Vi phạm Luật công chức?
Ngay khi VietTimes đăng tải thông tin về việc NXB Giáo dục đã chi gần 3 tỷ đồng bồi dưỡng cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở trong Ban Chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam, phóng viên VietTimes đã liên lạc nhiều lần tới số điện thoại của các ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở, ông Nguyễn Văn Hiếu – PGĐ Sở, nhưng cả hai ông đều không nhấc máy.
Lưu ý rằng, cả hai ông Lê Hồng Sơn và Nguyễn Văn Hiếu đều có tên trong danh sách nhận tiền thù lao của NXB Giáo dục.
Danh sách có 11 người nhận thù lao gồm ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM (Trưởng Ban), ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc (Phó Trưởng ban) và các phó, chánh văn phòng, trưởng phó phòng chuyên môn là ủy viên. Mức thù lao mỗi tháng cho Trưởng Ban là 6 triệu đồng, Phó Trưởng ban là 5 triệu, ủy viên thường trực 4 triệu và ủy viên 3 triệu đồng.
Trên báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng đây không phải là tiền thù lao phát hành sách mà là tiền bồi dưỡng biên soạn. Nhưng dư luận và các phụ huynh vẫn đặt nhiều câu hỏi rằng liệu có nhất thiết phải soạn thảo riêng một bộ SGK cho miền Nam? Và việc phát hành các bộ sách này đã đi như thế nào từ NXB Giáo dục tới các trường? Việc nhận tiền thù lao bồi dưỡng có quan hệ với quá trình phát hành SGK hay không?
Tuy nhiên, luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn Luật sư TP.HCM lại khẳng định: “NXB Giáo dục là doanh nghiệp nhà nước lại chi tiền bồi dưỡng cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước về giáo dục, vậy thì khoản chi này có đúng luật hay không? NXB Giáo dục có lưu danh sách ký nhận không? Khoản thu chi này có thể hiện trong báo cáo thu chi của NXB Giáo dục và Sở Giáo dục TP.HCM không?
Nếu áp dụng Luật công chức, thì vấn đề là các nhân sự này đều đã nhận tiền lương nhà nước chi trả, tại sao lại nhận thêm tiền bồi dưỡng biên soạn từ NXB?
Nếu coi Sở là đối tác liên kết xuất bản thì các cán bộ lãnh đạo Sở đều là cán bộ, công chức nhà nước, phải tuân thủ các quy định của luật Công chức, luật Phòng, chống tham nhũng...; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra”.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn phân tích thêm: Người dân được quyền đặt câu hỏi về việc đây có phải là tham nhũng hay không? Rõ ràng đây là lợi ích nhóm. Cho dù các lãnh đạo Sở nói gì nhưng ụ việc rõ ràng có dấu hiệu bôi trơn cho việc phát hành sách giáo khoa, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, cần chuyển tới cơ quan điều tra để làm rõ.
NXB chi tiền thù lao biên soạn cho Sở Giáo dục khiến người dân đặt câu hỏi về việc đây có phải là tham nhũng hay không?
|
Văn bản chi thù lao của NXB Giáo dục kéo dài đến bao giờ? Hiện tại còn tiếp tục hay không? Các câu hỏi này, phóng viên VietTimes đã chuyển tới lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.