“Sau khi tôi rời căn phòng nằm ở phía đông Lầu Năm góc (29/2/1968) - M’c Namara viết - chiến tranh Việt Nam còn kéo dài gần 7 năm nữa. Khi người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam năm 1973, chúng ta đã mất tổng cộng hơn 58 nghìn người; nền kinh tế của chúng ta kiệt quệ bởi những năm tháng chi tiêu quá mức và bất hợp lí cho cuộc chiến; sự thống nhất về chính trị của xã hội cũng bị sói mòn nghiêm trọng và không phục hồi được trong nhiều thập kỉ.
Rõ ràng, các chính sách và chương trình của chúng ta ở Việt Nam đã biến chuyển theo những chiều hướng không thể dự tính trước được và không hề mong muốn, và rằng chi phí cho cuộc chiến đã vượt qua bất kì con số tưởng tượng nào. Chúng ta đã thất bại”.
M’c Namara viết rằng giai đoạn sau của nhiệm kì Bộ trưởng Quốc phòng, ông ta nằm trong số những người nhận thấy sai lầm và khó khăn của Mỹ khi dính líu vào Việt Nam. Chẳng hạn, trong việc tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, “Bộ óc” của nước Mỹ thừa nhận: “Không có một khối lượng bom nào – kể cả việc ném bom hủy diệt, một phương án mà không một người có tinh thần trách nhiệm nào có thể đưa ra – có thể làm giảm luồng chuyển quân và hàng tiếp viện (từ miền Bắc) vào miền Nam xuống thấp hơn nhu cầu tối thiểu để hỗ trợ cho các hoạt động của đối phương. Không một cuộc ném bom hủy diệt nào có thể làm nhụt chí Bắc Việt Nam và có thể giúp chúng ta giành chiến thắng.
Lí do, Bắc Việt Nam có hệ thống vận chuyển rất đa dạng và được khôi phục nhanh chóng, bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường mòn. Trên các tuyến đường đó, Bắc Việt Nam sử dụng các phương tiện vận tải như tàu hỏa, xe tải, xà lan, thuyền ba lá, khuân vác bằng sức người và xe đạp... Hệ thống vận chuyển này đòi hỏi kĩ thuật thấp, dễ bảo dưỡng, và có khả năng vận chuyển một khối lượng hàng nhiều hơn rất nhiều khối lượng hàng cần thiết để chi viện cho các hoạt động của họ ở Nam Việt Nam.
Thậm chí, hệ thống ống dẫn nhiên liệu từ Bắc vào Nam bất chấp những cuộc không kích dữ dội vẫn có khả năng cung cấp 200 tấn nhiên liệu một ngày. Như vậy, không kích Bắc Việt Nam là một giải pháp hoàn toàn mơ hồ, không những gây tổn hại về người cho nước Mỹ mà còn làm cho Hà Nội quyết tâm hơn trong việc đáp ứng các nhu cầu của chính mình và chi viện cho các hoạt động quân sự của họ ở miền Nam”.
Cũng theo lời M’c Namara, nhẽ ra Mỹ có thể và cần phải rút khỏi miền Nam Việt Nam hoặc vào cuối năm 1963 sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, hoặc vào cuối năm 1964 - đầu năm 1965 trước nguy cơ ngày càng yếu dần về chính trị và quân sự của chế độ Sài Gòn. Khi buộc phải rời Lầu Năm góc, ông ta dự báo rằng kết quả không thuận lợi của cuộc chiến ở Việt Nam có thể gây phương hại lớn đến uy tín về sức mạnh của nước Mỹ, hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và làm tổn hại lợi ích của Mỹ “ở mức không thể dự tính được”.
Lính Mỹ bị thương trên chiến trường Việt Nam
|
Nghiền ngẫm quả đắng mà thực ra chính ông ta góp phần mang lại cho nước Mỹ, M’c Namara chỉ ra 11 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam:
1. “Như một thói quen, chúng ta đã nhận định sai ý đồ địa chính trị địa duyên của đối phương (trong trường hợp này là Bắc Việt và Việt Cộng, được sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc). Chúng ta đã quá thổi phồng nguy cơ uy hiếp của Việt Nam đối với Mỹ.
2. “Chúng ta đã đánh giá các nhà lãnh đạo Việt Nam cộng hòa theo kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta đã coi họ là những người có khát vọng và quyết tâm đấu tranh vì tự do và dân chủ. Chúng ta đã hoàn toàn nhận định sai lệch về các lực lượng chính trị ở nông thôn (miền Nam Việt Nam).
