Phần 3: Con đường dẫn đến sự kiện Vịnh Bắc Bộ
Nửa đêm 31/7/1964, một đoàn tàu chiến của Quân lực Việt Nam Cộng hòa rời cảng Đà Nẵng lao hết tốc lực về phía hai hòn đảo của miền Bắc Việt Nam cách bờ biển khoảng 60 dặm, ngang vĩ tuyến 19 ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ. Cùng lúc, từ một vị trí cách 100 dặm về phía đông nam, con tàu Maddox của Hải quân Mỹ cũng được lệnh hướng về phía Vịnh với chỉ thị bổ sung chỉ được phép neo cách bờ 8 dặm. Được trang bị các thiết bị trinh sát và nghe trộm, Maddox được xem là con mắt và đôi tai của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ đóng ở Honolulu.
03 giờ sáng, các tàu ngụy Sài Gòn bắn phá mãnh liệt lên hai đảo Hòn Mê và Hòn Miêu trong vài phút rồi rút chạy, tàu Maddox canh chừng phía ngoài nhưng làm ra vẻ như đang tiến hành các công việc thường ngày của nó.
36 giờ sau, ngày 2/8, một bức điện khẩn được truyền về Honolulu rồi ngay sau đó về Washington từ tàu Maddox: con tàu gián điệp kêu rằng nó đang bị 3 tàu phóng lôi của Bắc Việt “bủa vây và tấn công”.
Lúc ấy ở Washington đã gần nửa đêm. Mặc dù vậy, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân vẫn quyết định đánh thức Tổng thống Johnson dậy. Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao tức khắc tổ chức kíp trực đêm, còn Cố vấn An ninh quốc gia Buldy lập tức bắt tay vào soạn thảo văn kiện mà ít ngày sau Tổng thống Johnson sẽ công bố trước toàn thế giới và nhân dân Mỹ về “sự không nghi ngờ gì về cuộc tấn công của tàu chiến Bắc Việt gây ra lỗ thủng cho con tàu Maddox”.
Trong khi đó, Maddox báo cáo về là nó đã đẩy lùi và làm hư hỏng cả 3 tàu Bắc Việt. Tuy vậy, để đề phòng bất trắc, Johnson vẫn chỉ thị cho tàu khu trục Turner Joy và các tàu của hải quân Sài Gòn đến hỗ trợ cho tàu Maddox. Đến mờ sáng ngày 4/8, hai chiếc tàu Mỹ đã bình yên tiếp tục công việc thường nhật là trinh sát gián điệp và tuần tra cảnh giới.
Tàu khu trục Maddox của Mỹ.
|
Mọi chuyện tưởng chừng yên ổn thì đùng một cái, vào lúc nửa đêm ở Thái Bình Dương lệnh báo động lại được ban ra vì “tàu Bắc Việt lại đang tấn công”. Tại Washington, Hội đồng An ninh lại gấp rút nhóm họp và thông qua kế hoạch Pierce Arrow (“Mũi tên xuyên”) với nội dung là thực hiện đòn trả đũa Bắc Việt bằng một cuộc tiến công đường không vào các mục tiêu đã được lựa chọn sẵn. Vào lúc 3 giờ sáng ở tây bắc Thái Bình Dương, các nhân viên quân sự bắt đầu chuyển bom lên các máy bay đỗ trên tàu sân bay. Chiến dịch được ấn định vào lúc 10 giờ 30 ngày 5/8/1964.
Gần sáng, Honolulu báo cáo về là đang có bão, biển động mạnh và hai con tàu Mỹ “không chắc đã bị tiến công thực sự hoặc bị hư hỏng gì”. Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara sau khi báo cáo Tổng thống đã yêu cầu Honolulu kiểm tra lại thông tin này. Tuy nhiên, đây chỉ là động tác giả, vì trong khi tin phản hồi đang được giải mã thì ở Phòng Bầu dục, vào lúc 6 giờ sáng, Johnson đã triệu tập lãnh đạo Lưỡng viện Quốc hội và thông báo việc hai tàu chiến Mỹ bị tấn công. Việc “kiểm tra lại thông tin”, dù cho kết quả nào cũng không còn ý nghĩa; có vẻ như mọi việc đã được sắp đặt hết.
