Quan hệ Mỹ-Trung bước vào giai đoạn “Chiến tranh Lạnh mới” do COVID-19

VietTimes -- Tình hình căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Trung trong nhiều ngày trở lại đây đã khiến các cố vấn và cựu cố vấn chính phủ cả hai bên cho rằng quan hệ song phương đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Hy vọng rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp hai nước xích lại gần nhau đã bị dập tắt (Ảnh: Reuters)
Hy vọng rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp hai nước xích lại gần nhau đã bị dập tắt (Ảnh: Reuters)

Trong tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa hủy thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” và áp đặt thêm hàng rào thuế quan với Trung Quốc, tăng cường kiểm soát các sản phẩm công nghệ Mỹ bán sang Trung Quốc và tiếp tục tuyên truyền giả thuyết cho rằng virus corona chủng mới rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Nhà Trắng còn đang thúc đẩy một sáng kiến kêu gọi “các nước bằng hữu” rút chuỗi cung ứng sản xuất khỏi Trung Quốc, theo Reuters, trong khi một bản báo cáo bị rò rỉ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cáo buộc Bắc Kinh che đậy tính chất nghiêm trọng của dịch COVID-19 để có thêm thời gian tích trữ trang thiết bị y tế.

Các nhà ngoại giao “chiến lang” và truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng gia tăng các đòn công kích trên mạng xã hội nhằm vào giới chính trị gia Mỹ để đáp trả.

Tuần trước, một đoạn video chế giễu cách ứng phó COVID-19 của Mỹ, có tựa đề “Once Upon a Virus”, đã được hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải.

Giới phân tích nói rằng hy vọng hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc giờ rất mong manh, trong khi triển vọng từ thỏa thuận giai đoạn một mà hai nước ký hồi giữa tháng 1 năm nay đã biến mất, cũng giống như sự lạc quan rằng quan hệ thương mại sẽ giúp vãn hồi quan hệ Mỹ-Trung.

“Mỹ và Trung Quốc đang thực sự bước vào kỷ nguyên của cuộc Chiến tranh Lạnh mới” – ông Shi Yihong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Renmin Trung Quốc và là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, nhận định.

“Khác với cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc mang đầy tính chất cạnh tranh và xa rời nhau một cách nhanh chóng. Quan hệ Mỹ-Trung không còn được như vài năm trước, thậm chí không còn được như vài tháng trước”.

Mặc dù “Chiến tranh Lạnh mới” là luận điểm thường thấy ở Washington, nhưng nó lại ít được giới học giả và cố vấn Trung Quốc đưa ra.

Hãng tin Reuters hôm đầu tuần này đưa tin rằng, một văn bản bị rò rỉ của chính phủ Trung Quốc nói rằng làn sóng chống Trung Quốc trên toàn cầu đang đã chạm đến điểm tồi tệ nhất kể từ năm 1989.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới tỏ rõ sự tức giận sau khi xuất hiện những báo cáo cho rằng Trung Quốc che đậy nguồn gốc của virus corona chủng mới và yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế. Thêm vào đó, sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng trang thiết bị y tế càng khiến nhiều nước có thêm lý do để tách dần, đỡ bị phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.

Yu Wanli, Phó Giám đốc hãng phân tích Lian An Academy có trụ sở tại Bắc Kinh, đồng quan điểm rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong suốt nhiều thập kỷ.

“Trước đây tôi từng lạc quan về quan hệ Mỹ-Trung, nhưng gần đây đã hết. Trong quá khứ, bạn luôn có thể tìm thấy những tiếng nói ủng hộ Trung Quốc trong giới chính trị gia Mỹ, nhưng giờ thì không còn dưới thời chính quyền Trump” – ông Yu nói.

Ông Yu Wanli dẫn một cuộc khảo sát của Pew thực hiện với 1.000 người dân Mỹ, trong đó kết quả là 66% người trả lời có quan điểm không ủng hộ Trung Quốc.

Tân Hoa Xã tung đoạn tweet gọi dịch COVID-19 là
Tân Hoa Xã tung đoạn tweet gọi dịch COVID-19 là "Đại dịch Trump" (Ảnh: Twitter)

Chen Zhiwu, Giám đốc Viện Châu Á Toàn cầu thuộc ĐH Hong Kong (Trung Quốc), nói rằng tình hình quan hệ Mỹ-Trung hiện nay được xem là tồi tệ nhất trong vòng hơn 40 năm qua.

“Ngay cả thời điểm năm 1989, làn sóng chống Trung Quốc ở Mỹ cũng không tệ đến mức như vậy. Nó tồi tệ hơn nhiều và có gốc rễ sâu hơn” – ông Chen nói – “Trung Quốc có thể ngừng sử dụng các kênh ngoại giao và phát ngôn viên để tránh đưa ra thêm các luận điệu gây căng thẳng, bởi kiểu hành động này không hữu ích gì cả”.

Bầu không khí giữa hai nước thậm chí còn lạnh nhạt hơn so với thời điểm 2018-2019, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp hàng rào thuế quan với hàng hóa Trung Quốc để buộc nước này thay đổi cấu trúc nền kinh tế.

Trong suốt các vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung, các hãng truyền thông Trung Quóc đã tỏ ra rất thận trọng để tránh chỉ trích trực tiếp ông Trump, trong khi lãnh đạo Mỹ cũng tránh chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhưng sự thận trọng của giới truyền thông Trung Quốc đã biến mất từ vài tháng trước, khi Tân Hoa Xã gọi đại dịch COVID-19 đang diễn ra ở Mỹ là “Đại dịch Trump” trong một đoạn tweet đăng tải vào tháng 3, và sau đó là đe dọa bao vây Mỹ “trong vùng biển virus corona” bằng cách chặn xuất khẩu trang thiết bị y tế thiết yếu sang Mỹ.

Một cựu quan chức chính quyền Trump giấu tên đã nói rằng luận điệu mà Tân Hoa Xã đưa ra không khác gì “một lời đe dọa trực tiếp” nhằm vào giới chức Nhà Trắng.

Tổng thống Trump, về phần mình, ra sức chỉ trích Trung Quốc gây ra đại dịch COVID-19, nhưng vẫn tránh chỉ trích trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Clete Willems, cựu Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Trump, nói rằng việc chính quyền Trump đe dọa áp hàng rào thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, thậm chí hủy luôn thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”, là không thể coi nhẹ.

“Tôi nghĩ rằng người ta cần phải xem lời cảnh báo đó một cách nghiêm túc. Tôi không biết liệu nó có chắc chắn được thực thi không, nhưng tôi nghĩ rằng nó đang được cân nhắc” – ông Willem nói.

Vị cựu cố vấn thêm rằng đã xuất hiện “những lời lẽ thù địch ngày càng tăng”, nhưng xu hướng mới này “là sự gia tăng của xu hướng sẵn có, chứ không phải một xu hướng hoàn toàn mới”.

“Nhưng điều đó vẫn khiến tôi lo ngại – nó sẽ dẫn chúng ta đến đâu?” – ông Willem nói – “Chúng ta cần phải thực tế, rằng chúng ta đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh”.

Và trong bối cảnh kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, giới phân tích dự báo rằng xu hướng xấu đi trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ càng tăng.

“Tổng thống Trump trước đây từng xem thỏa thuận thương mại giai đoạn một như một tài sản thúc đẩy động lực tái tranh cử, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn hết” – Stephen Olson, cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ, nói.