Lạm phát ở Mỹ bắt đầu tăng tốc vào đầu năm 2021, thời điểm mà nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19, từ mức tăng 1,2% hàng năm vào tháng 12/2020 lên mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6/2022.
Nhưng Fed đến tháng 3/2022 mới tăng lãi suất và Chủ tịch Fed Jerome Powell liên tục nhấn mạnh rằng lạm phát chỉ là “tạm thời”.
“Fed cho rằng nguồn gốc của lạm phát bắt đầu từ giai đoạn hậu đại dịch là do dư thừa nhu cầu”, nhà kinh tế học Joseph Stiglitz trả lời phỏng vấn với CNBC.
Thay vào đó, Stiglitz nói rằng lạm phát thường do các yếu tố khác thúc đẩy, chẳng hạn như sự thiếu hụt các thành phần quan trọng như chip bán dẫn.
Trong nỗ lực kéo lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, Fed hiện đã tăng lãi suất tổng cộng 11 lần, lên trong khoảng 5,25% -5,5%, mức cao nhất trong hơn 22 năm.
Một số tiến bộ đáng kể đã đạt được, với chỉ số giá tiêu dùng tính đến tháng 7 đã giảm xuống chỉ còn 3,2% và nhiều điểm dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát đã giảm đáng kể.
Mặc dù nhận định rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong 18 tháng qua không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, nhưng Stiglitz cho rằng có những bài học cần rút ra từ đánh giá của Fed về động lực lạm phát.
“Fed nhận thấy chính phủ Mỹ đã tung ra gói kích thích khổng lồ, và nếu tất cả số tiền đó được tiêu hết, nó sẽ gây ra lạm phát, nhưng các bạn cần phải nhớ lại chỉ vài năm trước nền kinh tế đã có sự bất định rất lớn”, ông nói.
Stiglitz cho biết, sự bất định này khiến cho các doanh nghiệp không đầu tư như bình thường, trong khi người tiêu dùng không cảm thấy thoải mái khi sử dụng khoản tiết kiệm dồn nén tích lũy trong đại dịch - có nghĩa rằng tổng cầu vẫn thấp hơn dự báo trước đại dịch.
“Tại sao lại có lạm phát? Tất cả chúng ta đều biết lý do”, ông nói thêm. “Giá ô tô lúc đầu tăng cao - tại sao? Có phải vì chúng ta không biết cách chế tạo ô tô? Không, chúng ta biết cách chế tạo ô tô. Các công ty ô tô của Mỹ đã quên đặt hàng chip, và vì thiếu chip, bạn không thể tạo ra ô tô được”.
'Sai lầm may mắn' của Fed
Bất chấp việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù các nhà kinh tế vẫn còn chia rẽ về việc liệu việc thắt chặt các điều kiện tài chính có dẫn đến suy thoái hay không.
Stiglitz cho rằng kế hoạch “hạ cánh mềm” của kinh tế mà Fed đã cố gắng thiết kế có thể thành hiện thực, nhưng là kết quả của một "sai lầm chính sách may mắn khác", lần này là từ phía chính phủ dưới hình thức Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).
Theo Bộ Tài chính, IRA – đạo luật mang tính bước ngoặt của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhắm vào sản xuất, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu – đã được đưa ra chỉ hơn một năm trước nhưng đã kích thích được hơn 500 tỉ USD đầu tư mới.
“Khi họ thông qua đạo luật đó, họ nghĩ rằng sẽ có một số công ty lợi dụng nó và nó sẽ làm tiêu tốn 271 tỉ USD trong 10 năm. Bây giờ ước tính của nhiều nguồn là hơn 1.000 tỉ USD,” Stiglitz nhấn mạnh.
“Đó là một gói kích thích lớn đối với nền kinh tế và sẽ bù đắp cho những tác động thu hẹp của chính sách tiền tệ, bởi vậy chúng ta có thể xoay sở để vượt qua điều này nhờ vào sự may mắn. Fed không biết gì về tác động của IRA”, ông nói thêm.
Cuộc chiến chống lạm phát của Fed, đà tăng trưởng yếu của Trung Quốc kìm hãm các thị trường mới nổi
Chủ tịch Fed: Lạm phát còn quá cao, sẵn sàng nâng lãi suất nếu cần
Biên bản họp của Fed: Vẫn còn rủi ro lạm phát tăng, bỏ ngỏ khả năng nâng lãi suất
Theo CNBC