Theo National Interest, các hệ thống phòng không đầy uy lực của Nga như là một phần trong khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) ngày càng tinh vi của Matxcơva. Nhưng các khu vực được bảo vệ bởi các hệ thống này còn xa mới là những bức tường không thể xuyên thủng hay Vòm sắt như cách gọi của một số nhà phân tích.
Trong khi hệ thống phòng không tích hợp đa tầng đúng là có thể khiến cho việc công kích bằng các chiến đấu cơ thế hệ 4 thông thường như F/A-18E/F Super Hornet hay F-16 Fighting Falcon trong một vùng không phận rộng lớn trở nên quá tốn kém về mặt nhân lực và vũ khí, hệ thống này vẫn tồn tại yếu điểm.
Hệ thống phòng không của Nga sẽ gặp khó khăn khi đối phó với các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 của Mỹ như F-22 Raptor hay tiêm kích tấn công đa nhiệm F-35.
"Về việc thiết lập hệ thống phòng không đủ sức đứng vững trước những kẻ địch trang bị các chiến đấu cơ thế hệ 5, rõ ràng là Nga đang cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề tàng hình", ông Michael Kofman, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quân sự của Nga ở CNA Corporation phát biểu trong một buổi phỏng vấn với National Interest.
Theo vật lý học, máy bay tàng hình cỡ tiêm kích chiến thuật phải được thiết kế tối ưu hóa để đánh bại các băng tần cao hơn như băng C, X và Ku vốn được các radar kiểm soát hỏa lực sử dụng để đem lại khả năng theo dõi mục tiêu hiệu quả. Các quan chức hải quân, không quân và công nghiệp đều đồng ý rằng có một thay đổi quan trọng trong tín hiệu của máy bay tàng hình một khi bước sóng tần số vượt quá một ngưỡng nhất định và gây ra hiệu ứng cộng hưởng, vốn thường xảy ra ở phần đầu của băng tần S.
Thông thường, hiệu ứng cộng hưởng xảy ra khi một bộ phận của máy bay, chẳng hạn như phần cánh đuôi, nhỏ hơn 8 lần kích thước của một bước sóng ở tần số cụ thể. Các máy bay tàng hình cỡ nhỏ không có kích thước hay khối lượng đủ để phủ ít nhất 60,96 cm lớp vật liệu hấp thụ radar lên mọi bề mặt buộc phải hoạt động ở những băng tần mà chúng được tối ưu hóa.
Điều đó có nghĩa là các tiêm kích chiến thuật tàng hình sẽ lộ diện trên các radar hoạt động ở các dải tần số thấp hơn, chẳng hạn như các phần của băng tần S hoặc L, hay thậm chí cả các tần số thấp hơn nữa. Máy bay tàng hình kích cỡ lớn hơn như B-2 Spirit hoặc B-21 sắp ra mắt của công ty Mỹ Northrop Grumman không mang nhiều đặc trưng của khung máy bay gây ra hiệu ứng cộng hưởng, và do đó chúng đối phó với các radar tần số thấp hiệu quả hơn.
Đối với người Nga, giải quyết vấn đề nhắm mục tiêu các máy bay tàng hình là điều mà họ tiếp tục thực hiện, nhưng chưa chắc Matxcơva đã giải quyết được vấn đề này. Việc Nga đầu tư mạnh mẽ vào các tầng của hệ thống phòng không cho thấy điện Kremlin tin rằng mối đe dọa chính đối với lục quân Nga đến từ không quân Mỹ. Như vậy, đánh bại công nghệ tàng hình là một trong những ưu tiên hàng đầu của Matxcơva, Kofman nhấn mạnh, và Kremlin đã dành rất nhiều nguồn lực để thực hiện mục đích này.
Nga đã thử nhiều kỹ thuật khác nhau để đánh bại công nghệ tàng hình. Trong đó, phải kể đến việc Nga đang cố gắng phát triển một hệ thống phòng không tích hợp chặt chẽ đa radar để có thể quan sát một máy bay từ các hướng khác nhau, tuy nhiên hiệu quả của những nỗ lực này vẫn còn là một câu hỏi mở. "Thật tuyệt nếu có thể nhìn thấy một máy bay tàng hình, hoặc các bộ phận của nó, song đạt được độ chính xác đến mức bạn có thể tự tin phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu vẫn là thách thức lớn nhất”, ông Kofman nhận định.
Trong khi Nga và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được vấn đề này, rõ ràng là công nghệ tàng hình đang mất dần ưu thế theo thời gian, mặc dù có lẽ vẫn rất tốn kém để sở hữu công nghệ này. Cuối cùng, Matxcơva cũng sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề tàng hình trong khi cuộc chiến đấu giữa bên tấn công và phòng thủ vẫn tiếp diễn không ngừng, đây chỉ là vấn đề thời gian, National Interest khẳng định.