Bộ sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại bị loại nhìn từ nguyên lý thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý

VietTimes -- Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Đó là một trong những nguyên lý nhận thức thế giới trong triết học duy vật biện chứng và cũng là thành tựu đột phá có ý nghĩa cách mạng trong lý luận về nhận thức và thực tiễn. Thế nhưng, việc bộ sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại được  biên soạn và hoàn chính trong gần 40 năm qua hiện đang được gần 1 triệu học sinh trong cả nước sử dụng làm sách học tập, lại bị loại ngay trong vòng 1 xét chọn sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020 hoàn toàn trái ngược với nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”.
GS. Hồ Ngọc Đại
GS. Hồ Ngọc Đại
 

Về nguyên lý  thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý

Với việc đưa phạm trù “thực tiễn” vào hệ thống lý luận về nhận thức, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx-Lenin đã tạo nên bước đột phá có ý nghĩa cách mạng trong triết học nói chung và trong lý luận nhận thức nói riêng.

Theo đó, thực tiễn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để nhận thức về chân lý, là thước đo chân lý của những biến chuyển thực tiễn rất phức tạp trong xã hội. Nhờ trải qua thực tiễn, loài người mới phân biệt được đâu là chân lý và đâu là sai lầm. Nói cách khác, thực tiễn đóng vai trò là tiêu chuẩn để kiểm định chân lý.

Như vậy, thực tiễn và lý luận là hai phạm trù có quan hệ gắn bó rất chặt chẽ trong quá trình nhận thức. Trong thư gửi Tạp chí Quân sự tập san (tiền thân của Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết:“Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới. Lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”.

Khi hoạch định đường lối đổi mới, Đảng ta cũng đã vận dụng nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý” của chủ nghĩa Marx-Lenin, theo đó Việt Nam vừa tiến hành cải cách, mở cửa, vừa tổng kết kinh nghiệm để hoàn thiện lý luận về con đường phát triển. Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn và rất quan trọng.

Nhìn rộng ra thế giới, khi xác định đường lối cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình cũng xuất phát từ nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. Nguyên lý đó được ông diễn giải bằng những ngôn từ rất đơn giản và dễ hiểu là “dò đá qua sông”, theo đó Trung Quốc vừa tiến hành cải cách mở cửa, vừa đúc rút kinh nghiệm để điều chỉnh bổ sung lý luận để tìm ra chân lý về con đường phát triển và họ đã đạt đươc những thành tựu đột phá, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới.

Bài học thất bại của Liên Xô khi thực hiện chính sách cải tổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là không tuân thủ nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, mà đập phá hết cái cũ để xây cái mới, trong khi đó cái cũ tuy có nhiều khiếm khuyết nhưng cũng có không ít những ưu việt cần được kế thừa và phát triển.    

Trở lại chuyện sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại bị loại nhìn từ thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý

Trước khi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa họp xét chọn sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai vào năm 2020, đã có một sự kiện có liên quan. Đó là việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét để phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân trong năm 2019.

Trước năm 2019, theo tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định, trong hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu này của các nghệ sĩ nhất thiết phải có giấy chứng nhận đã từng đạt thành tích cao trong các kỳ thi văn hóa nghệ thuật do nhà nước tổ chức.  

Do căn cứ vào tiêu chí này, nhiều nghệ sĩ tài năng đã từng cống hiến cả cuộc đời hoạt động văn hóa-nghệ thuật cho đất nước nhưng vẫn không thể lọt vào danh sách được xét chọn.

Năm 2019, trên cơ sở nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, theo đó tiêu chí có ý nghĩa quyết định là quá trình cống hiến của nghệ sĩ cho nền văn hóa - nghệ thuật của đất nước đã được xã hội công nhận.

Theo tiêu chí này, rất nhiều nghệ sĩ “gạo cội” trước đây không được xét chọn thì trong năm 2019 họ đã được xét và được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.

Trở lại vụ việc bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ sách này là kết quả của GS Hồ Ngọc Đại vận dụng nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý” trong gần 40 năm qua, trên cơ sở hoạt động giảng dạy và học tập của học sinh tại Trường thực nghiệm do GS Hồ Ngọc Đại thành lập vào năm 1978, trong đó áp dụng công nghệ giáo dục lấy phát triển con người là trung tâm.

Sau gần 40 năm dồn toàn bộ tâm trí và tình yêu dành cho con trẻ nhằm phát triển thế hệ con người Việt Nam trong kỷ nguyên cải cách mở cửa, GS Hồ Ngọc Đại từng bước điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh bộ sách giáo khoa cho học sinh tiểu học.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được gần 1 triệu học sinh trong cả nước sử dụng trong học tập trong năm học 2018-2019. Ảnh Báo Tiền Phong 2019
Bộ sách giáo khoa lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được gần 1 triệu học sinh trong cả nước sử dụng trong học tập trong năm học 2018-2019. Ảnh Báo Tiền Phong

Bộ sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại đã trải qua nhiều bước thăng trầm trước khi trở thành bộ sách hoàn chỉnh như hiện nay. Năm 1986, nhận thấy có tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi đó quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại.

