Quả địa cầu “hô biến” các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam vẫn được bày bán tại các cửa hàng thiết bị học tập

VietTimes -- Quả địa cầu có phần lãnh thổ Việt Nam bị bóp méo, cắt xén đã được dừng bán online trên một website của Ukraine nhưng vẫn được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng thiết bị trường học tại nước này. Sản phẩm này có thể tạo nên những nhầm lẫn không nhỏ về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Quả địa cầu vẽ sai lệch bản đồ Việt Nam được bày bán ở cửa hàng số 26 đường Mayakovs'koho thành phố Kiev (Ukraine) (ảnh: Hồ Sỹ Trúc)

Vẫn bán rộng rãi tại các cửa hàng đồ dùng học tập

Vài ngày gần đây, thông tin về việc thị trường Ukraine có bán quả địa cầu "xén" mất phần Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang của Việt Nam đã khiến nhiều người sửng sốt. Hình ảnh quả địa cầu này bóp méo hình ảnh lãnh thổ Việt Nam nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người phát hiện ra rằng trên quả địa cầu này, một số tỉnh phía Đông Bắc của Việt Nam bị in cùng màu với màu bản đồ vùng lãnh thổ Trung Quốc. Cùng với đó, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền trên Biển Đông cũng không được hiển thị.

Báo chí trong nước đưa tin, quả địa cầu này xuất xứ từ Ukraine, được rao bán trên một trang web mua hàng trực tuyến của nước này. Công ty sản xuất và phân phối những quả địa cầu này có tên Globus Plus.

Trong phần giới thiệu về công ty, công ty này chuyên sản xuất, bán và phân phối sản phẩm văn phòng, thiết bị, đồ dùng và trang phục học sinh. Dưới từng sản phẩm đều ghi chú rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.

 Quả địa cầu của công ty Globus Plus trên web bán hàng trực tuyến trước khi sản phẩm bị gỡ bỏ. Thông tin bên dưới mỗi quả địa cầu này được ghi chú: Nước sản xuất: Ukraina. Loại bản đồ : Chính trị. Định dạng: Để bàn. Bề mặt: Nhẵn. Chất liệu: Nhựa. Ảnh chụp màn hình

Sau khi sự việc bị phanh phui, nhà phân phối quả địa cầu với bản đồ Việt Nam mất một số tỉnh phía Đông Bắc cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã gửi thư xin lỗi và gỡ sản phẩm khỏi trang bán hàng trực tuyến. Trao đổi với báo chí, người quản lý Globus Plus của Ukraine cho biết, công ty này không phải là nhà sản xuất và họ không biết về nguồn gốc xuất xứ của quả địa cầu bởi, họ chỉ mua lại từ bên cung cấp thứ ba. Cùng với đó công ty này đã gỡ sản phẩm ra khỏi trang web bán hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, sự việc không chỉ có vậy. Khảo sát thực địa của cộng tác viên VietTimes tại Kiev cho thấy quả địa cầu bóp méo phần lãnh thổ của Việt Nam vẫn đang được bán rộng rãi tại rất nhiều của hàng dụng cụ, thiết bị học tập. Như vậy là các giáo viên, học sinh ở Ukraine đang sử dụng quả địa cầu này để phục vụ học tập.

Anh Hồ Sỹ Trúc – Chủ tịch Hội đồng hương xứ Nghệ tại Kiev đã mua một quả địa cầu tại cửa hàng số 26, phố Mayakovs'koho, thành phố Kiev (Ukraine). Anh Trúc quan sát quả địa cầu và nhận thấy toàn bộ các tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Giang đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là ranh giới lãnh thổ của Trung Quốc. Quả địa cầu này hoàn toàn không hiển thị hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam đã khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.

Theo tìm hiểu của VietTimes, phần lãnh thổ của Việt Nam vẫn được thể hiện đúng trên các bản đồ, quả địa cầu sản xuất từ năm 2016 trở về trước. Theo thông tin in trên bao bì, sản phẩm quả địa cầu bóp méo phần lãnh thổ của Việt Nam này được sản xuất từ năm 2017, bởi công ty PP Marco Polo, có địa chỉ tại nhà số 1a, phố Lazarenko, thành phố Lvov. Điện thoại giao dịch (032) 2491607.

