|
Tuyên bố của bầu Đức: "Tôi sẵn sàng bỏ 100 triệu đồng trả lương cho Chủ tịch VPF”. Ảnh Cafebiz |
Trước HAGL và CLB Quảng Nam, thì 4 đội bóng Nam Định FC, Hải Phòng FC, Bình Dương FC và SLNA đã có văn bản yêu cầu VPF tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Như vậy, đã có 5 CLB V.League và 1 đội hạng Nhất đã tỏ thái độ phản ứng trước cách điều hành hiện nay của quan chức VPF. Ngoại trừ Nam Định thì 5 đội V.League đều nắm 3,9% cổ phần, đồng nghĩa với theo điều lệ thì việc triệu tập Đại hội cổ đông bất thường là điều khó tránh khỏi (Điều lệ VPF quy định nếu nhóm cổ đông chiếm giữ trên 10% yêu cầu là phải tổ chức đại hội).
Khó lường
Những người am hiểu bóng đá nước nhà cho rằng, trong thời gian tới quyết định của VFF, VPF về việc CLB nào xuống hạng, lên hạng, đại diện Việt Nam đi đá cúp khu vực và vấn đề tài chính đằng sau quyết định hủy giải của VPF sẽ là mấu chốt cho việc “làn sóng ngầm” bùng lên hay dịu xuống. Hai cá nhân gồm Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tú và Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc chính là những cá nhân đang phải chịu búa rìu dư luận.
|
Hiện có 5 CLB V.League và 1 đội hạng Nhất đã tỏ thái độ phản ứng trước cách điều hành hiện nay của VPF. Ảnh màn hình. |
Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tú ngay từ ngày đầu ứng cử đã bị bầu Đức công kích liên tục trên mặt báo. Trong khi đó Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc được cho là thiếu mềm mỏng, khôn khéo về chuyện ra văn bản gửi CLB Hải Phòng. Rồi hành động tắt micro của Hải Phòng trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 24/8 không phải là cách xử lý khôn ngoan tại thời điểm hiện nay.
Tuyên bố của bầu Đức: "Tôi sẵn sàng bỏ 100 triệu đồng trả lương cho Chủ tịch VPF. Quan trọng là người làm phải đàng hoàng, có năng lực, trong sáng, còn bóng đá Việt Nam đâu phải thiếu người giỏi..." cho thấy mọi việc đang trở nên nóng dần lên từng ngày.
Thực ra, đến giờ không phải phản ứng nào của các CLB cũng đúng, phát biểu của Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn về khoản nợ thuế 17,7 tỉ đồng xảy ra từ thời Chủ tịch cũ là ông Trần Mạnh Hùng không liên quan đến mình là không hoàn toàn chính xác. Cá nhân ông Hoàn không nợ thuế, nhưng CLB Hải Phòng mà ông là người đại diện đang nợ thuế là điều có thật và VFF hoàn toàn có thể không cấp phép tham dự V.League 2022 là điều hoàn toàn đúng luật.
Chắc chắn đây sẽ là một việc không thể giải quyết đơn giản, bởi khoản nợ 17,7 tỉ đồng mà người tiền nhiệm để lại không hề nhỏ. Nó còn khó giải quyết hơn khoản nợ bầu Đệ đã để lại cho CLB Thanh Hóa năm ngoái, nhất là khi thời hạn giải quyết khá ngắn, chỉ đến ngày 10/9.
|
Những cuộc tranh cãi như vậy nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến đội tuyển quốc gia. Ảnh VFF. |
Liệu có “copy and paste”?
Nếu VFF làm nghiêm từ lâu thì Than Quảng Ninh đã không “vỡ nợ” với số tiền trên 70 tỷ đồng, vài sân bóng như Thiên Trường, Thanh Hóa, Vinh, Lạch Tray đã không được cấp phép thi đấu. Phải rạch ròi, đây là việc làm thường niên theo quy định của FIFA trước mùa giải, không phải là sự “trả đũa” của VFF với những phản ứng của các CLB với VPF và vài quan chức VFF.
Thực tình, quan hệ căng thẳng giữa VPF và các CLB là có thật, đang cần xuất hiện một giải pháp có tình, có lý để tháo ngòi nổ. Với sự xuất hiện của ngày càng nhiều ông bầu mới, cùng với bầu Đức là một khuôn mặt “nếm mật, nằm gai” trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam thì VPF đang có một đối trọng đáng nể. Nếu không sớm ngồi lại với nhau thì việc các CLB V.League và hạng Nhất rủ nhau “copy and paste” văn bản đề nghị tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, bầu lại lãnh đạo VPF là điều hoàn toàn có thể xẩy ra.