất lượng bộ sách tốt hơn nên việc nhận thù lao là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, ông Lưu Đức Quang cho hay, theo quy định của pháp luật, giám đốc, phó giám đốc Sở là công chức; phó, chánh văn phòng, trưởng phó phòng chuyên môn là viên chức, viên chức quản lý.
Khi NXB GD mời Sở GD&ĐT TP.HCM làm công tác chuyên môn, tại sao trong văn bản lại để chức danh quản lý và mức tiền tương ứng với từng chức danh? Nếu chỉ đơn thuần là người làm chuyên môn thì nội dung biên bản phải để học hàm, học vị, ngành đào tạo của chuyên gia và mức thù lao theo nội dung công việc.
Có dấu hiệu vi phạm Luật phòng chống tham nhũng
“Hành động tham gia biên soạn sách giáo khoa của Sở GD&ĐT TP.HCM còn có dấu hiệu vi phạm Luật Cán bộ, Công chức, Viên chức và Luật phòng chống tham nhũng. Nhưng Sở GD&ĐT TP.HCM đã giải thích một cách "mỹ miều" rằng đang làm công tác chuyên môn” – Ông Quang nhận định.
Sách giáo khoa
|
Cụ thể, Điều 20 Luật Cán bộ, Công chức 2008 quy định những việc khác cán bộ, công chức không được làm bao gồm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng. Tại Khoản 6, Điều 19, Luật Viên chức 2010 quy định những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dẫn chiếu đến quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018 quy định người có chức vụ, quyền hạn không được tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.
Ngoài ra, tại Khoản 1, 3, 4 Điều 29, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng chống tham nhũng, quy định “Người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;
3. Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
4. Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác”.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM
|
Như vậy, hành động Sở GD&ĐT TP.HCM nhận thù lao của NXB GD đã có quy định rõ ràng trong văn bản Luật và văn bản dưới Luật. “Qua phân tích, dễ dàng thấy Sở GD&ĐT TP.HCM đã có dấu hiệu vi phạm Luật phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc xác định Sở GD&ĐT TP.HCM có tham nhũng hay không còn phải chờ quyết định của Cơ quan có thẩm quyền” – Ông Lưu Đức Quang cho hay.
Ngoài ra, theo ông Lưu Đức Quang, hành động của Sở GD&ĐT TP.HCM còn làm đảo lộn trật tự quản lý. Sở GD&ĐT TP.HCM là cơ quan quản lý; doanh nghiệp là đối tượng chịu sự quản lý. Khi doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo, mà trong đó người thực hiện là các cán bộ, công chức, viên chức của Sở GD&ĐT TP.HCM, chúng ta có thể hiểu Sở GD&ĐT TP.HCM đang chịu sự quản lý của doanh nghiệp (NXB GD) khi thực hiện bộ sách này.
Chi nhánh nhà xuất bản Giáo dục tại TP.HCM
|
Đồng thời, hành động của Sở GD&ĐT TP.HCM đã tạo ưu thế cho NXB GD, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các NXB.
Tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT công bố chương trình phổ thông, từ đó các NXB mới soạn ra bộ sách. Trong khi đó, Ban chỉ đạo thực hiện bộ sách giáo khoa này đã được thành lập và nhận thù lao từ năm 2015. Sở GD&ĐT TP.HCM nắm được nhu cầu dùng sách của người dân khu vực, sau đó cố vấn, cung cấp thông tin cho NXB GD, tạo ra ưu thế cho NXB này.
Đáng nói, Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng mình không trực tiếp chọn ra bộ sách, không trực tiếp tư vấn cho giáo viên, hiệu trưởng các trường chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng từ hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh,... cho đến học sinh đều phải chọn sách theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tại địa phương.
"Lẽ nào một cơ quan quản lý chỉ có thể nghĩ đơn giản là làm chuyên môn, nhận thù lao từ doanh nghiệp và không có tác động đến những đối tượng mình đang quản lý?" - Ông Lưu Đức Quang nói.