Tầm quan trọng và những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi số của thể dục thể thao Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đất nước Việt Nam đã và đang vận động mạnh mẽ về chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó, ngành thể dục thể thao cũng không hề đứng ngoài cuộc. 
Điền kinh là môn thể thao phải đi đầu về ứng dụng công nghệ trong giám sát thành tích
Điền kinh là môn thể thao phải đi đầu về ứng dụng công nghệ trong giám sát thành tích

Những khái niệm cần được hiểu một cách thấu đáo

Sẽ là không thừa để đề cập về những khái niệm ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Ứng dụng CNTT là việc số hóa quy trình nghiệp vụ đã có. Thông thường, tin học hóa không làm thay đổi quy trình đã có hoặc mô hình hoạt động đã có. Khi ứng dụng CNTT đã ở mức cao, dẫn đến thay đổi quy trình hoặc thay đổi mô hình hoạt động, thì có thể gọi là chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức làm việc dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là số hóa toàn bộ cả một tổ chức. Chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, mô hình tổ chức mới, phương thức cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ mới. Khác với ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là quá trình mang ý nghĩa xã hội nhiều hơn công nghệ và kỹ thuật. Trong đó, người lãnh đạo giữ vai trò rất quan trọng và quyết định. Và có thể nói, sẽ không thể có chuyển đổi số nếu như không có được những nhà lãnh đạo số và quản trị số.

Ngành thể thao tiếp tục đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Người máy, định lượng dữ liệu lớn về hiệu suất và quy trình, công nghệ thực tế ảo thay đổi cách chúng ta trải nghiệm thể thao. Tất cả những đổi mới này yêu cầu tổ chức tích hợp kỹ thuật số như một động lực quan trọng để luôn dẫn đầu - hoặc thậm chí chỉ tồn tại. Chuyển đổi số sẽ đóng một vai trò quan trọng để đưa người lao động và tổ chức đi trước những thay đổi này.

Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong Thể dục Thể thao (TDTT) đương nhiên cũng có những đặc thù riêng. Ít nhất là làm sao phải tích hợp được dữ liệu TDTT và sau đó xử lý các dữ liệu đó bằng trí tuệ nhân tạo. Và chắc chắn là cũng không thể thiếu được vai trò của những nhà lãnh đạo số và quản trị số theo những đặc thù riêng của TDTT.

Những thực tế mà ai cũng thấy

Với TDTT quốc tế, ứng dụng CNTT đã xuất hiện từ những năm 1970 với các môn điền kinh, đua xe và bơi lội. Với việc ứng dụng CNTT, người ta đã sử dụng các hệ thống đo đếm điện tử để thay thế hoàn toàn cho đồng hồ bấm tay và thước dây. Chính vì thế mà Olympic Munchen 1972 tại CHLB Đức đã được gọi là “Olympic của máy tính điện tử” khi mà trong môn bơi lội, người ta đã phân biệt được người về nhất và về nhì với độ chênh nhau về thành tích chỉ có 0,2% giây.

Người ta đã gọi Olympic Munchen 1972 là "Olympic của máy tính điện tử" khi mà thành tích của người về nhất và về nhì trong môn bơi lội chỉ chênh nhau có 0,2% giây

Người ta đã gọi Olympic Munchen 1972 là "Olympic của máy tính điện tử" khi mà thành tích của người về nhất và về nhì trong môn bơi lội chỉ chênh nhau có 0,2% giây

Tại Việt Nam, nếu không có SEA Games 22 chúng ta cũng chưa thể chứng kiến tận mắt các trang thiết bị đo kiểm thành tích tự động với điền kinh, bơi lội, đua xe. Để làm được việc này, ngân sách nhà nước đã phải chi ra nhiều chục tỷ đồng để có được các trang thiết bị đó, cùng việc xây dựng hệ thống điện tử xử lý thông tin. Tại SEA Games 31 mới diễn ra thì một lần nữa các trang thiết bị này lại chính thức hiện diện. Khác với SEA Games 22, ứng dụng CNTT lần này diễn ra thuận lợi hơn do đã được thừa hưởng những thành quả của SEA Games 22.

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại suốt từ đó đến nay là với các giải điền kinh, đua xe và bơi lội trong nước thì vẫn chưa có chính sách nào để ứng dụng CNTT trở thành tiêu chuẩn bắt buộc. Mặc dù vẫn có một số ít giải đã được ứng dụng CNTT do có đủ khả năng trang trải chi phí cùng nhận thức rõ ràng của các nhà tổ chức, nhìn chung, những đầu tư rất lớn về CNTT cho SEA Games 22 và SEA Games 31 đã rơi vào tình trạng lãng phí suốt gần 20 năm qua.

