|
Nhân viên cứu hộ làm việc tại hiện trường nơi một chiếc máy bay trượt khỏi đường băng và rơi tại Sân bay quốc tế Muan, ở Muan, Hàn Quốc, vào ngày 30/12/2024. Ảnh: Reuters. |
Cuộc điều tra do Hàn Quốc dẫn đầu liên quan đến vụ rơi máy bay thảm khốc của hãng Jeju Air hồi tháng 12 năm ngoái đã phát hiện “bằng chứng rõ ràng” cho thấy các phi công đã tắt nhầm động cơ ít hư hại hơn sau khi xảy ra va chạm với chim, một nguồn tin am hiểu quá trình điều tra cho biết hôm 21/7.
Nguồn tin này tiết lộ rằng các bằng chứng, bao gồm ghi âm buồng lái, dữ liệu máy tính và công tắc vật lý thu được từ đống đổ nát, cho thấy phi công đã tắt động cơ bên trái thay vì bên phải khi thực hiện quy trình khẩn cấp sau khi máy bay bị chim đâm chỉ ít lâu trước khi hạ cánh theo lịch trình.
“Nhóm điều tra có bằng chứng rõ ràng và dữ liệu hỗ trợ, nên kết luận của họ sẽ không thay đổi”, nguồn tin nói với Reuters, yêu cầu giấu tên do báo cáo chính thức chưa được công bố.
Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết việc kiểm tra các động cơ thu hồi từ hiện trường cho thấy không có lỗi kỹ thuật nào tồn tại trước khi xảy ra va chạm với chim và tai nạn.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 29/12 với chiếc Boeing 737-800 tại sân bay Muan đã cướp đi sinh mạng của gần như toàn bộ 181 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên khoang, chỉ còn lại 2 người sống sót, khiến đây trở thành thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất từng xảy ra trên đất Hàn Quốc.
Tại buổi họp báo với gia đình nạn nhân hôm thứ Bảy tuần trước, các điều tra viên cho biết động cơ bên phải bị thiệt hại nặng hơn sau cú va chạm với chim. Tuy nhiên, có bằng chứng gián tiếp cho thấy phi công đã tắt động cơ bên trái – ít hư hại hơn, theo một nguồn thứ ba có mặt tại buổi họp báo.
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc như MBN và Yonhap cũng đã đưa tin về chi tiết này trong hai ngày cuối tuần.
Ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARAIB), đơn vị chủ trì cuộc điều tra, hiện chưa đưa ra phản hồi về yêu cầu bình luận.
Tập đoàn Boeing, nhà sản xuất máy bay, đã chuyển mọi câu hỏi liên quan tới ARAIB. Trong khi đó, CFM International – liên doanh giữa General Electric (Mỹ) và Safran (Pháp), đơn vị sản xuất động cơ – cũng chưa đưa ra phản hồi.
Hãng Jeju Air cho biết họ đang tích cực phối hợp với cuộc điều tra của ARAIB và chờ đợi thông báo chính thức về kết quả.
Thông thường, các tai nạn hàng không xảy ra do tổ hợp nhiều nguyên nhân. Theo quy định quốc tế, báo cáo cuối cùng phải được công bố trong vòng một năm kể từ thời điểm xảy ra tai nạn.
Báo cáo sơ bộ được công bố vào tháng 1 trước đó cho biết đã phát hiện dấu vết chim (vịt trời) trong cả hai động cơ của chiếc máy bay Jeju Air sau khi rời Bangkok và gặp nạn tại sân bay Muan. Tuy nhiên, báo cáo chưa cung cấp chi tiết về mức độ thiệt hại của từng động cơ.
Phản đối từ phía gia đình nạn nhân
Cơ quan điều tra Hàn Quốc vào thứ Bảy tuần trước đã hủy kế hoạch công bố cập nhật chính thức với giới truyền thông về tiến độ điều tra động cơ máy bay.
Gia đình các nạn nhân đã được cung cấp thông tin trước khi bản tin dự kiến được phát hành, nhưng đã phản đối việc công bố, cho rằng báo cáo có dấu hiệu quy kết trách nhiệm cho phi công mà chưa xem xét đầy đủ các yếu tố khác góp phần gây ra tai nạn, theo các luật sư đại diện gia đình.
Chuyến bay của Jeju Air đã trượt khỏi đường băng sân bay Muan khi thực hiện hạ cánh khẩn cấp bằng bụng và đâm vào một bờ kè có chứa thiết bị dẫn đường, dẫn đến cháy lớn và một phần phát nổ.
Các đại diện gia đình nạn nhân và công đoàn phi công Jeju Air cuối tuần qua đã cùng kêu gọi mở rộng điều tra, đặc biệt xem xét vai trò của bờ kè dẫn đường – vốn được các chuyên gia hàng không đánh giá là yếu tố góp phần làm tăng thương vong.
Công đoàn phi công Jeju Air cho rằng ARAIB đã "gây hiểu lầm cho công chúng" khi tuyên bố rằng động cơ bên trái không gặp vấn đề, trong khi trên thực tế vẫn có dấu vết va chạm với chim trong cả hai động cơ.
Công đoàn cũng cáo buộc ARAIB cố tình biến phi công thành "vật tế thần", khi chưa đưa ra cơ sở khoa học – kỹ thuật rõ ràng rằng máy bay có thể hạ cánh an toàn chỉ với một động cơ bên trái hoạt động.
“Tai nạn hàng không là sự kiện phức tạp, thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy tai nạn xảy ra chỉ do lỗi phi công”, công đoàn khẳng định.
Công đoàn cũng nhấn mạnh rằng ARAIB vẫn chưa đề cập gì đến “trách nhiệm tổ chức” trong toàn bộ vụ việc.
Một tổ chức đại diện cho gia đình các nạn nhân cũng tuyên bố rằng nội dung trong bản tin chuẩn bị công bố có nhiều cụm từ gây hiểu lầm, khiến công chúng có thể tưởng rằng cuộc điều tra đã có kết luận cuối cùng, trong khi mọi yếu tố liên quan đến vụ tai nạn vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn.