Bà Trương Thị Cẩm Tú – Hiệu trưởng Trường tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội:

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của GS. Hồ Ngọc Đại không được sử dụng là điều đáng tiếc

VietTimes – Dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt tới bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, khi bất ngờ bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa loại ngay từ vòng đầu, dù đây từng là sách được Bộ GD&ĐT dùng để "xóa tái mù chữ" ở nhiều địa phương. Để thông tin thêm cho bạn đọc về vấn đề “nóng” này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Cẩm Tú – Hiệu trưởng Trường tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội.
Bà Trương Thị Cẩm Tú – Hiệu trưởng Trường tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy
Bà Trương Thị Cẩm Tú – Hiệu trưởng Trường tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy

+ Là một giáo viên với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp, đồng thời là Hiệu trưởng của ngôi trường dạy công nghệ giáo dục, bà đánh giá thế nào về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục?

- Với kinh nghiệm nhiều năm dạy học, khoảng thời gian công tác tại Trường thực nghiệm đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm sâu sắc về tính ưu việt của cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục.

Tính ưu việt đầu tiên của cuốn sách là mọi học sinh đến học lớp 1 tại Trường thực nghiệm theo chương trình công nghệ giáo dục không cần phải học trước. Các em như một tờ giấy trắng, vui vẻ, vô tư đến trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, học sinh đã bắt đầu được học một cách hết sức khoa học.

Khi bước vào quá trình học, học sinh không bị áp đặt nặng nề, các em được làm quen với những câu thơ, khái niệm gần gũi.

Bà Trương Thị Cẩm Tú tại buổi trò chuyện. Ảnh: Minh Thúy
Bà Trương Thị Cẩm Tú tại buổi trò chuyện. Ảnh: Minh Thúy

Bản thân tôi đã hướng dẫn học sinh học đến đâu, biết đến đấy và nắm chắc kiến thức. Ví dụ như phần học âm, với âm “a” học sinh nhận thức được đó là một nguyên âm, học được cách phát âm - những âm khi phát âm có luồng hơi bị cản là phụ âm, còn những âm khi phát ra khẩu miệng mở rộng, không bị luồng hơi cản trở là nguyên âm.

Từ đó, học sinh sẽ tự hình thành được tiếng mới qua quá trình phân tích ngữ âm. Không chỉ vậy, sau khi hình thành được tiếng mới, học sinh có thể đọc và viết được ngay tiếng đó, không cần phải tập chép.

Theo tôi, đây là một quy trình học hết sức chặt chẽ, khoa học để trẻ có thể tự học, tự làm ra sản phẩm và kiểm tra sản phẩm do chính mình làm ra.

Học sinh biết cách xử lý khi quên kiến thức là tính ưu việt thứ hai của cuốn sách. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, học sinh học được cách tự học, cách tự giải quyết một vấn đề. Vì học theo một quy trình nên học sinh vô cùng tự tin.

Không chỉ vậy, khi dạy học, giáo viên có thể kiểm soát được quá trình học tập của học sinh – dạy đến đâu, kiểm soát đến đấy. Sau khi được giáo viên hướng dẫn, học sinh đều tiếp thu kiến thức theo các mức độ khác nhau, nhưng 100% các em đều nắm được quy trình và biết cách học. Đây là hiệu quả lớn nhất mà sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đem lại.

Ngoài ra, khi học, học sinh còn có thể tìm ra được các tiếng mới theo những âm đã học.

Trường Tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội
Trường Tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội

+ Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đã đem lại lợi ích gì cho học sinh, thưa bà?

- Theo tôi, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đã đem đến cho học sinh 4 lợi ích cơ bản, đó là: Làm việc gì cũng cần phải biết cách; phải xây dựng được một quy trình; biết tự mình giải quyết vấn đề và tự tin vào sản phẩm mình làm ra. Từ đó, tạo sự chủ động cho học sinh trong quá trình học tập.

Đặc biệt, cuốn sách còn cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh và tạo tiền đề cho các cấp học tiếp theo – nắm được vấn đề, hiểu vấn đề nhanh.

+Theo bà, trong quá trình giảng dạy cho học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, thì giáo viên cần phải đáp ứng yêu cầu gì?

- Tôi cho rằng, trong quá trình dạy học, giáo viên phải nắm được đầy đủ quy trình dạy. Nếu không có quy trình rõ ràng, rành mạch và những thao tác tường minh, thì học sinh ngày hôm nay học nhưng ngày mai có thể sẽ quên đi kiến thức và không biết cách xử lý. Giáo viên phải có sự tự tin, truyền cảm hứng đến học sinh, làm mới tiết học bằng cách xử lý các tình huống, ghi nhận tinh thần và thái độ của học sinh.

+ Tiêu chí của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là gì thưa bà?

Bà Trương Thị Cẩm Tú là cử nhân Sư phạm Ngữ Văn.

Nguyên Giáo viên Trường Tiểu học Thực nghiệm (1980-2012).

Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực nghiệm (2002-2012). 

Trong quá trình công tác, bà đã vinh dự được nhận huy chương Vì sự nghiệp giáo dục cùng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành giáo dục.

Hiện nay, bà là Hiệu trưởng Trường tiểu học công nghệ giáo dục Hà Nội. 

- Tiêu chí của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” – học sinh được học thêm nhiều điều mới (biết đọc, phân tích ngữ âm và viết). Học sinh tự phát hiện lỗi sai và sửa lại.
Là một giáo viên, tôi nhận thấy hạnh phúc của người dạy học là học sinh trưởng thành qua từng ngày, tự tin giải quyết được vấn đề.
Bên cạnh đó, giáo viên có thể kiểm soát được cảm xúc của học sinh khi học.

+ Bà có ý kiến gì khi sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại không lọt qua vòng thẩm định?

- Theo tôi, cuốn sách không được sử dụng là một điều đáng tiếc. Thông qua quá trình dạy học, tôi nhận thấy kết quả học tập của học sinh và quá trình dạy học của giáo viên đã tạo nên sức sống của cuốn sách. Sách giáo khoa công nghệ giáo dục có một quan điểm và triết lý rõ ràng và đã được kiểm định qua thực tiễn với nhiều thế hệ học sinh trưởng thành dưới mái Trường thực nghiệm.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Minh Thúy (thực hiện)