Trách nhiệm trước lịch sử

Nhiều ý kiến đặt vấn đề về trách nhiệm của nhà sản xuất và ảnh hưởng của quả địa cầu với bản đồ Việt Nam sai lệch này tới hàng vạn học sinh và người dùng Ukraine. Một số chuyên gia cho rằng nhà chức trách Việt Nam cần gửi kiến nghị chính thức đến Ukraine để họ ngừng tái bản, dừng phát hành và thậm chí tổ chức thu hồi các sản phẩm đã được phân phối nhằm bảo vệ tính trung thực của lịch sử Việt Nam, phản ánh chính xác về chủ quyền lãnh thổ.

Phản ứng trước việc quả địa cầu in sai hình ảnh lãnh thổ Việt Nam, ông Kim Quang Minh, Tổng biên tập kiêm Chủ tịch Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam, với tư cách là một Nhà xuất bản chuyên phát hành dụng cụ địa cầu và bản đồ chính thống, đã cho rằng quả cầu nêu trên khi phát hành tại Ukraine đã chứa đựng nhiều sai lệch về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, rất cần thiết được các cơ quan pháp luật nước sở tại tiến hành điều tra và xử lý.

  Hình ảnh bản đồ Việt Nam mất một số tỉnh phía Bắc, phía Nam, cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang dấy lên mối bức xúc trong dư luận.

Khẳng định “quả cầu địa lý là một loại bản đồ hành chính thế giới được bồi trên hình quả cầu nhằm giúp người sử dụng có những cảm nhận, so sánh, học tập, nghiên cứu trên tương quan địa lý một cách thuận lợi”, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam đặt vấn đề: “Không biết có bao nhiêu sản phẩm đã tới tay người tiêu dùng”.

Hẳn nhiên, là người Việt, từ lúc lọt lòng, ai cũng hiểu không chỉ Trường Sa, Hoàng Sa mà bất cứ điểm nào trên toàn bộ lãnh thổ hình chữ S đều là máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Những người dân Việt, đang sống trên lãnh thổ Việt Nam và cả ở nước ngoài sẽ không bao giờ chấp nhận sự “nhầm lẫn” nào có khả năng làm ảnh hưởng tới trung thực của lịch sử Việt Nam cũng như sự phản ánh không chính xác về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Thái độ này cũng đồng thời thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm với lịch sử, vốn là thứ không thể thay đổi, cũng như luật pháp quốc tế…

Mặc dù đã bị gỡ bán online, nhưng quả địa cầu vẫn được bày bán tại cửa hàng ở Ukraine (ảnh: Hồ Sỹ Trúc)

Còn nhớ, một sự việc tương tự vừa diễn ra vào đầu tháng 7/2018 vừa qua, làn sóng bức xúc dấy lên trong cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này xác định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc Trung Quốc. Ngay khi phát hiện Facebook "gắn" hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào phần lãnh thổ Trung Quốc trên bản đồ trong trình quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn chính thức đến Facebook, khẳng định việc Facebook sử dụng bản đồ sai lệch về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ban hành ngày 15/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Bộ đã yêu cầu Facebook khẩn trương xử lý, sửa lại ngay lỗi viết sai về Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ của Facebook, bảo đảm thể hiện đúng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.

Chiều 5/7, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam cho biết Facebook xin lỗi vì đã gây ra nhầm lẫn khi hiển thị sai lệch Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. Theo người đại diện này, sau khi nhận được phản hồi từ người dùng ở Việt Nam về một số điểm không chính xác trong bản đồ vị trí được sử dụng trong trình quản lý quảng cáo của Facebook, Facebook đã điều tra và phát hiện đây là lỗi kỹ thuật, đồng thời đã sửa lỗi và đang triển khai bản cập nhật trên toàn cầu.

VietTimes sẽ tiếp tục có những bài viết về vấn đề này gửi đến bạn đọc