Trong khi “núi” rác điện tử ở Việt Nam sau mỗi năm lại được chất thêm gần trăm nghìn tấn, các hoạt động được gọi là tái chế hiện nay thực ra chỉ là sơ chế, thậm chí còn chưa tạo ra nổi nguyên liệu tinh có thể dùng để sản xuất.
Mỗi năm thải 100.000 tấn rác điện tử
Nếu như 30 năm trước tivi còn là mặt hàng xa xỉ thì nay, việc một gia đình sở hữu 2-3 chiếc, vài năm lại thay tivi mới rất phổ biến. Lượng tivi trở thành rác thải cũng tăng cao.
Theo một báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, lượng phát thải tivi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn. Theo tiến sỹ (TS) Nguyễn Đức Quảng - bộ môn Quản lý môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội, lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...), các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu bất hợp pháp.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, do chứa nhiều vật liệu có giá trị, loại chất thải này cần được coi là nguồn tài nguyên cần quản lý đặc biệt để tái chế. Tuy nhiên, theo Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, việc tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam hiện mới dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại (tách nhựa, đồng, nhôm... một cách thủ công).
“Việc nghiền và phân tách kim loại đang được thực hiện chỉ có thể coi là sơ chế chứ chưa phải là tái chế. Bởi tái chế là phải ra được sản phẩm cuối cùng, trong khi chúng ta đang phải đưa kim loại sau sơ chế sang Trung Quốc để tinh chế thì mới thành nguyên liệu”- GS Chi nói.
TS Quảng cũng cho biết, ở Việt Nam hiện có 15 cơ sở chính quy được cấp phép xử lý chất thải điện tử, công suất từ 0,5-3 tấn/ngày nhưng công nghệ mới chỉ dừng ở mức phân nhóm vật liệu và thu hồi một số kim loại thường, có hàm lượng cao như đồng, nhôm. Còn các cơ sở phi chính quy (như các làng nghề) sử dụng công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu, gây hại lớn đến môi trường, chất lượng sản phẩm và lượng nguyên liệu thu hồi thấp.
Về phía doanh nghiệp, ông Đào Đức Khánh - Giám đốc Công ty CP môi trường đô thị và công nghiệp 10 (Urenco 10) - cho biết: “Chúng tôi chưa có nhiều công nghệ để xử lý chất thải điện tử. Tivi, tủ lạnh, máy điều hòa... vẫn đang được xử lý như chất thải công nghiệp - chủ yếu là đốt, chưa phân loại chi tiết đâu là bản mạch, đâu là nhựa, đồng, sắt...”.
GS Kim Chi cảnh báo, việc tái chế không đúng quy cách là mối họa lớn khi các chất độc hại và kim loại nặng như chì, thủy ngân rò rỉ. “Vỏ nhựa của rất nhiều thiết bị điện tử có hàm lượng chất độc cao, bao gồm các hợp chất hữu cơ dạng bền có thể gây ung thư. Việc nghiền, cắt nhựa sẽ phát sinh các hạt bụi li ti chứa tác nhân nguy hại như PBDDs, PBDEs; nếu không bảo hộ bằng mặt nạ, khẩu trang sẽ rất dễ hít phải. Khi đó, chất độc sẽ đi vào máu tới nhiều cơ quan, trở thành mối nguy tiềm ẩn” - GS Chi nói.
Không tái chế vì... thiếu nguyên liệu đầu vào
Nói về thực trạng Việt Nam chưa thực sự tái chế rác điện tử, TS Quảng nêu một nghịch lý: “Vấn đề không phải là công nghệ. Việc áp dụng công nghệ tái chế không khó khăn đối với Việt Nam, vấn đề quan trọng là đầu vào. Khi không có đầu vào thì công nghệ hiện đại đến mấy cũng vô giá trị”.
GS Chi phân tích, các hộ gia đình khi thải bỏ thiết bị điện tử thường đem bán. Các công ty tái chế không thể thu mua của người dân về xử lý vì giá mua tương đối cao, trong khi họ vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ của một nhà sản xuất, phải nộp thuế, vận hành các hệ thống bảo vệ môi trường, chi phí quá lớn, không đáng để đầu tư.
Ông Quảng cho biết, hiện việc thu gom rác thải điện tử được thực hiện chủ yếu bởi các cá nhân làm nghề đồng nát, sửa chữa thiết bị hoặc các trung tâm, đại lý rác, các công ty môi trường đô thị. Sau khi thu gom, rác điện tử được tháo dỡ tại các trung tâm lớn như Tràng Minh (Hải Phòng) Bùi Dâu, Phan Bôi (Hưng Yên), Tề Lỗ (Vĩnh Phúc)... hoặc các cửa hàng tư nhân.
Tivi, đầu cátxét, bản mạch điện tử được một người đồng nát thu gom. Ảnh: Trịnh Điệp
Với hệ thống đó, Nhà nước khó kiểm soát dòng chất thải điện tử và nguồn rác thải không tập trung. “Doanh nghiệp không thể đầu tư công nghệ tái chế hiện đại khi đầu vào thấp và không ổn định. Nếu có lượng đầu vào lớn, ổn định, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được những công nghệ có hiệu quả thu hồi nguyên liệu cao nhằm khai thác triệt để “mỏ vàng” này” - TS Quảng nói.
Theo Giám đốc Urenco 10, máy điều hòa, tivi cũ mà công ty tiếp nhận hầu hết đều đã bị nhà cung cấp lấy đi các kim loại dễ tháo dỡ và có giá trị cao, chỉ còn sót lại một số bản mạch hay linh kiện đòi hỏi công nghệ cao mới thu hồi được kim loại. “Ở tình trạng đó, nếu đầu tư dây chuyền hiện đại sẽ rất lãng phí. Chúng tôi chỉ có thể đầu tư nếu được cung cấp chất thải điện tử nguyên bản” - ông Khánh nói.
Trông chờ vào chính sách
Hiện Việt Nam chưa có hệ thống quản lý có thể kiểm soát một lượng lớn chất thải điện tử và thu hồi vật liệu có giá trị. TS Quảng cho rằng, cần ban hành luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế. Cần có thêm các văn bản luật để hình thành khung chính sách đầy đủ. Nhà nước và các hiệp hội ngành phải kiểm soát, giám sát được dòng chất thải điện tử thay vì khối tư nhân như hiện nay để quản lý chất thải điện tử, trong đó có các quy chuẩn về vật liệu, công nghệ và sản phẩm tái chế.
“Hiện các bên trung gian - những người tháo dỡ vật liệu - đang nhận nhiều lợi ích kinh tế nhất, nhưng họ không xử lý mà chỉ tháo dỡ để bán. Chừng nào Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được hiện thực hóa, các sản phẩm thải bỏ được thu hồi thông qua hệ thống chính sách cụ thể thì mới có thể kiểm soát nguồn vào” - TS Quảng nhấn mạnh.
GS Kim Chi cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, cần có mạng lưới thu gom hiệu quả. Các chất thải điện tử phải được xử lý, thu gom bởi các đơn vị chuyên về chất thải nguy hại. Về mặt kỹ thuật, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng thực tiễn ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, ông Khánh mong đợi, nếu có các quy định mang tính cưỡng chế đối với chủ xả thải thì nguồn đầu vào của các công ty xử lý sẽ đảm bảo: “Khi đó, chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại và tận thu hết những kim loại quý trong chất thải điện tử”.
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/rac-thai-dien-tu-o-viet-nam-chua-thuc-su-co-hoat-dong-tai-che/20171101084943577p1c859.htm