Công nghiệp quốc phòng Nga đang tăng tốc công việc. Tư lệnh Không quân-vũ trụ Nga (VKS), Thượng tướng Viktor Bondarev tuyên bố, VKS trong thời gian sắp tới sẽ nhận vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-500 Prometei.
Tập đoàn VKO Almaz-Antei, nhà thiết kế và sản xuất tên lửa phòng không tầm xa và siêu xa đang làm việc nhịp nhàng, không lệch tiến độ. “Chúng tôi mỗi năm nhận được 5 bộ trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-400, các radar mới - nhịp độ này khiến chúng tôi hài lòng, sự phát triển tiếp theo đang diễn ra, chúng tôi và ngành công nghiệp không đứng yên tại chỗ, hệ thống tối tân S-500 đang được phát triển với tốc độ đẩy nhanh và sắp tới, nó sẽ được trang bị cho bộ đội phòng không”, vị Tư lệnh phát biểu tại buổi lễ trọng thể kỷ niệm Ngày Phòng không.
Các hệ thống S-400 và S-500 được triển khai sản xuất loạt tại Nhà máy chế tạo máy Nizhny Novgorod mang tên 70 năm Chiến thắng vốn được xây dựng riêng với chi phí 45 tỷ rúp để sản xuất 2 hệ thống này cũng như các sản phẩm tương lai của Almaz-Antei.
Cả việc bắt đầu đào tạo chuyên gia khai thác S-500 tại Học viện Phòng không vũ trụ mang tên Nguyên soái G.K. Zhukov cũng cho thấy S-500 đang đến rất gần.
Hệ thống tên lửa phòng không cơ động S-500 Prometei được Tập đoàn Almaz-Antei bắt đầu phát triển từ năm 2004. Sau khi tiến hành công tác nghiên cứu, vào năm 2007, đã mở dự án thiết kế-thử nghiệm. Kết quả trung gian của dự án đạt được vào năm 2009, khi bắt đầu thử nghiệm tên lửa tầm siêu xa.
S-500 thực chất là 2 hệ thống, mỗi hệ thống giải quyết các nhiệm vụ riêng và được trang bị tên lửa và thiết bị phần cứng riêng. Một hệ thống làm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa, một hệ thống làm nhiệm vụ phòng không, tức là tiêu diệt mục tiêu khí động.
Do đó, S-500 khác hẳn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) vốn chỉ có một loại tên lửa để chống cả mục tiêu khí động lẫn mục tiêu đường đạn. Tính vạn năng đó khiến cho xác suất tiêu diệt tên lửa đường đạn tầm trung của THAAD chỉ là 10-15%. Và giới hạn dưới của tầm tiêu diệt mục tiêu khí động lại quá lớn, nghĩa là tên lửa đối phó kém với mục tiêu bay thấp. Đây chính là lỗ hổng lớn của Mỹ vì hệ thống tên lửa phòng không lạc hậu Patriot không có khả năng che chắn khu vực gần.
S-500 để thực hiện các nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa sử dụng không chỉ các tên lửa khác nhau, mà cả 2 radar anten mạng pha chủ động khác nhau.
Một phần các tên lửa sử dụng cho S-500 lấy từ hệ thống S-400. Ba loại tên lửa được phát triển riêng cho Prometei mà mạnh nhất trong số đó dùng để tác chiến chống mục tiêu khí động là 40N6M có tầm bắn đúng bằng 600 km. Trong khi tầm bắn của tên lửa THAAD nhỏ hơn 3 lần, chỉ là 200 km.
Còn 2 loại tên lửa mới do Viện thiết kế Fakel phát triển để đối phó với mục tiêu đường đạn là 77N6-N và 77N6-N1. Tính năng của chúng không được tiết lộ, chỉ biết rằng chúng có thể đối phó không chỉ với tên lửa đường đạn tầm trung mà cả tên lửa đường đạn xuyên lục địa ở giai đoạn bay cuối. Hơn nữa không chỉ đối phó được với bản thân các tên lửa mà cả các đầu đạn tách ra có độ bộc lộ thấp, có bề mặt tán xạ hiệu dụng không quá 0,1 m2, tốc độ mục tiêu bị tiêu diệt có thể lên tới 7 km/s.
Ngoài ra, còn biết rằng các tên lửa 77N6-N và 77N6-N1 được chuẩn hóa với tên lửa chống tên lửa 53T6M không có đối thủ trên thế giới của hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Moskva А-135 Amur. Tên lửa 53T6M có mức trang bị năng lượng vô song, các tính năng khí động hiếm có, khả năng chịu quá tải dọc 210g, quá tải ngang 90g, tầm bắn đến 100 km, độ cao đánh chặn đến 30 km. Tuy vậy, Tổng công trình sư hệ thống A-135 A.G. Basistov khẳng định rằng, khả năng của tên lửa còn cao hơn nhiều. Sau khi hoàn tất thử nghiệm nhà nước, ông đã nói: “Hệ thống đã cho thấy mức dự trữ lớn về tất cả các tham số. Tên lửa chống tên lửa cao tốc 53T6 của công trình sư Lyulev có thể tiêu diệt mục tiêu đường đạn ở tầm xa hơn 2,5 lần và độ cao lớn hơn 3 lần so với chúng ta đã thử nghiệm bây giờ. Hệ thống sẵn sàng hoàn thành cả các nhiệm vụ tiêu diệt vệ tinh quỹ đạo thấp và các nhiệm vụ khác”.
Đồng thời, còn lưu ý rằng, các tên lửa 77N6-N và 77N6-N1 không phải là sự sao chép mà là sự phát triển của mẫu tên lửa cơ sở.
