Rúng động vụ FBI giăng bẫy bắt một cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Trung Quốc

VietTimes – Hôm thứ Hai (17/8), một cựu nhân viên của Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã bị cơ quan pháp luật Mỹ cáo buộc phạm tội bán bí mật cho Trung Quốc. Người này đã  bị FBI giăng bẫy bắt giữ tại Honolulu, Hawaii hôm 14/8.
Việc các cựu nhân viên CIA phản bội,hoạt động gián điệp cho Trung Quốc là vấn đề khiến tình báo Mỹ đau đầu (Ảnh: The Hill).
Việc các cựu nhân viên CIA phản bội,hoạt động gián điệp cho Trung Quốc là vấn đề khiến tình báo Mỹ đau đầu (Ảnh: The Hill).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 18/8, Mã Ngọc Thanh (tên tiếng Anh Alexander Yuk Ching Ma) từng là nhân viên CIA đã đồng mưu phạm tội cùng một người họ hàng. Người họ hàng này cũng là một cựu nhân viên CIA và có quyền truy cập vào những bí mật hàng đầu. Cả hai đã đồng mưu bán các bí mật của Mỹ cho các nhân viên tình báo Trung Quốc.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ, Mã Ngọc Thanh, 67 tuổi, là một cựu nhân viên CIA và bị bắt vào ngày 14/8/2020. Hồ sơ hình sự chống lại ông ta đã được mở niêm phong vào ngày 17/8.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp về An ninh Quốc gia John Demers, Công tố viên khu vực Hawaii Kenji Price, Trợ lý Giám đốc Bộ phận phản gián của FBI Alan Kohler và nhân viên Văn phòng FBI Honolulu Eli Miranda đã cùng thông báo tin này.

Mã Ngọc Thanh gặp gỡ các nhân viên tình báo Trung Quốc tại Hồng Kông nhận nhiệm vụ tháng 3/2001 (Ảnh: Đông Phương).
Mã Ngọc Thanh gặp gỡ các nhân viên tình báo Trung Quốc tại Hồng Kông nhận nhiệm vụ tháng 3/2001 (Ảnh: Đông Phương).

Mã Ngọc Thanh 67 tuổi, là một công dân Mỹ nhập tịch năm 1968, sinh ở Hồng Kông. Theo tài liệu của tòa án, Mã bắt đầu làm việc trong CIA từ năm 1982, có quyền truy cập vào các bí mật hàng đầu, đã ký nhiều cam kết bảo mật, trong đó có cam kết sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật của chính phủ Mỹ trong và sau thời gian làm việc tại CIA.

Mã rời CIA vào năm 1989, sống và làm việc ở Thượng Hải, sau đó đến sống ở Hawaii vào năm 2001.

 Thông đồng với người thân, gặp gỡ nhiều quan chức Trung Quốc

Theo tài liệu của tòa án, trong vòng 10 năm, Mã Ngọc Thanh và một người thân (được xác định là kẻ chủ mưu số 1) đã thông đồng với nhau và âm mưu liên lạc với nhiều quan chức tình báo của Trung Quốc. Kế hoạch đánh cắp bí mật này bắt đầu trong một cuộc gặp với ít nhất 5 nhân viên tình báo Trung Quốc kéo dài ba ngày tại một khách sạn ở Hồng Kông vào tháng 3/2001. Trong thời gian này, hai cựu nhân viên CIA đã cung cấp cho các cơ quan tình báo Trung Quốc các thông tin về danh sách điệp viên CIA, các hoạt động và phương thức liên lạc bí mật. Một phần của cuộc họp được ghi hình và đoạn video cho thấy Mã đã cung cấp bí mật cho các nhân viên tình báo Trung Quốc, sau đó nhận 50.000 USD tiền mặt rồi đếm tiền.

Các tài liệu của tòa án còn cáo buộc sau khi chuyển đến Hawaii sống, ông ta bắt đầu tìm cách làm việc với FBI để tiếp tục lấy các thông tin mật của chính phủ Hoa Kỳ, những thông tin này có thể được cung cấp cho người chủ quản Trung Quốc của anh ta. Năm 2004, Văn phòng Honolulu của FBI đã thuê Mã làm chuyên gia ngôn ngữ theo hợp đồng, phụ trách việc xem xét và dịch các tài liệu tiếng Trung.

Các tài liệu của Bộ Tư pháp cho thấy trong 6 năm sau đó, Mã Ngọc Thanh thường xuyên sao chép, chụp ảnh và đánh cắp các tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ có dấu mật; bao gồm cả việc sử dụng máy tính của FBI để ghi các tài liệu liên quan đến hệ thống dẫn đường tên lửa vào đĩa CD và sử dụng máy ảnh kỹ thuật số để chụp ảnh các tài liệu mật.

 Mã thường đến Trung Quốc, mang theo một số tài liệu và hình ảnh đánh cắp được để cung cấp những tài liệu và hình ảnh này cho người nhận là quan chức tình báo Trung Quốc. Mã cũng thường mang về hàng nghìn USD tiền mặt và những món quà đắt tiền từ Trung Quốc, chẳng hạn một bộ gậy đánh gôn hàng hiệu.

Theo tài liệu của tòa án, vào mùa xuân năm 2019, một đặc vụ ngầm của FBI đã thuyết phục để Mã tin người này là một nhân viên tình báo của Trung Quốc. Trong hai lần gặp gỡ, Mã đã xác nhận các hoạt động gián điệp của mình với người mật vụ và nhận 2.000 USD tiền mặt của FBI. Mật vụ FBI nói với Mã số tiền này chỉ là "món quà nhỏ" để cảm ơn anh ta vì đã giúp đỡ Trung Quốc.