10 giờ sáng ngày 5/8/1964, Johnson được các cố vấn thân cận tháp tùng đến phòng quay truyền hình. Khi các camera truyền hình được bật lên thì đồng thời mệnh lệnh “Bắt đầu chiến dịch Pierce Arrow!” cũng được chuyển phát đến Honolulu. Và trong khi Johnson đang nói với người dân Mỹ: “...các hành động thù địch đối với tàu chiến Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ đã buộc tôi hôm nay phải ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Hoa Kì có hành động đáp trả”, thì các máy bay ném bom Mỹ đã đang trên đường ầm ầm bay tới bờ biển miền Bắc Việt Nam… Mỹ bắt đầu trực tiếp tham gia vào chiến tranh Việt Nam mà không hề có lời tuyên bố.
Hai ngày sau, 7/8/1964, “Nghị quyết về vịnh Bắc Bộ” được thông qua tại Hạ viện với tỉ lệ ủng hộ 416/0 và tại Thượng viện với số phiếu 88/2. Quốc hội Mỹ đã chính thức mở đường cho Johnson đưa nước Mỹ vào một cuộc trường chinh mà họ sẽ còn nhớ và ân hận đến muôn đời.
Nhiều năm sau, khi nói về việc Quốc hội Mỹ đã bị đánh lừa trong Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Buldy thừa nhận: “Việc cần phải có một nghị quyết của Quốc hội đã được nghĩ đến từ trước đó 3 tháng. Chúng tôi trong chính phủ đã có những cuộc thảo luận về vấn đề này từ hồi tháng 5. Cũng trong tháng 5, Tổng thống đã nhận được kế hoạch ném bom do Lầu Năm góc soạn thảo”.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Fullbright, một người theo phái ôn hòa, chỉ vài tháng sau Sự kiện 5/8/1964 đã nhận thức được là ông ta bị Tổng thống lừa.
Ngoại trưởng Dean Rusk, một trong những người ủng hộ nhiệt tình Johnson trong Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, khi làm chứng trước Thượng viện đã thừa nhận “chính quyền lúc bấy giờ chưa làm hết mọi điều có thể làm”. Ông ta cũng nhất trí với ý kiến cho rằng vào những ngày căng thẳng đó, các Thượng nghị sĩ Fullbright và Mainsfield (thuộc nhóm chống chiến tranh) đã “bị phản bội”.
Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk nói chuyện trong một cuộc họp báo
|
James Stordale, một phi công từng cất cánh từ tàu sân bay Ticonderoga để tham gia cuộc không kích ngày 5/8/1964, người từng ngồi tù 8 năm tại Hà Nội và nhờ đó được nhận Bắc đẩu Bội tinh, sau này tuyên bố rằng anh ta không hề nhìn thấy tàu hải quân Bắc Việt nào khi bay qua hai tàu khu trục Mỹ vào ngày 4/8, và anh ta tin rằng không có cuộc tấn công nào (của Bắc Việt) xảy ra.
Đó là sau này. Còn ngay tại phiên họp của Quốc hội Mỹ ngày 7/8/1964 nói trên, sau khi nghe điều trần của Ngoại trưởng Rusk, nghị sĩ Wayne Morse đã gay gắt nói: “... Tôi phản đối chủ trương hành động này. Theo phán xét của tôi thì đây là chủ trương hành động mang tính hiếu chiến của phía Hoa Kỳ. Tôi đã nghe hết báo cáo này đến báo cáo khác và không thấy lóe lên một chứng cớ gì chứng tỏ Bắc Việt Nam đã có hành động xâm lược bằng quân sự chống lại Nam Việt Nam. Tôi nghĩ, chúng ta đang lừa dối thế giới”... Thế nhưng người ta đã không muốn nghe ông này!
Đáng tiếc là chính quyền Johnson đã không nhận ngay ra điều tưởng chừng đơn giản đó, đến nỗi họ phải sa lầy trong một cuộc chiến dai dẳng tốn kém mà phải khó khăn lắm mới ra khỏi được, trong tư thế bị mất mặt. Đúng như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara – bộ óc điện tử của chính quyền Johnson thừa nhận, “Tổng thống Johnson và chúng tôi, những người phục vụ dưới quyền ông đã phạm phải sai lầm”.