Nếu như SLNA, Hải Phòng FC được cho là những đơn vị vừa thay Chủ tịch CLB thì Nam Định, Bình Dương là những khuôn mặt cũ. Tổng giám đốc Lê Hồng Cường của Bình Dương khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy rằng từ đầu nhiệm kỳ đến nay lãnh đạo công ty VPF điều hành hoạt động của công ty chưa có hiệu quả, lãnh đạo không tuân thủ các ý kiến của các cổ đông đóng góp, dẫn tới thiệt hại rất lớn về mặt hình ảnh của giải đấu cũng như kết quả hoạt động của công ty VPF nói riêng và các câu lạc bộ nói chung”.
Lửa đã lan
Liệu VPF có phải triệu tập đại hội cổ đông bất thường hay không? Trước hết, phải nói 4 ông bầu của SLNA, Hải Phòng FC, Nam Định, Bình Dương đều là những doanh nhân, nắm luật pháp khá chắc. Hơn ai hết họ biết rõ tại Điều lệ hoạt động của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tại điều 30 ghi rõ: Đại hội cổ đông bất thường được triệu tập theo quyết định của HĐQT trong trường hợp:
1. Xét thấy yêu cầu cần thiết vì lợi ích công ty;
2. Số thành viên HĐQT bị giảm quá 1/3 so với quy định tại điều lệ;
3. Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông hoặc Ban kiểm soát trong trường hợp HĐQT vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý, hoặc HĐQT ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.
Quan hệ giữa bầu Hoàn (Hải Phòng) với VPF đang có chiều hướng ngày càng xấu đi. Ảnh HPFC. |
Dường như bầu Đức (HAGL) và các ông bầu đang hướng tới “nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông” yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Hiện nay, VFF nắm 35,4% cổ phần, có 15 CLB mỗi thành viên nắm 3,9% cổ phần, 3 CLB mỗi thành viên năm 1% cổ phần và 3,1% cổ phần được quyền giao bán thị trường. Đến giờ, chưa có thông tin Nam Định đang nắm bao nhiêu % cổ phần nhưng chỉ nội SLNA, Hải Phòng FC, Bình Dương là nhóm cổ đông nắm 11,7% đề nghị triệu tập Đại hội cổ đông bất thường thì HĐQT Công ty VPF khó lòng cưỡng lại.
Trước hết phải khẳng định bất luận lý do gì thì việc các ông bầu CLB công khai chỉ trích các quyết định của VPF cũng như năng lực cá nhân quan chức VPF trên truyền thông đều đem lại hình ảnh xấu cho bóng đá Việt Nam. Được biết, mẫu thuẫn chính là các tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp trong thời Covid-19. Đến giờ V-League tạm hoãn đến 5 lần trong 2 mùa vừa qua, và mùa giải 2021 đã chính thức hủy bỏ.
Các CLB V.League và giải hạng Nhất lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính do các khoản nợ kéo dài, còn bản thân VPF đau đầu tìm cách giải quyết với nhà tài trợ. Trong bối cảnh có những CLB đã phải dừng hoạt động, đáng lẽ VPF phải có những động tác ngồi lại với các CLB để tìm được phương án tốt nhất thì lại hành xử căng thẳng. Như Hải Phòng thì cho rằng: “VPF chỉ là một cánh tay nối dài thôi chứ phải đứng trên tất cả để lạm quyền. VPF chỉ là công ty tổ chức sự kiện thôi”.
Vai trò của VFF
Việc Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của Liên đoàn bóng đá Việt Nam Lê Văn Thành công khai phát biểu trong cuộc họp trực tuyến mới đây với các đội bóng: “Đại diện CLB Hải Phòng, Phố Hiến, SLNA là những người mới, không hiểu biết gì về bóng đá” được cho là thiếu khôn ngoan, đẩy màn đấu khẩu lên đỉnh điểm.
Ngay lập tức ông chủ của thương hiệu bóng Động Lực, đương kim Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam Lê Văn Thành mới được bầu phụ trách tài chính của VFF đã bị ông bầu CLB Hải Phòng “phản pháo” thẳng thừng: “Nếu nói về nghề khâu bóng, chắc chắn tôi thua ông ấy, nhưng nói về bóng đá thì ai dám khẳng định ông ấy bằng tôi...".
Theo luật, VPF sẽ khó cưỡng lại việc triệu tập đại hội cổ đông bất thường nhưng với việc nắm 35,4% cổ phần, nhưng khi đại hội cũng còn rất lâu các CLB mới có thể phế truất được các đại diện mà VFF cử sang đại diện phần vốn tại VPF. Nhưng nếu cứ mãi tranh cãi, hai bên không chịu ngồi lại bàn bạc để có tiếng nói chung, vì sự phát triển của bóng đá nước nhà thì liệu rồi bóng đá Việt sẽ đi về đâu? Đã đến lúc VFF phải xắn tay vào…