+Với bản kiến nghị lên Thủ tướng về việc bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục bị loại, ông gửi gắm điều gì?
- Theo tôi, bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng và Bộ trưởng đã gửi gắm những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của các cán bộ Trung tâm Công nghệ giáo dục đối với bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đã được sử dụng trong suốt 40 năm qua.
Là một nhà giáo, tôi mong muốn bảo vệ bộ sách, vì nó có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh và trong thực tiễn cuộc sống.
Bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại là một thành tựu của giáo dục.
Từ năm 1978 đến cuối những năm 1980, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mở rộng chương trình thực nghiệm với bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại.
Đến năm 1990, Hội đồng Nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và đề nghị cho triển khai sách giáo khoa công nghệ giáo dục ở những địa phương có điều kiện như một phương án để phát triển giáo dục.
Khi còn là Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, tôi đã giúp Bộ trưởng quản lý và sử dụng cả 4 bộ sách nêu trên và đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ vào năm 2000. Đây là một thành tựu đáng tự hào của ngành giáo dục.
PGS. TSKH. Nguyễn Kế Hào tại buổi trò chuyện
|
+ Sự khác biệt giữa sách giáo khoa công nghệ giáo dục cùa GS. Hồ Ngọc Đại với các bộ sách khác là gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng điểm khác biệt giữa sách của GS. Hồ Ngọc Đại với các bộ sách khác là ở quan điểm lấy học sinh làm trung tâm – thể hiện mục tiêu trong giáo dục. Theo đó, học sinh phải tự học và tự lĩnh hội kiến thức dưới sự hướng dẫn, hợp tác với thầy, cô giáo.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 900.000 học sinh học sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Đây là một minh chứng rõ nhất về hiệu quả của bộ sách được sử dụng trong thực tiễn.
PGS. TSKH. Nguyễn Kế Hào
|
+ Được biết, sách giáo khoa công nghê giáo dục đã từng hai lần “chữa cháy” cho Bộ GD&ĐT trong việc chống “tái mù” cho học sinh, cùng nhiều thành quả đã được ghi nhận trong thực tiễn. Vậy ông có suy nghĩ gì khi bộ sách bị đánh trượt ngay từ vòng đầu của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa?
- Tôi cho rằng bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại cần có một cách đánh giá theo cơ chế khác.
Theo tôi, cần có sự khảo sát, đánh giá trực tiếp dựa trên thực tế. Không chỉ vậy, cần phải xem lại các tiêu chí đánh giá. Bởi sách giáo khoa công nghệ giáo dục không chỉ là thành tựu của riêng GS. Hồ Ngọc Đại mà còn là thành tựu của cả nền giáo dục Việt Nam.
+ “Đi học là hạnh phúc”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” – là quan điểm vẫn tồn tại đến ngày nay kể từ khi Trường Thực nghiệm khai giảng năm học đầu tiên (1978-1979). Ông có thể lý giải rõ hơn về quan điểm này?
- Khi Trường Thực nghiệm mới thành lập thì “đi học là hạnh phúc”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” chỉ mới là tư tưởng, sau đó được định hình thành quan điểm và triển khai trong thực tiễn.
Khi học sinh đến trường, các em được phát triển, tiếp nhận kiến thức, được trở thành chính mình dưới một nền giáo dục toàn diện. Mỗi học sinh là một cá nhân và một nhân cách riêng, vì thế các em được phát triển theo khả năng và điều kiện của bản thân. Tôi cho rằng hạnh phúc của học sinh là được đến trường học, được học sách tốt, mỗi ngày đều tiến bộ, được học thêm nhiều điều mới, được an toàn, phát triển lành mạnh.
Đặc biệt, trong chương trình giáo dục thực nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại, học sinh không đánh giá bằng điểm số.
+ Một số ý kiến cho rằng sách giáo khoa công nghệ giáo dục bị loại là do không phù hợp với học sinh lớp 1, sử dụng từ ngữ còn hạn chế, chỉ áp dụng được đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa,… Xin ông cho biết ý kiến về quan điểm này?
- Sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đã trải qua nhiều lần thẩm định và mỗi năm lại hoàn thiện hơn.
Sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai ở những địa phương có điều kiện cơ sở vật chất như ở thành phố, thị xã, thị trấn,… do đó, bộ sách đã được triển khai đến với mọi học sinh, chứ không riêng đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
Trung tâm Công nghệ giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
|
+ Trung tâm Công nghệ giáo dục có nhiệm vụ chính là gì thưa ông?
- Trung tâm Công nghệ giáo dục được thành lập với 3 nhiệm vụ chính. Đó là tiếp tục hoàn thiện bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục, triển khai bộ sách đến các địa phương và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Minh Thúy (Thực hiện)
PGS.TSKH. Nguyễn Kế Hào sinh năm 1942 tại Vĩnh Phúc Năm 1961, ông là giáo viên cấp II Năm 1967, ông theo học tại Trường Đại học Lô-mô-nô-xốp (Nga) Năm 1979, ông là nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học giáo dục Liên Xô. Năm 1984, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ, ông trở lại Nga làm luận án Tiến sĩ khoa học với chủ đề: “Hình thành hoạt động cho học sinh tiểu học”. Năm 1994, ông được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Năm 2001, ông làm đơn xin từ chức, về dạy học tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Hiện, ông đang công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục. |