Theo tài liệu của Bộ Tư pháp, Mã cũng đề xuất tiếp tục làm việc cho cơ quan tình báo của Trung Quốc một lần nữa. Vào ngày 12/8/2020, trước khi bị bắt, ông ta đã có một cuộc gặp với đặc vụ chìm của FBI, ông ta lại nhận số tiền do đặc vụ ngầm đưa cho và bày tỏ nguyện vọng “tiếp tục giúp đỡ chính quyền Trung Quốc”.

Mã Ngọc Thanh đếm tiền sau khi nhận 50 ngàn USD từ quan chức tình báo Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).
Mã Ngọc Thanh đếm tiền sau khi nhận 50 ngàn USD từ quan chức tình báo Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ: những người này là vật hy sinh

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp John Demers cho biết: "Các hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài. Điều đáng buồn là, các cựu nhân viên tình báo Mỹ đã phản bội các đồng nghiệp, đất nước và các giá trị tự do, dân chủ để ủng hộ chế độ Trung Quốc”.

Ông nói rằng, cho dù bây giờ hay nhiều năm sau, khi những người này nghĩ rằng họ đã trốn thoát, Bộ Tư pháp đều sẽ tìm ra những kẻ phản bội này và đưa họ ra trước công lý. "Đối với tình báo Trung Quốc, những người này là vật hy sinh. Đối với chúng ta, họ là những người đáng buồn, nhưng họ cũng khẩn thiết nhắc nhở rằng chúng ta cần phải cảnh giác”, Demers nói.

Công tố viên Kenji Price cho biết: "Các cáo buộc được công bố hôm nay gây sốc và nhắc nhở cộng đồng chúng ta ở Hawaii về mối đe dọa tiếp tục được những người cố gắng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng ta gây ra thông qua hoạt động gián điệp”.

"Điều đặc biệt quan tâm là hành vi phạm tội của các nhân viên phục vụ trong giới tình báo Hoa Kỳ. Họ đã chọn cách phản bội đồng nghiệp cũ và toàn bộ đất nước bằng cách làm rò rỉ thông tin mật quốc phòng cho Trung Quốc. Văn phòng của tôi sẽ tiếp tục kiên trì đấu tranh chống hoạt động gián điệp”, Price nói.

Ông Alan Kohler, Trợ lý giám đốc về phản gián của FBI, nói: “Hành động gián điệp nghiêm trọng này là một ví dụ về một loạt các hoạt động bất hợp pháp do Trung Quốc tiến hành tchống lại Hoa Kỳ trên lãnh thổ Hoa Kỳ”.

"Vụ án này cho thấy bất kể thời gian điều tra dài hay ngắn và độ khó của đến đâu, những nam nữ nhân viên của FBI sẽ nỗ lực không ngừng để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta trước các mối đe dọa từ các cơ quan tình báo Trung Quốc. Mọi hành vi phản bội nước Mỹ, không cần biết tội ác của họ sau bao nhiêu năm mới bị phanh phui, đều sẽ phải đối mặt với công lý”, ông nói.

Quan chức chi nhánh FBI Honolulu Eli Miranda nói, những vụ án này rất phức tạp, phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mới khép lại, nhưng để đảm bảo an ninh quốc gia, FBI sẽ không bao giờ cho qua.

Lý Chấn Thành, cựu nhân viên CIA nhận án tù 19 năm tháng 11/2019 vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Sing Tao).
Lý Chấn Thành, cựu nhân viên CIA nhận án tù 19 năm tháng 11/2019 vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Sing Tao).

Mức án tối đa là tù chung thân

Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Mã Ngọc Thanh sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại Tòa án Liên bang Hoa Kỳ của Tòa án bang Hawaii vào thứ Ba (18/8). Ông ta bị cáo buộc âm mưu truyền bá thông tin quốc phòng để giúp đỡ chính phủ nước ngoài.

Nếu bị kết tội, Mã sẽ phải đối mặt với mức án chung thân. Mức án tối đa do Quốc hội quy định, đây chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu Mã bị kết tội, thẩm phán của Tòa án Liên bang địa phương sẽ xác định mức án của ông ta sau khi tham khảo các hướng dẫn tuyên án và các yếu tố luật định khác.

Cuộc điều tra này được tiến hành bởi các Văn phòng Honolulu và Los Angeles của FBI. Công tố viên Ken Sorenson của Phòng Phản gián và Kiểm soát Xuất khẩu thuộc Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và các công tố viên xét xử Scott Claffee và Steve Marzen đang tiến hành khởi tố vụ án.

Công tố viên nói, người họ hàng 85 tuổi của Mã Ngọc Thanh cũng làm việc trong CIA và sau đó đã hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, nhưng ông này không bị truy tố vì bị mắc "một chứng bệnh khiến suy nhược nhận thức”.

Trước khi Mã Ngọc Thanh bị bắt, một cựu "điệp viên hai mặt" của CIA khác là Lý Chấn Thành (Jerry Chun Shing Lee) cũng là cư dân Hong Kong và lớn lên ở Hawaii, đã thừa nhận thông đồng cung cấp thông tin tình báo cho Trung Quốc, đã bị Tòa án Liên bang ở Virginia kết án 19 năm tù vào tháng 11/2019.