Quả địa cầu in sai lệch về bản đồ Việt Nam đang được bán ở Ukraine
|
Ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ
Hiện dư luận xôn xao về việc quả địa cầu bóp méo, cắt xén phần lãnh thổ Việt Nam đang được bày bán tại các cửa hàng đồ dùng, dụng cụ học tập tại thủ đô Kiev của Ukraine. Là người có nhiều năm làm quản lý trong lĩnh vực in, xuất bản và phát hành, ông có bình luận gì về việc này?
- Đây là thông tin rất đáng quan tâm, bởi sự việc xảy ra trên quốc gia có quan hệ với Việt Nam, có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc. Những đứa trẻ người Việt ở Ukraine đi học, nhìn vào tấm bản đồ, thấy lãnh thổ Việt Nam khác với những điều hiện có. Đó còn là chuyện về lâu dài, chúng ta cần đặt nó trong bối cảnh của những năm tiếp theo.
Để đánh giá cụ thể việc này, tôi nghĩ phải xem xét nó ở bối cảnh nó xuất hiện. Đó là việc có thật đang diễn ra tại Ukraine. Quả địa cầu in sai lãnh thổ Việt Nam đã ngừng bán online nhưng vẫn tiếp tục bán ở các cửa hàng bán trực tiếp, các cửa hàng bán lẻ đồ dùng, thiết bị học tập. Như vậy là việc này vẫn chưa dừng lại, cho nên chúng ta cần phải lên tiếng.
Nếu chúng ta không có sự quan tâm thích đáng, không có tuyên bố rõ ràng, không đưa ra cảnh báo có giá trị pháp lý thì có thể 100 năm nữa người ta sẽ có chứng cớ để nói rằng ở Ukraine, việc phân định lãnh thổ của Việt Nam đã được thể hiện rõ, không chỉ cộng đồng quốc tế mà cả Việt Nam đều không phản ứng. Điều đó có thể ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nói như thế để thấy trách nhiệm của chúng ta rất lớn.
- Từ khi phát hiện quả địa cầu in sai lệch được bán trực tuyến trên một website thương mại điện tử tại Ukraine, có nhiều ý kiến cho rằng sự sai lệch này chỉ là lỗi kỹ thuật, là chuyện nhỏ và có thể bỏ qua được. Ông có chia sẻ với ý kiến này?
- Tôi nghĩ, đối với người Việt Nam, đây là vấn đề nghiêm túc, thậm chí là vấn đề thiêng liêng. Chúng ta không nên coi đó chỉ là sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thông thường. Một chiếc thước kẻ, vốn là dụng cụ học tập quen thuộc dành cho trẻ em, nhưng nếu được in trên đó một khẩu hiệu chống Việt Nam, thì chiếc thước kẻ ấy không còn là dụng cụ học tập đơn thuần nữa. Quả địa cầu cũng mang một ý nghĩa như thế. Nó không đơn thuần chỉ là bản vẽ để biết vị trí địa lý của các đất nước mà trước hết nó phải nói lên được tính chân xác về lãnh thổ các quốc gia. Họ phải tôn trọng thực tế về lãnh thổ của mỗi quốc gia ở thời điểm hiện tại, chứ không thể được phép tùy tiện cắn xén, tùy tiện thay đổi.
Chỉ cần một cửa khẩu quốc tế bị đẩy xa ra 4 - 5 mét cũng khiến cho các quốc gia liên quan tranh luận hàng thế kỉ. Trong khi đó, trên quả địa cầu - vốn là một loại văn tự, văn tự bằng hình ảnh - Việt Nam bị cắt mất cả khu vực Đông Bắc, tại sao chúng ta lại không coi đó là vấn đề cần phải lên tiếng?
Trên thực tế, lãnh thổ Việt Nam không thay đổi, nhưng trên bản đồ, họ đã xúc phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Đây là sự xúc phạm về quốc gia, chứ không phải chuyện nhỏ. Tôi nghĩ phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc, đúng mức, chúng ta cũng không nên mở rộng hay nói quá nó lên, nhưng cũng không nên coi thường hiện tượng này.
Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cả trên bình diện quan hệ quốc tế
Thực tế khảo sát của Cộng tác viên VietTimes tại Kiev cho thấy sau lời xin lỗi và cam kết dừng phát hành trên website thương mại điện tử, sản phẩm với lỗi tương tự vẫn được bày bán tại các cửa hàng, mà điều cần quan tâm đặc biệt, đó là các cửa hàng phục vụ học tập. Ông có nhận định gì về việc này?
- Tôi muốn lật lại vấn đề: Quả địa cầu này do đơn vị nào sản xuất. Nếu là đơn vị tư nhân, mà luật về xuất bản hay luật điều chỉnh về công tác xuất bản ở nước sở tại cho phép tư nhân được quyền công bố, thì sản phẩm này không có giá trị pháp lý quốc tế vì nó không phải là quan điểm của đất nước đó.
