Theo Bộ VHTTDL, tháng 3/2019, Việt Nam đã đệ trình hồ sơ Di sản phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hồ sơ đã được cộng đồng chủ thể của di sản, chính quyền địa phương các cấp có di sản ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái đồng thuận trình và cam kết bảo vệ.
Theo hồ sơ, Nghệ thuật Xòe Thái gồm: Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Trong đó, Xòe vòng là múa tập thể, mở rộng dần vòng xòe, cuốn hút mọi người hòa cùng niềm vui trong mỗi dịp Tết đến, xuân về hay trong mỗi dịp lễ hội, cuộc vui, liên hoan,...
Tuy nhiên, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) khuyến cáo các quốc gia cần lưu ý các vấn đề:
Thận trọng trong các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản, bởi có thể vô tình gây nên sự ganh đua giữa các cộng đồng, hoặc giữa các quốc gia, cũng như cần thiết phải lường trước sự nhạy cảm của cộng đồng khác trên khắp thế giới.
Cộng đồng phải đảm bảo vai trò trung tâm trong việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp bảo vệ được đề xuất, với sự đồng thuận trước và tự nguyện trên cơ sở đầy đủ thông tin.
Phải giới thiệu di sản trong bối cảnh của chúng, chú trọng vào giá trị, ý nghĩa đối với cộng đồng. Không nên chỉ tập trung vào sức hấp dẫn về thẩm mỹ hoặc giá trị giải trí của di sản.
Sự tác động của hoạt động du lịch đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể phải đảm bảo cộng đồng, nhóm người và cá nhân có liên quan là những người hưởng lợi.
Phát huy vai trò dẫn dắt trong quản lý hoạt động du lịch, sức sống các chức năng xã hội và ý nghĩa văn hóa của di sản không bị giảm bớt hoặc đe dọa bằng bất kỳ hình thức nào từ hoạt động di sản.
Chính vì vậy, Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Việc tổ chức để xác lập kỷ lục với các thành tố di sản nói riêng và di sản nói chung cần hết sức thận trọng vì có thể vi phạm các khuyến cáo của UNESCO.
Do đó, Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Yên Bái cần cân nhắc việc tổ chức "Màn đại xòe Việt Nam lớn nhất thế giới" để đăng ký xác lập kỷ lục Guinness và các hoạt động liên quan.