Quốc gia nào sẽ sở hữu Hải quân hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2030?

VietTimes – Theo giới phân tích quân sự, có 2 lớp tàu sẽ giúp định hình lực lượng Hải quân hùng mạnh nhất: Tàu sân bay và tàu ngầm tên lửa đạn đạo.
Tàu sân bay và tàu ngầm tên lửa đạn đạo sẽ quyết định sức mạnh của hải quân trong tương lai (Ảnh: Reuters)

Những lực lượng Hải quân hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2030 phần nào phản ánh lại bối cảnh rộng lớn hơn của thế giới. Một số quốc gia hiện đang đầu tư mạnh tay vào việc duy trì trật tự thế giới hiện tại, và họ lựa chọn sức mạnh hải quân làm công cụ để thực hiện mục đích đó. Trong khi, một số quốc gia đang trỗi dậy cũng đang xây dựng lực lượng hải quân, với ý muốn thay đổi trật tự đó.

Sự chuyển dịch sức mạnh hải quân về hướng Đông sẽ tiếp diễn trong năm 2030, chủ yếu là do ngân sách quốc phòng ở châu Âu giảm dần, trong khi các nền kinh tế ở châu Á tăng trưởng. Mặc dù phần lớn những hải quân hùng mạnh nhất trong thời Chiến tranh Lạnh tập trung chủ yếu ở châu Âu, nhưng đến năm 2030 cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đều lọt vào danh sách này. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải được nhắc đến nhờ sở hữu lực lượng hiện đại.

Theo giới phân tích quân sự, có 2 lớp tàu sẽ giúp định hình lực lượng Hải quân hùng mạnh nhất: Tàu sân bay và tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Các tàu sân bay phản ánh lại nhu cầu duy trì khả năng triển khai sức mạnh trên phạm vi toàn cầu, hoặc tới một khu vực. Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo phản ánh sự phát triển và đa dạng trong sức mạnh hạt nhân của một nước. Hai lớp tàu này sẽ định hình thế lực hải quân trong khoảng đầu cho đến giữa thế kỷ 21.

Mỹ

Mỹ, từng là thế lực Hải quân thống trị thế giới vào năm 1945, sẽ tiếp tục thống trị các vùng biển trong khoảng 85 năm sau. Đến năm 2030, Hải quân Mỹ sẽ ở giai đoạn giữa trong kế hoạch đóng tàu kéo dài 30 năm của họ, và hiện đã chế tạo được 3 tàu sân bay lớp Ford để bắt đầu thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz. Số lượng tàu lưỡng cư của họ có thể sẽ cao hơn con số hiện tại, và con tàu đầu tiên thay thế các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio có thể biên chế vào năm 2031.

Về chiến hạm mặt nước, tất cả 3 khu trục hạm lớp Zumwalt sẽ được biên chế - nếu như chương trình này được rót vốn đầy đủ - và Hải quân Mỹ dự kiến sẽ chế tạo thêm 33 tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Phiên bản thế hệ tiếp theo của Tàu Chiến đấu Ven biển (LCS) sẽ được sản xuất vào năm 2030.

Theo những kế hoạch hiện tại, Hải quân Mỹ sẽ đạt mục tiêu 300 tàu trong khoảng giữa 2019 và 2034, nhưng sau giai đoạn đó số lượng tàu chiến mặt nước sẽ bắt đầu giảm. Theo những kế hoạch này, ngân sách dành cho đóng tàu cao hơn mức trung bình, trong khi chính phủ cũng cần ngân sách để rót vốn cho các lực lượng khác, như Không quân, và các chương trình trong nước. Bởi vậy, mặc dù ưu thế của Mỹ trên biển chưa thể kết thúc sớm, nhưng giai đoạn sau năm 2030 sẽ rất quan trọng với họ.

