Vài ngày trở lại đây, làn sóng bức xúc dấy lên trong cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này xác định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc Trung Quốc.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng Facebook đang góp phần tạo ra những khái niệm sai lệch về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, họ yêu cầu Facebook tôn trọng sự thật lịch sử, luật pháp quốc tế như Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc... Đồng thời, cũng bày tỏ quan ngại nếu không ngăn chặn kịp thời, Facebook sẽ vô tình tiếp tay tuyên truyền các luận điệu sai trái về chủ quyền hai quần đảo này của Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình bản đồ của Facebook xác định cả Hoàng Sa, Trường Sa khi chọn vị trí "Trung Quốc".
|
Phản hồi chính thức với nhà chức trách và báo chí, Facebook khẳng định, đã nhận thức được vấn đề và đây là việc "dùng nhầm bản đồ này làm bản đồ cơ sở" đồng thời khẳng định việc này về bản chất chỉ là do kỹ thuật, không có ý đồ chính trị.
Đến chiều 2/7, nhiều người dùng mạng xã hội cho biết, Facebook đã chỉnh sửa, hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đã không còn thuộc Trung Quốc như sai sót trước đó.
Đây không phải lần đầu tiên một hãng công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia có sự "nhầm lẫn" về chủ quyền của Việt Nam. Cách đây hơn 4 năm (vào tháng 1/2013), cộng đồng mạng Việt Nam dữ dội chỉ trích ứng dụng di động WeChat (một sản phẩm của Tập đoàn Tencent - Trung Quốc) vì đã ngấm ngầm đưa “đường lưỡi bò” vào bản đồ được tích hợp và thể hiện không rõ ràng 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở phiên bản quốc tế. Sau đó, dù có “chuyền bóng trách nhiệm” sang dịch vụ bản đồ trực tuyến Google Maps mà ứng dụng này tích hợp, thì WeChat cũng đã phải rời khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, không chỉ có ứng dụng "made in China", 2 phần mềm tương tự khác là Line và WhatsApp liền sau đó cũng bị phát hiện đều sử dụng 2 bản đồ, gồm bản đồ hiển thị "đường lưỡi bò" cho bản tiếng Trung và bản đồ không có "đường lưỡi bò" ở bản quốc tế. Việc này đã làm dậy sóng cộng động mạng một thời, khi đứng trước câu hỏi: Người dùng đã tẩy chay ứng dụng WeChat thì có nên tẩy chay các ứng dụng như WhatsApp, Line vì cũng hiển thị "đường lưỡi bò" hay không? Và quả thực, cho đến nay, cả 2 phần mềm này đều "sống dặt dẹo" tại thị trường Việt Nam.
Liền trước đó nữa, vào năm 2012, mạng xã hội Trà đá quán (tên tiếng Việt của mạng xã hội Baidu Tieba - cũng có xuất xứ từ Trung Quốc), đã bị phản ứng khi không cho phép thiết lập các chủ đề liên quan đến chủ quyền Việt Nam.
Theo như quảng cáo ban đầu của Baidu, mạng xã hội này là một sân chơi mà ở đó người dùng có thể tự do chia sẻ quan điểm của mình.
Thông báo của Baidu Tieba tiếng Việt rằng box về Trường Sa bị khóa vì "vi phạm pháp luật" hoặc "có nội dung không phù hợp". Ảnh: VTC.
|
Tuy nhiên, vào tháng 7/2012. khi người dùng tạo các chủ đề về Trường Sa, Hoàng Sa thì mạng xã hội này lại đưa ra thông báo: “Xin lỗi! Box này đã bị khóa vì đã vi phạm quy định của pháp luật hoặc có nội dung không phù hợp”. Thế nhưng, người dùng lại có thể thoải mái tạo lập các chủ đề Tây Sa (tên Trung Quốc gọi Hoàng Sa) và Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa).
Liền sau sai lầm đầy ý đồ này, Baidu cũng đã "cuốn gói" khỏi thị trường Việt Nam.
Lâu nay, vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian gần đây là vô cùng cấp bách và quan trọng. Đã là người Việt, ai cũng hiểu Trường Sa, Hoàng Sa là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều bằng chứng cho thấy, Việt Nam có chủ quyền tại hai quần đảo này. Thậm chí, Việt Nam còn có rất nhiều bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy quốc gia này không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà hiện họ gọi là Tây Sa hay Nam Sa.
Số phận hẩm hiu tại Việt Nam của các ứng dụng từng "nhầm lẫn" về chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa là khẳng định rõ ràng nhất về thái độ của cộng đồng mạng, dù rất hào hứng khám phá các ứng dụng mới, sẵn sàng mở cửa đón trào lưu mới của thế giới nhưng đặc biệt không bao giờ chấp nhận đánh mất chủ quyền quốc gia.