Đây là nơi rác thải điện tử được xử lý: Tràn ngập ô nhiễm, độc hại

Theo thống kê từ một cơ quan nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, thế giới "thải" ra hơn 40 triệu tấn rác thải điện tử trong năm 2014.
Đây là nơi rác thải điện tử được xử lý: tràn ngập ô nhiễm, độc hại
Đây là nơi rác thải điện tử được xử lý: tràn ngập ô nhiễm, độc hại

Business Insider cho biết có nhiều thiết bị được xử lý ở các bãi chôn lấp, nơi những công nhân trẻ phải phân loại, tái chế và phá hủy chúng trong điều kiện nguy hiểm, độc hại.

Nhiếp ảnh gia Valentino Bellini đã ghi lại hình ảnh tại các bãi xử lý rác thải điện tử lớn nhất thế giới trong loạt phim tài liệu The BIT ROT Project của anh. Sau đây là những hình ảnh được ghi lại.

Cứ vài tháng, người dùng lại "lên đời" với những thiết bị mới nhất, mạnh mẽ nhất, thông minh nhất. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng trở nên lỗi thời?

Một số chúng sẽ trở thành "rác thải điện tử" (e-waste) và được vứt tại những nơi như thế này (Lahore, Pakistan). Theo thống kê từ Đại học Liên Hiệp Quốc, thế giới thải ra 41,8 triệu tấn rác thải điện tử trong năm 2014. Được biết, chỉ có khoảng 1/6 lượng rác thải điện tử được tái chế đúng cách.

Ở một số quốc gia, luật pháp yêu cầu rác thải điện tử phải được xử lý một cách có trách nhiệm, đúng quy trình bởi nhà sản xuất, nhưng quá trình trên lại rất tốn kém.

Nhiều công ty lựa chọn những cách tái chế rẻ hơn (và bất hợp pháp) tại các nước đang phát triển với luật tái chế chất thải lỏng lẻo. Rác thải điện tử chứa nhiều chất gây ô nhiễm đất như chì, thủy ngân, asen và các chất chậm bắt cháy. Công nhân tại đây thường giữ lại những món làm từ vật liệu có giá trị.

Tại Agbogbloshie, Ghana, một vùng đất ngập nước trong quá khứ giờ trở thành điểm tập kết của rác thải điện tử. Người thanh niên này chuyên phân loại rác bằng tay với thù lao khoảng 2,5 USD mỗi ngày.

Rác điện tử tại đây được chất thành đống rồi đốt cháy, phun thêm các dung môi hóa học làm cháy cao su và nhựa để công nhân tìm những vật liệu có giá trị bên trong. TV và máy tính được đập vỡ bằng đá và dụng cụ để lấy chất đồng, có thể dùng để mua thức ăn.

Điều kiện sống của công nhân tại các bãi rác này cũng rất nguy hiểm.

Môi trường ô nhiễm còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Các công nhân hít khói độc mỗi ngày, nhiều người đã chết vì ung thư và các bệnh khác khi chỉ 20 tuổi.

Có 80.000/130.000 cư dân tại Guiyu, Trung Quốc làm việc tại các bãi rác điện tử, theo thống kê năm 2012 từ chính quyền địa phương. Môi trường bị nhiễm kim loại khiến người dân phải chịu những căn bệnh về đường tiêu hóa, thần kinh, hô hấp và xương.

Các bãi rác điện tử có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Đây là bãi rác của Qingyuan, một công ty Trung Quốc chuyên khai thác kim loại từ rác thải điện tử suốt hơn 10 năm nay.

Cũng tại khu vực đó, nhiều gia đình làm công việc tước dây cáp điện cao áp. Họ được trả lương dựa trên khối lượng vật liệu khai thác được trong ngày.

Tại Old Seelampur (New Delhi, Ấn Độ), một công nhân đun sôi máy biến áp và cuộn cảm bằng một bình kim loại. Đôi khi công việc được thực hiện ngoài khuôn viên.

Bellini tin rằng các công ty công nghệ lớn chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng rác thải điện tử trên thế giới.

"Họ sử dụng nguyên liệu và các chất độc hại cao để làm ra sản phẩm, mặc dù công nghệ này nay cho phép thay thế chúng bằng các loại vật liệu ít độc hại hơn, thậm chí là vô hại…", Bellili nói.

"Và khi kết thúc vòng đời sản phẩm, họ không có trách nhiệm trong việc xử lý chúng".

Các nhà nghiên cứu ước tính lượng rác thải điện tử sẽ tăng 21%, lên 50 triệu tấn vào năm 2018.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư
http://vnreview.vn/anh-video/-/view_content/content/2185338/day-la-noi-rac-thai-dien-tu-duoc-xu-ly-tran-ngap-o-nhiem-doc-hai