|
Loài sên biển có khả năng tự tái tạo cơ thể (Ảnh: New Atlas) |
Con người chúng ta luôn ghen tị với khả năng tái tạo lại chân tay, đuôi hoặc chi của một số nhóm động vật. Nhưng ngay cả như vậy, thông thường các bộ phận có thể mọc lại chỉ là một phần nhỏ của cơ thể, chẳng hạn như chân hoặc đuôi của chúng.
Không khó để nhận thấy giá trị của khả năng bỏ lại một phần cơ thể khi muốn nhanh chóng trốn tránh kẻ săn mồi, hoặc đơn giản là bỏ lại một chi bị thương và phát triển một chi mới. Giun, kỳ nhôm Mexico, sa giông, thằn lằn... từ lâu đã được biết đến với khả năng này. Gần đây, ngay cả những động vật lớn như cá sấu cũng có siêu năng lực tái sinh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện đã phát hiện ra một trong những ví dụ khác biệt nhất từ trước đến nay - sên biển - tự nguyện tách đầu mình ra và sau đó mọc lại toàn bộ cơ thể từ đó. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nữ sinh Nara, Nhật Bản trong một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, hai loại sên biển sacoglossan có thể rụng đầu xuống một cách ngẫu nhiên và sau đó tái tạo toàn bộ cơ thể của chúng một cách hoàn chỉnh, với một trái tim mới và các cơ quan quan trọng khác.
Khám phá tuyệt vời trên đã khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Họ giữ một số con sên trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu tập tính sinh học của chúng. Một ngày nọ, họ nhìn thấy một cảnh tượng kỳ lạ và phát hiện ra rằng một cái đầu quái dị đang tự bò xung quanh. Đây dường như là kết quả của quá trình tự cắt bỏ - quá trình loại bỏ một phần cơ thể theo lệnh - mặc dù thông thường phần bị loại bỏ sẽ khô héo và chết.
Sayaka Mitoh, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy cái đầu di chuyển ngay sau khi nó bị tách ra khỏi cơ thể. Chúng tôi đã nghĩ rằng nó sẽ sớm chết nếu không có tim và các cơ quan quan trọng khác, nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nó đã tái sinh lại toàn bộ cơ thể".
|
Cái đầu "kỳ quái" của sên biển sacoglossan, tự bò xung quanh ngay sau khi tách rời cơ thể (Ảnh: New Atlas) |
Nhóm nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu hành vi kỳ lạ này. Họ phát hiện ra rằng đầu và cơ thể di chuyển độc lập sau khi tách biệt. Vài ngày sau, do đầu tiếp tục ăn tảo nên vết thương trên đầu đã lành lại. Trong vòng một tuần, đầu tái tạo một trái tim mới, và mất khoảng ba tuần để phát triển một cơ thể hoàn toàn mới. Còn phần cơ thể không đầu của sên biển không mọc lại đầu mới, nhưng chúng vẫn di chuyển xung quanh và phản ứng với xúc giác trong vòng vài tháng.
Tuổi tác dường như là một yếu tố quyết định quá trình này sẽ diễn ra tốt như thế nào. Những con sên có tuổi đời nhỏ hơn có thể di chuyển và tiếp tục ăn khi rụng đầu xuống, điều này dường như là chìa khóa cho sự tồn tại của chúng. Còn đối với đầu của những con sên già thì sẽ khó di chuyển hơn, không thể ăn và sẽ chết trong vòng 10 ngày hoặc lâu hơn.
Vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp xung quanh khám phá này. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn làm thế nào những con sên tự tách đầu nó ra. Họ nghi ngờ rằng chúng có tế bào gốc hoặc thứ gì đó tương tự trong cổ của mình. Họ cũng không chắc được việc làm thế nào mà những cái đầu có thể tồn tại lâu đến vậy, nhưng có một giải thuyết hợp lý được đưa ra. Nó gắn liền với một khả năng độc đáo khác của loài sên - chúng thực sự có thể tự cung cấp năng lượng thông qua quá trình quang hợp như thực vật, bằng cách kết hợp lục lạp từ tảo được ăn vào. Nhóm nghiên cứu cho biết, điều này có thể giữ cho phần đầu tách rời tồn tại lâu để có thể phát triển một cơ thể mới.
Ngoài ra còn rất nhiều câu hỏi quan trọng chưa được giải đáp ví dụ như việc chúng làm điều này từ vị trí nào của đầu và những dấu hiệu nào cho thấy quá trình này sắp được diễn ra. Đây có thể xem là khả năng phục hồi cơ thể tới mức chưa từng thấy. Một số loài sứa có thể tái sinh sau khi bị thương, nhưng không tới mức có thể tái sinh toàn bộ cơ thể. Các nhà nghiên cứu cho rằng hành động này có thể là một cách để loại bỏ ký sinh trùng bên trong.
Theo NewAtlas