Liên hiệp Vương quốc Anh

Hải quân Hoàng gia Anh trong năm 2030 sẽ là một lực lượng tinh giản nhất nhưng lại mạnh mẽ nhất trong lịch sử của họ. Sự kết hợp giữa 2 tàu sân bay mới và hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo sẽ giúp cho Anh có tên trong top 5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất.

Hạm đội tàu mặt nước của Anh, hiện đang có 19 tàu khu trục, sẽ giảm xuống còn khoảng 6 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 45 và 8 “Chiến hạm toàn cầu” (Global Combat Ship, GCS). Số lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử vẫn được giữ nguyên ở con số 7.

Hải quân Hoàng gia chịu trách nhiệm răn đe hạt nhân và hiện đang vận hành 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp Vanguard, mỗi chiếc đều được trang bị 16 ống phóng tên lửa Trident D-5. Lớp Vanguard được dự kiến sẽ được thay thế bởi các tàu lớp Successor bắt đầu từ năm 2028.

Khả năng điều phối quân lực của Hải quân Anh trên biển sẽ dựa vào các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth. 2 con tàu sân bay chạy bằng năng lượng truyền thống, gồm Queen Elizabeth và Prince of Wales, mỗi chiếc sẽ có lượng choán nước 65.000 tấn khi được nạp đầy đủ và có thể chở 50 máy bay. Các máy bay trên tàu bao gồm F-35B Lightning II và Merlin, Wildcat, các trực thăng Chinook và Apache. 2 con tàu này cũng sẽ được sử dụng như tàu chuyên chở lưỡng cư, với khả năng chở 900 binh sĩ hoặc lính thủy đánh bộ.

Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc (PLAN) đến năm 2030 sẽ tiếp tục được củng cố trên nền tảng bị đứt vỡ năm 2016. Hiện tại, Trung Quốc sở hữu 4 tàu cỡ lớn có sức mạnh đáng gờm: Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D, tàu khu trục Type 054A, tàu Corvette Type 056 và tàu lưỡng cư Type 071. Tất cả 4 loại tàu này đều đã bắt đầu được đưa vào sản xuất quy mô lớn, và sẽ trở thành chủ lực của PLAN vào năm 2030.

Theo dự báo của giới chuyên gia, vào năm 2030, PLAN sẽ sở hữu 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 102 khu trục hạm, 26 tàu Corvette, 73 tàu lưỡng cư và 111 tàu tên lửa, tính tổng cộng là 415 tàu, trong khi Hải quân Mỹ sở hữu khoảng 309 tàu vào cùng năm. Điều này sẽ đặt Trung Quốc lên một vị trí vững chắc xét về sức mạnh hải quân, nhờ vào số lượng tàu lớn nhất thế giới.

Nhưng liệu Trung Quốc có thể đạt được 415 tàu như dự báo? Để đạt con số này, họ cần chế tạo được số lượng tàu ngầm mỗi năm cao gấp đôi so với hiện tại, đẩy mạnh chế tạo tàu khu trục mới để thay thế tàu cũ và tăng mạnh số lượng tàu lưỡng cư. Họ cũng cần xuất xưởng thêm 2 tàu sân bay mới, ngoài 2 tàu đã hoạt động hoặc đang chế tạo. Mục tiêu này cũng gần mức tăng ngân sách quốc phòng lớn, trong khi Bắc Kinh đang muốn “hãm phanh” ngân sách quốc phòng.

Các loại tàu khác hiện đang được chế tạo để hình thành hạm đội Trung Quốc vào năm 2030 bao gồm tàu khu trục Type 055 và tàu sân bay Type 001A. Một loại tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới để tăng cường và cuối cùng thay thế tàu Type-094, hay lớp Jin, cũng rất có khả năng xảy ra. Tàu ngầm Type-094 hoạt động quá ồn ào khi ở dưới nước và không phải lựa chọn tốt để trang bị các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.