Năm 2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Vì thế, bộ sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

Năm 2006, ngành giáo dục phát hiện nạn "ngồi nhầm lớp" diễn ra phổ biến, có học sinh buổi sáng học lớp 6, chiều lại vào học lớp 1 để tập đọc. Trước tình hình đó, sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại lại được đưa trở lại sử dụng trong nhà trường sau khi đề tài nghiên cứu cấp bộ "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số" được nghiệm thu.

Lý do là học sinh ở các vùng sâu, vùng xa nhận thấy sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại rất dễ học, dễ tiếp thu, học xong nhớ lâu, không tái mù chữ như trước đây.  

Năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm sử dụng tiếp sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại ở 5 tỉnh. Năm 2013, Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ "thí điểm" và sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại được xem là phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.

Năm 2016, học sinh ở 48 tỉnh học sách của GS Hồ Ngọc Đại. Trong năm học 2018 - 2019 đã có gần 1 triệu học sinh, chiếm gần một nửa số học sinh tiểu học của cả nước, chọn sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại để học tập.

Việc bộ sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại vốn đã có hàng triệu học sinh theo học suốt 40 năm qua, bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "không đạt" ngay từ vòng 1 với lý do một số nội dung vượt quá trình độ học sinh tiểu học, đang khiến dư luận nóng lên trong những ngày qua.

Thí dụ, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều trường tiểu học ở thành phố này sử dụng sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại từ rất sớm. Năm 1994, Tp. Hồ Chí Minh có 5 trường tiểu học dùng sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại. Năm 1995, sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại được áp dụng gần đại trà ở lớp 1 ở Tp. Hồ Chí Minh.  

Cũng theo ông Lê Ngọc Điệp, sự đóng góp của sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại là rất lớn, nhất là môn tiếng Việt đã giúp học sinh tập viết dễ dàng, không tái mù, giảm nhiều tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp.

Trước đây, những học sinh không học theo sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại dù mới học xong nhưng chỉ qua kỳ nghỉ hè vào học lại quên hết cách viết và đọc tiếng Việt. Đáng chú ý là sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại đã được sử dụng rất thành công tại các trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện học tập rất thiếu thốn, khó khăn. Đây là một thực tế không ai có thể phủ nhận được.

Cô giáo Nguyễn Trần Duyên Anh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, cho biết cô đã dạy sách Tiếng Việt trong bộ sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại 5 năm nay. Đây là bộ sách có phương pháp dạy hay, lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên không gặp bất cứ khó khăn nào. Học sinh học nắm chắc âm vần và chính tả, phát âm, hiểu được tiếng nói hàng ngày được cấu tạo như thế nào.

Cô giáo Nguyễn Trần Duyên Anh chia sẻ: “Nhiều người không ủng hộ sách giáo khoa này vì họ không nhìn thấy những gì học sinh đạt được khi theo học. Từ khi nghe tin có thể trong năm tới không dùng bộ sách này nữa tôi rất buồn và nuối tiếc. Không hiểu tại sao lại nói sách vượt trình độ học sinh”.  

Sau sự kiện sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi danh sách những bộ sách giáo khoa sẽ được triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, dư luận đặt câu hỏi về tính độc lập, khách quan cũng như năng lực của Hội đồng thẩm định do Bộ GD&ĐT thành lập.

Theo tìm hiểu, hiện có nhiều tác giả các sách giáo khoa được đưa vào tuyển chọn cũng là những người viết Chương trình giáo dục mới. Ngoài ra, trong số các thành viên trong Hội đồng thẩm định cũng có nhiều người tham gia viết chương trình.

Vì thế, một câu hỏi đặt ra ở đây là các tiêu chí đề ra để tuyển chọn sách giáo khoa liệu có khách quan hay không?  

GS Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam - đề xuất “cần thẩm định lại Hội đồng thẩm định” trước những lý do mà Hội đồng này đưa ra để “xóa tên” sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại ngay trong vòng 1 thẩm định.

GS Phùng Hồ Hải khẳng định, với tư cách thành viên ban soạn thảo Chương trình sách giáo khoa môn Toán, những lý do đưa ra của Hội đồng thẩm định đi ngược với tinh thần của Ban soạn thảo sách giáo khoa phổ thông mới.

Theo TS. Ngô Thị Tuyên, một nhà nghiên cứu giáo dục, để hoạt động thẩm định có chất lượng cần phải có một hội đồng chuyên nghiệp và công tâm. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ ít nhất Chủ tịch hội đồng phải là người có chuyên môn về lĩnh vực được giao trách nhiệm điều hành và phải có chuyên môn về sư phạm ở bậc học đó.

Thiết nghĩ, nên chăng xuất phát từ nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cần xem xét lại cái lý do “yêu cầu quá cao, hàn lâm hoặc không cần thiết đặt ra với học sinh lớp 1” để loại sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại ra khỏi danh sách những bộ sách giáo khoa sẽ được sử dụng trong Chương trình giáo dục mới.

Mặt khác, GS Hồ Ngọc Đại cũng nên xem xét các yêu cầu do Hội đồng thẩm định đề ra để điều chỉnh một số nội dung của sách giáo khoa do ông biên soạn sao cho phù hợp với Chương trình giáo dục mới. Đây có thể cũng là nguyện vọng của gần 1 triệu học sinh trong cả nước muốn được tiếp tục sử dụng bộ sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại trong chương trình giáo dục mới./.