"Loại quả cầu không rõ xuất xứ nêu trên khi phát hành tại Ukraine đã chứa đựng nhiều sai lệch về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, rất cần thiết được các cơ quan pháp luật Việt Nam tiến hành điều tra và xử lý" ông Kim Quang Minh, |
Việc cần tìm hiểu rõ ở đây là ai làm việc này và làm với mục đích gì. Nếu chỉ phục vụ kinh doanh thuần túy thì người ta cứ in lại nguyên xi những mẫu đã có, nghĩa là không phải thiết kế lại, không phải thay đổi gì. Theo đó, đương nhiên, giá thành rẻ hơn, phù hợp với việc kinh doanh. Còn khi người ta bỏ tiền, bỏ chi phí ra để thay đổi thì họ phải được một cái gì đó. Đằng sau cái họ được đó là cái chúng ta mất!
Từ góc độ người sản xuất, không ai đi thay đổi điều đã được cả thế giới công nhận. Họ thay đổi để làm gì trong khi đã phải bỏ tiền ra, tăng thêm chi phí để làm lại, vẽ lại rồi còn bị mang tiếng, phải đối mặt với cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Bỏ tiền ra sẵn sàng đối đầu với dư luận, liệu họ là người không có mục đích gì chăng? Đó là chuyện chúng ta cần làm rõ để có những ứng xử phù hợp.
Đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý lĩnh vực in, xuất bản và phát hành, theo ông Việt Nam cần có hành động cụ thể gì và việc này cần được xử lý thế nào?
- Để có những hành động cụ thể, trước hết ta phải bắt đầu từ môi trường pháp lý. Theo tôi, cần tìm hiểu luật xuất bản của Ukraine, để biết việc sản xuất bản đồ, quả địa cầu như thế nào, ai là cơ quan cho phép; và để được cho phép thì nhà sản xuất phải thông qua ở những cấp nào, sản phẩm này có giá trị pháp lý đến đâu…
Tôi biết, hầu hết bản đồ của các nước đều do các cơ quan hữu trách nhà nước quản lý, xem xét, xét duyệt và tổ chức sản xuất. Ngay như ở Việt Nam, chỉ in ở các nhà in của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địạ lý Việt Nam, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cũng như các nước khác, chúng ta rất coi trọng việc này.
Nếu đây chỉ là sản phẩm của một công ty tư nhân thực hiện, mà chưa có sự kiểm soát đầy đủ của nhà nước sở tại thì sao, thưa ông?
- Còn nếu đó chỉ là do một cơ sở tư nhân làm, họ tự làm, tự chịu trách nhiệm, thì sản phẩm này phải được quản lý theo hướng mặt hàng tiêu dùng. Và chúng ta cũng cần lên tiếng với cơ quan quản lý, bởi đây là mặt hàng liên quan đến quan hệ quốc tế, liên quan tới quốc gia khác, liên quan tới biên giới, đến lãnh thổ của các nước. Tôi nghĩ luật về xuất bản hoặc luật pháp điều chỉnh về xuất bản của nước sở tại sẽ có những quy định cụ thể về việc này.
Giả sử quả địa cầu này không được xếp vào danh mục xuất bản phẩm của Ukraine, không được công nhận chính thức, thì chúng ta cũng cần lên tiếng, vì nó trái với sự thật quốc tế được công nhận và cần được ứng xử như một sản phẩm độc hại, trước hết ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Những sản phẩm ảnh hưởng không tốt tới cộng đồng xã hội, đến quan hệ quốc tế, sai lệch với sự thật, lịch sử và những thông lệ quốc tế thì quốc gia nào cũng xử lý theo luật, loại bỏ nó, ngăn chặn sự lan tỏa trong xã hội.
Cùng với đó, cơ quan hữu trách Việt Nam cũng nên làm cho nhân dân yên lòng, để nhân dân thấy các cơ quan nhà nước đang làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không chỉ trên bình diện thực địa mà ở cả trên bình diện quan hệ quốc tế. Tôi mong việc này được xử lý một cách ôn hòa nhất, nhẹ nhàng nhất, không gây nên những thái độ cực đoan, không chỉ trách ai cả, nhưng cần đạt mục đích là không làm phương hại hoặc có thể gây phương hại đến lợi ích quốc gia.
Tôi xin nhắc lại, người ta bỏ tiền ra, chi phí cao hơn, sẵn sàng đối đầu với dư luận, với sự phản đối từ Việt Nam, nhà sản xuất quả địa cầu này không phải là không có mục đích. Và mục đich này, người Việt Nam rất dễ nhận ra và trả lời được!
- Xin cảm ơn ông!