Rằm tháng Bảy, suy nghĩ về câu hỏi 'Có nên đi chùa?'

Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chùa, hiểu đúng, là trường học của nhà Phật. Như vậy, chỉ nên đến “trường” khi bạn là người học và có nhu cầu học tập.

(*) Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Khởi nguyên, Phật giáo vốn không có “chùa”. Với thân phận là một vị thầy, Thích Ca Mâu Ni đã rong ruổi dạy học khắp nơi để thức tỉnh cho mọi người về sự thật và con đường đạt đến hạnh phúc cho đến khi có kẻ tình nguyện tặng cho ông một nơi tốt đẹp để làm trường học, ngôn ngữ nhà Phật gọi là “tịnh xá”. Ở đó chỉ có các hoạt động dạy - học, thực hành và sinh hoạt theo phương pháp giáo dục đặc thù của tư tưởng Phật gia – không có chuyện cúng bái, nhang khói, cầu xin gì cả.

Hình dáng của Phật giáo nguyên thủy rất xa lạ với những gì chúng ta đang thấy ngày nay, ở đó không ai đến để cầu cúng xin xỏ gì hết, mà chỉ có sự hiện diện của những người tới tham vấn, tu học… Cái nghĩa “đi chùa” ở không ít nơi ngày nay dường như đã bị biến dạng méo mó, mang màu sắc mê tín mỗi lúc một nặng nề, không thể không đề cập để giải minh và mong chờ từ đó những sự điều chỉnh hành vi cho đúng đắn hơn, hầu xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp.

Chùa, hiểu đúng, là trường học của nhà Phật. Như vậy, chỉ nên đến “trường” khi là người học và có nhu cầu học tập. Nếu bạn không phải là người “đi học” hay có việc gì chính đáng ở đó thì đến trường sẽ là việc không những "ngớ ngẩn" mà còn làm ảnh hưởng đến những thầy trò đang chuyên tâm học hành. Đến chùa để chơi cũng vậy, không những vô ích mà còn bị "tổn phước" vì quấy rối người tu hành.

"Khuấy đảo nước ngàn sông không bằng làm động tâm người tu hành".

Mọi việc đều không thể cầu mà có. Nếu muốn có phước lộc thì phải làm việc phước lộc, như chia sẻ (bố thí), giữ gìn đạo đức (trì giới), không buông lung tâm ý (nhẫn nhục), siêng năng (tinh tấn), giữ cho tâm trí bình ổn (thiền định), thấy biết đúng bản chất của mọi sự mọi vật (trí tuệ) v.v. Cầu cúng để mong được lợi là hoàn toàn si mê, không những không có lợi ích mà còn làm hao tổn tiền của, mất ý chí và tinh thần tự lực tự cường. Tóm lại, phải cầu nơi chính mình bằng cách thấu suốt quy luật nhân quả tự làm tự chịu của tự nhiên và kiên trì nó trong đời sống cá nhân.

Chùa, còn gọi là tịnh xá, là thiền môn, tức là chốn thanh tịnh để học hỏi và thực hành sự học hỏi ấy. Bất cứ chùa nào khuyến khích hay quảng bá nhằm thu hút dân chúng đến để thu tiền hoặc đến để sử dụng các dịch vụ nhằm trục lợi thì đều không phải là chùa chân chính. Nó chính là những cơ sở kinh doanh núp bóng Phật. Kéo nhau đến những nơi như thế đều là đang tiếp tay và làm giàu cho giới gian thương, vừa bị mất tiền, vừa bị cười nhạo.

Ngày xưa khi sách vở hạn chế và phương tiện hiện đại chưa có thì người muốn tu học Phật pháp phải đến chùa để "tầm sư học đạo"; ngày nay nhờ sự phát triển kỹ thuật in ấn và nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp xúc với kinh sách và lời giảng sống động của các vị thầy có đạo hạnh mà không cần phải tới chùa nữa. Vì thế, người có nhu cầu học hỏi hoàn toàn có thể "học Phật pháp online". Việc “đi chùa” là không thật sự cần thiết nữa. Quan trọng là anh có muốn học hay không!

Ngày nay, khi nhiều giá trị đã bị xô lệch, khi đây đó lợi ích nhóm và đồng tiền lên ngôi, không ít những chùa chiền nguy nga hoành tráng đã mọc lên với mục đích thương mại nhưng gắn mác tâm linh. Người dân do không/ít được tiếp xúc với những tri thức Phật giáo căn bản nên đã bị dẫn dắt, càng ngày càng xa rời khỏi chân thiện mỹ, vô tình làm giàu cho những kẻ buôn thần bán thánh còn bản thân thì chìm sâu vào vòng mê muội, chạy theo thánh thần bịa đặt, đánh mất niềm tin vào bản thân.

Đi chùa, sẽ không có bất kỳ ích lợi nào cả nếu không mang theo mục đích học hỏi hay rèn luyện tâm trí. Nhà Phật chủ trương diệt trừ lòng tham chứ không phải khuyến khích nó, đến chùa để “cầu” bất cứ điều gì cũng là trái với tinh thần Phật giáo. Con người chỉ có thể cầu nơi chính mình bằng ý nghĩ, lời nói, hành vi thiện lành, nhằm lợi lạc cho cả người và mình. Mọi toan tính ích kỷ nơi cửa chùa đều là trái đạo.

Những hệ lụy do sự thiếu hiểu biết gây ra đang góp phần làm rối loạn xã hội. Cuộc “cọ xát quan điểm” về tiền cúng dường nên để nhà chùa hay chính quyền quản cho hiệu quả mà chặt chẽ minh bạch hơn vẫn chưa đi đến hồi kết, hy vọng Thông tư của Bộ Tài chính sắp ban hành sẽ giải quyết hài hoà thoả đáng câu chuyện này.

Từ những hiểu biết sai lạc đậm chất mê tín, những thực hành tâm linh của không ít người Việt đang gây ra những hệ lụy ngày càng trầm trọng cho cả đời sống cá nhân lẫn xã hội. Tập trung sinh hoạt tôn giáo vi phạm quy tắc 5K hay "Đi chùa" không vì mục đích tu học đều là những việc như thế.

Việc mất an toàn giao thông khi rồng rắn lễ bái, rồi tụ tập đông người làm lây lan dịch bệnh v.v. cũng cần phải triệt để ngăn trừ, nhưng những việc này chỉ có thể thực hiện được một cách rốt ráo khi sự hiểu biết của chúng ta trở nên đúng đắn hơn.

Đạo Phật là đạo của hiểu biết sáng suốt, và như thế, chúng ta cần đến chùa với cái tâm trong sáng để học những lẽ sáng trong.

_______________________________________________