Ấn Độ

Hải quân Ấn Độ có thể đứng ở vị trí thứ 2 ở châu Á. Ấn Độ mới đây đã bắt đầu đổ nguồn lực khổng lồ để tăng cường sức mạnh hải quân của họ, và đến năm 2030 có thể trở thành 1 trong 5 thế lực hải quân đầu bảng.

Đến năm 2030, Ấn Độ sẽ sở hữu hạm đội tàu sân bay lớn thứ hai thế giới. Nếu mọi thứ đúng theo kế hoạch, nước này sẽ sở hữu 3 tàu sân bay: Vikramaditya, Vikrant và Vishal, với tổng cộng 110 – 120 máy bay mà chúng có thể mang theo.

Ấn Độ cũng sẽ có ít nhất 9 tàu khu trục, trong đó có 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Kolkata, 2 chiếc lớp Delhi và 4 chiếc thuộc lớp Visakhapatnam. Tuy nhiên, số lượng tàu của Ấn Độ cần phải tăng thêm nhiều nếu họ muốn bảo vệ tốt cho 3 tàu sân bay. Khoảng 2/3 số tàu khu trục mà Hải quân Ấn Độ đang sở hữu đủ mức độ hiện đại để phục vụ đến năm 2030, đặc biệt là các lớp Shivalik và Talwar, nhưng họ sẽ phải tăng tổng số lượng tàu khu trục – đặc biệt là nếu Pakistan nghiêm túc trong việc triển khai vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm.

Ấn Độ đang trong tiến trình dựng lên một cột trụ trên biển trong bộ ba hạt nhân, dựa vào tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên của họ, Arihant, dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động chính thức. Ấn Độ có kế hoạch chế tạo 3 chiếc Arihant và tạo một hạm đội ngầm gồm 6 chiếc.

Nga

Sự kết hợp giữa đà giảm của giá dầu cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến nền kinh tế Nga gặp khó khăn trong tương lai gần. Sau khi đạt mức tăng trưởng thường niên 6%, thì giờ Nga đang trong giai đoạn suy thoái. Do vậy mà kế hoạch thay thế 90% trang thiết bị quân sự Nga, bao gồm cả tàu chiến và trang bị hải quân, đã bị chững lại.

Đến năm 2030, vị trí của Nga trên bảng xếp hạng cường quốc Hải quân vẫn được duy trì, một phần là nhờ vào hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ. 8 tàu ngầm lớp Borei, mỗi chiếc mang theo 20 tên lửa Bulava, sẽ đi vào hoạt động, hình thành nên hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớn thứ hai trên thế giới.

Phần còn lại của Hải quân Nga lại rất khó đoán, khi số lượng các tàu chiến đấu mặt nước, tàu ngầm đang giảm dần. Nhưng vẫn còn một tia hy vọng: Moscow đã sẵn có những kế hoạch lớn cho lực lượng hải quân của họ, và nếu họ tìm được nguồn vốn để rót cho các dự án đó, cục diện có thể thay đổi.

Dự án 23000E, hay Shtorm, của Nga đặt mục tiêu chế tạo một tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử có chiều dài 330 m, lượng choán nước khoảng 100.000 tấn, đủ sức cạnh tranh với tàu sân bay lớp Ford. Vận hành bởi năng lượng nguyên tử, tàu sân bay này sẽ chở được 100 máy bay, bao gồm phiên bản hải quân của chiến đấu cơ thế hệ 5 PAK-FA.

Ngoài ra còn có dự án tàu khu trục chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp Lider. Với trọng tải 17.500 tấn và chiều dài 200 m, tàu lớp Lider giống với tuần dương hạm hơn là khu trục hạm. Nó sẽ được trang bị 60 tên lửa hành trình chống hạm, 128 tên lửa chống không và 16 tên lửa dẫn đường chống hạm. Chiếc đầu tiên được khởi đóng vào năm 2019, và dự kiến sẽ có 12 chiếc biên chế vào năm 2025, một kế hoạch đầy tham vọng.

Theo National Interest