3. “Chúng ta đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc trong việc động viên nhân dân của Bắc Việt Nam và Việt Cộng chiến đấu và hi sinh vì niềm tin và giá trị của họ; và ngày nay, chúng ta lại đang lặp lại sai lầm tương tự trong nhiều vùng khác nhau của thế giới.
4. “Chúng ta đã thể hiện sự ấu trĩ hết chỗ nói về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng chính trị của người dân Việt Nam, nhận thức không đúng về nhân cách và thói quen của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Các quan chức cấp cao (Mỹ) đã không có được lời khuyên bảo trong việc tạo dựng các nhận định và quyết định.
5. Cũng như một thói quen, chúng ta không nhận thức đầy đủ những hạn chế của các loại vũ khí trang bị công nghệ cao, những hạn chế của các học thuyết chính thống trong cuộc chiến chống lại phong trào quần chúng có kỉ luật và quyết tâm cao. Chúng ta cũng đã thất bại trong việc đưa ra một sách lược quân sự hợp lí để chiến thắng tinh thần nhiệt huyết và quyết tâm của những người có nền văn hóa hoàn toàn khác.
6. “Chúng ta đã không lôi kéo được Quốc hội và nhân dân Mỹ vào các cuộc tranh luận và trao đổi đầy đủ, thẳng thắn về cái được, cái mất của sự can thiệp quân sự quy mô lớn trước khi khởi sự hành động.
7. “Khi tiến hành chiến tranh, và khi những sự kiện không lường trước buộc chúng ta rời bỏ phương hướng đã định, thì chúng ta cũng không nhận được ủng hộ rộng rãi của người dân (Mỹ). Một phần vì chúng ta đã không thể giải thích đầy đủ chuyện gì đã xảy ra và tại sao phải hành động như vậy. Chúng ta đã không chuẩn bị cho người dân hiểu được tình huống phức tạp mà chúng ta gặp phải và phản ứng xây dựng trước yêu cầu phải thay đổi ở một vùng chưa biết đến và một môi trường xa lạ. Chúng ta đã không duy trì được sự thống nhất của toàn dân.
8. “Chúng ta đã không thừa nhận rằng cả nhân dân và các nhà lãnh đạo của chúng ta đã không thông suốt mọi sự. Ở đâu mà an ninh của chính chúng ta không trực tiếp bị đe dọa, thì những nhận định của chúng ta về lợi ích của những người khác, những quốc gia khác cần được đưa ra thảo luận công khai trên trường quốc tế. Chúa không ban cho chúng ta quyền tạo dựng các dân tộc khác theo cách nhìn của riêng mình hoặc theo cách mà chúng ta chọn.
9. “Chúng ta đã không kiên trì theo đuổi nguyên tắc là hành động quân sự (của Mỹ), nếu không phải để đối phó với những đe dọa trực tiếp đối với an ninh của chính nước Mỹ, nên được tiến hành với sự phối hợp của lực lượng quốc tế và sự ủng hộ hoàn toàn, thực sự của cộng đồng quốc tế.
10. “Chúng ta đã không thừa nhận rằng trong các công việc quốc tế, tương tự các khía cạnh của cuộc sống, có thể có những vấn đề không thể giải quyết trực tiếp được ngay. Trong nhiều thời kì, chúng ta có thể phải sống trong một thế giới không hoàn hảo và đầy biến động.
11. Các sai lầm nêu trên đã làm lộ thất bại của chúng ta trong việc có được một ê-kíp lãnh đạo có khả năng giải quyết một cách có hiệu quả hàng loạt các vấn đề chính trị và quân sự đặc biệt phức tạp, chứa đựng những rủi ro và chi phí lớn, trong đó cao nhất là tổn thất sinh mạng con người trong một hành động quân sự tiến hành một cách miễn cưỡng trong một thời gian dài. Chính vì thế, chúng ta đã chấp nhận phải hành động với mạo hiểm cao nhất, trong một thời gian dài và với sự căng thẳng cao trong việc động viên quân đội.
Mặc dù được trình bày một cáh riêng rẻ, tất cả những thất bại của chúng ta bằng cách này hay cách khác đều có liên quan với nhau; thất bại trong lĩnh vực này đã góp phần vào hoặc hòa trộn vào thất bại ở lĩnh vực khác. Mỗi thất bại đều trở thành một vòng xoáy trong một cái nút ghê sợ”.