Chuyển đổi số TDTT phải bắt đầu từ đâu?

Có thể đưa ra 4 điểm tập trung để chuyển đổi số trong thể thao bao gồm:

Chiến lược: Đổi mới kỹ thuật số yêu cầu một thiết lập tổ chức khác và một chiến lược mới. Các tổ chức thể thao không còn chỉ là các tổ chức thể thao. Nhiều người đã trở thành công ty truyền thông và giải trí, tạo ra trải nghiệm trực tiếp đa diện và cung cấp nội dung phục vụ nhu cầu của người hâm mộ. Một sự thay đổi được thúc đẩy bởi công nghệ mới và bởi mọi người có nhiều sự lựa chọn. Các tổ chức thể thao cạnh tranh trong môn thể thao của họ, với các môn thể thao khác, nhưng cũng với các ngành và công ty khác.

Với việc phải tập trung nhiều hơn vào thể thao, các tổ chức phải thực hiện một chiến lược khác. Họ cần biết những gì họ muốn đạt được trong những năm tới và công nghệ phù hợp với mục tiêu của họ như thế nào. Với một môi trường liên tục thay đổi do những đổi mới, đòi hỏi các tổ chức phải liên tục điều chỉnh chiến lược của mình.

Dữ liệu: Dữ liệu là cơ bản trong việc thiết lập một chiến lược. Sau tất cả, chiến lược hiện chủ yếu được xác định bởi những gì khách hàng và người hâm mộ muốn. Đó là dữ liệu cung cấp cái nhìn sâu sắc về những khán giả này là ai và sở thích của họ. Tuy nhiên, bảo mật dữ liệu có giá trị không phải là dễ dàng. Các thực thể truyền thông xã hội kiểm soát rất nhiều dữ liệu và do dự trong việc chia sẻ.

Các công ty thể thao sử dụng dịch vụ đăng ký trực tuyến không phải để thu tiền, mà để thu thập giá trị dữ liệu. Người hâm mộ có quyền truy cập nội dung sau khi họ đăng ký bằng địa chỉ email của họ. Đổi lại, cung cấp cho công ty dữ liệu có giá trị về sở thích của họ (điều cần thiết để cung cấp nội dung được cá nhân hóa). Dữ liệu cũng phục vụ một chức năng phản hồi cho chiến lược. Nó cho thấy liệu một chiến lược có hiệu quả hay không và các tổ chức có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Sự hợp tác: Những người và đối tác phù hợp có thể giúp thực hiện và điều chỉnh chiến lược. Các tổ chức thể thao cần có sự lãnh đạo kỹ thuật số phù hợp tại chỗ. Họ cần thuê những người có kỹ năng (công nghệ). Nhưng không chỉ có vậy, cả tổ chức cần hợp tác và chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi số. Nó không còn chỉ là bộ phận CNTT; nó là tất cả các phòng ban từ trên xuống dưới.

Các đối tác bên ngoài cũng có thể hỗ trợ. Có rất nhiều người chơi trên thị trường có thể tạo ra hệ sinh thái phù hợp cho các tổ chức để có một hành trình chuyển đổi kỹ thuật số thành công.

Tư duy phát triển: Tuy nhiên, chiến lược, kỹ năng, dữ liệu và đối tác không thôi là chưa đủ. Tầm quan trọng của việc mạnh dạn, tập trung vào đổi mới có thể là yếu tố quan trọng nhất. Kiểm tra và học hỏi; thất bại và điều chỉnh.

Tất cả chúng cần phải mạnh dạn và tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, trước khi chúng bị bỏ lại phía sau. Khi ngày càng có nhiều tổ chức đầu tư vào công nghệ mới và cải tiến kỹ thuật số, họ nhận ra rõ ràng tầm quan trọng và tiềm năng phát triển của nó.

Điều mà ai cũng thấy là ngành TDTT từ trung ương đến địa phương và các lĩnh vực cụ thể đều phải quản lý một khối lượng hồ sơ vận động viên khổng lồ. Để thuận tiện cho công tác quản lý, đương nhiên tất cả những hồ sơ này đều phải được số hoá một cách hệ thống theo tiêu chuẩn chung của ngành TDTT.

