Các quy định pháp luật
Năm 2014, Nghị quyết số 88 về chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) đã được Quốc hội ban hành. Kể từ thời điểm đó, Chính phủ và toàn ngành giáo dục khẩn trương bước vào thực hiện chủ trương lớn này. Năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Trong đó, khoản 2, điều 11 của Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 33, cho biết: “Người tham gia biên soạn SGK không tham gia thẩm định SGK”.
Thông tư 33 này thay thế cho Quyết định số 37/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và thẩm định SGK giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, khoản 2, điều 11 lại kế thừa một phần trong khoản 1, điều 6 của Quyết định: “...Hội đồng thẩm định phải có ít nhất một phần tư tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học, bậc học tương ứng. Tác giả của dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa được thẩm định không tham gia Hội đồng thẩm định”.
Như vậy, cho tới trước khi Thông tư số 33/2017 được ban hành, Quyết định số 37/2001 của Bộ GD&ĐT vẫn có hiệu lực.
Trong khi đó, tại khoản 1a, điều 7 của Nghị định số 11/2010 của Chính Phủ về Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Sở GD&ĐT có trách nhiệm: “Trình UBND cấp tỉnh: dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển giáo dục trên địa bàn; dự thảo các quyết định, chỉ thị khác về lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh để phát triển giáo dục”.
Bên cạnh đó, năm 2015, Chính phủ đã có Quyết định số 404 về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó quy định Bộ GD&ĐT có quyền “thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; các ban xây dựng chương trình, các ban biên soạn SGK; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình; Hội đồng quốc gia thẩm định SGK”.
Năm 2020, các trường sẽ được tự chọn bộ SGK phù hợp nhất với mục tiêu giảng dạy của mình.
|
Trong khi đó, NXBGDVN chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh từ năm 2015. Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam được thành lập gồm 11 người: 1 Giám đốc sở, 1 Phó giám đốc, 1 Phó Chánh văn phòng, 1 Trưởng phòng Giáo dục Trung học, 2 Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, 1 Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, 2 Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, 1 Chánh văn phòng và Phó Chánh văn phòng.
Đến năm 2018, NXB này tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam cùng với mức chi thù lao. Lúc này, Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK không chỉ có mỗi Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh mà còn có thêm các thành viên từ nhà xuất bản và nhóm tư vấn hỗ trợ.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh không nên nhận lời mời của NXB
Trao đổi với VietTimes, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nhận định, Sở GD&ĐT có vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc lựa chọn SGK. Chính vì vậy, những người này lại tham gia Ban chỉ đạo biên soạn SGK là không nên. Đây là trường hợp xung đột lợi ích quá rõ ràng.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
|
“Đáng lẽ, lãnh đạo Sở GD&ĐT cần phải từ chối khi được mời tham gia vào Ban chỉ đạo biên soạn SGK. Đặc biệt, nếu Nhà xuất bản Giáo dục mời tham gia và trả tiền bồi dưỡng thì lại càng phải từ chối. Bởi vì rằng, chẳng có cách gì để Sở có thể giải trình được với công chúng về cách hành xử như vậy cả!” - TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuẩn mực của đạo đức công vụ, cho dù không được quy định thành văn bản thì vẫn hiển hiện trong cuộc sống. Các chuẩn mực đó là: Đã thực thi công vụ thì phải: 1. Tránh xung đột lợi ích; 2. Đặt lợi ích công lên trên hết; 3. Phải luôn luôn gìn giữ cho được lòng tin của công chúng. Cả 3 nguyên tắc trên đều không cho phép Sở GD&ĐT nhận tiền của NXBGDVN.
Về việc NXBGDVN chi thù lao hàng tháng từ năm 2015 đến năm 2017 cho Ban chỉ đạo biên soạn Bộ SGK miền Nam trong đó có các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, trong bất cứ trường hợp nào, công chức đang đi làm không được phép nhận lương của doanh nghiệp.
Nếu có một ban chỉ đạo biên soạn sách, thì ban chỉ đạo này phải do Nhà nước thành lập, chi phí cho việc chỉ đạo nếu có phải lấy từ ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp này, Sở GD&ĐT việc nhận tiền mà không làm gì cả còn có thể phạm vào tội tham ô. Các quan chức của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã tham gia Ban chỉ đạo biên soạn sách, thì phải làm rõ được là họ đã chỉ đạo ai? Các động tác chỉ đạo cụ thể là những động tác gì? Biên bản họp hành, ý kiến chỉ đạo được lưu trữ ở đâu? Sản phẩm cụ thể của hoạt động chỉ đạo là những sản phẩm gì? Chứng cứ cho các đóng góp trên ở đâu? Nếu có đầy đủ chứng cứ, thì cách hành xử trên là vi phạm đạo đức. Nếu không có bất kỳ chứng cứ gì thì cách hành xử trên là vi phạm pháp luật.
“Sở phải trình ra được văn bản các cuộc họp và ý kiến tư vấn, ý kiến chỉ đạo, đối tượng chỉ đạo. Nếu Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chỉ có tên trong Ban chỉ đạo này và nhận tiền mà không làm gì cả, thì đó là hành vi tham ô” - TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Tuy nhiên, nếu Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có chỉ đạo biên soạn sách thật sự, việc tham gia Ban chỉ đạo vẫn gây ra xung đột lợi ích làm cho uy tín của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng, lòng tin của người dân bị giảm sút.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh đến khả năng tham gia Ban chỉ đạo là vi phạm Luật phòng chống tam nhũng. Khoản 1c, điều 37, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định rất rõ ràng như sau: Cán bộ, công chức, viên chức không được “làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết”.
Những phân tích trên đã cho thấy, ý kiến của ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM - trả lời phóng viên VietTimes rằng "Việc Sở GD&ĐT TP.HCM nhận thù lao của NXBGD là hoàn toàn hợp lý" có đúng hay không!
(VietTimes sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc...)