Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 2/3, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định phân bổ 450 triệu euro dùng cho các loại vũ khí sát thương, trong đó bao gồm các hệ thống phòng không, vũ khí chống tăng, đạn dược, v.v., để hỗ trợ trang thiết bị quân sự cho quân đội Ukraine để đối phó với cuộc tấn công của quân đội Nga. Ngoài ra, 50 triệu euro cũng sẽ được EU phân bổ để cung cấp các vật tư không gây chết người như nhiên liệu, đồ bảo hộ, mũ bảo hiểm và túi sơ cứu.
Do điều ước của EU không cho phép sử dụng ngân sách thông thường cho các mục đích quân sự, nên EU đang tung ra một công cụ tài chính có tên là “European Peace Facility” (Cơ chế Hòa bình Châu Âu) cho phép khối này cung cấp viện trợ quân sự lên tới 5 tỷ euro. Đây là cách chưa từng có trước nay.
Điều này diễn ra sau một "sự thay đổi mô hình" trong chính sách quốc phòng của Đức, với việc họ ký kết một thỏa thuận cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Theo thỏa thuận, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger. Điều này có nghĩa là đảo ngược lệnh cấm cung cấp vũ khí sát thương của Đức cho các vùng chiến sự từ trước đến nay.
Binh sĩ Quân đội Ukraine bắn tên lửa chống tăng Javelin (Ảnh: AP). |
Đồng thời, Mỹ cũng đang đẩy mạnh vận chuyển và viện trợ quân sự thêm 350 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger, vũ khí hạng nhẹ và đạn dược. Điều này nâng tổng số viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong năm qua lên tới 1 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2014 đến nay, tổng số viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã vượt quá 2,5 tỷ USD.
Thử thách khó khăn của việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine
Mặc dù điều này thể hiện một sự thúc đẩy rất lớn đối với nỗ lực của Ukraine trong việc đẩy lùi quân Nga, nhưng những trở ngại về vận chuyển vật tư và những trở ngại tiềm ẩn đằng sau khiến EU lo ngại - đặc biệt là thời gian và vấn đề tuyến vận chuyển.
Một hệ thống phòng không Pantsir-S của quân Nga bị trúng tên lửa (Ảnh: ET). |
Cho đến hiện nay, viện trợ quân sự từ phương Tây được chuyển giao bằng đường bộ hoặc đường hàng không, tùy thuộc vào loại vũ khí. Tuy nhiên, không phận Ukraine hiện đã nằm dưới sự kiểm soát của các máy bay chiến đấu Nga; quân Nga rất có thể đã chặn được các vụ vận chuyển vũ khí "thông qua các cuộc không kích và tấn công tên lửa".
Ông Gustav Gressel, một chuyên gia về Đông Âu và chính sách quốc phòng tại Viện nghiên cứu quan hệ đối ngoại của Hội đồng châu Âu, cho biết: "Nếu quân đội Nga biết các tuyến đường vận chuyển (của vũ khí phương Tây), họ sẽ có thể phát hiện ra chính xác những vũ khí đã được giao như thế nào thông qua giám sát.”
Khả năng quân Nga đánh chặn các chuyến hàng vũ khí cũng khiến Ba Lan trở thành tâm điểm. Biên giới giữa Ba Lan và Ukraine dài 535 km, từ lâu, nay đã được sử dụng, đặc biệt là quân đội Mỹ đưa quân và vận chuyển thiết bị vào qua đường Ba Lan. Sau khi Hungary từ chối cho phép các loại vũ khí sát thương đi qua nước này, gánh nặng đối với Ba Lan lại càng nặng nề hơn.
Ba Lan có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí của các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle). |
Vai trò quan trọng của Ba Lan
Ông Ed Arnold, một nhà nghiên cứu về an ninh châu Âu tại Royal United Services Institute (Viện nghiên cứu quân chủng liên hợp Hoàng gia), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nói: “Hiện tại, về cơ bản tất cả các thiết bị quân sự đều được tập kết tại biên giới Ba Lan. Ngay cả khi các quốc gia khác cũng cố gắng, như Slovakia, cũng khó có thể trở thành một tuyến vận chuyển dễ dàng. Do có rất nhiều núi từ Slovakia đến Romania, nên môi trường địa lý cũng trở thành trở ngại”. Ông Arnold nói: “Điều đó cũng tức là, hiện nay có hai tuyến đường, một tuyến gần với biên giới Belarus và tuyến kia xa hơn một chút về phía nam”.
Marc Finaud, một chuyên gia về vấn đề phổ biến vũ khí tại Geneva Center for Security Policy (Trung tâm Chính sách An ninh Geneva), chỉ ra rằng tình hình trên thực địa Ukraine đang thay đổi rất nhanh. Ông nói: “Nếu các đoàn xe hoặc việc vận chuyển hàng (của phương Tây) bị chặn - cho dù họ đang ở trong một quốc gia thành viên NATO, hoặc họ đã vượt qua biên giới vào Ukraine, nếu các nước phương Tây bị Nga tấn công - thì điều đó rất có thể làm tình hình gia tăng căng thẳng.
Ông Ed Arnold nói thêm rằng rủi ro này khiến người Nga trong thời điểm hiện tại vẫn tạm thời án binh bất động, vì nếu làm như vậy sẽ là "nhắm vào nguồn cung cấp từ phương Tây". Nhưng ông cũng nói rằng ông ngạc nhiên khi người Nga không cắt đứt nguồn cung cấp, "bởi vì trên thực tế, nếu họ có thể kiểm soát được hai tuyến đường này sẽ rất hữu ích cho chiến lược của họ, Người Nga có thể chọn cách xuất phát từ phía Tây Nam Belarus và ngăn chặn tất cả các trang thiết bị này sắp tiến vào Ukraine.”
Phương Tây viện trợ nhiều vũ khí cho Ukraine nhưng gặp khó khăn trong việc vận chuyển (Ảnh: Deutsche Welle). |
Thời gian là chìa khóa đối với Ukraine
Một nhân tố quan trọng khác là thời gian. Thời gian tiếp viện cho các lực lượng Ukraine ở Kiev và Kharkov đang nhanh chóng cạn kiệt. Arnold cho biết, điều này đặc biệt khiến quân đội Ukraine đang phải chiến đấu trên mặt trận phía đông Ukraine đau đầu, "nếu họ không nhanh chóng di chuyển về phía tây sông Dnepr thì có nguy cơ bị cắt đứt khỏi tuyến tiếp viện từ phía sau. Là lực lượng tinh nhuệ nhất của Ukraine, “95th Air Assault Brigade” (Lữ đoàn đổ bộ đường không số 95) đang phải kịch chiến và họ nhất định rất cần được tiếp tế."
Vậy, có cách nào khác để đưa vũ khí của phương Tây tới mặt trận Ukraine?
Ông Arnold nói: “Có một khả năng khác là binh sĩ Ukraine hoặc các nước khác nhận vũ khí viện trợ ở Ba Lan sau đó mang chúng vượt qua biên giới, nhưng cách đó cũng không vận chuyển được nhiều vũ khí.”
Arnold cho biết trong giai đoạn hiện nay nguy cơ Ukraine cạn kiệt nguồn cung cấp đạn dược là rất quan trọng. "Quân đội Ukraine có một kho dự trữ vũ khí hạng nặng có đủ dùng trong 5 ngày. Một lựa chọn khác mà họ có thể là sử dụng vũ khí do quân Nga bỏ lại, điều này sẽ giúp họ duy trì hoạt động trong một thời gian, nhưng không thể quá lâu."