Theo National Interest, một trong những vũ khí chiến tranh mang tính biểu tượng nhất xuất phát từ kinh nghiệm chiến đấu thực tế của Liên Xô trong Thế chiến II, khi Hồng quân không tìm được cách đối phó với quân thiết giáp của Đức. Và RPG-7 đã trở thành một trong những vũ khí chống tăng hiệu quả nhất thời hậu chiến. Sau này, RPG-7 được xuất khẩu một cách phổ biến, trở thành một biểu tượng và được triển khai rộng khắp từ Berlin đến Phnom Penh.
Liên Xô trong Thế chiến II đã gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: Đó là bộ binh Hồng quân không có vũ khí cầm tay chống tăng hiệu quả trước phát xít Đức, National Interest cho hay. Quân đội Liên Xô có vô số đơn vị bộ binh, cũng như gần một triệu lính bộ binh được triển khai cùng một lúc, nhưng những binh sĩ hầu như không thể bảo vệ họ trước vũ khí thiết giáp của Đức như các loại xe Panzerkampfwagen II và III.
Tuy nhiên, việc phát triển các vũ khí chống tăng với đầu đạn lõm đã cải thiện đáng kể lợi thế ngăn chặn một cuộc tấn công thiết giáp của bộ binh Liên Xô. Nguyên tắc của đầu đạn lõm lần đầu được mô tả bởi ông Charles Munroe, một giáo sư tại Học viện Hải quân Mỹ. Đó là một hốc hình nón được đặt vào một tấm kim loại hoặc phần thiết giáp của xe tăng và chất nổ được kích nổ ở phía sau. Hốc hình nón sẽ chuyển thuốc nổ đến đầu vũ khí. Điều này cho phép đầu đạn có sức xuyên phá mạnh gấp 7 lần vũ khí thông thường.
Đầu đạn lõm được phát triển để sử dụng vì mục đích quân sự, được biết tới như vũ khí chống tăng sức nổ lớn (HEAT). Ưu điểm lớn nhất của đầu đạn HEAT là không giống như những đầu đạn chống tăng thông thường, HEAT không dựa vào tốc độ phóng và mật độ phóng để xuyên phá xe thiết giáp.
Quân đội Đức là nước đầu tiên triển khai một loại vũ khí chống tăng di động hiệu quả, đó là khẩu Panzerfaust. Panzerfaust về cơ bản là một khẩu súng với một đầu đạn chứa lượng nổ lõm được kích nổ bằng thuốc nổ đen, và những phiên bản đầu tiên này có thể xuyên vào xe thiết giáp dày tới 140mm. Phiên bản cuối cùng là khẩu Panzerfaust 250 bao gồm một ống phóng và báng súng. Liên Xô đã chiếm được mẫu súng chống tăng Panzerfaust 250 và tự phát triển phiên bản của riêng mình, đó là súng chống tăng Ruchnoy Protivotankovyy Granatomet-2, hay còn gọi là RPG-2.
RPG-2 bắt đầu phục vụ trong quân đội Liên Xô từ năm 1949. Vũ khí này có tầm bắn 150m và có thể xuyên vào xe thiết giáp vỏ thép dày tới 180mm. Khả năng này cho phép quân đội Liên Xô dễ dàng tiêu diệt những xe tăng mới nhất của NATO, bao gồm cả M26 Pershing của Mỹ và Centurion của Anh. RPG-2 được xuất khẩu rộng rãi và trang bị cho cả quân đội miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, National Interest cho biết.
Súng chống tăng RPG-2 sau đó được nâng cấp lên phiên bản RPG-7 vào năm 1961. RPG-7 có tầm bắn xa hơn, khoảng 200m. Không giống như RPG-2 với thước ngắm bằng sắt đơn giản, RPG-7 có ống ngắm hẳn hoi, độ phóng đại gấp 2,8 lần và đường chữ thập được chiếu sáng để hỗ trợ nhắm bắn mục tiêu di chuyển. Một ống ngắm được thêm vào phía sau của ống phóng và một thanh chống trượt được bổ sung để củng cố sự chắc chắn. Đạn PG-7 HEAT có thể xuyên qua xe tăng thiết giáp dày tới 260 mm, còn đầu đạn PG-7M cải tiến có thể xuyên qua thép dày 300mm.