Khi so sánh các tính năng tốc độ của các tên lửa S-500 và THAAD thấy rõ rằng, các tên lửa Nga có tốc độ cao hơn 3,5 lần, tốc độ tối đa là 3.600 m/s, trong khi của các tên lửa Mỹ chỉ là 995 m/s.
Các tính năng của Prometei chỉ được tiết lộ một phần: tầm phát hiện tên lửa đường đạn là 2.000 km, tầm phát hiện đầu đạn có bề mặt tán xạ hiệu dụng 0,1 m2 là 1.300 km; sai số tối đa khi xác định điểm cuối quỹ đạo bay, tức là điểm rơi của tên lửa đường đạn, là không quá 15 km; tầm phát hiện mục tiêu khí động là 800 km.
Trong khi đó, vẫn chưa có số liệu về số lượng mục tiêu có thể bám và bắn đồng thời, nhưng chỉ biết các thông số này cao hơn so với S-400 Triumf, nghĩa là hơn 20 khi bám và 10 khi bắn đồng thời. Và các con số này cần nhân với 8 - đó là số lượng xe chiến đấu được liên kết thành một hệ thống S-500 được điều khiển từ một trung tâm chỉ huy.
Một ưu điểm khác của Prometei là sử dụng các phương tiện liên lạc tối tân, thế hệ 6. Chúng loại trừ chắc chắn khả năng bị chặn thu vô tuyến điện, cũng như có khả năng chống nhiễu bên ngoài. Ngoài ra, khí tài tác chiến điện tử tối tân biên chế cho các hệ thống cơ động dùng khung gầm bánh lốp 5 trục cho phép vô hiệu hóa với hiệu quả cao các tên lửa chống radar của đối phương. Các tên lửa của S-500 cũng được trang bị thiết bị chế áp các điện tử các mục tiêu cần tiêu diệt.
Cuối cùng, cần dừng lại ở những nguyên nhân mà nhờ đó, S-500 vượt trội về khả năng so với hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động hiện đại THAAD của Mỹ. Nguyên nhân chính là ở tính thực dụng của người Mỹ. Hơn 1/4 thế kỷ trước, họ đã quyết định rằng, sau khi giành thắng lợi trong chiến tranh lạnh, họ muôn đời sẽ không có địch thủ xứng đáng. Còn để dẹp yên những kẻ “không xứng đáng” thì các vũ khí đã được chế tạo ở thời điểm đó là hoàn thoàn đủ. Bởi vậy, họ đã cắt giảm mạnh ngân sách cho các nghiên cứu mới trong lĩnh vực quân sự và đa số dự án đã bị đình chỉ. Kết quả là trong 3 thập kỷ, Mỹ vẫn chỉ có các hệ thống tên lửa phòng không lạc hậu Patriot. Còn thay cho các hệ thống phòng không tầm gần, họ đã và đang vẫn sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không mang vác Stinger vốn đã được bắt đầu sử dụng từ đầu thập niên 1980. Các tên lửa Stinger lắp trên các xe jeep và được gọi to là hệ thống tên lửa phòng không Avenger.
Thực tế, công tác nghiên cứu chế tạo các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Mỹ dẫu sao vẫn được tiếp tục, tuy ở nhịp độ thấp. Họ đã mất gần 20 năm để chế tạo hệ thống cơ động THAAD. Nhưng đồng thời cũng phải tính đến chuyện Mỹ gần như không có kinh nghiệm chế tạo các hệ thống tên lửa cơ động lớn. Tất cả các tên lửa đường đạn xuyên lục địa trên bộ của họ được triển khai trong giếng phóng. Các tên lửa chống tên lửa của họ cũng ngay từ đầu bị “chôn xuống đất”. Hệ thống mới nhất trong số đó là GBMD (Ground-Based Midcourse Defense) chỉ bảo vệ được một khu vực hạn chế và chỉ bao gồm 30 tên lửa, mặc dù rất mạnh với thiết kế 3 tầng. Số lượng tên lửa hạn chế trước hết là do chúng quá đắt.
Trong khi Liên Xô đã phát triển vũ bão hướng nghiên cứu này. Ở đây, không chỉ cần nhắc đến tên lửa đường đạn xuyên lục địa Topol, mà trước hết là hệ thống tên lửa phòng không cơ động S-75 vốn được nhận vào trang bị vào năm 1957. Tập đoàn Almaz-Antei đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, nhờ đó bất kỳ ai trên thế giới cũng cực kỳ khó khăn để cạnh tranh với các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga.
Hướng phát triển các phương tiện phòng thủ tên lửa lắp trên tàu khu trục của Mỹ tiến bộ hơn nhiều. Các tên lửa hiện đại SM-3 của hệ thống Aegis có tầm bắn 700 km và độ cao đánh chặn “vũ trụ” (250 km), nhưng tốc độ vẫn thua tên lửa Nga một chút - 2.700 m/s so với 3.600 m/s.
Dĩ nhiên là Aegis, khác với S-500, không dùng để tác chiến chống mục tiêu khí động là máy bay và tên lửa hành trình. Ở Nga, nhiệm vụ phòng thủ tên lửa ở dạng thuần túy do hệ thống А-135 Amur bố trí ở khu vực Moskva đảm nhiệm. Về tên lửa tầm gần (53T6) của A-135 đã được đề cập ở trên, còn liên quan đến tên lửa tầm xa thì hiện nay đang được thử nghiệm. Tên lửa này cũng sẽ được biên chế cho hệ thống phòng thủ tên lửa Moskva mới А-235 Nudol. Dự đoán, tên lửa có tầm bắn 1.500 km, độ cao đánh chặn tối đa 750 km. Còn tên lửa tầm gần của A-235 Nudol sẽ là loại cơ động. Và điều đó cho phép phỏng đoán rằng, đây sẽ là tên lửa chung cho cả hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa S-500 Prometei.
Theo VND