Và chỉ khi đã tập hợp được khối lượng hồ sơ khổng lồ này về một mối thì mới thực sự là dữ liệu lớn (Big Data). Đương nhiên, chỉ khi có được Big Data này thì mới có thể nói đến chuyện xử lý dữ liệu bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Làm được điều này, chính các cấp lãnh đạo sẽ tuyển chọn được vận động viên tham gia các đội tuyển một cách bài bản hơn thay vì cách làm cảm tính theo cách làm truyền thống. Để làm được việc này chắc chắn sẽ tốn kém những khoản đầu tư không nhỏ mà ngân sách nhà nước sẽ khó có thể thoả mãn mà buộc phải kêu gọi xã hội hoá.

Còn với công tác huấn luyện, chúng ta có thể thuê những huấn luyện viên giỏi của nước ngoài. Nhưng ai có thể cung cấp cho họ những số liệu chính xác về thể trạng vận động viên, điều kiện thời tiết cùng nhiều yếu tố khác nếu không phải là các nhà khoa học. Song các nhà khoa học cũng chỉ có thể làm việc hiệu quả cho các số liệu này khi dữ kiện đầu vào của họ đã được số hoá một cách đầy đủ và có ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Cũng cần nói thêm là nên có cả những nghiên cứu, đánh giá về ứng dụng công nghệ với các hệ thống cảm biến được gắn vào vận động viên như bóng đá, điền kinh, bóng rổ… bên cạnh các công nghệ Goal Line và VAR mà ai cũng biết.

Riêng với thể thao điện tử thì về cơ bản đó là ánh xạ 1 – 1 với thể thao truyền thống. Ban đầu, người ta số hoá các môn thể thao truyền thống để phục vụ cho huấn luyện và thi đấu chính thức. Tuy nhiên, sau đó thì những kết quả số hoá này đã trở thành các lĩnh vực cụ thể của thể thao điện tử.

Vì thế, chính thể thao truyền thống cần có sự kết hợp chặt chẽ với thể thao điện tử để thiết lập môi trường giả định cho lĩnh vực của chính mình. Đó cũng là thực tế có thể nói đến ở một số đội tuyển bóng đá quốc gia như Đan Mạch và Ireland với tuyệt đại đa số các cầu thủ đá thuê ở nước ngoài và có rất ít thời gian tập hợp trước các trận đấu chính thức nhưng vẫn phối hợp tốt và giành phần thắng.

Đương nhiên cũng phải nhắc đến những môn thể thao mang đặc thù Việt Nam. Các môn thể thao này cần được quan tâm, đầu tư về chuyển đổi số.

Cần một “kiến trúc sư trưởng” cho công cuộc chuyển đổi số TDTT

Mới đây, tại một hội thảo về chuyển đổi số do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhiều ý kiến đã đặt ra vấn đề là Bộ và ngành TDTT sớm muộn phải có được một “kiến trúc sư trưởng” cho công cuộc chuyển đổi số của mình. Đương nhiên, vị kiến trúc sư này phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của ngành TDTT nhưng có toàn quyền quyết định về lộ trình và phương thức chuyển đổi số cho các nhiệm vụ được giao.

Hội thảo ngày 26/10/2022 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đặt ra vấn đề phải có "kiến trúc sư trưởng chuyển đổi số"

Hội thảo ngày 26/10/2022 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đặt ra vấn đề phải có "kiến trúc sư trưởng chuyển đổi số"

Xem ra, có lẽ rất khó có ai có thể đảm đương cương vị này vì kiến trúc sư trưởng của ngành TDTT về chuyển đổi số phải thoả mãn tiêu chí chuyên môn ở tầm vĩ mô cả về CNTT lẫn TDTT. Như vậy, “kiến trúc sư chuyển đổi số” có thể là một nhóm các nhà khoa học liên ngành. Tuy nhiên, có một địa chỉ có thể là nơi đặt văn phòng cho kiến trúc sư trưởng chuyển đổi số TDTT đó chính là Viện Khoa học TDTT – cơ quan nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong mọi lĩnh vực của ngành TDTT, hoặc một trong các trường đại học TDTT thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cũng chính vì thế, rất mong Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục TDTT sớm chính thức quan tâm để thiết lập vị trí kiến trúc sư trưởng này. Người ứng tuyển không nhất thiết phải đang làm việc trong biên chế nhà nước của ngành TDTT mà hoàn toàn có thể là đại diện cho các liên đoàn, hiệp hội TDTT để “chạy đua” vào chức danh này. Riêng về kinh phí hoạt động cho các công việc chuyển đổi số TDTT thì ngoài ngân sách mà nhà nước, rất nên xã hội hoá và có lẽ việc tìm kiếm tài trợ ở đây cũng không hề là quá khó.