RPG-7 còn tiếp tục tăng cường sức mạnh vũ khí chống tăng di động theo các cách khác. Khẩu RPG-7D, được thiết kế cho lính dù, được chia thành hai phần để dễ dàng vận chuyển hơn. Đầu đạn mới bao gồm OG-7 phát nổ mạnh, hữu ích nếu tấn công các mục tiêu không thiết giáp và bộ binh của kẻ thù.
Sự xuất hiện của giáp phản ứng nổ, sử dụng kích nổ làm giảm hiệu quả của đầu đạn HEAT, khiến cho Liên Xô phải phát triển bộ đôi PG-7R HEAT. Đầu đạn được cải tiến dài hơn thì có đến cả hai tầng thuốc nổ, khối nổ đầu tiên là để vô hiệu hóa giáp phản ứng nổ và khối nổ thứ hai nhằm tiêu diệt chiếc xe thiết giáp.
Súng chống tăng RPG-7 được sử dụng phổ biến trong các đơn vị trong quân đội Liên Xô và các nước trong Hiệp ước Vácxava, cứ mỗi nhóm từ 6 đến 9 binh sĩ lại được trang bị một khẩu RPG. Điều này có nghĩa là mỗi trung đội bộ binh của các nước Vácxava có thể có tới 9 khẩu RPG để phòng vệ ở phạm vi gần, không kể các tên lửa chống tăng.
Do tính hiệu quả trong thực tế chiến đấu rất cao, RPG-7 cũng đã được sử dụng ở Trung Mỹ, Đông Nam Á, trong xung đột trên khắp châu Phi và Trung Đông. RPG thậm chí còn được sử dụng ám sát một tướng Mỹ, và lực lượng Quân đội Cộng hòa Ailen dùng chống lại quân đội Anh ở Bắc Ailen.
Năm 1993, RPG-7 đã được sử dụng để bắn hạ Super 64, loại trực thăng dòng Black Hawk thuộc Trung đoàn đặc nhiệm không quân số 160 của Mỹ trong cuộc chiến Mogadishu tai tiếng lúc bấy giờ. Một trong những bên sử dụng RPG nổi tiếng nhất là các chiến binh thánh chiến Afghanistan, trong cuộc chiến chống lại lực lượng chiếm đóng Liên Xô từ năm 1980 đến năm 1988.
Ngay cả bây giờ, gần 60 năm đã trôi qua kể từ khi được phát minh, súng chống tăng RPG vẫn tiếp tục được sử dụng trên toàn thế giới. RPG là một mối đe dọa dai dẳng trong cuộc chiến tranh Iraq, trước tiên là được trang bị cho quân đội Iraq. Tại Afghanistan, quân Taliban đã triển khai RPG với số lượng khổng lồ.
Theo tác giả Gordon Rottman, 7 trong số 8 máy bay trực thăng của quân đội Mỹ bị bắn hạ ở Afghanistan từ năm 2001 đến năm 2009 là do RPG. RPG cũng đang được các lực lượng Hamas và Hezbollah sử dụng, vũ khí này được hầu hết các bên trong cuộc nội chiến Syria sử dụng.
Các khẩu súng chống tăng RPG-7 vào những năm 1970 đã được thay thế bằng một phiên bản cải tiến hơn, đó là RPG-16. Dự án phát triển RPG-29 cũng đã được thông qua vào những ngày cuối của Liên Xô năm 1991 và hiện đang phục vụ trong lực lượng lục quân Nga. Hệ thống chống tăng RPG-29 bao gồm một đầu đạn kép với các đầu đạn nhiệt áp được sử dụng để chống lại các lô cốt và vị trí phòng thủ kiên cố. RPG-29 đã từng tiêu diệt các xe tăng hiện đại của phương Tây nhiều lần ở Iraq, trong đó hủy diệt xe tăng Abrams Mỹ và xe tăng Challenger của Anh.
Theo National Interest, kinh nghiệm của Liên Xô trong Thế chiến II đã tạo ra loại vũ khí chống tăng hiệu quả ở mọi cấp độ, từ các binh đoàn lớn đến các đơn vị bộ binh nhỏ. Cho dù nhiều vũ khí của Liên Xô và sau này là Nga có thể vẫn kém phương Tây nhưng vũ khí chống tăng cơ động lại là một công cụ đặc biệt của Liên Xô. Khi căng thẳng giữa Mỹ, NATO và Nga tăng cao, các nhà hoạch định quân sự phương Tây nên nhớ rằng bộ binh Nga rất có thể sẽ khiến đội quân tăng thiết giáp của phương Tây ôm hận, National Interest khẳng định.